Nếu tôi là chiếc lá…

Nếu tôi là chiếc lá…

Nếu tôi là chiếc lá…

Tuần Thánh, thời gian cao điểm của năm Phụng vụ Kitô giáo, bắt đầu với Lễ Lá. Đây là tuần lễ Mẹ của các tuần lễ trong năm phụng vụ. Nhân vật trung tâm của thời gian thánh này là Chúa Giêsu thương khó – tử nạn – Phục sinh. Chúng ta có thể hòa mình vào đám đông, như các môn đệ, các nhà chức trách đạo-đời, đội lính (bắt giam, hành hình, đóng đinh), hai tên trộm hay những người phụ nữ (trong đó có Mẹ Maria), để gặp gỡ, tâm sự và bước theo Thầy Chí Thánh, sát sườn hay xa xa, tùy tâm trạng và tâm cảnh của mỗi người trong hiện tại.

Riêng bản thân, trong Tuần Thánh năm nay, tôi chiêm nghiệm hành trình của chiếc lá mà mỗi Kitô hữu cầm nắm trong tay ngày Lễ Lá.

I. Trong lịch sử và đời thường

1. Được “tách biệt” để “hội tụ” trong Ngày lễ

Ở Sài Gòn, người ta thường đi chặt hay đặt lá cây dừa nước từ những vùng ven đô hay ngoại ô về nhà xứ, rồi cắt tỉa và thắt nên nhiều hình dạng hoa văn, trông thật dễ thương. Cái đẹp của những ngành lá này không chỉ ở hình thức đa dạng bên ngoài, mà còn là kết quả của một sự cộng tác làm việc chung của nhiều thành phần Dân Chúa để chuẩn bị cho ngày lễ.

Từ môi trường thiên nhiên, giữa đời, những cành lá này được đưa vào không gian của niềm tin là nhà xứ, nhà thờ. Thông thường, chúng ta cũng chào đời ở giữa đời, trong gia đình hay nhà thương, rồi mới được đưa đến nhà thờ - môi trường Đức Tin, để được đóng ấn tín của bí tích Thánh tẩy, trở nên Kitô hữu và chính thức được đón nhận như thành viên của đại gia đình Hội Thánh.

Chiếc lá được tách biệt để rồi hội tụ với nhau trong ngày đầu của Tuần Thánh, tung hô Chúa Giêsu Kitô như là Vua Tình yêu.   

2. Đong đưa giữa tiếng tung hô của đám đông

Những chiếc lá đã đong đưa, nhảy múa cùng với tiếng tung hô “Hosanna Con vua Đavít”, đầy phấn khích của dân chúng. Sự sôi động hay náo động của quần chúng tạo nên một bầu khí tập thể rất dễ tác động đến tâm lý của cá nhân.

Có lẽ ai trong chúng ta ít nhiều cũng từng trải nghiệm cái ảnh hưởng của đám đông trên cách suy tưởng và hành động của mình. Tôi tự hỏi liệu mình có dám nói, hành động và phản ứng khác với đám đông (đa số trong tập thể, dư luận, công luận do các phương tiện truyền thông, lý của kẻ mạnh, của người quyền thế…)? Phải chăng mình chỉ biết ca ngợi những gì mọi người đề cao và chỉ trích hay phê phán những gì xã hội hay đám đông chê bai, xem thường? Tôi có sợ dư luận không ủng hộ hay đánh giá thấp mình, khi cố gắng trung tín với Thầy Giêsu trong lời nói và việc làm không? Tiêu chuẩn tối cao để tôi phân định, đánh giá và quyết định có phải là Lời Chúa và chính Thiên Chúa không? “Hệ điều hành” cuộc sống tôi có phải là Phúc âm của Chúa Giêsu Kitô không hay vẫn còn là “cái tôi” của mình?

Ngày nay, ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian là một thách đố lớn đối với mọi người Kitô hữu, dù là giáo dân, linh mục hay tu sĩ! Tôi có dám ‘lội ngược dòng”, để theo Chúa Giêsu cho đến cùng không? 

3. Trải dài trên đất làm đường Chúa đi

Có những chiếc lá được trải xuống đất lót đường cho Vua Giêsu đi. Hình ảnh này khiến tôi nghĩ đến việc chấp nhận cho Chúa Giêsu và người ta giẫm đạp lên mình để đi vào thành thánh Giêrusalem. Giêrusalem là hình ảnh của thánh đô, vương quốc Nước Trời. Tôi có dám gác lại ý riêng, sở thích cá nhân của mình, để làm cho “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” và giúp cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh được phát triển chưa?

Thực ra, cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn là Đạo, là Con Đường, là nhịp cầu nối đất với Trời, nối kết con người với Thiên Chúa. Vì yêu thương, chính Người đã chấp nhận để cho con người giẫm đạp lên mình (ngộ nhận, căm hận, sỉ nhục, phản bội, hành hạ, đóng đinh,…) để có thể đưa họ đến cùng Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót.

Tôi có chà đạp anh chị em trong lời nói thiếu xây dựng hay thái độ kẻ cả, khinh rẻ các người tội lỗi, thiếu hiểu biết, văn hóa hay giáo dục không? Tình trạng đạo đức hay tâm linh của mình có khiến tôi xa cách anh chị em khiếm khuyết về luân thường đạo lý, mà lẽ ra tôi nên gần gũi để làm cho Lòng Chúa thương xót tuôn chảy đến tâm hồn và cuộc đời họ không?

II. Trong cử hành phụng vụ

4. Tiến lên cung thánh

Đó là một ngành lá giữa những cành lá khác, trong đoàn kiệu lá tiến lên cung thánh. Trong cuộc lữ hành Đức Tin tại thế trần này, trên đường tiến về quê hương đích thực của mình, tôi không đi một mình, nhưng tiến bước cùng những thành phần khác trong đại gia đình Hội Thánh, theo sự dẫn dắt của các mục tử.

Việc cử hành kiệu lá giúp tôi sống chiều kích cộng đoàn và lữ hành của niềm tin Kitô giáo. Đức Tin được trao ban cho tôi ngày lãnh bí tích Thánh tẩy. “Con xin gì cùng Hội Thánh? – Thưa, con xin Đức Tin” (Nghi thức Khai tâm Kitô giáo).  Đức Tin ấy được nuôi dưỡng, tăng trưởng, chăm sóc nhờ Lời Chúa và các bí tích giữa lòng Hội Thánh của Chúa Kitô. Nhờ Đức Tin mà tôi định hướng và tiến về Nước Trời.

5. Kề bên thánh giá Chúa Kitô  

Khi đi đến cung thánh, ngành lá của chủ tế thường được đặt gần thánh giá. Thập tự vốn là khúc gỗ, gánh nặng cuộc đời mà dù muốn hay không nó gắn liền với tôi, những cành lá làm cho thập giá không lẻ loi.

Thập giá gắn kết với cành lá gợi lên hình ảnh Cây sự sống trong Vườn địa đàng mới. Trong Vườn địa đàng mới này, mọi người đều được phép và được mời hưởng dùng hoa quả của Cây Sự sống là Thánh giá Chúa Kitô, niềm vinh dự, sức sống và phục sinh của chúng ta.

Hơn nữa, nếu trong nỗi đau của kiếp người, trên thập tự cuộc đời mình có Đấng Cứu thế, nó trở thành thánh giá, nhịp cầu kết nối khổ lụy trần ai với niềm vui thiên quốc. Như thế, khi thập giá của Đức Kitô ngất cao ở nơi đâu, thì nơi ấy sáng lên niềm hy vọng giải thoát và phục sinh, vì sự điên rồ của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh thập giá đối với loài người, lại chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa biểu lộ nơi Người Con chí ái  

6. Trở về với bụi tro

Gần đến lễ Tro, người ta lấy lá của ngày lễ năm trước đốt thành tro để dùng  xức trên đầu các Kitô hữu trong thứ Tư Lễ Tro, ngày bắt đầu một Mùa Chay mới.

Sự kiện này nhắc nhở tôi ý thức rằng: có làm gì và ở đâu đi nữa, trước sau gì con người cũng trở về với bụi tro. Thực tế cho thấy hình thức hỏa táng ngày càng được thực hành nhiều cũng giúp tôi cảm nhận thường xuyên hơn thân phận bụi đất của mình.

Vẫn biết rằng, ngoại trừ tình yêu là bất tử, mọi thứ trên cõi thế trần này đều vô thường, phù vân; thế mà không ít lần tôi đã nghĩ và hành xử như thể mọi sự đều vĩnh hằng và bất biến!

7. Bước vào cuộc sống mới

Cây lá được tăng trưởng và phát triển nhờ đất, nước và ánh sáng; rồi sau hành trình phục vụ trong phụng vụ, lại trở về thành bụi tro, để rồi tiếp tục đi vào cuộc đời người Kitô hữu trong ngày thứ Tư Lễ Tro.

Nhìn lại hành trình của chiếc lá, mong sao mình vui bước theo Vua Giêsu vào thành thánh và  nguyện ước trung thành ở bên chân thánh giá của Thầy Chí Thánh, để không ngừng cao rao Tình Thương phổ độ chúng sinh và khi chặng đường tại thế khép lại, thì như “lá rụng về cội”, được hân hoan đi vào cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nếu tôi là chiếc lá, lá mãi vẫn xanh, không bao giờ héo khô, vì khởi điểm và cội nguồn của con người là Thiên Chúa, một Thiên Chúa của kẻ sống, Thiên Chúa Hằng Sống.

Trong phận người mong manh và phải chết của chúng ta, dù ở trong hoàn cảnh nào – thuận cũng như nghịch -, Kitô hữu vẫn có khả năng sống trong niềm vui và hy vọng, vì sức sống của Đức Kitô Phục sinh luôn được ban tặng cho chúng ta và đang tiềm ẩn trong cuộc đời mỗi người.

Vì thế, chúng ta cùng cất tiếng tung hô Thiên Chúa: Hosanna! Alleluia!

Top