Kỷ niệm - Một cuộc đời

Kỷ niệm - Một cuộc đời

Kỷ niệm - Một cuộc đời

Chắc ai cũng có ít nhất một kỷ niệm không thể quên. Tôi thì… trí nhớ có hạn, nên hình như không có kỷ niệm nào là “không thể quên”, chỉ có những kỷ niệm mà tôi không- muốn- quên.

Trưa thứ ba ngày 4.10.2011, đang trong mùa mưa mà trời vẫn nóng như đổ lửa, con đường từ chợ Vườn Chuối lên Mái ấm Phan Sinh thật đáng gọi là một sự thử thách sức chịu đựng. Lòng nhiệt thành cũng không thể nóng hơn mặt trời trên đầu. Nhưng tất cả chỉ cho thấy một điều: bao nhiêu công khó bỏ ra vẫn là không xứng với phần quà tôi sắp được nhận. Ấy tức là nói về một điều vượt quá Luật Công Bằng của Chúa - mà tôi được tặng, chứ không phải được thưởng.

Mái ấm Phan Sinh nhỏ, sạch sẽ và đủ ánh sáng. Trên các vách tường treo rải rác những bức tranh sơn dầu nhiều chủ đề. Với một người sẵn tính mê ngắm tranh như tôi thì quả thật đây là một gặt hái bất ngờ. Lướt qua hết các bức tranh, âm thầm trầm trồ một hồi, tôi quyết “truy” cho ra tác giả. Anh- tác giả- bằng tuổi ba tôi, nhưng với mái tóc đen và đôi mắt sáng, tôi thật không nhận ra dấu ấn thời gian trên anh. Anh rất gầy, đôi chân bất toại, có lẽ cũng vì vậy mà anh phải ngồi “chịu trận” tôi hàng giờ liền, để tôi phỏng vấn cho thoả lòng hâm mộ.

Chúng tôi nói đủ thứ chuyện cho đến khi trời nhạt nắng. Mọi người ra ra vào vào chuẩn bị thức ăn, giao lưu rôm rả, tôi… vẫn không tha cho anh. Nói, nói và nói. Kinh Hoà Bình của Thánh Phan Sinh len vào cuộc nói chuyện của chúng tôi từ bao giờ, nhẹ như ánh nắng cuối ngày ngoài kia, êm đềm như khoảng không đang lắng đọng và sống động như dòng nhạc đời anh rót vào tai tôi…

Tôi nhớ câu chuyện về những bài thuốc cổ truyền, về sự dung hoà tính hàn- nhiệt trong văn hoá ẩm thực, về một bức hoạ phải có cả “màu” lẫn “sắc”… và về câu hỏi của anh: “Tại sao trong khung tranh nhỏ bé kia, không gian lại bao la như vậy?” Ngay lúc đó, tôi ngoái lại nhìn theo hướng tay anh, và hình ảnh bốn đoạn nẹp gỗ đóng khung Thánh Phan Sinh với cánh rừng trải dài vô tận sau lưng ông đã đi vào tâm trí tôi đến tận bây giờ.

Đằng sau mỗi bức tranh, tôi thấy một người đàn ông đang đi đến cuối chân trời trên đôi chân tinh thần của mình, thấy một cuộc đời đã không còn “màu” nhưng “sắc” thì vẫn rực rỡ. Rồi mỗi khi muốn buông thõng hai tay, thở dài trước trắc trở, tôi sẽ lại nghe câu nói của anh: “Vẫn còn nhiều chuyện anh muốn làm, nhưng đáng tiếc tuổi xuân kết thúc quá sớm!”.

Từ ngày gặp đó đến nay, đã hơn một lần tôi nhìn xuống đôi chân mình - đôi chân mà rất nhiều lần tôi “bất động” trên Đường Vĩnh Cửu, và đôi tay này, đã bao lần tôi trét những mảng màu nhạt nhẽo vào bức tranh cuộc đời mình.

"Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…"

Kỷ niệm này tôi không muốn quên. Tôi buộc phải nhớ cho mỗi bước đi mà tôi kế thừa từ một đôi chân của người khác. Tôi buộc phải nhắc đôi tay mình vạch nên những mảng sắc cho cuộc đời.

Xin cảm ơn Anh!

Nguồn: 

 gxvuonchuoi.net

Top