Nền ngoại giao của Tòa Thánh trước những căng thẳng hiện nay trên thế giới

Nền ngoại giao của Tòa Thánh trước những căng thẳng hiện nay trên thế giới

WHĐ (31.01.2013) – Frédéric Mounier, cây bút xã luận của báo La-Croix (Pháp), ngày 28-01 vừa qua đã viết bài “Sur le terrain, les tensions mettent au défi la diplomatie vaticane” (tạm dịch: Những căng thẳng hiện đang đặt thách thức cho chính sách ngoại giao của Vatican).

Bài viết trình bày nhận định và suy nghĩ của tác giả, một nhà báo bám sát các hoạt động đối ngoại của Tòa Thánh, về sự linh hoạt trong việc thực thi những nguyên tắc ngoại giao nhất quán của Vatican trước những xung đột chính trị, ngoại giao, và cả quân sự tại nhiều nơi hiện nay trên thế giới.

Sau đây là toàn văn bài viết.

* * *

Tòa Thánh đã từng nêu rõ quan điểm của mình về ngoại giao: mọi lúc, mọi nơi đều ủng hộ những sáng kiến nhằm thực hiện việc đối thoại, hòa giải, tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, nhân quyền (quyền chủ yếu nhất là tự do tôn giáo) và dân chủ.

Tất nhiên, từ nguyên tắc đến thực hiện, là cả một bước dài, không phải lúc nào cũng thực hiện được.

Trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm –như những liên hệ với Bắc Kinh (hoặc với Hà Nội)– thì cuộc đối thoại với Hồi giáo, những sáng kiến hòa bình cho vùng Trung Đông đều gặp những phản ứng trong thực tế.

Tại sao lại chìa tay cho nhà cầm quyền Trung quốc hoặc Việt Nam trong khi các tín hữu vẫn còn bị kiểm soát gắt gao? Tại sao, ở Vienne, lại cùng Ả rập Saudi thành lập trung tâm đối thoại liên tôn, trong khi Hoàng gia Wahabi coi lãnh thổ của mình như một đền thờ và tuyệt đối không cho bất kỳ tôn giáo nào khác được thực thi tín ngưỡng? Tại sao lại kêu gọi hòa giải tại Syria, trong khi việc hòa giải chỉ còn là một ảo tưởng và không gì bảo đảm các Kitô hữu được tôn trọng trong một nước Syria mới?

Những căng thẳng này xuất hiện nhiều nơi, về nhiều vấn đề.

Mới đây, tôi (Frédéric Mounier) được nghe hai quan chức cao cấp tại Giáo triều Rôma, không nêu danh tánh, phát biểu triệt để chống lại khả năng về một cuộc đối thoại với Hồi giáo. Một vị bảo đừng có tin, vị kia nói phải đề phòng tham vọng bá quyền Hồi giáo.

Đối với tôi (Frédéric Mounier), sự căng thẳng này luôn gắn với một tổ chức mang tính toàn cầu, có trách nhiệm đối với hơn một tỉ tín hữu trên một hành tinh đang bị giằng xé bởi những căng thẳng và những phát triển chưa từng thấy.

Mang Tin Mừng cao cả, Giáo hội thấy mình phải đưa ra lời minh định rõ rệt nhất về những nguyên tắc tối cao, nhất là khi Giáo hội, trong thực tế, bị đưa vào những cám dỗ của đám ma quỷ lâu đời: cuộc thập tự chinh, sự va chạm của các nền văn minh, thói ăn miếng trả miếng…

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top