“Nên một” trong tình yêu Hôn nhân

“Nên một” trong tình yêu Hôn nhân

“Nên một” trong tình yêu Hôn nhân

TGPSG - Chiều ngày 4-1-2023, anh chị em Mục vụ Truyền Thông TGP. Sài Gòn (MVTT-TGP) được tham dự lễ thành hôn của anh Micae Nguyễn Trung Thiên, thành viên MVTT và chị Anna Nguyễn Thị Ngọc Huệ, tại xã Tân Hòa, Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Thánh lễ Hôn phối diễn ra ở nhà thờ giáo họ Tân Hòa, thuộc giáo xứ Tân Lợi, giáo phận Ban Mê Thuột.

Thật vậy, anh chị em MVTT, cùng với gia đình, bạn bè của anh Micae Trung Thiên chúc mừng cho tình yêu anh chị trong giao ước hôn nhân. Chúng tôi đến để thể hiện tình bạn thân thiết của anh chị em MVTT, nhưng đồng thời cũng có những trải nghiệm thật thú vị ở một vùng đất xa, cảm nghiệm về đức tin, giá trị của đời sống hôn nhân và gia đình.

Thật tuyệt vời, dù là lễ ngày thường nhưng nhà thờ rất đông người tham dự. Chúng tôi càng vui hơn khi có những khuôn mặt rất trẻ, các bạn trẻ, nghe đâu là những anh chị Giáo Lý Viên cùng với các em thiếu nhi tham dự thánh lễ sốt sắng, cầu nguyện cho đôi hôn phối. Hơn nữa, ngay trong Mùa Giáng sinh, chúng ta đang chiêm ngắm hang đá máng cỏ. Nơi nào có nhà người Công Giáo ở, các ngôi thánh đường, dù nhỏ bé, hay vùng xa xôi như ở nhà thờ buôn Đôn này, cũng có một hang đá rất đơn sơ, nhỏ bé, có lẽ rất gần với khung cảnh đêm Giáng sinh đầu tiên Chúa Giêsu làm người.

Mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, Đấng uy quyền cao cả vô cùng đã xuống trần gian ở với con người. Qua đó, chúng ta hiểu được ý nghĩa đích thực của tình yêu trong hôn nhân Kitô giáo, hai người kết ước với nhau, vượt qua mọi khoảng cách, mọi khác biệt, đến với nhau, để nên một, thấy cần có nhau trong đời và hơn nữa, cả hai người không còn lo cho mình, nhưng sống cho người mình yêu, quên bản thân, để chăm lo cho người chồng, người vợ và các con của mình.

Ước mong, hạnh phúc trong ngày chúng ta khởi đầu cuộc sống chung sẽ mãi mãi đi với nhau cả đời, để luôn có nhau như lời thề hứa “giữ lòng chung thủy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng… mọi ngày suốt đời.”

Phải! “Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe”. Vì cuộc đời đâu có lúc nào cũng thành công, thuận lợi, xuôi chèo mát mái, người ta còn cảm thấy tháng ngày đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Và có những khó khăn do cuộc sống chung của gia đình mới, những “va chạm” khi về chung một nhà, khác nhau từ tính tình, sở thích, quan điểm sống, cả những tật xấu, những yếu kém, những “lôi thôi” của nhau bắt đầu thấy xuất hiện sau ngày lễ cưới.

Hôm nay, chúng ta được nghe vị linh mục chủ sự chia sẻ từ bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói với các đồ đệ thân tính “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Lời của Chúa Giêsu trước khi ra đi chịu chết, lời chan chứa yêu thương. Đó là giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Chúa đã sống trọn vẹn cho hai chữ “tình yêu”. Ở lại trong tình thương của Chúa là đến với Ngài, cần ơn Chúa nâng đỡ trợ giúp, để chúng ta học yêu như Chúa Giêsu yêu Hội Thánh tha thiết, yêu đến quên mình, yêu thì chịu thiệt thòi, yêu đến chết trên thập tự giá.

Chúa đã sống và chấp nhận chết như Ngài đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15-13). Có tình yêu thì không cảm thấy “khó quá bỏ qua”. Tình yêu chịu hy sinh, đau khổ, thử thách, tình yêu càng được lớn mạnh. Cứ yêu như mẫu gương Chúa Giêsu yêu, thì gia đình chúng ta tràn ngập tiếng cười của bình an và hạnh phúc.

Thánh Augustinô đã có kinh nghiệm về vấn đề này, ngài đưa ra một nguyên tắc bất hủ: “Ubi amatur, non laboratur. Si laboratur labor amatur” nghĩa là ở đâu có yêu thương ở đấy chẳng còn lao nhọc, mà giả có lao nhọc, thì lao nhọc cũng biến thành yêu thương.

Trong ngày anh chị ký kết giao ước “nên một” của bí tích tình yêu. Chúng ta cầu nguyện cho anh chị và gia đình hai bên luôn tràn ngập hạnh phúc. Và mỗi lần tham dự thánh lễ hôn phối, không phải chỉ chia sẻ cầu chúc cho đôi tân hôn, nhưng chúng ta lại được nhắc nhở. Mỗi người Công giáo đã lập gia đình, nên nhớ, yêu thương chồng vợ của mình như Chúa Giêsu. Trong từng lời ăn tiếng nói, cách hành xử của mình trong gia đình, đừng bao giờ làm tổn thương người mình yêu, nhưng phải biết cùng nhau vượt qua mọi sóng gió trong đời sống chung.

Đức Thánh cha Phanxicô có 3 từ khóa rất cụ thể cho đời sống của mỗi người trong gia đình, qua bài giáo lý được ban hành ngày 13.5.2015 như sau:

“Bài giáo lý hôm nay như cánh cửa mở ra cho một loạt những suy tư về đời sống gia đình, đời sống thật sự của gia đình, với những thời điểm và những biến cố của nó. Ở cánh cửa này có viết ba lời, mà tôi đã sử dụng nhiều lần. Và những lời này là: “xin phép”, “cảm ơn” và “xin lỗi”. Thực ra, những lời này mở ra một con đường để sống hạnh phúc và an hòa trong gia đình. Những lời này rất đơn sơ, nhưng không dễ thực hành! Chúng hàm chứa một sức mạnh phi thường: sức mạnh để bảo vệ gia đạo, ngay cả trước hàng ngàn khó khăn và thử thách; ngược lại, việc thiếu chúng sẽ từ từ sẽ gây ra các rạn nứt, thậm chí có thể làm đổ vỡ gia đình”.

Mến chúc anh chị yêu thương nhau suốt đời và tất cả chúng ta đang sống trong đời hôn nhân gia đình luôn ghi nhớ lời khuyên của vị cha chung để gìn giữ hạnh phúc ấm êm cho gia đình mình.

Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)

Top