Một nhà thần học được Đức Bênêđictô XVI đánh giá cao

Một nhà thần học được Đức Bênêđictô XVI đánh giá cao

Đức Thánh cha bổ nhiệm Đức Giám mục 54 tuổi Luis Antonio Tagle, một nhà truyền thông có tiếng, nhà thần học được tôn trọng, nhà truyền giáo nhiệt thành và là một người nhạy cảm với nhu cầu của người nghèo, làm tân Tổng Giám mục của Manila. Ngài còn dự định tôn phong Hồng y cho Đức tân Tổng Giám mục có thể tại mật hội Hồng y sắp tới.

Đức cha Tagle hiện đang được mọi người trên cả nước chú ý đến trong vai trò chủ chăn của giáo phận chính trong quốc gia có đông người Công giáo nhất ở châu Á. Ngài sẽ cai quản một giáo phận có 3,2 triệu dân trong đó có 2,8 triệu người Công giáo, giữa lúc thế tục hóa cũng đang phổ biến ở Philippines và gây nhiều thử thách cho đức tin cũng như trong lĩnh vực lập pháp, đời sống gia đình, hạn chế sinh đẻ, hôn nhân và các vấn đề khác.

Nhiều người mong ngài, như hai vị tiền nhiệm là Đức Hồng y Gaudencio Rosales và Đức Hồng y Jaime Sin, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong Giáo hội mà còn trong đời sống quốc gia, đặc biệt là đẩy mạnh công lý trong đất nước có 92 triệu dân này, trong đó có rất nhiều người bị buộc phải di cư tìm việc làm để hỗ trợ kinh tế cho gia đình.

Ngài là người trực tiếp thừa kế và theo nhiều người, là con cưng của Đức Hồng y 79 tuổi rất được kính trọng Gaudencio Rosales, một con người đạo đức cai quản tổng giáo phận từ năm 2003 và chú ý rất nhiều đến hoàn cảnh của người nghèo, trong khi lên án tham nhũng và quản lý tồi ở cấp quốc gia và địa phương.

Tòa Thánh công bố tin bổ nhiệm Đức cha Tagle lúc 18h theo giờ Manila (giữa trưa theo giờ Rôma) hôm 13-10, xác nhận điều được nhiều người mong đợi ở Philippines trong vài tháng qua. Đức Thánh Cha cũng đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng y Rosales, ngài đệ đơn từ chức lần đầu vào năm 2007 khi đến tuổi hưu.

Đức Tổng Giám mục Tagle còn trẻ và năng động, ngài sinh tại Manila, học tại chủng viện San Jose ở thành phố Quezon, và tốt nghiệp đại học Ateneo di Manila. Ngài chịu chức linh mục cho tổng giáo phận Manila năm 1982, sau khi làm việc một thời gian tại giáo xứ và chủng viện – trong đó có một chủng viện ngài làm giám đốc, ngài đi học thêm tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, Washington D.C. (1987-1991). Ngài lấy bằng tiến sĩ thần học tại đây và sau đó đi học tiếp ở Ý.

Ngài là thành viên Ủy ban Thần học Quốc tế (1997-2002), và tham dự Thượng Hội đồng Giám mục châu Á năm 1998 với tư cách là chuyên gia. Sau khi phục vụ tại các giáo xứ và dạy thần học tại bốn chủng viện, ngài được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục của Imus, một giáo phận có 2,6 triệu người Công giáo, năm 2001. Ngài là một trong các đại diện Philippines tham dự Thượng Hội đồng Giám mục năm 2005 và 2008, và hiện là chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin của Hội đồng Giám mục Philippines.

Đức Tổng Giám mục tính tình hoạt bát và dễ gần gũi này được nhiều người biết đến với biệt danh “Chito”, một nhà truyền thông có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình. Ngài phụ trách một chương trình truyền hình dài một giờ vào Chúa nhật trong nhiều năm, “The Word Exposed with Bishop Chito Tagle”. Trong chương trình này, ngài chia sẻ kiến thức về các đoạn Kinh Thánh được đọc trong giờ lễ và trả lời câu hỏi của người xem về Kinh Thánh và đức tin.

Ngài là thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) được vỗ tay khen ngợi nồng nhiệt khi nói chuyện với Thượng Hội đồng Giám mục tháng 10-2008 về Lời Chúa, và nhắc các tham dự viên nhớ rằng Kinh Thánh cho biết Thiên Chúa không chỉ nói mà còn lắng nghe. “Ngài đặc biệt lắng nghe người công chính, quả phụ, mồ côi, người bị ngược đãi và người nghèo vốn là những người không có tiếng nói” – Đức cha Tagle nói. Ngài nói thêm: “Giáo hội phải lắng nghe như cách Thiên Chúa lắng nghe, và thay những người thấp cổ bé họng lên tiếng nói”.

Khi tôi phỏng vấn ngài sau đó, ngài giải thích rõ thêm những điều ngài đã nói thế này: “Tôi muốn bằng cách nào đó nhắc nhở cộng đoàn rằng chúng ta không chỉ lắng nghe Lời Chúa để có thể lên tiếng nói cho Lời Chúa mà còn phải biết lắng nghe theo cách Chúa lắng nghe. Chúa lắng nghe người công chính, người không có tiếng nói”. Ngài gọi cách lắng nghe như thế là “thái độ thần thiêng, Giáo hội không nên lãng quên, không nên đánh mất”.

Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của thái độ lắng nghe như thế đặc biệt là ở châu Á ngày nay “nơi Giáo hội là một thiểu số rất nhỏ” và “cũng thường không có tiếng nói”.

“Chúng ta có thể lắng nghe những điều đang được những người thấp cổ bé họng nói không? Trước hết và quan trọng hơn hết là nơi các Kitô hữu, nhưng cũng là nơi châu lục rộng lớn này, nơi chúng ta được Công đồng Vatican II cho biết có sự hiện diện của chân lý, cũng như bên ngoài ranh giới hữu hình của Giáo hội Công giáo. Chúng ta có thể lắng nghe được không?” ngài hỏi.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top