Mỗi người Kitô hữu phải là một môn đệ truyền giáo đích thực
“Mỗi người Kitô hữu phải là một môn đệ truyền giáo đích thực”
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51
WHĐ (01.02.2016) – Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51 diễn ra tại Cebu, Philippines từ ngày 24 đến 31-01-2016 đã bế mạc với Thánh lễ trọng thể do Đức hồng y Charles Maung Bo, S.D.B., Tổng giám mục Yangoon, Myanmar, Đặc sứ của Đức Thánh Cha, chủ sự.
Cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến mọi người tham dự Đại hội một sứ điệp video như sau:
***
Anh chị em thân mến,
Tôi xin chào tất cả anh chị em đang quy tụ ở Cebu tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 51. Tôi cám ơn Đức hồng y Bo đã đại diện cho tôi đến với anh chị em, và tôi đặc biệt chào Đức hồng y Vidal, Đức Tổng giám mục Palma cùng với các giám mục, linh mục và giáo dân ở Cebu. Tôi cũng chào Đức hồng y Tagle và mọi người Công giáo Philippines. Tôi hết sức vui mừng vì Đại hội lần này đã quy tụ rất nhiều người của châu Á rộng lớn và từ khắp thế giới.
Mới một năm trước đây, tôi đã đến thăm Philippines đang vươn dậy sau cơn bão Yolanda. Tôi đã có thể thấy tận mắt đức tin sâu sắc và khả năng phục hồi của dân tộc này. Dưới sự che chở của Santo Niño (Chúa Hài đồng), người dân Philippines đã đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô gần năm trăm năm trước đây. Kể từ đó, họ đã cho thế giới một tấm gương sáng về lòng trung thành và tôn sùng Chúa, và yêu mến Giáo hội của Người rất sâu xa. Họ cũng trở nên một dân tộc truyền giáo, chiếu ánh sáng Tin Mừng tại châu Á và cho đến tận cùng trái đất.
Chủ đề của Đại hội Thánh Thể – Đức Kitô ở giữa anh em, Ngài là niềm Hy vọng vinh quang của chúng ta – là rất thời sự. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu phục sinh luôn sống động và hiện diện trong Giáo hội của Người, đặc biệt trong Thánh Thể, là bí tích Mình và Máu Người. Chúa Kitô hiện diện giữa chúng ta không chỉ là một niềm an ủi, mà còn là một lời hứa và lời kêu gọi. Lời hứa là một ngày kia chúng ta sẽ được hưởng niềm vui và bình an vĩnh cửu trong sự viên mãn của Nước Trời. Nhưng cũng là lời hiệu triệu lên đường, như các nhà thừa sai, để mang sứ điệp của Chúa Cha về lòng nhân từ, tha thứ và thương xót đến cho mọi người, người nam và người nữ cũng như trẻ em.
Thế giới của chúng ta cần đến sứ điệp này biết bao! Khi chúng ta nghĩ đến những xung đột, những bất công và các cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp bách là đặc trưng của thời đại chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra thật quan trọng biết bao rằng mỗi người Kitô hữu phải là một môn đệ truyền giáo đích thực, đem tin mừng tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô đến cho một thế giới cần có hòa giải, công lý và hòa bình.
Thế nên việc Đại hội này được tổ chức trong Năm Thánh Lòng Thương Xót thật là thích hợp. Trong Năm này toàn Giáo hội được mời gọi tập trung vào trung tâm của Tin Mừng là Lòng Thương xót. Chúng ta được kêu gọi để đem dầu tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho toàn nhân loại, băng bó các vết thương, đem hy vọng vào nơi dường như thất vọng thường thắng thế.
Bây giờ vào lúc anh chị em chuẩn bị “lên đường” khi Đại hội Thánh Thể này sắp bế mạc, có hai cử chỉ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly tôi muốn anh chị em hãy suy ngẫm. Phải suy ngẫm hai cử chỉ này theo chiều kích truyền giáo của Thánh Thể. Đó là việc đồng bàn và rửa chân.
Chúng ta biết việc Chúa Giêsu chia sẻ bữa ăn với các môn đệ của Người quan trọng ra sao, nhưng và nhất là, cả với những người tội lỗi và người bị loại bỏ nữa. Ngồi vào bàn ăn, Chúa Giêsu có thể lắng nghe người khác, nghe chuyện đời của họ, cảm thông với niềm hy vọng và khao khát của họ, và nói cho họ biết tình yêu của Chúa Cha. Mỗi khi đến với Thánh Thể, bàn Tiệc Ly của Chúa, chúng ta được thúc đẩy noi theo tấm gương của Chúa, bằng cách đến với người khác, trong tinh thần tôn trọng và cởi mở, để chia sẻ với họ ơn huệ chúng ta đã lãnh nhận.
Ở châu Á, nơi mà Giáo hội dấn thân đối thoại với tín đồ của các tôn giáo khác một cách tôn trọng, chứng tá mang tính ngôn sứ này thường diễn ra, như chúng ta biết, qua các cuộc đối thoại trong cuộc sống. Qua chứng từ của cuộc sống được tình yêu Thiên Chúa biến đổi, chúng ta loan báo lời hứa của Nước Trời về hoà giải, công lý và thống nhất cho gia đình nhân loại một cách tốt nhất. Tấm gương của chúng ta có thể mở ra những cõi lòng để đón nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đưa họ đến với Đức Kitô Cứu Thế.
Hình ảnh khác mà Chúa gửi đến chúng ta trong Bữa Tiệc Ly là rửa chân. Hôm trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ của Người như là một dấu chỉ của sự phục vụ khiêm hạ, của tình yêu vô điều kiện mà Người đã hiến mạng trên thập giá để cứu rỗi thế giới. Bí tích Thánh Thể là trường dạy phục vụ khiêm hạ. Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta sẵn sàng hiện diện vì người khác. Cả điều này cũng phải ở nơi con tim của người môn đệ truyền giáo.
Ở đây tôi nghĩ đến hậu quả của cơn bão. Nó tàn phá Philippines một cách khủng khiếp, nhưng cùng với sự tàn phá nó cũng mang lại biết bao tình đoàn kết, lòng quảng đại và lòng tốt. Người ta khởi sự tái thiết không chỉ nhà cửa, mà cả cuộc sống. Bí tích Thánh Thể nói với chúng ta về sức mạnh ấy, tuôn trào từ Thánh Giá và không ngừng mang lại sự sống mới. Sức mạnh biến đổi con tim, khiến chúng ta biết chăm sóc, bảo vệ người nghèo và người yếu thế, và nhạy cảm với tiếng khóc của những người anh chị em của chúng ta đang túng thiếu. Nó dạy cho chúng ta hành động cách liêm chính và khước từ thói bất công và tham nhũng làm cho cội rễ của xã hội thành thối nát.
Anh chị em thân mến, ước gì Đại hội Thánh Thể này củng cố anh chị em trong lòng yêu mến Chúa Kitô hiện diện nơi Thánh Thể. Ước gì nó sẽ giúp anh chị em, với tư cách người môn đệ thừa sai, mang lại kinh nghiệm lớn lao về sự hiệp thông trong Hội Thánh và dấn thân truyền giáo cho gia đình, cho giáo xứ, cho cộng đoàn, và cho Giáo hội địa phương của anh chị em. Ước gì nó trở nên men hoà giải và hoà bình cho toàn thế giới.
Bây giờ, vào lúc bế mạc Đại hội, tôi vui mừng thông báo rằng Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần tới sẽ diễn ra tại Budapest, Hungary vào năm 2020. Xin anh chị em hợp ý với tôi cầu nguyện cho Đại hội sinh nhiều hoa trái thiêng liêng và cho Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập trên tất cả những ai tham gia vào việc chuẩn bị Đại hội. Khi anh chị em trở về nhà và được đổi mới trong đức tin, tôi vui mừng ban Phép Lành Toà Thánh cho anh chị em và gia đình của anh chị em như là bảo chứng của niềm vui và bình an trong Chúa.
Xin Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
Minh Đức chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô