Michelangelo với tuyệt tác trên vòm nhà nguyện Sistine

Michelangelo với tuyệt tác trên vòm nhà nguyện Sistine

Chúng ta hầu như ai cũng thấy loáng thoáng đâu đó hình ảnh vòm nhà nguyện với những hình vẽ đẹp tuyệt trần và vô cùng hoành tráng này. Nhưng có lẽ, ít người biết, đây là tác phẩm của chỉ một Michelangelo (1475-1564), người được biết đến như một trong ba (1) người “khổng lồ” của thời đại Phục Hưng (2).

 

Dưới đây, tôi xin lược trích bài của sử gia nghệ thuật E.H. Gombrich trong sách “The story of Art” giới thiệu đôi nét về Michelangelo và tuyệt tác hội họa của ông trên vòm nhà nguyện Sistine ở Rôma này - một tác phẩm vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong lịch sử nghệ thuật Công Giáo.

Nguyên Hưng

 

“Michelangelo theo học trong xưởng họa của Ghirlandaio. Tuy nhiên, cậu không theo phong cách dễ dãi của thầy mình. Cậu có quan niệm nghệ thuật riêng, và hứng thú nghiên cứu tác phẩm của các bậc thầy đi trước như Giotto, Masaccio, Donatello và những điêu khắc gia Hy Lạp trong bộ sưu tập của nhà Medici.”

"Cậu cố gắng thâm nhập vào những bí thuật của các điêu khắc gia cổ đại, những người biết cách miêu tả vẻ đẹp cơ thể đẹp đẽ của con người khi chuyển động, với tất cả cơ bắp và gân cốt của nó. Giống Leonardo, cậu không hài lòng với việc học hỏi các định luật của cơ thể học một cách gián tiếp từ nghệ thuật cổ xưa. Cậu thực hiện cho riêng mình những nghiên cứu về cơ thể học, mổ xẻ xác người, và học hỏi từ các người mẫu, cho tới khi thân thể con người không còn gì là bí mật đối với cậu. Nhưng, khác với Leonardo coi con người chỉ là một trong nhiều câu đố hấp dẫn của thiên nhiên, Michelangelo phấn đấu chỉ với một mục đích là thấu hiểu chỉ một vấn đề này, và thấu hiểu toàn diện. Sức tập trung và trí nhớ của cậu xuất chúng đến nỗi chẳng mấy chốc không còn môt tư thế nào hay một chuyển động nào là khó vẽ đối với cậu. Khó khăn như chỉ càng thu hút cậu. Những dáng điệu hay góc cạnh có thể khiến nhiều họa sĩ nổi danh thế kỷ muời lăm ngần ngại không muốn đưa vào tranh của mình vì sơ không diễn tả chúng cho đủ thuyêt phục, thì lại chỉ có tác dụng kích thích tham vọng nghệ thuật của cậu, và không bao lâu người ta đồn rằng chàng nghệ sĩ trẻ này không chỉ sánh ngang các bậc thầy tài danh thời cổ điển mà thực sự còn tài giỏi hơn họ..."

"Nói chung là vào lúc ba mươi tuổi, Michelangelo đã được công nhận là một bậc thầy xuất chúng của thời ấy, sánh ngang thiên tài Leonardo theo cách riêng của ông."

"Đức Giáo Hoàng Julius II muốn chàng tới Rome để xây cho Ngài một ngôi mộ xứng với địa vị người cầm quyền tối cao của thế giới Kitô Giáo. [...] Được Giáo Hoàng cho phép, chàng lập tức tìm tới những mỏ đá cẩm thạch nổi tiếng nhất ở Carraca để tuyển lựa những tảng đá dùng cho một lăng mộ khổng lồ. Chàng nghệ sĩ trẻ choáng ngợp trước hình dạng của những khối đá cẩm thạch này, chúng như đang chờ chiếc đục của chàng biến chúng thành những bức tượng mà thế giới chưa bao giờ được thấy. Chàng ở lại các mỏ đá hơn sáu tháng, mua, chọn và loại bỏ, tâm trí sôi sục những hình ảnh. Chàng muốn phóng thích các nhân vật ra khỏi những tảng đá, nơi chúng đang yên ngủ. Nhưng khi trở về và bắt tay vào việc, chàng sớm nhận ra rằng nhiệt tình của vị Giáo Hoàng đối với công trình vĩ đại này đã ra nguội lạnh. Ngày nay ta biết một trong những lý do khiến Đức Giáo Hoành lúng túng là dự án xây mồ của Ngài đã đụng chạm tới một dự án khác còn thiết thân hơn trong tâm tư Ngài: dự án xây một đền thờ Thánh Peter mới. Vì ngôi mộ lúc đầu được dự tính sẽ đặt trong ngôi đền thờ cũ, và nếu đền thờ này bị dỡ bỏ, thì ngôi mộ kia sẽ đặt ở đâu? Michelangelo trong cơn bất mãn tràn bờ, đã tưởng tượng những lý do khác. Chàng ngửi thấy một âm mưu, và còn sợ rằng các đối thủ của chàng, nhất là Bramante, kiến trúc sư của ngôi đền Thánh Peter mới, muốn đầu độc chàng. Trong một cơn sợ hãi và cuồng nộ, chàng bỏ Rome về Florence, và viết cho Đức Giáo Hoàng một lá thư với những lời lẽ nặng nề, nói rằng nếu Ngài cần chàng thì cứ đi mà tìm…”

“Điều đáng ghi nhận ở đây là Đức Giáo Hoàng đã không hề nổi giận, nhưng bắt đầu một cuộc thương lượng chính thức với người đứng đầu thành Florence để thuyết phục chàng nghệ sĩ điêu khắc trẻ trở lại. Tất cả những người quan tâm đều như đồng ý rằng mọi di chuyển và dự định của chàng cũng quan trọng ngang với những vấn đề khó khăn của nhà nước Florence. Thậm chí người Florence còn sợ rằng Giáo Hoàng sẽ trở mặt nếu họ tiếp tục chứa chấp chàng. Do đó người lãnh đạo thành Florence khuyên chàng trở lại phục vụ Đức Julius II, và viết một lá thư tiến dẫn chàng, nói rằng nghệ thuật của chàng là khôn sánh trong khắp nước Ý, thậm chí có thể khắp thế giới, và nếu được đối xử nhân hậu, "chàng sẽ làm nên những điều khiến cả thế giới phải kinh ngạc". Lá thư ngoại giao này đã nói lên sự thật. Khi trở lại Rôma, Đức Giáo Hoàng thuyết phục chàng nhận một công việc khác. Có một tiểu nguyện đường trong điện Vatican do Đức Giáo Hoàng Sixtus IV xây cất, và do đó được gọi là nguyện đường Sistine. Các bức tường của nguyện đường này đã được trang hoàng bởi những họa sĩ nổi tiếng của thế hệ trước, bởi Botticenlli, Ghirlandaio và những người khác. Nhưng vòm trần vẫn còn trống. Đức Thánh Cha đề nghị Michelangelo trang trí nó. Chàng làm hết cách để thoái thác nhiệm vụ này. Chàng bảo mình thật sự là thợ điêu khắc chứ không phải họa sĩ. Chàng tin rằng công trình khó khăn này được đặt lên vai chàng do âm mưu của các đối thủ. Khi Đức Giáo Hoàng tỏ ra cương quyết, chàng khởi sự với một phác thảo khiêm tốn miêu tả mười hai Tông Đồ đứng trên mười hai khám thờ, và tuyển mộ các thợ phụ từ Florence. Nhưng bất ngờ chàng nhốt mình trong nhà nguyện, không cho ai lại gần, một mình bắt đầu một công trình thực sự sẽ còn tiếp tục "làm kinh ngạc cả thế giới" kể từ giây phút xuất hiện trước công chúng.”

“Thật khó mà hình dung làm sao một con người có thể đạt được những điều Michelangelo đã thực hiện suốt bốn năm lao động đơn độc trên giàn giáo trong nguyện đường của Giáo Hoàng. Chỉ nguyên cái nổ lực thể lý để vẽ bức bích họa khổng lồ này trên trần nhà nguyện, để chuẩn bị và phác họa cảnh quan trong từng chi tiết rồi đưa chúng lên mặt tường, cũng đủ làm ta thán phục. Michelangelo nằm ngửa để vẽ. Và ông trở nên quá quen với tư thế gò bó này đến nổi khi nhận một lá thư trong thời ký ấy, ông phải đưa nó lên trán và ngửa đầu ra sau để đọc. Nhưng sức mạnh thể lý của con người một mình vẽ đầy khoảng trống bao la này chẳng là gì nếu so sánh với những thành tựu nghệ thuật và trí tuệ. Sự dồi dào những khám phá luôn mới mẻ, kỹ thuật xử lý điêu luyện trong từng chi tiết, và trên tất cả là vẻ hoành tráng của những cảnh ảo mà Michenlangelo mở ra cho những người đi sau ông, đã đem lại cho nhân loại một ý tưởng hoàn toàn mới về năng lực của thiên tài.”

“Người ta thường xem những hình ảnh chi tiết của tác phẩm khổng lồ này và không bao giờ có thể nhìn ngắm cho thỏa. Nhưng cái ấn tượng bởi tổng thể, khi bước vào nguyện đường, vẫn rất khác với toàn bộ những ảnh chụp ta từng thấy. Ngôi nhà nguyện giống một hội nghị sảnh đường rất rộng lớn và cao, với vòm trần hơi lõm. Phía trên các bức tường là một dãy những bức họa kể về Moses và Đức Kitô theo phong cách cổ truyền của những người đi trước Michelangelo. Nhưng khi ngước lên, ta như nhìn vào một thế giới khác. Đó là thế giới của những chiều kích ngoài tầm với của con người. Trên những khung vòm vươn lên giữa năm cửa sổ ở mỗi bên nguyện đường là hình ảnh khổng lồ của các tiên tri Cựu Ước, những ngườ đã nói với dân Do Thái về Đấng Cứu Thế sẽ đến, xen kẽ với hình ảnh các nữ tiên tri ngoại giáo, những kẻ theo truyền tụng cổ xưa đã tiên báo cho người ngoại đạo biết sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Michelangelo đã vẽ họ như những nam nhân và phụ nữ rất mạnh mẽ, ngồi đắm mình trong suy tư, đọc, viết, tranh luận, hay như đang lắng nghe một tiếng nói từ nội tâm. Giữa những nhân vật lớn quá khổ này, ngay giữa vòm trần, ông vẽ câu chuyện Sáng Thế và truyện Noah. Nhưng dường như phần việc lớn lao này không thoả mãn nổi cái thôi thúc sáng tạo những hình tượng luôn mới mẻ. Ông đã chen giữa những câu chuyện này bằng hàng đoàn lũ các hình ảnh khác, một số giống những bức tượng, số khác giống những thanh niên sinh động đẹp phi phàm, đang giữ những giải băng và huy chương lớn mà trên đó cũng lại là những câu chuyện. Thế mà đây chỉ là mảng trung tâm. Chung quanh đó là một đám rước vô tận những đàn ông và đàn bà đủ mọi kiểu dáng - các tổ tiên vô số của Đức Kitô theo Kinh Thánh.”

“Khi nhìn vào nguồn hình tượng phong phú vô tận này nơi các ảnh chụp, có thể ta nghĩ rằng toàn bộ trần nhà sẽ chen chúc và không cân đối. Nhưng quả là một ngạc nhiên lớn lao khi bước vào nguyện đường Sistine và thấy vòm trần thật đơn giản và hài hoà biết bao nếu chỉ coi nó như một mảng trang trí tuyệt mỹ. Cách phối hợp màu sắc mới nhuần nhuyễn và đơn giản làm sao, và toàn thể bố cục rõ ràng biết chừng nào. Những gì ta thấy ở hình ảnh chỉ là một phần nhỏ của cả tác phẩm, một khu vực hình vòng cung uốn ngang qua trần nhà. Ở một bên là tiên tri Daniel đang giữ một quyển sách khổng lồ trên đầu gối, được một chú bé đưa lưng chống đỡ, và ông đang quay sang để ghi chú điều vừa đọc. Bên đối diện là một nữ tiên tri ngoại giáo xứ Ba Tư, một phụ nữ tuổi tác trong y phục Đông Phương, đang đưa sách lên sát mắt, cũng đắm mình như thế vào bản văn Thánh.

Những chiếc ghế cẩm thạch họ ngồi được trang trí bằng tượng các trẻ em đang chơi đùa, và phía trên chúng, ở mỗi bên, là hai thanh niên khỏa thân vui tươi đang sắp sửa buộc những huy chương lớn vào trần nhà. Những nhân vật lạ lùng này cho thấy Michelangelo quán triệt cách vẽ cơ thể con người ở mọi vị trí và góc độ. Đó là những vận động viên trẻ với các cơ bắp thật tuyệt vời, vặn mình và xoay người theo mọi hướng có thể, nhưng luôn cố sao cho vẫn còn duyên dáng. Có ít là hai mươi trong số những nhân vật này ở trên nóc trần, mỗi nhân vật lại được diễn tả khéo léo hơn nhân vật trước đó, và chừng như những ý tưởng mà lẽ ra đã chào đời từ những tảng đá cẩm thạch ờ Carraca giờ đây choáng hết tâm tư Michenlangelo khi ông vẽ vòm trần điện Sistine. Nguời ta có thể cảm thấy ông thích thú ra sao với tài nghệ choáng ngợp của mình, và nỗi bực bội cũng như giận dữ vì không được tiếp tục làm việc với những vật liệu ưa thích đã thôi thúc ông nỗ lực hơn nữa để cho kẻ thù của ông, dù có thật hay tưởng tượng, thấy rằng nếu họ buộc ông vẽ - được, ông cho xem!”

“Ta biết Michelangelo đã nghiên cứu tỉ mỉ ra sao mọi chi tiết, và chuẩn bị từng nhân vật kỹ lưỡng đến mức nào trong các bản vẽ của ông. Nhìn một tờ trong tập phác thảo, trên đó ông nghiên cứu một người mẫu để vẽ một trong các nữ tiên tri ngoại giáo, ta nhìn thấy sự tương tác của các cơ bắp mà chưa ai từng thấy hay từng diễn tả kể từ thời các bậc thầy Hy Lạp.”

“Nhưng, nếu ông đã chứng tỏ mình là một tài năng bậc thầy khôn sánh nơi “những hình tượng khỏa thân” nổi tiếng này, ông còn chứng minh là mình hơn thế rất nhiều nơi những minh họa về các chủ đề Kinh Thánh ở trung tâm tác phẩm. Ở đó ta thấy Thiên Chúa bằng những cử chỉ quyền uy đang tạo nên thảo mộc, các thiên thể, muông thú và con người. Chẳng có gì là cường điệu khi nói rằng hình tượng về Chúa Cha - như vẫn tồn tại trong tâm trí của hết thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ nơi các nghệ sĩ mà cả nơi những người tầm thường, những kẻ có lẽ chẳng bao giờ biết đến cái tên Michelangelo - đã được tạo hình và khuôn đúc qua ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của những cảnh quan vĩ đại này, được Michelangelo dùng để minh họa công việc Sáng Thế. Có lẽ nổi tiếng nhất và lôi cuốn nhất trong tất cả những minh họa này là cảnh tạo dựng Adam trên một trong những khoảng rộng. Các họa sĩ trước Michelangelo đã từng vẽ Adam nằm trên mặt đất và đang được gọi vào sự sống chỉ bằng một cái chạm tay của Thiên Chúa, nhưng chưa một ai diễn đạt được sự lớn lao của mầu nhiệm sáng tạo này bằng vẻ đơn giản và mạnh mẽ như thế. Trong tranh không hề có gì làm ta xao lãng chủ đề chính. Adam nằm trên mặt đất với tất cả sức mạnh và vẻ đẹp xứng đáng với con người đầu tiên; Chúa Cha đang tiến lại từ một phía khác, được đỡ nâng bởi các Thiên Thần của Người, quấn một tấm áo choàng rộng và oai nghi bung ra như một cánh buồm vì gió thổi, gợi lên sự thỏai mái và tốc độ khi Người lướt đi trong khoảng không. Lúc Người đưa bàn tay ra, dù không chạm vào ngón tay của Adam, ta như thấy con người đầu tiên trỗi dậy, như từ trong một giấc ngủ miệt mài, và nhìn vào khuôn mặt chan chứa tình phụ tử của Đấng Tạo Dựng mình. Cách Michelangelo sắp xếp để cái chạm tay Thần Linh trở thành trung tâm và điểm hội tụ của bức tranh, và cách ông làm ta nhận ra sự toàn năng qua vẻ nhàn hạ và uy lực của cử chỉ sáng tạo này quả là một trong những phép lạ lớn nhất của nghệ thuật.”

“Michelangelo vất vả hoàn tất tác phẩm vĩ đại trên trần điện Sistine năm 1512, và hăm hở quay lại với những tảng đá cẩm thạch của mình để tiếp tục xây hầm mộ Đức Julius II…” 

E.H. Gombrich
Bản dịch tiếng Việt của Lê Sỹ Tuấn
 

(1) Hai người còn lại là Leonardo da Vinci (Leonardo: 1452-1519) và Raffaello Santi (Raphael: 1483-1520)
(2) Về Michelangelo trên wikipedia: http://vi.wikipedia.org/wiki/Michelangelo

 

Một số tranh chi tiết trên vòm Nhà nguyện Sistine:


 

Top