Lòng thương xót trong Kitô giáo và Hồi giáo

Lòng thương xót trong Kitô giáo và Hồi giáo

WHĐ (20.05.2016) –“Lòng thương xót trong Kitô giáo và Hồi giáo” là chủ đề của một cuộc Hội thảo chuyên đề tại Lahore, Pakistan, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương xót, do Hội đồng Đối thoại Liên tôn ở Pakistan (CFID) tổ chức với sự điều phối của cha Francis Nadeem, OFM Cap. và sự hướng dẫn của Chủ tịch CFID là Allama Pir Shafaat Rasool. Hội thảo bàn về các giá trị chung hiện nay trong Kitô giáo và Hồi giáo.

Theo tin từ CFID, cha Qaisar Feroz, một trong những đại diện của Kitô giáo phát biểu tại Hội thảo, đã trích dẫn nhiều đoạn trong Cựu ước và Tân ước nói về lòng thương xót, và nói rằng “Thiên Chúa giàu lòng xót thương và Ngài đòi hỏi chúng ta cũng phải có lòng xót thương”. Đang khi người ta cứ thường chú ý đến những sự kiện “gây kích động hận thù và những khác biệt, có một nhu cầu khẩn thiết là xây dựng những khung cảnh hoà bình, khoan dung, tha thứ và thương xót”. “Năm Thánh Lòng Thương xót mà Đức giáo hoàng Phanxicô công bố là vô cùng quan trọng cho toàn thế giới” và là “một lời mời gọi xây dựng một nền văn hoá thương xót - một giá trị chung của cả Hồi giáo và Kitô giáo”.

Tiếp theo, Allama Rasool trình bày quan điểm của Hồi giáo về lòng thương xót. Ông trích dẫn nhiều câu trong thiên kinh Koran và khẳng định: “Không ai có quyền ép buộc tín đồ của một tôn giáo khác phải cải đạo. Lòng thương xót là con đường duy nhất dẫn con người đến với một tôn giáo”. Ông nhắc lại rằng Hồi giáo và Kitô giáo có chung một nguồn gốc và đi đến kết luận: “Lòng thương xót là yếu tố cốt yếu trong cả hai tôn giáo; khi lắng nghe lời kêu gọi của Đức giáo hoàng Phanxicô, chúng ta phải loan truyền lòng thương xót trong xã hội của chúng ta”.

Các diễn giả Hồi giáo có mặt tại Hội thảo đã lên tiếng đánh giá cao cử chỉ mở năm Thánh Lòng Thương xót của Đức giáo hoàng Phanxicô và hy vọng rằng sự kiện này sẽ thúc đẩy sự hoà hợp giữa các tôn giáo và loại trừ được chủ nghĩa cực đoan. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phổ biến sứ điệp lòng thương xót này ở Pakistan, và hy vọng rằng hoà bình sẽ thắng trong xã hội của chúng tôi”. Các tham dự viên Hội thảo đã cùng nhau thông qua một nghị quyết kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo, các chính trị gia, các nhà giáo dục và báo chí góp phần thúc đẩy các giá trị như lòng thương xót, sự tha thứ và bao dung bằng cách kêu gọi tín đồ của mọi tôn giáo truyền bá sứ điệp của hoà bình và hoà hợp.

(Agenzia Fides)

 

Minh Đức

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top