Ký sự về chuyến viếng thăm cơ sở từ thiện - liên tôn tại miền Tây (20-21/9/2011)
“Chúng ta sẽ tổ chức một chuyến đi về miền Tây, để thăm cơ sở khám chữa bịnh từ thiện, nơi đây hoạt động rất mạnh mẽ nhờ có sự hợp tác của năm tôn giáo: Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành và Công giáo.” Đây là lời phát biểu của “Chị Cả” trong kỳ họp Ban Mục vụ Đối Thoại Liên Tôn (ĐTLT) quý ba năm 2011. Toàn Ban ĐTLT đã đồng thuận với Soeur Mai Thành chọn ngày “đi thăm anh chị em ngoài Địa Phận”.
Đó ngày 20.09.2011, chiếc xe 16 chỗ chở đoàn lữ hành chúng tôi gồm 13 người: một linh mục, một chủng sinh dự bị của Đại Chủng Viện Thánh Quý, ba nữ tu và 7 giáo dân, thế là đủ cả ba thành phần Dân Chúa, khởi hành từ nhà Dòng Đức Bà trực chỉ theo đường đại lộ Đông-Tây rời khỏi thành phố.
Cha Giuse-Maria-Phêrô Hà Thiên Trúc mở đầu giờ cầu nguyện bằng lời gợi ý linh đạo như sau: “Đoàn chúng ta hiệp thông với tinh thần đối thoại liên tôn của Thánh Phanxicô Assisi, mà Đức Chân Phước Gioan-Phaolô II đã nhiệt tình cổ súy, đặc biệt ngài tổ chức cuộc hội ngộ tại Assisi giữa các vị lãnh đạo tôn giáo trên thế giới cách nay 25 năm (1986). Chúng ta xin dâng Chúa chuyến đi này để cầu nguyện cho công cuộc ĐTLT và cầu nguyện cho tất cả những người nghèo, những bệnh nhân ở nơi sắp đến và trên thế giới”. Hát "cầu xin Chúa Thánh Thần …"
Phòng Khám Nhân Đạo
Sau năm giờ hành trình, xe đã đưa chúng tôi đến đầu Kênh 7 vào lúc chính ngọ. “Từ đây, vào trong đó khoảng 6 cây số đường bêtông rộng 2,5 mét. Chúng ta sẽ đi xe ôm vào.” Đó là lời thông báo của bác Khiêm- hướng dẫn viên. Thế thì đi thôi!
Giọng nói hơi khàn nhưng to và nhiệt tình của Cha Giacôbê Nguyễn Đức Thịnh, Chánh xứ Giuse kinh 7, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đã làm vơi nỗi mệt nhọc vì đường xa và sự bỡ ngỡ của chúng tôi khi đến miền đất lạ.
“Soeur Mai Thành đâu rồi, ai là Soeur Mai Thành? Tôi nghe tiếng đã từ lâu lắm rồi, giờ mới được diện kiến.” Thế là hết lạ lẫm rồi, Bác Khiêm với vai trò hướng dẫn và là bạn cùng lớp Đại Chủng Viện với Cha xứ đã giới thiệu các Soeurs, Cha Trúc, và những người khác cùng đi. “Rồi, bây giờ mời tất cả mọi người dùng cơm đã, nói chuyện sau, vì lịch chiều nay còn nhiều hoạt động lắm, xin kính mời”
Sau khi ổn định phòng và nghỉ ngơi đôi chút, 13g30 đoàn chúng tôi tề tựu tại nhà Xứ để Cha dẫn đi tham quan. Từ cổng nhà thờ, nhìn ra là dòng Kinh 7 vàng ngọt phù sa, nhìn vào thì đi qua một khoảng sân rộng là đến bậc thềm Thánh Đường GIUSE. Phía bên phải sát cổng có tháp chuông mới được xây dựng. Phía bên trái đối diện là tượng đài Đức Mẹ Ban Ơn, phía sau tượng đài là một khu vực có hai lốc nhà hai tầng với khuôn viên và cây cảnh chăm chút mỹ thuật có gắn dòng chữ NHÀ MỤC VỤ GIÁO XỨ, tôi nghe Thầy giúp Xứ nói khu này để dạy giáo lý cho các em. Dọc hai bên hông Thánh đường là hai hồ nước, bên phải có cây cao bóng mát dành cho xe ôtô dừng hoặc người ta mắc võng nghỉ ngơi sau khi đã chữa bịnh, bên trái là Nhà Xứ. Đi đến đầu Thánh đường chính là đến khu khám chữa bịnh, phía bên phải có một mái đình, bên trong có sắp bàn ghế, bảng viết … nơi này được đặt tên là CÂU LẠC BỘ BÁCH KHOA (CLBBK). Hai bảng sơn xanh gắn hai bên chân cột đình có nội dung: Sống để làm điều hay – Sống để biết phục thiện. Cha xứ lúc này được gọi bằng tên mới là "cha Giám đốc" (ở đây ai cũng gọi ngài như thế). Ngài nói: “tại CLBBK, mỗi sáng thứ hai, toàn thể y bác sỹ và nhân viên họp, kiểm tra, thống kê, báo cáo, lên kế hoạch …”. Ở bốn cột chống mái đình có để bốn câu mà ngài dùng như kim chỉ nam cho hoạt động của phòng khám:
- Thầy thuốc lấy bệnh nhân làm trung tâm.
- Thầy thuốc lấy khoa học làm nền tảng.
- Thầy thuốc lấy y đức làm nhân bản.
- Thầy thuốc lấy xã hội để phục vụ.
Đi qua CLBBK là vào khu chữa bệnh Đông y, khu này cũng rất rộng, hình chữ nhật. Ở giữa có thiết kế một sân khấu và một sảnh lớn lợp tôn để mọi người ngồi chờ. Dọc bên phải xây phòng chữa bịnh, cạnh chiều sâu xây phòng làm việc và phòng nghỉ, bên trái có xây các dãy phòng nghỉ. Cha GĐ dẫn chúng tôi đi tham quan: phòng hồng ngoại - massage, phòng máy lắc – diện chẩn – thủy châm, phòng nhu châm, phòng chế biến thuốc Nam (sản xuất thuốc hoàn, tán) phòng kho, phòng túc chẩn, phòng từ châm – bấm huyệt, phòng đọc sách … Ngài nói chi tiết xuất sứ, chức năng, công dụng chữa bịnh của từng loại máy, cũng nói luôn cả nguyên cớ có được nó. “Thôi chúng ta đi sang phía bên phòng khám bịnh kẻo họ hết giờ làm việc!” Cha GĐ giục.
Cổng Phòng Khám Nhân Đạo Đông Y (PKNĐĐY) nằm phía sau đầu Thánh đường, bệnh nhân đến đây xếp hàng, chờ theo số thứ tự, ngài dẫn chúng tôi đi tham quan phòng chăm sóc nâng cao sức khỏe với máy từ trường, máy siêu âm, máy điện tim, phòng điện châm, phòng laser, phòng Xquang, phòng phục hồi chức năng. Bản thân người viết trước đây cũng đã từng đưa người thân đi chữa Đông Y và phục hồi chức năng rồi nên có biết đôi chút về các y cụ vừa nêu trên, vì thế trong lòng thầm cảm phục sự cố gắng của Ban Giám Đốc PKNĐĐY đã trang bị đầy đủ máy móc hiện đại và đồng thời cũng chúc mừng quý vị bệnh nhân ở đây đang hưởng một chế độ và chất lượng khám chữa bịnh Đông Y trên cả ước mơ. Lòng nghĩ thế và muốn kiểm chứng nên tôi đi hỏi một vài người. Chào chị, chị đang giúp cho người thân tập đạp xe à? Vâng, em tôi đang tập đạp xe. Thế, anh ấy làm sao mà bị bịnh? À, nó té xe, bị dập tủy, liệt dây thần kinh số 3 và số 4, nên bị liệt luôn. Chúng tôi có đem nó lên bịnh viện thành phố chữa nhưng họ “đã chê”. Nghe nói ở đây chữa hay nên chúng tôi đưa đến đây. Mới chữa có nửa tháng mà tay phải của nó đã hoạt động được, tay trái còn hơi yếu nhưng chống tay được, còn hai chân đang tập đạp xe được rồi nè! Dạ, chúc mừng em nhe, chúc em mau mạnh nhe. Nhìn sang góc phòng, chúng tôi ấn tượng hơn nữa khi thấy một bệnh nhân bên trái xương sọ “đã đi vắng” nhìn thấy thương quá, anh đang ngồi kéo dây tập tay.
Cha GĐ giới thiệu với chúng tôi một y sỹ tốt nghiệp Đại Học Y Dược, do Tâm duyên nên bất ngờ và dứt khoát về đây giúp Cha, chị làm việc không kể giờ vì nếu hết giờ làm việc rồi mà còn bệnh nhân tới thì chị lại tiếp tục chữa cho đến tối mịt. Chúng tôi đứng nhìn chị đang chữa cho một bé trai kháu khỉnh bị thiểu năng tâm thần bằng cách cho cháu tập với quả bóng lớn, chị động viên cháu “nắm chặt, cố lên tí nữa, sắp lên được rồi, giỏi quá!” Nghe chị nói, chúng tôi cũng góp lời “cố lên con, sắp được rồi” cả nhóm thầm nể phục sự cố gắng của cháu khi bám víu, đánh vật với quả bóng bằng một nghị lực phi thường lắm, dĩ nhiên nghị lực này được truyền từ Cô-sang-cháu rồi. Nhìn đàng sau, tôi thấy một bà tuổi khoảng hơn 60, nằm để chuyên viên xoa, day mặt. Tôi hỏi: Bà bị bịnh gì thế? Chuyên viên trả lời: Bà ấy bị giựt lệch mặt. Ùa, vậy chữa bao lâu thì khỏi? Bà ta chữa ở đây được một tuần rồi, chữa thêm một tuần nữa là ngay ngắn. Tôi nhìn thì thấy hai khóe miệng của bà ấy lúc này cũng tạm cân rồi, quả là đúng thầy đúng thuốc thì tiêu bịnh. Xin chúc mừng bà.
Có anh kia, đang cắt lúa, tự nhiên sụi lơ, chữa đâu cũng chẳng bớt, thôi thì còn nước cuối là vô đây. Vậy mà sau 4 tháng chạy chữa, anh đã có thể ngồi tập đạp xe và lắc tay. Mình phải nói là y bác sỹ ở đây tài nghệ hay nói là ở đây có phép lạ! Tôi không có ngoa đâu, có người bảo với tôi rằng: “ở đây có nhiều phép lạ lắm”.
Tiếp theo, chúng tôi được dẫn đến tham quan bếp từ thiện, hoạt động từ ngày 22/10/2004 đến nay. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy các anh phục vụ giở những khay cơm trắng có đường kính khoảng 1 mét, chiều cao một tấc đem ra bàn phục vụ. Lần đầu tiên chúng tôi thấy kiểu nồi này, xin mô tả sơ về thiết kế của nồi để quý bạn đọc cùng đồng cảm. Một bếp nấu bằng trấu được xây kiên cố chừa lỗ một mét, trên bếp đặt một cái nồi chứa nước, trong nồi họ đặt một khung inox hình tam giác có hàn những thanh ngang để đặt những mâm gạo lọt vào từng lớp của khung. Khi nấu, người ta bỏ khoảng 6 đến 7kg gạo vào khay, có tất cả mười khay như thế. Xếp vào xong, họ dùng một cái nắp to và cao hình ống cũng bằng đường kính nồi đậy lại (đóng hay mở nắp nhờ vào dây treo luồn qua ròng rọc gắn trên trần bếp) họ nấu cơm bằng cách hấp hơi nên cơm rất ngon và không thể có tình trạng “cơm chín hai lần” hay thật, thông minh quá quý vị ơi! Mọi người lăn vào bếp thế là được ăn thử đậu bắp hấp, cơm (vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon). Xin cảm ơn quý anh chị nhiều.
Tôi không ăn vì có mối quan tâm khác. Số là có một vị lớn tuổi, mặc áo bà ba đen, tóc búi tó, đang đứng ở ngoài vùng phủ sóng, tôi ra và nói: Dạ chào ông. Vâng chào chú. Xin hỏi, những người nấu bếp đây là thế nào? Chúng tôi được phân công là Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) phụ trách bếp từ thiện. - À, quý vị PGHH phụ trách bếp ăn, xin hỏi chắc ông là “Người đồng đạo tiêu biểu”? Vâng tôi là “Người đồng đạo tiêu biểu” , ở đây chúng tôi có ba người. Thế xin hỏi quý danh của ông? Tôi tên Nguyễn Văn Chớp, còn hai người nữa tên Nguyễn Văn Đậm và Nguyễn Văn Be. - Ồ hân hạnh được nói chuyện với ông, vậy việc nấu bếp ở đây được tiến hành thế nào? Chúng tôi có 10 đội, mỗi đội 10 người, mỗi đội phụ trách nấu mười ngày. Vậy người của các đội từ đâu? Mỗi một nhóm, làng xã trong Đạo sẽ cử người đi phục vụ. Có lương không? Không, ở đây chúng tôi vần đổi công thôi chứ không có lương. Ồ, quý ông và các anh chị thật có lòng với người bịnh quá. Xin hỏi, vậy nơi thờ phượng của quý ông ở đâu? Ở trên lầu (vừa nói ông Chớp vừa chỉ cho tôi hướng lên lầu. Vâng cảm ơn Ông.
Vì tôi muốn chiêm ngưỡng những nghĩa cử nhân ái của những cư sĩ tại gia này, nên tôi đứng trong bếp để xem quá trình trao nhận thực phẩm. Người nhận đưa đồ đựng (thố, tô, xô, đĩa) vào cửa rào và báo số người ăn (1 hay 2 hay 3 người) Người múc cứ thế mà múc, không tem phiếu, không thắc mắc, mà vẻ mặt thản nhiên tự tại và cử chỉ thoăn thoắt. Nhìn đơn sơ vậy thôi mà tôi mê “nhân bản” của quý anh chị quá, không hề vướng một tí bụi “xin – cho”, vì thế “mặc cảm nghèo hèn” cũng không tồn tại. Tôi được biết mỗi ngày ở đây nấu khoảng 130kg gạo, 500kg rau với 300.000đ tiền gia vị (chỉ nấu món chay thôi, vì tín đồ PGHH ăn chay) gạo và tiền do PGHH và Cao Đài lo, nếu thiếu thì báo Cha GĐ, rau do tiểu thương PGHH ở chợ Long Xuyên giúp, nhưng Cha GĐ lo xe tải chở về. Ôi đẹp ý quá, dòng chữ do anh chị em PGHH viết để nhắc nhau sống Đạo “lịch sự - ôn hòa – nhã nhặn – lễ độ - khiêm tốn” đã được biểu thị sống động. Bỗng chốc tôi cảm thấy mình đang là người được “no nhân ái”. Tôi nhìn lên cao thấy có bảng lộng kiếng trong đó có dòng chữ được khảm xà cừ với nội dung:
PHẬT GIÁO HÒA HẢO
LÀM HẾT CÁC VIỆC TỪ THIỆN
TRÁNH TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU ĐỘC ÁC
QUYẾT TÂM GIỮ LÒNG CHO TRONG SẠCH
Cha GĐ dẫn đoàn lên tham quan nơi thờ phượng của Bạn, ngài nói: nơi này có là do hiểu được Bạn cần một nơi thờ phượng, nên ngài đã xuất tiền, nhờ người tiến hành và có tổ chức lễ khai trương long trọng bàn thờ của PGHH . Kế đến, Cha giới thiệu về tấm “Trần Điều”, về Đức Thầy .v.v… Vị “Người đồng đạo tiêu biểu” cảm động quá và khoác vai Cha thân ái, có một chị tín đồ nói với chúng tôi: "Cha GĐ là Bồ Tát".
Mái ấm Tình Mẹ
Hiệu lệnh tập trung của Cha GĐ vang lên đã quy tụ đoàn chúng tôi lại. Ngài mời chúng tôi đi ra phía cổng chính, ra đường, qua cầu, vào cổng một công trình mang tên TÌNH MẸ. Vào đến hàng hiên đón khách, Cha GĐ mới chỉ tấm bảng trên tường và giới thiệu: “Khi tôi sang một nước nọ, có người biết những việc tôi làm, nên có đến gặp tôi và nói, những việc Cha làm cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn … là rất tốt, nhưng vẫn còn thiếu một thành phần nữa chưa được quan tâm! Đó là các trẻ mồ côi.” Khởi từ câu chuyện ấy mà mái ấm Tình Mẹ được ra đời với phần lớn kinh phí từ “Nhà hảo tâm” đó và phần còn lại do Cha xoay sở. Cũng xin kể câu chuyện “mặc cả” để hầu bạn đọc. Số là, khi Cha đến Đồng Nai mua gạch men lót nền, giá cả đã thống nhất là 80.000 đ/m2. Cha nói: Tôi đâu có nhiều tiền đâu ông, tôi mua về để lót sàn nhà trẻ mồ côi. Ông chủ gạch nói: nếu đúng là Cha mua về cho công trình đó, thì xin bớt Cha ½ giá, chỉ tính 40.000 đ/m2. Thế là toàn bộ công trình được dán gạch men màu xanh vô cùng nhã và mát mắt. Thế mới biết, lòng nhân ái luôn có trong mọi người, chỉ chờ duyên tới là hạnh quả.
Nơi đây đang nuôi dạy 30 em, đa số các em còn nhỏ với độ tuổi từ 4 đến 8 tuổi (khoảng đó) trong số này có 2 em Việt kiều Campuchia. Cha nhờ quý nữ tu dòng Saint Paul Mỹ-Tho coi sóc. Tôi thích thú khi nhìn thấy bồn nước giữa công trình được phun lên (gây sự chú ý) nhìn vào giữa bồn, ồ! Tượng Mẹ Thánh Têrêsa thành Calcutta đang dắt tay em nhỏ, lúc này tôi mới bị Mẹ làm động lòng. Mẹ đẹp lắm Mẹ ơi!
Thành quả và thao thức
Vào phòng khách, chúng tôi được nghe kể về thành quả đã đạt, về nỗi lo tài chánh, về tương quan giữa các tôn giáo và tương quan với chính quyền, về nhân sự … Người viết xin toát lược vài điểm:
- Cha xứ cũng là Giám đốc Phòng Khám, đã mở và phát triển phòng khám từ thiện từ năm 1991, đến nay là 20 năm với một số tổng kết như sau: có 155.806 người đến xin khám và chữa bịnh, khám miễn phí 588.382 lượt người, tỉ lệ điều trị: khỏi bịnh 65%, chậm khỏi 23%, không khỏi 7%, chuyển viện 5%. Tổng chi phí sinh hoạt Phòng Khám: 43.166.000.000đ. Xây nhà mồ côi: 5.000.000.000đ. Số bệnh nhân vào mùa khô là 300 người/ngày, vào mùa mưa là 400 người/ngày. Nuôi ăn miễn phí cho bệnh nhân và người thăm nuôi mỗi năm 45 tấn gạo. Tỷ lệ thành phần tôn giáo của bệnh nhân: 60% là Phật tử, 25% là Thiên Chúa giáo, 15% là các tôn giáo bạn.
- Tại đây, năm tôn giáo cùng hợp tác với nhau chăm lo cho người nghèo tại phòng khám: Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo lo bếp ăn từ thiện, Tin Lành lo hỗ trợ kinh phí, Công giáo và Phật giáo phụ trách chuyên môn y tế. Mọi tín đồ, tuy khác tôn giáo, nhưng cùng nhau phục vụ bệnh nhân nghèo trong tinh thần Đại kết và hòa đồng, tự nguyện vì yêu thương.
- Nhân viên ở đây nhận 40.000đ/ngày, bao ăn ở. Tất cả chúng tôi đều phục vụ bệnh nhân theo tinh thần “bác ái yêu thương, từ-bi-hỉ-xả, cứu khổ ban vui”.
- Về phát triển nhân sự y tế: Chúng tôi mời thầy về dạy nghề cho nhân viên, nếu có em nào ở ngoài học ngành Y mà muốn cấp học bổng thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư với điều kiện là sẽ trở lại đây phục vụ bệnh nhân nghèo một thời gian sau khi ra trường.
- Vì gánh nặng tài chánh và nhu cầu học hỏi kinh nghiệm y học, nên Cha cũng đã đi nhiều nước, cũng đã có hội này, tổ chức nọ trong và ngoài nước giúp đỡ. Thế nhưng vẫn cứ luôn là “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” vì dân mình còn quá nghèo!!!
- Bên Ban ĐTLT: đồng cảm với gánh nặng của Cha Giacôbê, gợi ý Cha liên hệ hội Caritas, một vài tổ chức quốc tế. Hỏi thăm tình hình Rao truyền Tin Mừng, kinh nghiệm ĐTLT của Cha. Giới thiệu sơ nét về hoạt động của Ban ĐTLT TGP tp.HCM và tặng tập san Nhịp Cầu Tâm Giao, nói sơ về kinh nghiệm hợp tác trong việc phục vụ người nghèo của Công giáo với các tôn giáo bạn qua mô hình “Phòng khám Từ thiện tại Tam Tông Miếu”.
Cha GĐ nói, thôi giờ mời quý vị nghỉ ngơi một chút rồi về dùng cơm, cho kịp giờ khai mạc buổi biểu diễn văn nghệ của Phòng Khám.
Không ngờ, phương châm “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” của Phòng Khám lại được thể hiện rõ nét trong các buổi văn nghệ. Phòng khám quy định mỗi tháng tổ chức một buổi diễn văn nghệ cho bệnh nhân, nếu có “đoàn lớn” đến thăm thì có buổi văn nghệ đột xuất. Đừng ai tưởng “văn nghệ bỏ túi” là xoàng, vì các tiết mục do tập thể y, bác sỹ biểu diễn đêm nay “cây nhà lá vườn” nhưng do thường xuyên diễn nên rất chuyên nghiệp. Nào là biểu diễn thời trang, thi hoa hậu, ca cổ, kịch hài … Đặc biệt là tiết mục ảo thuật biến nam thành nữ của Cha GĐ thì gặt hái được sự thán phục và tán thưởng của tất cả mọi người. Đoàn chúng tôi cũng góp một tiết mục gây ngạc nhiên và suy nghĩ cho khán gỉa: Ban kèn tây-cần hòa điệu- Gần nhau, trao cho nhau yêu thương tình loài người … Buổi văn nghệ thành công rực rỡ vì nhờ những nụ cười thoải mái của quý khán giả ban tặng. Xin cảm ơn quý khán giả thân thương. Sau một ngày khá mệt, đoàn chúng tôi về phòng ngủ rất ngon giấc nhờ ơn Chúa và nhờ lời chúc lành từ thành phố HCM của Cha Trưởng Ban ĐTLT “chúc toàn Ban một giấc ngủ ngon” “tạ ơn Chúa”
Thánh lễ tạ ơn
Sáng thứ tư 21/9, lễ kính Thánh sử Matthêu, chúng tôi và cộng đoàn Dân Chúa GX Giuse hiệp dâng Thánh lễ do 3 ba cha cử hành lúc 5g. Cử hành Phụng Vụ thật ấm cúng và trang nghiêm, cả cộng đoàn có được tâm tình đạo đức sốt sắng trên phải nói là nhờ công lớn của các anh chị ca đoàn và cử chỉ nghiêm trang của giáo dân cùng các em thiếu nhi sở tại. Cha xứ chào tạm biệt đoàn, sau khi đã mời cơm sáng và biểu diễn ảo thuật. Hai bên lưu luyến lắm và hẹn ngày tái ngộ, chúc nhau luôn no đầy Tình Chúa-tình người. Tạm biệt Giáo xứ Giuse, tạm biệt những anh chị em bệnh nhân – kính chúc mau lành bịnh. Tạm biệt quý chức sắc và tín đồ các tôn giáo bạn: Cao Đài, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành nơi đây.
Ngẫm nghĩ
Có đi một ngày đàng – mới học một sàng khôn, đoàn chúng tôi đã làm một cuộc xuất hành ra khỏi nơi mình sống và làm việc. Nhờ thế, đã tận mắt thấy những việc to tát của Ba Ngôi Thiên Chúa làm qua “những chứng tá”, khiến cho mình phải cúi đầu tự thú cùng Chúa “Con là đầy tớ vô duyên, bất tài” chẳng làm sinh lợi được bao nhiêu? Có tương xứng với ân sủng Chúa ban tặng riêng cho mỗi người ?”.
Anh chị em mình ở vùng xa, quả là thiếu thốn và khó khăn về mọi mặt, mình may mắn hơn họ, vậy mình phải có trách nhiệm lo cho họ, ấy là lẽ công bằng.
Người Việt Nam mình đều có tâm tình tôn giáo, đều có Đạo Hiếu, đều hiếu hòa và nhân ái. Những thành tố này là tiền đề cho một sự hợp tác liên tôn để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Cho dù chúng ta cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng tâm tình đạo đức, hồn hướng thượng, nỗ lực làm triển nở Tâm Đạo trong mỗi người, mỗi tôn giáo, tất cả đều thăng tiến chung quanh một quỹ đạo: “Con đường Yêu Thương”. Xác tín như thế, chúng ta nhìn nhận mọi người đều là anh chị em của tôi – con cùng một Cha.
Nguyện cho Tâm Đạo trong mỗi người ngày càng tỏa sáng!
Nguồn: Ban MVĐTLT
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cường
-
Tài liệu Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất từ 18 – 25/01/2024 -
Các chủ đề chính của Văn kiện Đối Thoại Và Rao Giảng -
Phát biểu khai mạc buổi Gặp gỡ Đại kết -
Trung tâm Mục vụ: Gặp gỡ đại kết Kitô giáo -
Ban MVĐTLT: Chuyến Tây du mừng sinh nhật lần thứ IX -
Sự kiện Đại kết tại TGP năm 2014 -
Đại diện Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm thăm Trung Tâm Mục vụ -
Hội ngộ Liên tôn: "Hiệp tâm vun đắp an hòa" (27.10.2013) -
Lời nguyện trong buổi gặp gỡ giữa các Giáo hội Kitô cầu cho hòa bình
bài liên quan đọc nhiều
- Tình yêu của Đức Huỳnh Giáo Chủ qua góc nhìn của một người Cao Đài
-
Nho giáo Nhật Bản và Nho giáo Việt Nam (1) -
Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cường -
Các chủ đề chính của Văn kiện Đối Thoại Và Rao Giảng -
Niềm vui Hiệp thông giữa các Đạo Hữu: Bài Phát biểu của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo -
Buổi thờ phượng Chúa tại HT Cơ Đốc Phục Lâm (26.1.2013) -
Đại diện Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm thăm Trung Tâm Mục vụ -
Gặp gỡ Đạo hữu Cao Đài tại Thánh Thất Bàu Sen - Buổi thuyết trình về “Nhân bản Cao Đài” -
Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đối thoại vì hoà bình là nghĩa vụ tôn giáo” -
Gặp gỡ tu nữ Phật giáo - Công giáo tại dòng Thánh Phaolô thành Chartres