"Không có Thập Giá nào, dù lớn hay nhỏ, trong cuộc sống mà Chúa không vác cùng chúng ta"

"Không có Thập Giá nào, dù lớn hay nhỏ, trong cuộc sống mà Chúa không vác cùng chúng ta"

WGPSG -  Bãi biển Copacabana, đêm thứ Sáu 26-07. Rất đông các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, còn đông hơn cả trong buổi lễ đón tiếp Đức Thánh Cha vào tối thứ Năm, để tham dự nghi thức đi Đàng Thánh giá với Đức Thánh Cha. Copacabana là biểu tượng của lễ hội và niềm vui. Bờ biển Copacabana rực rỡ trở thành khung cảnh của của cầu nguyện và suy niệm. Đây là nơi diễn ra Đàng Thánh Giá truyền thống, một trong những sự kiện lớn của Đại hội Giới trẻ Thế giới: 13 chặng trên đoạn đường 900 mét của đại lộ Atlantico, chặng thứ 14 tại lễ đài trung tâm, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô ban huấn từ cho giới trẻ. Chặng Đàng Thánh Giá ngoài trời do một đội ngũ gồm 280 người, có cả nghệ sĩ và tình nguyện viên, cùng nhau diễn nguyện trong tình liên đới.

Mỗi chặng gồm có phần suy niệm về những vấn đề, những đau khổ, thắc mắc của người trẻ, về sứ vụ và sự hoán cải. Trong bối cảnh của những vũ điệu công phu và đầy màu sắc, các chứng nhân nêu lên chứng từ về nạn nghiện ma túy, bảo vệ sự sống, về chế độ nô lệ hiện đại, đàn áp tôn giáo, về nạn nghèo đói, thất nghiệp, tù tội, bệnh tật, phụ nữ bị lạm dụng ... Nhưng họ cũng nói đến việc Phúc âm hóa trong thế giới ảo và truyền thông trên mạng xã hội, cũng như nỗi lo sợ trở thành con tin của mạng internet. Các bạn trẻ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã cùng vác thập giá. Các tình nguyện viên được chọn để đại diện cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ, người khuyết tật, người nghiện ma túy. Phụ trách soạn các bài suy niệm là hai tu sĩ Dòng Linh mục Thánh tâm Chúa Giêsu nổi tiếng ở Brazil trong hoạt động dấn thân cho người trẻ.

 

 

Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn trẻ thân mến,

 Hôm nay chúng ta đến đây để đồng hành với Chúa Giêsu trong hành trình đau khổ và yêu thương của Ngài. Việc đi các CHặng Đàng Thánh Giá, một trong những khoảnh khắc tâm tình nhất của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Vào cuối Năm Thánh Cứu Độ, Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đã chọn các bạn - những người trẻ - để trao phó cây Thập Giá, và yêu cầu các bạn "mang Thập Giá này đi khắp thế giới như là một biểu tượng của tình yêu Chúa Kitô dành cho nhân loại, và loan báo cho mọi người rằng chỉ trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ" (x. Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, cây Thập Giá của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã được cung nghinh khắp các lục địa, và đi ngang qua hàng loạt những hoàn cảnh nhân sinh. Thật vậy, Cây Thập Giá của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, gần như "ngập tràn" trong những trải nghiệm cuộc đời của rất nhiều bạn trẻ, những người đã nhìn thấy và vác cây Thập giá này lên vai. Chẳng ai từng tiếp cận hay chạm vào cây Thập Giá Chúa Giêsu mà không từ bỏ một điều gì đó của chính mình, và không nhận lấy một điều gì đó từ Thập Giá Chúa Giêsu vào trong đời sống riêng của họ.
Cha có ba câu hỏi mà cha hy vọng sẽ vang vọng mãi trong trái tim của các bạn tối nay, khi các bạn bước đi bên cạnh Chúa Giêsu:

- Những gì các bạn bỏ lại trên cây Thập Giá, hỡi các bạn trẻ Brasil thân mến, khi mà trong thời gian hai năm qua nó đã được mang đi khắp đất nước tuyệt vời của các bạn?
- Cây Thập Giá Chúa Giêsu đã để lại cho các bạn, mỗi một người trong các bạn những gì?
- Cuối cùng, cây Thập Giá này dạy cho chúng ta điều gì?

1. Theo một truyền thuyết La Mã thời cổ đại, trong khi chạy trốn ra khỏi thành vì các cuộc đàn áp của hoàng đế Nero, Thánh Phêrô đã thấy Chúa Giêsu đi ngược lại - nghĩa là Chúa quay về hướng thành phố - và thánh nhân đã ngạc nhiên hỏi Chúa rằng: "Lạy Chúa, Thầy đang đi đâu vậy?". Chúa Giêsu trả lời: "Ta sẽ tới Rôma để chịu đóng đinh vào Thập Giá một lần nữa". Khi ấy, Phêrô hiểu rằng mình phải theo Chúa với lòng can đảm, cho đến tận cùng. Tuy nhiên, thánh nhân cũng nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ đơn độc trên cuộc hành trình theo Chúa; Chúa Giêsu - Đấng đã yêu thương Phêrô cho đến chết trên thập giá - sẽ luôn ở bên cạnh Phêrô.

Chúa Giêsu, với cây Thập Giá của mình, Ngài bước đi với chúng ta và vác lấy những sợ hãi của chúng ta, những vấn nạn của chúng ta, và những đau khổ của chúng ta, ngay cả những thứ đau khổ thẳm sâu và tột cùng nhất. Với Thập Giá, Chúa Giêsu kết hiệp Ngài vào sự câm nín của các nạn nhân của bạo lực - những người đã không còn có thể khóc được nữa, đặc biệt là những người vô tội và mất khả năng tự vệ; với Thập Giá, Ngài kết hiệp với các gia đình gặp khó khăn, những người than khóc vì mất đi con cái của họ, hoặc những người đau khổ khi nhìn thấy mình trở thành nạn nhân của những thứ lạc thú, chẳng hạn như nghiện ngập.

Trên Thập Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với mỗi người bị bỏ đói trong một thế giới mà mỗi ngày có hàng tấn lương thực bị phung phí; trên Thập Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với những ai bị bách hại vì tôn giáo, tín ngưỡng của họ hoặc đơn giản chỉ vì màu da của họ; trên Thập Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với rất nhiều bạn trẻ đã mất niềm tin vào các tổ chức chính trị, bởi vì họ nhìn thấy ở chúng có sự vị kỷ và tham nhũng, Ngài kết hiệp chính mình với những bạn trẻ đã mất niềm tin vào Giáo Hội, hoặc thậm chí vào Thiên Chúa, vì những phản chứng nhân của các Kitô hữu và các thừa sai Tin Mừng. Thập Giá Đức Kitô vác lấy sự đau khổ và tội lỗi của nhân loại, trong đó có chúng ta. Chúa Giêsu chấp nhận tất cả những điều này với vòng tay rộng mở, mang trên vai Ngài những cây thập giá của chúng ta và nói với chúng ta rằng: "Hãy can đảm! Các con không cần vác thập giá của mình! Ta vác nó với các con. Ta đã vượt thắng cái chết và ta đến để ban cho các con niềm hy vọng, ban cho các con sự sống" (x. Ga 3:16).

2. Và vì vậy chúng ta có thể trả lời câu hỏi thứ hai: Cây Thập Giá mang lại điều gì cho những người đã nhìn hay chạm vào? Cây Thập Giá lưu lại những gì trong mỗi người chúng ta? Cây Thập Giá cho chúng ta một kho tàng mà không ai khác có thể cho được: đó là sự bảo đảm về tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu tuyệt vời khi gánh lấy tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho chúng ta, Chúa Kitô đã vác lấy đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng sự dữ và cứu vớt chúng ta. Thập Giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, và lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng.

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn! (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16) Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ. Với Ngài, sự dữ, sự đau khổ và cái chết không còn quyền lực, bởi vì Ngài cho chúng ta niềm hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập Giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, thành sự khải hoàn và sự sống.
Biệt danh của Brasil là "Vùng đất của Thánh Giá". Thập Giá Chúa Kitô được vun trồng ở nơi này cách đây hơn năm thế kỷ, không chỉ trên bờ biển của đất nước, mà còn trong lịch sử, trái tim và cuộc sống của người dân Brasil và ở những nơi khác nữa. Đau khổ của Chúa Kitô được cảm nghiệm sâu sắc ở đây, chia sẻ cuộc hành trình của chúng ta cho đến cuối cùng. Không có cây Thập Giá nào,  dù lớn hay nhỏ trong cuộc đời của chúng ta mà Chúa lại không vác cùng chúng ta.

3. Nhưng Thập Giá Đức Kitô mời gọi chúng ta cũng cho phép mình được mê say bởi tình yêu của Ngài, dạy chúng ta luôn nhìn vào tha nhân với lòng thương xót và sự trìu mến, đặc biệt là với những người đau khổ, những người đang cần sự giúp đỡ, những người cần một lời nói hoặc một hành động cụ thể - là những điều đòi hỏi chúng ta bước ra khỏi chính mình để đáp ứng cho họ và chìa tay ra với họ. Có biết bao nhiêu người đã cùng đi với Chúa Giêsu trên đường lên Đồi Canvê: Philatô, Simon thành Xirênê, Đức Maria, người phụ nữ Veronica... Đôi khi chúng ta có thể giống như Philatô - người không có can đảm chống lại dư luận để cứu mạng sống của Chúa Giêsu, thay vào đó đã rửa tay làm ngơ.

Các bạn trẻ thân mến, Thập Giá Đức Kitô dạy chúng ta hãy nên như Simon thành Xirênê - người đã vác giúp Chúa Giêsu khối gỗ nặng. Thập Giá Đức Kitô dạy cho chúng ta trở nên giống như Đức Maria và người phụ nữ Veronica - những người không sợ khi đồng hành cùng với Chúa Giêsu đi trọn con đường đến tận cùng, với tình yêu và sự dịu mến. Còn các bạn? Các bạn giống ai? Như Philatô? Như Simon? Như Đức Maria?

Các bạn thân mến, chúng ta hãy vác Thập Giá Đức Kitô bằng niềm hân hoan của chúng ta, đau khổ và thất bại của chúng ta. Chúng ta sẽ tìm thấy một Trái Tim mở ra cho chúng ta, sẽ thấu hiểu chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta mang tình yêu đó vào trong cuộc đời của chúng ta, yêu mỗi người, mỗi anh chị em với một tình yêu như thế. Amen!

Chặng Đàng Thánh giá kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và phép lành của Đức Thánh Cha.


 ***

  

(Nguồn tổng hợp: Đài Vatican - Chương Trình Việt Ngữ; http://www.hdgmvietnam.org; FacebookĐHGT;http://vietvatican.net; http://www.rio2013.com; http://www.news.va/en; http://www.youtube.com/vatican; http://wydcentral.org; http://www.radiovaticana.va/player)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top