Khóa đào tạo Giáo lý viên: Hãy đến và cảm nhận!

Khóa đào tạo Giáo lý viên: Hãy đến và cảm nhận!

Khóa đào tạo Giáo lý viên: Hãy đến và cảm nhận!

TGPSG -- Vậy là đã khép lại một năm học đầy những kỉ niệm khó phai cho các bạn giáo lý viên và cách riêng cho chính tôi nữa. Cơn mưa sau buổi bế giảng giống như một lời tạ ơn của các giảng viên và học viên cho một năm học qua với biết bao nhiêu hồng ân Chúa ban.

Khi về nhà ăn cơm rồi ngồi vào bàn học, tự nhiên tôi hồi tưởng về buổi bế giảng vừa qua thật ý nghĩa với biết bao kỉ niệm về hành trình một năm qua, cùng với niềm tri ân từ tận sâu thẳm tâm hồn của các học viên, đặc biệt là các anh chị cấp 3. Vâng, hẳn là các anh chị đó cũng đang bâng khuâng hồi tưởng lại lễ bế giảng với một chút tri ân, một chút bịn rịn về nơi mình đã gắn bó suốt các buổi chiều Chúa nhật trong hành trình 3 năm qua, cùng ánh mắt thao thức với Giáo hội cho sứ vụ phía trước là mang Chúa đến cho mọi người. Tự nhiên, tôi nghĩ đến hình ảnh các môn đệ ở cùng với Chúa trong 3 năm được nghe Chúa giảng dạy và làm phép lạ. Rồi Chúa về trời, giao lại sứ mạng loan báo Tin mừng cho các môn đệ...

Phần tôi, không phải là một người giáo dân gốc Sài Gòn, nhưng tôi biết đến khóa học đào tạo giáo lý viên qua một người bạn là tu sĩ. Sau cuộc nói chuyện và lời mời của người bạn này, tôi đã thử đăng kí để học và trải nghiệm xem như thế nào. Nghe nói học đến tận 3 năm thì lúc đầu cũng ngại ngần. Nhưng người bạn đó nói rằng khóa học rất ích lợi, nên tôi đã quyết định xin chữ kí cha sở nơi tôi đang giúp và đăng kí với mục đích ban đầu là “học cho biết”.

***

Môn đầu tiên chúng tôi được học là môn Nhân Bản của cha Phêrô Hiền. Lúc đầu nghe từ “nhân bản” tôi tưởng là kiểu lại học lễ nghi này nọ. Nhưng bất ngờ thay, không phải là vậy. Chúng tôi được Cha cho học về tâm lý học và tìm hiểu bản thân mình là con người như thế nào qua từng bài trắc nghiệm. Rồi các kĩ năng khác cần có của một con người. Nó giống như là, qua bao nhiêu năm tôi sống trong vô thức, nay được Cha thức tỉnh bằng các bài trắc nghiệm để hiểu hơn về bản thân. Và mình cần sử dụng những nén bạc Chúa trao như thế nào để giúp ích cho bản thân và xã hội cũng như Giáo hội.

Môn Linh Đạo – Kinh Nguyện cũng không kém phần thú vị. Giảng viên hướng dẫn chúng tôi cầu nguyện, giúp chúng tôi biết đi sâu vào trong thinh lặng để nghe tiếng Chúa nhiều hơn, để chúng tôi biết tương giao với Chúa và ý thức sự hiện diện của Ngài trong đời sống của mình. Cầu nguyện không phải là một điều gì đó quá cao siêu mà là hướng về nhau, hướng về Đấng đã yêu chúng tôi từ muôn thuở, Đấng dù cả thế giới này có quay lưng lại với chúng tôi thì vẫn hiện diện ở đó, chờ chúng tôi đến tâm sự với Ngài để kín múc đầy sự bình an và ân thiêng của Ngài.

Các bạn biết không? Giảng viên môn Kinh Tin Kính của chúng tôi là một linh mục dòng Đaminh cực kì am hiểu về tâm lý chúng tôi. Ngài không đưa chúng tôi vào những bài học nghe có vẻ cao siêu như chính tên của nó vậy, mà để chúng tôi đặt ra những câu hỏi thường trực, và trả lời một cách hấp dẫn, đầy tính thuyết phục. Tự nhiên mỗi tiết học của Cha chúng tôi thấy vừa thật thoải mái dễ chịu vừa đầy nét thâm sâu mà không bị gò bó, đầy sự vui tươi mà không có sự nhàm chán trong từng giây phút học với Cha.

Khi học về môn Sư Phạm Giáo Lý Tổng Quát, bản thân tôi và các bạn cùng lớp đã nhận ra rằng, từ trước đến giờ chúng tôi đã hiểu sai về bản chất và mục đích của việc dạy giáo lý rất nhiều. Tôi và những người bạn trong giáo xứ mình đã không đi đúng với những gì cần có của một giáo lý viên và mục đích đúng đắn cần hướng tới. Và cứ như thế, một hàng dài các thế hệ nối tiếp nhau liên tục đi vào đường mòn của việc dạy giáo lý, khiến cho cả chúng tôi và các em thiếu nhi nhiều khi không còn cảm thấy hứng thú trong việc dạy hoặc học giáo lý nữa.

***

Cứ ngỡ là một năm sẽ lâu lắm, nhưng thời gian qua thật nhanh, năm ngoái tôi đã học xong khóa đào tạo giáo lý cấp 1. Bản thân tôi thấy mình được kín múc thật nhiều ân huệ từ việc nhận ra và phần nào thao thức hơn cho sứ mạng giáo dục đức tin.

Rồi tôi đã lên mạng, nhanh chóng mở trang web tổng giáo phận và vào mục Ban Giáo Lý. Nhìn vào các môn cấp 2, thấy toàn những môn mà bản thân tôi khá tò mò, nên tôi đã nhanh chóng quyết tâm đăng kí học.

Ngày khai giảng thật ngạc nhiên khi tôi thấy số học viên cấp 2 bị giảm sút hơn một nửa mà không biết vì lý do gì. Có thể do mọi người bận cho việc học hay việc cá nhân. Cũng có thể là nắng Sài Gòn hơi thách thức sự kiên nhẫn của một con người chăng.

Khi bước vào năm thứ 2, môn học đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc là  Sư Phạm Giáo Lý Thiếu Nhi. Cô Thúy phân tích những bất cập của người giáo lý viên đứng lớp cũng như các bước và các kĩ năng cho bài dạy giáo lý được hấp dẫn. Tự nhiên lúc đó tôi bị cuốn theo. Ôi, sao mà hay quá vậy trời? Sao giờ mình mới biết vậy? Thêm vào đó, tôi được học những bài đứng lớp từ các nhóm khác. Tự nhiên tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được ngồi nơi đây, được hiểu rõ và biết được những nguyên nhân tại sao các bài giáo lý chúng tôi đứng lớp lại khiến cho các em thiếu nhi nhàm chán đến như thế.

Bạn đã có lần nào mất niềm tin vào Giáo hội vì một vết nhơ hay một biến cố không mấy tốt trong Giáo hội chưa? Với tôi trước kia, khi một trong những biến cố đó xảy ra, tôi thường mất niềm tin vào những người trong Giáo hội. Nhưng các bạn biết không, khi học môn Lịch Sử Hội Thánh Công Giáo xong, suy nghĩ trong tôi hoàn toàn khác về Giáo hội. Một Giáo hội thực sự có Chúa hoạt động trong mọi biến cố dù là xấu nhất. Một Giáo hội yêu con cái mình hết mực. Một Giáo hội được hình thành qua biết bao nhiêu con người đã đổ máu ra. Chúng tôi được thừa hưởng một Giáo hội phát triển và năng động như ngày nay là nhờ sự hi sinh của biết bao nhiêu những con người tử vì đạo hữu danh hay vô danh… và một Giáo hội vẫn đang hằng ngày ôm ấp chúng tôi qua từng người Chúa gửi đến. Một Giáo hội cũng đang cần bản thân tôi cố gắng để hoàn thiện chính mình và giúp cả người khác. Tự nhiên tôi thấm được câu “Giáo hội là Mẹ chúng con, Giáo hội ở trong chúng con và Giáo hội cùng đang bước với các con” của các cha giảng viên hơn lúc nào hết. Chưa bao giờ hai từ “ Giáo hội” lại thân thương và gần với tôi đến như vậy.

Nghe đến từ “lịch sử” hay “Cựu ước”, chắc trong tưởng tượng của các bạn sẽ là những con số, những sự kiện thật khó nhớ phải không? Trước kia tôi cũng nghĩ vậy đó. Nhưng không, khi học rồi, tự nhiên tôi đâm ghiền các môn này. Môn Lịch Sử Cứu Độ cũng như môn Tìm hiểu Cựu Ước không quá khô khan và khó khăn như tôi nghĩ, vì được các giảng viên có tâm huyết truyền tải cho chúng tôi một cách tinh tế và thấm thía biết bao. Mỗi câu chuyện trong Kinh Thánh giúp chúng tôi có một góc nhìn ngày một mới và hoàn thiện hơn về Thiên Chúa, về cuộc sống này. Dù Kinh thánh có hàng trăm trang hay hàng vạn câu chữ, hoặc là một cuốn Sách Thánh dày đến một kí, nhưng chỉ vỏn vẹn một màu xuyên suốt được tái hiện trong đó, chỉ là một chữ “Yêu”. Một Thiên Chúa trước sau như một và đến tận bây giờ chỉ biết “Yêu” mà thôi. Ngài vẫn chọn “Yêu” khi dân Ngài phản bội quay lưng. Và Ngài vẫn yêu khi chính chúng tôi rời xa Ngài. Có những giờ học chúng tôi phải cúi xuống để nhìn lại bản thân, để thấy chúng tôi đã đối xử và khước từ Chúa như thế nào trong cuộc sống. Cựu ước chưa bao giờ gần chúng tôi đến thế. Nó chả xa xôi hay cao vời gì, nhưng là những bài học cần thiết cho hành trình theo Chúa của chúng tôi phía trước trong bất kì một ơn gọi nào: "Khởi điểm của bất cứ ơn gọi nào, không phải là chúng ta yêu mến Chúa bao nhiêu, nhưng là Người yêu mến ta rất nhiều".

Môn Phụng Vụ Bí Tích giúp chúng tôi hiểu được bản chất sâu xa của các Bí tích - đó là giúp chúng tôi đón nhận dồi dào ân sủng từ Chúa cũng như sống mật thiết hơn với Ngài. Thay vì trước kia chúng tôi coi những nghi thức phụng vụ như những điều nhàm chán, lặp đi lặp lại nhiều lần, thì Cha giảng viên rất nhiệt tình hướng dẫn và giải thích cặn kẽ để chúng tôi hiểu hơn về phụng vụ, hiểu bản chất và ý nghĩa thần học sâu sa trong các nghi thức đó… để rồi khi tham dự Thánh lễ, tôi ý thức rằng mỗi cử chỉ là một dấu hiện của sự trao ban ân sủng dồi dào.

***

Thế là đến ngày hôm nay, tôi và những người bạn của mình đã chính thức học xong chương trình cấp 2 rồi. Nhìn lại, tôi chỉ biết tạ ơn Chúa vì đã cho tôi được đến nơi này và được gặp các giảng viên cực kì tâm huyết. Mỗi bài giảng, mỗi lời tâm sự, mỗi sự chỉ dạy đều thật hay và ấm áp làm sao!

Nhìn những anh chị giáo lý viên cấp 3 hôm nay, vừa vui vừa bịn rịn, khiến chúng tôi tưởng tượng về một năm sau, liệu chúng tôi có như thế chăng? Đúng là 3 năm không quá dài, không quá ngắn, nhưng cũng đủ để người ta nhận ra được tình yêu và ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho mình...

Đến bây giờ, hai năm liên tục với các buổi chiều Chúa Nhật - bỏ qua những cuộc gặp mặt bạn bè, hay đơn giản là từ bỏ giấc ngủ dài sau buổi sáng giúp giáo xứ - không làm tôi hối hận vì những gì tôi đã từ bỏ ấy, mà ngược lại, tôi cảm nhận mình còn nhận được nhiều hơn những gì bỏ ra, vì được gặp những người bạn và những giảng viên giỏi, đã truyền rất nhiều cảm hứng và tinh thần hi sinh phục vụ cho tôi.

Bạn à, đây chỉ là những chia sẻ của một cá nhân. Nhưng nếu các bạn đang sống trong Tổng giáo phận Sài Gòn, là những người con trong Tổng giáo phận, thì bạn thật may mắn khi có được những khóa học đào tạo quy củ và chuyên sâu như thế này đó. Bạn đừng bỏ lỡ những gì mà hàng bao nhiêu người đang mơ ước nhé! Đừng đứng ngoài nhìn và nghe những gì bạn đang suy đoán. Hãy mạnh dạn bước vào khóa học! Bạn không chỉ có được những kiến thức thú vị về Thiên Chúa và Giáo hội, mà tôi chắc chắn rằng, từng ngày, từng ngày, bạn sẽ được Thiên Chúa dẫn dắt và biến đổi đó! Tin tôi đi! Sự trả giá những giấc ngủ trưa hay các buổi hẹn hò còn quá rẻ so với những gì bạn sẽ được lãnh nhận qua các khóa học đó. “Come and feel: Hãy đến mà cảm nhận nhé!”

Maria Hoàng Thị Thắm (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top