John Henry Newman, thay đổi để trung tín với chính mình và với chân lý
Hồng y John Henry Newman đã được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI phong chân phước vào lúc mở đầu thánh lễ do ngài chủ tế tại Cofton Park, Birmingham, sáng Chúa nhật ngày 19/9/2010 vừa qua.
Nghi lễ phong chân phước sáng chúa nhật cũng đã được chuẩn bị với Đêm tĩnh nguyện. Trong buổi canh thức này, Đức Giáo hoàng cùng với cộng đoàn đã suy niệm về cuộc đời và ý nghĩa của cuộc đời của Hồng y Newman đối với người Kitô hữu và đối với Giáo hội ngày hôm nay.
Cuộc đời của Hồng y John Henry Newman
John Henry Newman sinh tại London (Anh quốc) năm 1801. Trải nghiệm đầu tiên về Thiên Chúa ở tuổi 15 (“Bản thân tôi và Đấng Tạo hóa của tôi”) đã đóng vai trò quyết định trong cuộc đời của Newman. Về sự trải nghiệm này, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI giải thích: “Đây là một trải nghiệm trực tiếp về chân lý của Lời Chúa, về thực tại khách quan của Mạc khải Kitô giáo như đã được truyền lại trong Giáo hội. Chính trải nghiệm này, vừa mang tính tôn giáo vừa mang tính tư tưởng, đã gợi lên ơn gọi làm một thừa tác viên của Tin Mừng, giúp ngài nhận ra nguồn của thừa tác vụ giáo huấn trong Giáo hội, và thôi thúc nhiệt tâm của ngài để canh tân đời sống Giáo hội trong sự trung tín với truyền thống các Tông đồ” (Bài giảng đêm tĩnh nguyện trước ngày phong chân phước cho cố Hồng y Newman).
Được phong linh mục trong Giáo hội Anh giáo vào năm 1825, Newman theo đuổi ơn gọi sống độc thân. Ngài đã khám phá ra kho tàng phong phú nơi các Giáo phụ và, trong nhiều năm trời, đã tự hỏi về nền tảng của Giáo hội và trở thành người lãnh đạo của một phong trào canh tân thần học, phụng vụ và đạo đức trong Anh giáo, được biết đến dưới tên gọi “Phong trào Oxford”.
Xác tín rằng Giáo hội công giáo Roma là người kế vị đích thực Giáo hội các Giáo phụ, Newman quyết định nhập Giáo hội công giáo vào năm 1845.
Céline Hoyeau, trong bài phóng sự đăng trong tờ báo La Croix, kể: “Ngày 8/10/1845, linh mục Đa Minh Barberi, một tu sĩ dòng Thương Khó, người Italia, sau một cuộc hành trình trong cơn mưa tầm tã, cuối cùng cũng đã tới được Littlemore, cách Oxford năm cây số, tại nhà xứ của linh mục John Henry Newman, thuộc Giáo hội Anh giáo.
Từ ba năm nay, vị linh mục này đã cùng với mấy người bạn sống một cuộc sống gần như ẩn tu. Linh mục Barberi chỉ mới bắt đầu sưởi ấm trước ngọn lửa của lò sưởi thì chủ nhà đã quỳ xuống dưới chân linh mục và xin xưng tội chung. Sáng hôm sau, Newman được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo, ở tuổi 44, với hai thành viên khác thuộc cộng đoàn của ngài.
Đối với Newman, việc gia nhập Giáo hội Công giáo là một biến cố gây không ít đau khổ về tình cảm: “Một con người nhút nhát, nhưng lại rất thích tình bạn vững bền, nay phải mất bạn bè cùng chí hướng và bị gia đình ruồng bỏ. Newman cũng phải từ bỏ những vinh dự và lợi lộc của một vị trí sáng sủa của nhà nghiên cứu và giảng dạy tại trường Oriel, ở Oxford, nơi ngài đã sống 28 năm”.
Vẫn theo tác giả Céline, Newman là một con người rất nhạy cảm, ngài đã “đau khổ rất nhiều trước các cuộc tấn công phi lý nhằm vào ngài, trong thế giới Anh giáo, và cả trong Giáo hội Công giáo: nếu những trực giác thần học mạnh mẽ của ngài ngày nay đã biến ngài thành “nhà tư tường vô hình của Công đồng chung Vatican II”, theo cách nói của Jean Guitton, con người trở lại quá xuất sắc này, vào thời đó, đã không được thông hiểu, đôi khi còn bị nghi ngờ là lạc đạo…
Cuốn tự thuật về con đường thiêng liêng của ngài, Apologia pro vita sua (1864), khi ấy không đủ để đánh tan các sự hiểu lầm, nhưng lại cho thấy, một cách thuyết phục, một năng khiếu văn chương tuyệt vời. Việc Đức giáo hoàng Lêôn XIII phong ngài làm Hồng y vào năm 1879 là một sự nhìn nhận”.
Nhập Giáo hội công giáo, Newman thụ phong linh muc năm 1847 và tìm thấy trong dòng Oratoire của thánh Philiphê Nêri cuộc sống cộng đoàn huynh đệ ngài ao ước có ở Littlemore. Newman đã thành lập dòng Oratoire của thánh Philiphê Nêri tại Anh. John Henry Newman qua đời tại Edgbaston năm 1890. Ngài đã sống gần trọn thế kỷ XIX.
Canh tân giáo hội với những gốc rễ của truyền thống các tông đồ
Từ Giáo hội Anh giáo đến Giáo hội Công giáo, cuộc hành trình trí thức và thiêng liêng của Hồng y Newman là một đường thẳng không đứt đoạn và không có khúc quanh. Ngày 9/10/1845 đã đưa Newman trở về với tất cả những gì Newman đã sống cho tới lúc này, như một người đi biển “về lại bến sau một trận cuồng phong”, như ngài viết sau đó. “Sống chính là thay đổi; trở nên trọn lành, chính là đã thường xuyên thay đối”; nếu có “thay đổi ý nghĩ về Kitô giáo”, ấy cũng chính là “để trung tín với chính mình”, ngài tóm tắt như vậy trong tập Luận về sự phát triển của giáo lý Kitô giáo.
Nguồn tư tưởng chính của Newman là các Giáo phụ. Newman rút ra từ các Giáo phụ xác tín là truyền thống không phải là một kho tàng cứng ngắc và đựơc lặp đi lặp lại nguyên xi, mà phải được trải ra trong sự trung tín có tính sáng tạo với giáo huấn của các Tông đồ. Vấn đề là tìm hiểu xem ở đâu có sự trung tín hơn cả…
Ảnh hưởng của Hồng y Newman
Newman qua đời tại Birmingham vào năm 1890, để lại ít là 40 tác phẩm, 20.000 bức thư, mười hai tập bài giảng, các tập nhật ký, và thậm chí, hai cuốn tiểu thuyết … “Các thánh không phải là những nhà trí thức, các ngài không ưa các tác giả cổ điển, các ngài không viết tiểu thuyết”. Qua câu nói này, John Henry Newman nghĩ “là có thể làm nhụt khí những người, ngay khi ngài còn sống, muốn phong thánh ngài” (Céline Hoyeau).
Dầu vậy, Newman vẫn là một trong số những nhà giảng thuyết người Anh nổi tiếng nhất. Nhiều người đã từ xa kéo tới để nghe ngài giảng thuyết cho các bổn đạo ngày Chúa Nhật tại giáo xứ của ngài ở Oxford. Bài giảng và bài viết của ngài được phổ biến khắp Anh quốc.
Đức Giáo hoàng đã thổ lộ trong đêm tĩnh nguyện diễn ra ở London chuẩn bị việc phong chân phước cho Hồng y Newman: “Newman đã có một ảnh hưởng lâu dài và quan trọng trong cuộc đời và tư tưởng của tôi và trong cuộc đời của nhiều người ở ngoài các hòn đảo này”.
Linh mục Keith Beaumont, thuộc dòng Oratoire của Pháp và đồng thời cũng là tác giả của nhiều công trình về Hồng y Newman, nhân chuyến viếng thăm Anh quốc của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI và việc Hồng y Newman được Đức Giáo hoàng phong chân phước nhân dịp này, đã dành cho tờ La Croix một cuộc trao đổi rất súc tích. Trong cuộc trao đổi này, linh mục đã nói đến ảnh hưởng của Hồng y Newman trên công đồng Vatican II: “Người ta đã nói nhiều đến ảnh hưởng của ngài đối với Công đồng chung Vatican II (cách nghĩ của ngài về Giáo hội ‘nhiệm thể của Đức Kitô’, về vai trò của giáo dân, về tự do tôn giáo…). Ngày nay, chúng ta cũng còn có thể học được nhiều điều ở ngài”.
Trong bài giảng thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Westminster, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã khẳng định Công đồng đã được cảm hứng bởi giáo huấn của Hồng y Newman về sứ vụ biến đổi xã hội của người tín hữu giáo dân: “Lời kêu gọi Công đồng gửi đến các tín hữu giáo dân thực thi vai trò của mình trong sứ vụ của Đức Kitô làm dội lại những trực giác và giáo huấn của John Henry Newman. Chớ gì những tư tưởng của người Anh vĩ đại này tiếp tục gợi lên nơi tất cả các môn đệ của Chúa Kitô tại xứ sở này để họ làm cho tư tưởng, lời nói và hành động của họ phù hợp với Chúa Kitô, và quyết tâm hành động để bảo vệ các chân lý luân lý bất di bất dịch, được tái khẳng định, được soi sáng bởi Tin Mừng, sẽ là nền tảng của một xã hội thực sự con người, công bằng và tự do”.
Tư tưởng của Hồng y John Henry Newman
Francis Campbell, đã từng là thư ký riêng của cựu thủ tướng Tony Blair, tại Downing Street, và là đại diện của Nữ hoàng Elisabeth II cạnh Giáo hoàng từ năm 2005, hiện là đại sứ Anh cạnh Tòa Thánh, người đã có một vai trò quyết định trong việc chuẩn bị chuyến viếng thăm Anh quốc của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, cho biết trong bài trả lời phỏng vấn của hãng tin Zenit:
“Một phần quan trọng của công trình của Newman được thực hiện vào thời ngài còn là tín đồ Anh giáo… Ngài thành lập ‘Phong trào Oxford’ với mục đích canh tân Giáo hội. Phong trào này vẫn còn có ảnh hưởng và tiếng nói mạnh mẽ trong Anh giáo trong việc định cỡ lại truyền thống Tông đồ của Anh giáo. Newman đã sống một phần quan trọng của cuộc đời ngài trong Giáo hội Anh giáo. Ngài không phải là một lực lượng gây phân hóa. Các giáo huấn của ngài về ý thức có thể được áp dụng cho mọi Kitô hữu, thuộc mọi niềm tin, và cho mọi người có thiện chí. Ngài trước tiên và trên hết là một nhà tư tưởng Kitô giáo. Tôi nghĩ rằng điều lôi cuốn Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong sự nghiệp của Newman, chính là vì ngài là một nhà tư tưởng của thời kỳ sau “thời kỳ Ánh sáng”, và vì ngài đã hàn gắn sự nứt rạn giữa lòng tin và lý trí gây nên bởi thế kỷ Ánh sáng tại Pháp. Đây là một dung mạo xuất hiện để chữa lành sự nứt rạn này. Và như vậy, đây là một dung mạo không chỉ đối với Giáo hội Công giáo Roma, mà đối với các Giáo hội, các Kitô hữu khác và đối với mọi tín đồ các tôn giáo”.
Nói về những rường cột của tư tưởng của Newman, linh mục Keith Beaumont cho biết : “Tư tưởng của ngài thấm nhuần Thánh Kinh –ngài thuộc lòng những đoạn dài- và các Giáo phụ. Nhưng ngài không trích dẫn các Giáo phụ: ngài thấm nhập tư tưởng của các ngài đến độ ngài suy tư theo mô hình của các ngài.
Và điều tạo nên đặc điểm của tư tưởng này, chính là sự khước từ tách biệt suy tư (thần học), hành động (luân lý) và đời sống tinh thần, thiêng liêng. Thiên Chúa không đơn thuần là một đối tượng của việc suy tư. Ngài là một Đấng người ta có thể gặp gỡ và hiểu được. Theo nghĩa này, luân lý không chỉ là một tổng hợp những tiêu chí về cái thiện, cái ác, mà là một hoạt động trên bản thân khiến chúng ta sẵn sàng với cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và tạo thuận lợi cho cuộc gặp gỡ này.
Nhiều khi người ta có khuynh hướng quá nặng về việc định nghĩa người kitô hữu với những từ mang mầu sắc tri thức (kẻ tin vào) hay luân lý (kẻ sống theo một số giá trị ) mà quên không nghĩ tới chiều kích tinh thần, thiêng liêng, chiều kích của đời sống Thiên Chúa nơi chúng ta. Cái nhìn thống nhất, ba chiều về đời sống kitô hữu, là nòng cốt của tư tưởng của Newman. Vả lại, xem ra ngài đã sống trọn cuộc đời, ít là từ khi ngài trở lại vào năm 15 tuổi, với cái ý nghĩa thâm sâu, liên tục, của sự hiện diện của Thiên Chúa nơi ngài.
Chủ đề ý thức xuyên suốt tác phẩm của Newman từ kinh nghiệm đầu tiên của ngài về Thiên Chúa. Ngài đã nói đến điều này như một khám phá của ‘hai thực thể (…) có tính hiển nhiên tuyệt đối và sáng chói: bản thân tôi và Tạo hóa của tôi’. Đây không phải là một thứ quy về chính mình về phía ngài, mà là một ý thức về mình với tính cách thực thể có thể suy nghĩ.
Newman còn đi xa hơn Descartes: vượt khỏi ý thức về chính mình, cũng là sự nảy sinh ý thức về một Đấng khác. Newman tả hai ý thức này như sau: con người được mời gọi đi vào chốn thâm sâu nhất của mình và khám phá thấy ở đó sự hiện diện của một Đấng khác; sự khám phá này đẩy con người về lại thế giới bên ngoài, đi tìm dấu vết của Đấng khác này trong thế giới và trong quan hệ với người khác.
Ở đây, Newman khác với cách hiểu chủ quan về ý thức được khẳng định từ thế kỷ Ánh sáng (“ý thức của riêng tôi”). Khái niệm hiện đại về ý thức giam cầm chúng ta trong chính chúng ta. Khái niệm của ngài mở chúng ta trước sự siêu việt”, linh mục Keith Beaumont nói.
Tìm kiếm sự thánh thiện
“Việc tìm kiếm sự thánh thiện cũng là một trong những chủ đề lớn trong tư tưởng của Newman. Ngài mang dấu ấn sâu sắc của sự canh tân Tin lành của Evangelicum ngài được biết đến trong thời trẻ: việc tìm kiếm sự thánh thiện của bản thân, một Kitô giáo nội tâm hơn là thể chế. Newman đã duy trì được những gì là tốt đẹp của các người thầy đầu tiên của Tin lành và đưa vào trong một khuôn khổ rộng lớn hơn và đầy đủ hơn, khám phá ra Giáo hội như nhiệm thể của Chúa Kitô.
Vào thời ngài, nhiều người hiểu sự thánh thiện như một trạng thái người ta tự mình tạo ra được do những nỗ lực của mình. Khởi đầu, Newman cũng là con người rất duy ý chí, nhưng dần dần, ngài khám phá ra rằng cần phải phó thác trong tay Thiên Chúa và để Thánh Thần của Ngài, Đấng hoạt động trong thâm tâm của mình, thánh hóa mình. Newman nói nhiều đến việc Thánh Thần ‘đến ở nơi’ con người”.
Những bài học từ cuộc đời của chân phước Newman
Nói về cuộc đời của John Henry Newman trong bài giảng đêm tĩnh nguyện, Đức giáo hoàng ghi nhận là có “những khía cạnh trong cuộc đời của Newman” ngài cho là “rất quan trọng đối với cuộc đời tín hữu và đối với cuộc sống của Giáo hội ngày nay”.
“Tiểu sử của Newman mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc đời của chúng ta, đặt cuộc đời của chúng ta trước chân trời rộng lớn của kế hoạch của Thiên Chúa, và mở rộng trong sự hiệp thông với Giáo hội ở mọi nơi và vào mọi thời: Giáo hội của các Thánh Tông đồ, Giáo hội của các Thánh Tử đạo, Giáo hội của các Thánh, Giáo hội mà Newman yêu mến và hiến trọn cuộc đời để thi hành sứ vụ của Giáo hội”.
Theo Đức Thánh Cha, có ba bài học có thể rút ra từ cuộc đời của Newman:
Bài học đầu tiên là Newman đã đấu tranh chống lại khuynh hướng “xem tôn giáo như là chuyện riêng tư và chủ quan”. “Ngày nay, khi chủ nghĩa tương đối trí thức và luân lý có nguy cơ đạp đổ chính nền tảng của xã hội chúng ta, Newman nhắc nhở chúng ta rằng, với tư cách là con người, được tạo nên theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên để biết chân lý, để tìm trong chân lý này sự tự do tột cùng và sự hoàn thành các khát vọng thâm sâu nhất mang tính con người của chúng ta. Tắt một lời, chúng ta được dành cho việc biết Đức Kitô, Người chính là “đường, sự thật và là sự sống”.
Bài học thứ hai, đó là “Sự say mê đối với chân lý, sự lương thiện trí thức và sự cải hóa đích thực có một giá trị cao”. Thực vậy, Đức giáo hoàng nhấn mạnh rằng “Chân lý vốn biến chúng ta thành tự do đòi hỏi phải được làm chứng, phải được lắng nghe, và cuối cùng, sức mạnh chinh phục của chân lý ấy nằm trong chính chân lý chứ không phải do kiểu nói của con người, cũng không phải do những lập luận nhờ đó chân lý có thể được diễn tả”.
Đức Giáo hoàng khẳng định: “Ở thời đại chúng ta, cái giá phải trả cho sự trung tín với Tin Mừng không còn là bản án tử hình treo cổ hay phanh thây… Tuy nhiên, Giáo hội không thể khước từ bổn phận của mình: Rao giảng Đức Kitô và Tin Mừng của Người như chân lý cứu độ, nguồn của hạnh phúc tột cùng của mỗi người và nền tảng của một xã hội công bằng và nhân bản”.
Bài học thứ ba liên quan đến sứ vụ của người giáo dân: “Nếu chúng ta đã chấp nhận chân lý của Chúa Kitô và đã dâng hiến cho Người cuộc đời của chúng ta, thì không thể còn có sự khác biệt giữa điều chúng ta tin và cách chúng ta sống”.
Đức Giáo hoàng xem Newman là “người bảo vệ vĩ đại của sứ vụ ngôn sứ của người Kitô hữu giáo dân” bởi vì “chân lý được truyền đạt không chỉ bằng một giáo huấn chính quy… mà còn bởi chứng từ của những cuộc đời được sống một cách trọn vẹn, trong sự trung tín và thánh thiện”.
“Việc làm chứng cho chân lý, để chân lý tỏa sáng và đẩy lui cái sai, cái giả, đòi hỏi phải có cuộc sống nội tâm: “Không có một cuộc sống cầu nguyện, không có sự biến đổi bên trong, kết quả của ân sủng qua các bí tích, theo chính lời của Newman, chúng ta “không thể ‘chiếu tỏa Đức Kitô’; chúng ta chỉ có thể trở thành ‘thanh la vang vảng’ hay ‘chũm chọe chập cheng’ (1C 13,1) trong một thế giới càng ngày càng trở nên ồn ào, lộn xộn đầy rẫy những con đường sai lạc chỉ dẫn đến tuyệt vọng và ảo tưởng”.
Đức Giáo hoàng gợi đến bài suy niệm sau đây của Hồng y Newman: “Thiên Chúa đã dựng nên tôi cho một công việc rõ rệt. Ngài đã giao cho tôi, mà không còn giao cho ai khác, một công việc” (Các bài suy gẫm về Giáo lý Kitô giáo). Đức Giáo hoàng cho đây là điểm tinh tế của ‘chủ nghĩa duy thực Kitô giáo’ của Newman, điểm gặp gỡ của lòng tin và cuộc sống. Lòng tin được ban cho chúng ta để biến đổi thế giới và để thế giới sinh hoa quả bởi sức mạnh của Thánh Thần đang hoạt động trong cuộc sống và hoạt động của các tín hữu”.
Một tiến sĩ Hội Thánh?
Linh mục Keith Beaumont, trong bài trao đổi được nói đến trên đây, khẳng định: “Newman là một con người khổng lồ với tư tưởng Kitô giáo của thời hiện đại, không chỉ với tính cách nhà thần học, mà cả -và tôi còn dám nói rằng, nhất là – với tính cách người hướng dẫn tinh thần. Việc phong chân phước này sẽ chỉ có được đầy đủ ý nghĩa của nó với việc nhìn nhận Newman là tiến sĩ Hội Thánh.
Đức Giáo hoàng Piô XII đã tiên đoán điều này, các Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II cũng đã tin tưởng mạnh mẽ ở điều này. Đó cũng là ước nguyện của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI vốn mang dấu ấn sâu sắc của giáo huấn của cố Hồng y John Henry Newman. Nhưng điều này giả thiết là ngài phải được phong thánh trước đã”.
bài liên quan mới nhất
- Kitô hữu chiếm 75% tổng số các cuộc bách hại chống các tôn giáo thiểu số
-
Ngày thế giới người nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dùng bữa trưa với 1.300 người nghèo -
Vatican tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII -
Tại sao Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho một bản dịch Kinh Thánh mới? -
Cha Roberto Pasolini, tân giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng -
Đức Thánh Cha thêm Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia vào danh sách tân Hồng y -
Linh mục tự nguyện bị bắt cóc thay cho 2 tiểu chủng sinh -
Dilexit Nos: “Linh đạo liên quan sâu xa đến tâm hồn con người” -
Bảo vệ Trẻ vị thành niên: Báo cáo đầu tiên kêu gọi phản ứng ‘nghiêm ngặt’ -
Đức Hồng Y Fernández: Chúng ta hãy hành động để trao cho phụ nữ nhiều không gian và quyền hơn
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô