Hôn nhân đồng tính, một thách thức của niềm tin
“Chúng tôi mạnh mẽ khẳng định rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ…” (ĐTGM Timothy Dolan, New York).
Đó là lời tuyên bố mạnh mẽ của Đức Tổng Giám mục Dolan nhằm phản đối quyết định hợp pháp hôn nhân đồng tính của Tiểu bang New York.
Trước nửa đêm ngày 24-6-2011, Thống đốc New York, Andrew Cuomo, một người Công giáo thuộc Đảng Dân chủ đã chính thức ký thành luật, hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính cho tiểu bang của ông. Với quyết định này, New York là tiểu bang thứ ba sau New Hampshire và Vermont thuộc Liên bang Hoa Kỳ cho phép hôn nhân đồng tính. Ba tiểu bang khác qua phán quyết của tối cao pháp viện tiểu bang cũng thừa nhận hôn nhân đồng tính, đó là Massachusetts, Iowa, và Connecticut.
Để ăn mừng chiến thắng này, Chúa Nhật 26-6-2011, hàng chục ngàn người đổ xuống các đường phố New York tham dự buổi diễn hành chào mừng đạo luật. Theo Thông tấn xã Reuters, sẽ có chừng 21.000 các cặp đồng tính thành hôn vào 3 năm tới. Ngòai ra, cũng có khoảng 42.000 cặp đồng tính từ các tiểu bang khác sẽ đến New York để thành hôn.
Cùng với Đức Tổng Giám mục Dolan, các giám mục thuộc các Giáo phận ở New York cũng đã ra thông cáo chung phản đối luật hôn nhân đồng tính này. Trong số thành phần giáo dân, bà Laura Fotusky, Thư ký Toà án Quận hạt Barker thuộc phía Tây New York, cũng đã chính thức từ chức để phản đối đạo luật này. Theo bà, bà không muốn chữ ký của bà trên tờ hôn thú của các cặp đồng tính. Bà phát biểu: “Nếu tôi tham gia vào tiến trình cấp giấy phép, tôi phải dung hòa nguyên tắc luân lý của tôi”.
Nhìn vào những đòi hỏi của nhóm người đồng tính, lý do mà họ viện dẫn là sử dụng quyền công dân. Họ phải được đối xử công bằng trong hôn nhân, và tự do kết hôn. Theo họ, con số 50% các cuộc ly dị của những gia đình không đồng tính là một bằng chứng cho thấy hôn nhân của những người không đồng tính cũng chẳng có gì bảo đảm xét về khía cạnh tâm lý và đạo đức. Biết bao nhiêu người chồng, người cha, người mẹ, người vợ ngày đêm đâm vào nghiện ngập, bài bạc. Một số khác tỏ ra vô trách nhiệm và thiếu ý thức vai trò làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ của họ. Họ phá thai. Họ tạo nên những lý do để con cái bỏ nhà đi hoang, rơi vào những cạm bẫy của xã hội.
Tuy nhiên, những người đồng tính đã quên rằng trong hôn nhân còn có trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Trách nhiệm duy trì và sinh sản con cái nữa. Những bổn phận và trách nhiệm ấy ảnh hưởng rất mạnh mẽ trên việc giáo dục con cái. Ngoài ra, cần phải đề cập đến định nghĩa, yếu tính và mục đích của hôn nhân, những vấn đề đang gây nhức nhối, tranh cãi giữa các thành phần ủng hộ và chống đối hôn nhân đồng tính.
Sơ lược về thế giới đồng tính
Người đồng tính thực sự là người khi sinh ra đã mang sẵn những yếu tố để trở thành đồng tính. Chọn lựa giới tính và xu hướng đồng tính khiến họ luôn luôn suy nghĩ, hành động, nói năng hướng về người cùng phái tính. Luôn luôn muốn chiếm đoạt con tim cũng như dành con tim mình cho những người đồng phái. Thống kê cho biết có khoảng 2-13% trong thế giới Tây phương có khuynh hướng đồng tính. Cách biệt từ 2-13% có thể lẫn lộn giữa đồng tính với lưỡng tính. Đồng tính do ảnh hưởng trong thời kỳ phát triển, ảnh hưởng bạn bè, ảnh hưởng môi trường xã hội, dồn nén và bức xúc về tâm lý, hoặc do những khó khăn của đời sống tình cảm, sinh lý, vợ chồng…
Để có một cái nhìn sơ qua về thế giới đồng tính, nên biết rằng thế giới đồng tính là một thế giới hết sức phức tạp. Thế giới ấy bao gồm trong 4 chữ đầu LGBT. L là chữ đầu của Lesbian tức những người đồng tính nữ. G tức Gay là những người đồng tính nam. B là Bisexual có nghĩa là những người vừa đồng tính, vừa không đồng tính. Và sau cùng là T tức transgender là những người đổi giống từ đàn ông sang đàn bà hoặc từ đàn bà sang đàn ông. Từ “đồng tính” - Gay - chỉ là một từ thông thường gọi chung thành phần đồng tính. Còn lại, như vừa trình bày thế giới này gồm cả 4 loại người như vừa nêu trên.
Trước khi nói về hôn nhân đồng tính, chúng ta cũng nên biết rằng theo truyền thống chung dựa trên các nền văn hoá thì quan niệm đồng tính và sinh hoạt đồng tính luôn được coi là quan niệm và sinh hoạt bất bình thường, bệnh hoạn. Tâm lý và tâm thần học cũng xếp xu hướng và hành động đồng tính vào danh sách bệnh lý. Không những thế, xét về mặt luân lý và đạo đức khuynh hướng và hành động này còn được coi như một trọng tội.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền văn minh hiện đại, và do những tư duy đổi mới, phóng khoáng hiện nay, theo sau quyết định của Hiệp Hội Các Nhà Tâm Thần Học vào năm 1973, năm 1975 Hiệp hội các Nhà Tâm lý học Hoa Kỳ cũng đã loại khỏi danh sách tâm bệnh những suy nghĩ và hành động đồng tính. Tóm lại từ sau năm 1975, cả tâm thần học và tâm lý học không còn xếp quan niệm và hành động đồng tính trong danh sách những hội chứng tâm bệnh hay tâm lý nữa. Sau cùng năm 1990, Cơ quan Y tế Thế giới cũng công nhận rằng đồng tính không phải là “bệnh”. Và gần đây nhất năm 2001, Hiệp hội các Nhà Tâm thần học Trung Hoa cũng đã loại bỏ đồng tính khỏi danh sách tâm bệnh.
Hôn nhân đồng tính
Theo sau sự mở cửa của khoa tâm thần và tâm lý, các người đồng tính như vùng lên, đặc biệt, trong những thập niên gần đây để tiến xa hơn về việc đòi quyền được kết hôn. Một số quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính, gồm Tân Tây Lan (Netherland), Na Uy (Norway), Bỉ (Belgium), Tây Ban Nha (Spain), Nam Phi Châu (South Africa), Thuỵ Điển (Swenden), Bồ Đào Nha (Portugal), Băng Đảo (Iceland), Á Căn Đình (Argentina), và Canada. Riêng tại Hoa Kỳ, tuy là một quốc gia dẫn đầu văn minh thế giới nhưng mới chỉ có 6 tiểu bang bằng cách này hay cách khác cho phép hôn nhân đồng tính, và gần đây nhất là bang New York. Vấn đề được đặt ra không chỉ riêng với người Công giáo, mà cho cả mọi người là nếu chấp nhận hôn nhân đồng tính, thì việc đầu tiên phải làm là định nghĩa lại gia đình là gì? Hôn nhân là gì? Vai trò làm chồng, làm vợ là gì? Vai trò làm cha, làm mẹ là gì? Thế nào là sinh con cái nối dõi dòng giống?
Ngoài ra, với 4 thành phần của thế giới đồng tính, dĩ nhiên họ cũng sẽ bước vào hôn nhân với những suy nghĩ và hình thức khác nhau. Thí dụ, hôn nhân giữa hai người đàn bà, hôn nhân giữa hai người đàn ông, hôn nhân giữa hai người đàn ông đổi giống, hôn nhân giữa hai người đàn bà đổi giống, và hôn nhân giữa hai người vừa đồng tính, vừa không đồng tính. Điều này nếu xảy ra sẽ tạo nên rất nhiều những khó khăn, phức tạp cho đời sống hôn nhân vốn đã và đang gặp nhiều thử thách. Và người ta sẽ rất khó tìm được một định nghĩa hôn nhân đúng nghĩa.
Ít nhất trong một trường hợp, người viết đã phải đối diện với những khó khăn trên khi giúp đỡ một gia đình đồng tính có con bị hội chứng về tâm lý và thể lý chậm phát triển. Như đã được học hỏi từ trước, người viết đã phải dùng từ phụ huynh (parent) thay cho từ cha (father) hay mẹ (mother) để phỏng vấn và ghi vào hồ sơ vì không biết trong hai người phụ nữ ấy ai là cha và ai là mẹ của đứa trẻ. Và trong một trường hợp khác, người mẹ của đứa trẻ đã nhận cấy tinh trùng từ một nguồn khác, không rõ cha ruột đứa trẻ là ai. Trong trường hợp này cũng phải ghi hai người phụ nữ trong gia đình này là phụ huynh (parents) thay cho từ cha (father), mẹ (mother), dưỡng phụ (step father), hoặc kế mẫu (step mother) vì trong thực tế hai phụ nữ này xác nhận đã kết hôn, và là cha mẹ của đứa bé trên pháp lý.
Tóm lại, cả một đống những thắc mắc và phức tạp từ lãnh vực ngữ học, xã hội, luật pháp, giáo dục, văn hóa, tâm lý, và luân lý sẽ phải đặt lại, và phải nhiều năm tranh luận nữa mới mong đi đến một vài đồng thuận và ý nghĩa cho chỉ nguyên cụm từ “hôn nhân đồng tính”. Cho đến bây giờ, đề tài này vẫn là một đề tài nhậy cảm, và rất phức tạp, do đó, bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề hôn nhân đồng tính bằng cái nhìn tâm linh. Tuy có tính cách luân lý và đạo đức, nhưng nếu bỏ đi khía cạnh đạo đức thì chẳng còn gì để nói đến vấn đề này. Vậy, hôn nhân đồng tính như thế nào đối với niềm tin Kitô giáo?
Hôn nhân đầu tiên của nhân loại
Thánh Kinh đã ghi lại, ngay từ thuở xa xưa khi mới tạo dựng đất trời, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam và có nữ. Ngài đã tác thành cho họ để trở nên vợ chồng, và xây dựng một khung hình sinh hoạt mang tính cộng đồng đầu tiên của nhân loại.
Cấu trúc của gia đình, theo đó, là sự kết hợp chặt chẽ và vững bền giữa một người nam và một người nữ. Sự kết hợp này phản ảnh xã hội tính, giới tính, nhu cầu tâm sinh lý, và nhu cầu bảo tồn nòi giống. Từ mô hình này, vai trò làm chồng, vai trò làm vợ, vai trò làm cha, vai trò làm mẹ, vai trò làm con, làm anh, chị, em… được thành hình và truyền thụ cho đến ngày nay. Nó cũng là bước khởi đầu cho một mô hình xã hội phát xuất từ hôn nhân giữa người nam và người nữ.
Ý niệm về hôn nhân và gia đình đã vươn rộng đưa đến mô hình đại gia đình, bao gồm nhiều thế hệ của một dòng tộc. Ảnh hưởng này đã đâm rễ sâu trong sinh hoạt xã hội theo văn hoá Á Đông mà điển hình là Việt Nam. Tuy ngày nay quan niệm và ảnh hưởng đại gia đình đang được thay thế bằng quan niệm và ảnh hưởng tiểu gia đình dựa theo đà phát triển kinh tế, xã hội, công ăn việc làm… đặc biệt tại các xã hội Tây phương. Nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn là một ý niệm và nề nếp sinh hoạt nền tảng của xã hội.
Qua ánh sáng Lời Chúa thì hôn nhân không chỉ là một thỏa hiệp, một khế ước được xã hội công nhận, nó còn mang ý nghĩa một Bí Tích, một ơn gọi. Chính Thiên Chúa đã kết hợp Adong với Evà. Tình yêu nối kết giữa hai người khắng khít đến độ, cũng theo Thánh Kinh, “vì thế, người nam sẽ từ bỏ cha mẹ mình và luyến ái với vợ mình. Và cả hai trở nên một” (St 2,23-24). Từ ngữ người nam, người nữ, cha, mẹ là những từ ngữ đã làm nên ý nghĩa và định nghĩa của hôn nhân ngay từ nguyên thuỷ.
Quan điểm đầu tiên nhắm vào những lý luận và cuộc sống đồng tính và hôn nhân đồng tính cho rằng, đồng tính và hôn nhân đồng tính phải được thừa nhận và phải được coi như ngang hàng với hôn nhân căn bản giữa người nam và người nữ. Nhưng dù có những lý luận và giải thích cách này hay cách khác của con người, Thánh Kinh đã khẳng định rất rõ ràng: “Từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên họ. Ngài dựng nên họ có nam, có nữ” (Mc 10,6).
Không những Thánh Kinh nói về nền tảng hôn nhân một vợ, một chồng giữa người nam và người nữ, nó còn cho ta biết về một mục đích khác nữa của hôn nhân là để sinh sản con cái. Thiên Chúa đã nói với Adong và Evà: “Hãy sinh sản ra nhiều trên mặt đất” (St 1,28). Điều này cũng được nhìn thấy trong thế giới động vật quanh ta.
Hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ
Hôn nhân dưới ánh sáng Lời Chúa là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Hình thức hôn nhân này không chỉ được nhìn thấy qua các nền văn hoá của nhân loại, dù dưới chế độ phụ hệ hay mẫu hệ, hoặc ngay cả trong chế độ đa thê trước đây. Do đó:
Hôn nhân đồng tính không trả lời được đòi hỏi của Thiên Chúa về sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.
Hôn nhân đồng tính không giải thích được lý do tại sao từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam, có nữ và Ngài đã phối hợp, nối kết họ để cả hai nên một xương thịt với nhau.
Hôn nhân đồng tính cũng không trả lời được mệnh lệnh Thiên Chúa khi Ngài truyền dậy những người bước vào đời sống hôn nhân: “Hãy sinh sản ra nhiều mặt đất” (St 1,28).
Tóm lại, mặc dù tôn trọng những quyết định lựa chọn của người đồng tính, dù được pháp luật ủng hộ hay cho phép, nhưng trong niềm tin và dưới ánh sáng lời Chúa, ta không thể làm gì khác hơn là trở về với sự kết hợp mà từ ban đầu Thiên Chúa đã làm đối với Adong và Evà, đó là hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. “Chúng tôi mạnh mẽ khẳng định rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ…” (ĐTGM Timothy Dolan, New York).
bài liên quan mới nhất
- Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam
-
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi