Học viện Mục vụ TGP.TPHCM: tĩnh tâm Mùa Chay

Học viện Mục vụ TGP.TPHCM: tĩnh tâm Mùa Chay

Học viện Mục vụ TGP.TPHCM: tĩnh tâm Mùa Chay

WGPSG -- Vào lúc 18g30 ngày 29/03/2010, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP. HCM, đã có buổi tĩnh tâm Mùa Chay dành cho tất cả các Học viên đang theo học các lớp tại Trung Tâm Mục vụ. Tiếp nối chủ đề tĩnh tâm năm ngoái là: “Thập giá nói gì?” năm nay chủ đề tĩnh tâm đi vào cụ thể hơn: “Thập giá - Công lý của Tình yêu”.

Khí hậu tối nay trời mát mẻ, dù chưa đến giờ khai mạc mà Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã chật kín chỗ ngồi. Các học viên đã được các anh chị em trong Nhóm Lửa Hồng tập hát các bài hát Thánh ca. Đúng 18g30’ Cha giáo Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Mục vụ đã khai mạc buổi tĩnh nguyện. Cha cho biết buổi tĩnh nguyện đêm nay giống như một cuộc chiêm ngắm mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu, một hình thức mới để ngắm mười lăm sự thương khó Chúa Giêsu. Trong buổi tĩnh nguyện này, chúng ta sẽ chiêm ngắm Thập giá cùng với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI qua sứ điệp mùa chay mà ngài vừa gởi đến toàn thể dân Chúa với chủ đề: “Thập giá -  Công lý của Tình yêu.

Buổi tĩnh nguyện gồm 3 phần:

Phần thứ nhất: Nguyên nhân chính của những bất công và bất hòa trên thế giới không ở bên ngoài, nhưng ở trong lòng con người. Đó chính là lòng tự mãn. Lòng tự mãn được tường thuật qua câu chuyện của hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện: người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18, 9 – 14) rồi sau đó trở về với hai gương mặt sáng / tối khác nhau cho ta hiểu phần nào lý do của vấn nạn trên. Phần này đã được các học viên của Trung tâm diễn nguyện và minh họa. Màn hình lớn ở trung tâm Hội trường chiếu bài suy niệm:

Tự mãn:
Là khép lại với chính mình, là đặt mình làm trọng tâm, là sống cho riêng mình.

Người tự mãn:
Nên dửng dưng trước nỗi đau của tha nhân, nên đặt mình trên người khác, nên đối kháng với người khác, nên tìm cách triệt hạ người khác.

Do đó tự mãn:
Nghịch lại bản chất con người vốn hướng về chia sẻ và làm cho con người mất đi khả năng hiệp thông.

Ca diễn nguyện được ca sĩ Lửa Hồng thực hiện thật hay qua bài hát :“Hai Nửa của Phận Người” và “Xa Mặt Trời.

Phần thứ hai: Hoán cải là ra khỏi lòng tự mãn để khiêm tốn nhận ra mình cần đến Thiên Chúa và cần đến nhau, cần đến sự tha thứ và tình bằng hữu. Hội trường được xem trích đoạn phim Giêsu Nadarét: Người trộm lành (Lc 23, 39 – 43). Cả hai tên trộm cùng bị đóng đinh vào thập giá với Chúa Giêsu nhưng chỉ có một tên chấp nhận giã từ bóng tối mà về với ánh sáng.

Diễn nguyện được ca sĩ Khắc Dũng ca qua bài “Về với Mặt Trời.”

Về với mặt trời chính là một cuộc xuất hành mới: xuất hành ra khỏi lòng tự mãn, để khiêm tốn nhận ra mình không thể làm được tất cả, mình không thể cứu chữa mình và người khác; xuất hành để khiêm tốn nhận ra mình cần đến người khác và cần đến Chúa.

Ca diễn nguyện được ca sĩ Lửa Hồng hát với bài “Phó Thác.”

Phần thứ ba: Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá để nhận ra và bước vào Công lý của Tình yêu. Chỉ có Chúa mới có thể lôi chúng ta ra khỏi bóng tối và dẫn chúng ta về với miền ánh sáng tràn ngập yêu thương và niềm vui. Bởi Chúa đã để Con Một Người phải chịu chết vì tội lỗi của chúng ta. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta Công lý tuyệt vời của thập giá, là công lý của tình yêu bất tận.

Buổi tĩnh nguyện Cung nghinh Thánh giá từ cuối Hội trường tiến lên có Cha Gioan Bt Nguyễn Quang Tuyến cùng rước cuốn Kinh Thánh theo. Cha Tuyến đã công bố Tin Mừng (Lc 23, 33 – 46).

Sau khi đã nghe Tin Mừng phần ca diễn nguyện được tất cả Hội trường hát bài “Phó Thác” thật sôi nổi. Chính nhờ lòng tin tưởng và phó thác vào Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã có thể biến đổi những đớn đau và tủi nhục thành ân phúc cho mọi người.

Chia sẻ chứng từ: có hai chứng từ được lên chia sẻ.

Chị Têrêsa Văn Lê Tuyết mở đầu lời chứng của mình với giọng thật cảm động. Con xuất thân từ một gia đình Phật giáo, ông ngoại con là Thượng Tọa, ba con, chị em con sinh hoạt trong Gia đình Phật Tử từ tấm bé. Chị kể cho Cộng đoàn biết về con đường dẫn chị đến với Chúa. Ban đầu là số ít ỏi gia đình Công giáo trong xóm ngõ. Sau này qua người chồng công giáo là một anh chàng tu xuất Dòng Lasan. Chị nói về điều Chúa nhận lời cầu xin của Chị khi cho con chị qua cơn trọng bệnh, cho chồng chị thoát khỏi tai nạn tưởng chừng khó thoát trong sự cố sập ở cầu Cần Thơ, rồi Chúa đã cứu chị khi bị tai nạn xe. Chị cho đó là những việc chị cảm thấy được, chứ không biết bao lần Chúa đã ra tay che chở gia đình chị. Do đó trong cuộc sống chị luôn đặt niềm tín thác, chỉ biết trông cậy vào Chúa và tin Chúa không bỏ rơi mình.

Chứng từ tiếp theo được Chị Têrêsa Nguyễn Thị Tuyết Minh cũng là một người mới biết Chúa, chia sẻ ước mơ của cuộc đời chị là chính “cái tôi” trong con người mình chính là Thánh giá cuộc đời mình và chị có một niềm tin vào lời hứa Phục sinh. Cho nên khi quyết tâm từ bỏ cái ước mơ đó, chị gặp phải vấn đề về tâm lý, về cảm xúc. Qua cầu nguyện, chị xin Chúa luôn cho mình được tâm hồn bình an và dắt mình ra khỏi sự rối loạn của cảm xúc. Nên mỗi khi cầu nguyện với Chúa chị cảm thấy tâm hồn được hạnh phúc và mong được ở bên Chúa càng nhiều càng tốt, được phục vụ Chúa càng nhiều càng tốt.

Phần chia sẻ trở nên sôi nổi hơn nhờ Cha Phêrô mời được Cha PX. Bảo Lộc và Cha Rôcô Nguyễn Duy cùng lên chia sẻ với Cộng đoàn. Cha Bảo Lộc chia sẻ kinh nghiệm thời gian cha công tác trong Lêgiô, cha có điều kiện đến với các bệnh nhân và thường khuyên họ kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa để chống trả với bệnh tật. Nhưng quả là khuyên người không dễ chút nào. Cha dẫn chứng bản thân mình cách đây hơn 30 năm khi bị đau bệnh nằm ở bệnh viện. Khi mình bị đau bệnh thì mới thấy cần phải thông cảm với người bệnh nhiều hơn. Do đó cứ về sau mỗi khi đến với bệnh nhân, cha cho rằng điều tốt hơn cả là cùng họ cầu nguyện hoặc đề nghị với họ cầu nguyện cho những người bệnh nặng hơn mình và trong thinh lặng để cùng đồng cảm với họ. Cha cho biết việc người mát tay khi xức dầu cho bệnh nhân lắm làm cả Hội trường có dịp cười ồ.

Cha Rôcô Nguyễn Duy kể về cảm xúc khi viết bài hát Phó Thác cách đây hơn 31 năm. Bài hát đã được sáng tác trong hoàn cảnh thật khốn khó của cuộc sống ở những năm 79 - 80 của thế kỷ trước làm cả Hội trường xúc động theo. Từ trong khốn khó đó nên khi nghe bài đọc của sách tiên tri Isaia và bài Thương Khó trong Tin Mừng của thánh Luca và nhìn lại cuộc đời mình lúc bấy giờ, ngài đã cảm hứng viết bài PHÓ THÁC trong vòng 15 phút. “Con xin phó thác nơi Cha, thân con với linh hồn con. Xin Cha thêm sức cho con, trọn vẹn theo ý Cha luôn. . .” (ĐK)

Cha Phêrô dẫn tiếp: “các chứng từ cho chúng ta thấy nhờ ơn Chúa, Thánh giá, Công lý của Tình Yêu vẫn tiếp tục ngất cao trên mọi nẻo đường thế giới cho tình yêu chan hòa muôn nơi khi ta biết yêu Thánh Giá mỗi ngày.”

Hội trường được nhạc sĩ Đức Hùng thư giãn với bài hát “Học Yêu Thánh Giá.” Để biết và yêu như Giêsu, nhóm ca sĩ Lửa Hồng hát bài “Để Con Nên Hình Bóng của Người”.

Cha Phêrô cho biết bây giờ mới là lúc tất cả chính thức vào những giây phút tĩnh tâm bằng sự thinh lặng trước Thánh Giá (khoảng 5 phút) để mọi người được Hiệp thông với Thánh giá nơi Đấng đã bị đâm thâu, sau đó những lời nguyện được các học viên đại diện cho các lớp cất lên cầu xin Chúa giúp chúng con từ nay biết yêu thương tha nhân, thoát khỏi tính kiêu căng, tự mãn, để mỗi ngày nên hoàn thiện hơn, xứng đáng đón nhận sự bình an và ơn cứu độ Chúa ban.

Kết thúc buổi tĩnh nguyện là phép lành được các cha có mặt tại Hội trường ban để mọi người tĩnh tâm hôm nay ra về bước đi trong ánh sang. Đó cũng là lời bài hát được nhóm Lửa Hồng cất lên cùng với lời cầu chúc và cám ơn của Cha Phêrô Phó giám đốc trung tâm hôm nay.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top