Học viện Mục vụ: Sinh hoạt chuyên đề "Hướng đến nền giáo dục nhân bản và toàn diện"

Học viện Mục vụ: Sinh hoạt chuyên đề "Hướng đến nền giáo dục nhân bản và toàn diện"

WGPSG -- Lúc 18g30 ngày 18/10/2011, tại Học viện Mục vụ TGP TP.HCM, Nhà Nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã có buổi thuyết trình thật sinh động với đề tài: “Hướng đến nền giáo dục nhân bản và toàn diện”, nhằm giúp các giảng viên và học viên giải quyết những nỗi ưu tư về giáo dục hiện nay là:

- Làm sao thoát khỏi các quan niệm độc quyền và giáo điều đã đè nặng lên lối giáo dục ở Việt Nam trong nhiều thế kỷ?

- Làm sao thoát khỏi lối nhìn thiển cận về giáo dục, chỉ nhìn giáo dục nhắm tới lợi ích nhất thời và trước mắt, thay vì hoà chung vào dòng chảy văn hoá của thế giới nhằm vun đắp tinh thần khoa học, tính nhân văn và tình liên đới nhân loại?

Buổi thuyết trình đã thu hút hơn 300 người đến tham dự và trao đổi sôi nổi về vấn đề giáo dục thật bổ ích. Được biết, định kỳ mỗi tháng, Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận TP.HCM đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm giúp học viên không chỉ chăm lo học kiến thức, mà còn học cách sống, học làm người, học làm con cái Chúa và học làm bạn với anh chị em mình.

Sống là gặp gỡ

Nhà Nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã mở đầu với một câu hỏi: “Sống là gì?”. Thật đơn giản khi ông lý giải: Sống là gặp gỡ với chính mình, với người khác và với thế giới bên ngoài. Vì thế, sẽ nảy sinh các mối quan hệ, sự cọ xát dù có các mâu thuẫn, nhờ thế mà mọi người dù có các chính kiến khác nhau, đều có thể gặp gỡ nhau ở một điểm chung. Thế nhưng, giáo dục là linh hồn của cuộc sống. Giáo dục sẽ trở nên vô nghĩa nếu thuần túy là nhồi nhét kiến thức, là khoảng cách giữa thầy và trò. Giải đáp câu hỏi của một học viên về việc giáo dục trẻ em, ông cho rằng giáo dục sẽ có giá trị và hiệu quả hơn, nếu chúng ta biết gắn kết hài hòa các môn học ở bậc tiểu học thành môn học chung “Tự nhiên - Văn hóa - Con người”. Điều kiện học của các cháu sẽ thoải mái khi tiếp xúc với thiên nhiên, nghiên cứu sự vật và có thời gian giải trí, vui chơi, gặp gỡ mọi người.

Bên cạnh đó, một con người phát triển toàn diện, cần phải phát triển cả về tri thức và đạo đức. Hai lãnh vực này phải phát triển song hành và đồng bộ, như đôi chân luôn vững bước đi tới tương lai. Trong một thế giới bùng nổ về thông tin và phát triển về khoa học kỹ thuật, con người đang hụt hơi lội dòng nước ngược khi học hỏi những tri thức đang có, và đôi khi quên việc rèn luyện đạo đức con người. Để dẫn chứng, ông đã nêu lên câu nói của Lão Tử: “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn. Dĩ chí ư vô vi”, nghĩa là: “Chạy theo sự học thì càng ngày càng thêm phiền toái, mà theo Ðạo thì mỗi ngày mỗi giảm thiểu, giảm rồi lại giảm nữa, đến khi hội nhập vô vi”.

Việc học là học cả đời, chứ không phải học để mong ra kiếm được nhiều tiền, mà quên đi căn tính đạo đức của con người. Bức xúc về vấn đề này, học viên Nguyễn Dáng Vy tâm sự: “Thật đau lòng nếu khi chúng ta chứng kiến cảnh cha mẹ hy sinh cho con cái ăn học, khi thành đạt và kiếm được nhiều tiền, con cái lại dùng sức mạnh đồng tiền áp đặt lại gia đình phải chiều theo ý riêng của mình! Đó là hậu quả khi con người phát triển không toàn diện”.

Bên cạnh đó, một sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đưa ra vấn nạn về sự chênh lệch về thu nhập và sự ưu ái của xã hội giữa một người theo học các ngành xã hội - nhân văn và những người theo học các ngành khoa học tự nhiên! Ông nhắc về việc giáo dục các môn triết học ở bậc phổ thông hiện đang được coi nhẹ, nhưng đấy mới là nền tảng vững chắc để giúp con người có đủ tư duy khi nghiên cứu khoa học. Nên trong nền giáo dục hiện đại, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn rất được coi trọng.

Học viên Trần Thị Kim Huệ bộc bạch: “Tuy Nhà Nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn không phải là người Kitô hữu, nhưng trong lãnh vực nghiên cứu giáo dục, mọi người đều có tiếng nói chung, vì thế giữa ông và linh mục Giuse Nguyễn Văn Am, SDB đã có chung một ý tưởng: Giáo dục con người toàn diện bao gồm trí dục, đức dục và thể dục”.

(Xem bản tin: Học viện Mục vụ - Sinh hoạt chuyên đề: Giáo dục và giáo dục Đức tin)

Sự cô đơn trong nghiên cứu

Để quảng diễn vấn đề giáo dục hiện đại, ông đã nhắc đến trường Đại học Humboldt (Berlin, Đức) là “Bà Mẹ” của nền đại học hiện đại thế giới. Nền đại học hiện đại thế giới, từ châu Âu, Hoa Kỳ, đến Nhật Bản, châu Á… đều mang “dòng máu” này. Nói đến đại học hiện đại, người ta không thể không nghĩ đến cái tên Wilhelm von Humboldt (1767-1835) là nhà cải cách đại học và giáo dục của Phổ thế kỷ thứ 19, và những nguyên lý của ông đặt ra cho Đại học Berlin được thành lập năm 1810 trong tinh thần khai phóng và khoa học để giải phóng sự kìm hãm và trì trệ trí thức của nước Phổ ở thế kỷ thứ 18. Từ đây, ta nhận ra ba nguyên lý căn bản trong giáo dục:

- Giáo dục phải tự do: Nghiên cứu, học tập, trao đổi... Chương trình giáo dục đang mang tính áp đặt, nhồi nhét và không hiện thực hóa. Thế nhưng trong thực tế các nhà giáo chưa thể làm khác hơn được, do sự kiểm tra giáo trình, giáo án... Nhà Nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đưa ra sự khó khăn muôn thuở khi bàn về giáo dục, đó là mâu thuẫn giữa thượng tầng giáo dục và hạ tầng giáo dục. Chúng ta đừng than vãn, bức xúc và nản chí khi không thể lay chuyển được thượng tầng giáo dục trong thời gian ngắn, nhưng trong phạm vi nhất định, chúng ta phải tự đối diện với sự thật, xem xét lại vị trí mình đang có để góp phần thay đổi hạ tầng giáo dục, như dịch sách, viết sách giáo khoa, thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học... để bổ sung lỗ hổng lớn nhất về đầu sách đang rất thiếu tại các thư viện.

- Nghiên cứu khoa học là sự cô đơn: Nghiên cứu khoa học là sự phấn đấu của cá nhân, vì thế khi nghiên cứu, sự cô đơn và tĩnh lặng rất cần thiết. Ông đã liên tưởng đến bầu khí tĩnh lặng và thánh thiêng tại Học viện, sẽ dễ dàng giúp con người dễ bình tâm đi tìm “Cái Tâm” của chính mình hơn, từ đó việc nghiên cứu sẽ thành công hơn.

- Học trọn đời: Không ai dám tự hào mình là người đã hiểu hết kiến thức khoa học đang có trên thế giới. Muốn đứng thẳng lưng để tiến đến tương lai, không gì khác hơn là phải học và học mãi, biết cách khắc phục khoảng cách giữa tri thức và đạo đức, chậm chân sẽ vĩnh viễn lạc hậu và không còn thời gian khôi phục.

Đoàn kết 

Nhà Nghiên cứu cũng chia sẻ thêm, nếu chúng ta ích kỷ chỉ học cho mình, kiến thức có được chúng ta không chia sẻ cho ai, hoặc không tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, chúng ta phải chịu trách nhiệm với thế hệ tương lai. Chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ mai sau, nếu hiện tại chúng ta không tạo cho con cháu một tiền đồ giáo dục vững chắc, đó là nền giáo dục bao dung, chấp nhận lẫn nhau. Thông qua giáo dục để tạo vốn cho con cháu, tạo cho thế hệ tương lai tinh thần tôn trọng lẽ phải và sự thật, coi trọng đạo lý. Chỉ giá trị tinh thần mới cứu vãn được nhân loại, và đó là trách nhiệm chúng ta phải đoàn kết với thế hệ mai sau.

Ông cũng nhắc đến sự có mặt của Kitô giáo tại Việt Nam, đã mang nguồn tri thức khoa học tiên tiến trên thế giới, cùng với những nhà truyền giáo có cái tâm sáng, đã khai sinh chữ “Quốc ngữ” chúng ta đang dùng hiện nay, đó chính là sự đoàn kết của thế hệ trước đối với thế hệ sau.

Trước khi kết thúc, ông cầu chúc những nhà chăm lo công tác giáo dục, hãy chấp nhận sự “Cô đơn và tự do” để góp tay xây dựng hạ tầng giáo dục, hầu có thể làm xoay chuyển thượng tầng giáo dục và góp phần cho nền giáo dục Việt Nam, để chúng ta luôn:

"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"

Bài hát “Kinh Hòa Bình” được cất lên, thật ý nghĩa và xúc động biết bao, khi từng lời, từng chữ của bài hát đã thấm sâu vào tâm trí từng người. Tiếng hát vang vọng không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng chính con tim của những con người đang quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Mọi người ra về lúc 21g00, mang theo niềm khát vọng sẽ góp sức mình xây dựng và củng cố hạ tầng giáo dục, dù cơ chế, chính sách về thượng tầng giáo dục vẫn còn đó những ràng buộc nhất định.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top