Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 Phục sinh năm A
Ga 14,1-12
- Trong Tin mừng Gioan Đức Giêsu xao xuyến mấy lần ? Đọc Ga 11,33; 12,27; 13,21. Các môn đệ xao xuyến mấy lần ? Đọc Ga 14,1.27. Tại sao các môn đệ xao xuyến ? Đọc Ga 13,21-38; 14,27-29.
- Đọc Ga 14,1-3. Đức Giêsu đã nói gì để giúp họ hết xao xuyến ?
- Đọc Ga 14,2-4. Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh cụ thể nào để nói về những thực tại thiêng liêng ở đời sau ? Dựa vào đoạn văn này, bạn hãy vẽ lại cuộc hành trình của Đức Giêsu.
- Đọc Ga 14,6. Đức Giêsu tự nhận mình là Con Đường và ai muốn đến với Thiên Chúa đều phải qua Con Đường này. Tại sao Đức Giêsu dám khẳng định mình như thế ?
- Đọc Ga 14,6. Tại sao Đức Giêsu tự nhận mình là Sự Thật ? Đọc Ga 1,14.17.18; 8,26.28; 12,49; 14,10.
- Đọc Ga 14,6. Tại sao Đức Giêsu nhận mình là Sự Sống ? Đọc Ga 1,4; 5,26; 6,39-40.51.57.68; 11,25.
- Ai biết Thầy Giêsu là biết Cha của Thầy, ai thấy Thầy Giêsu là thấy Chúa Cha (Ga 14,7.9). Đọc Đọc Ga 1,14; 5,19-20; 8,29; 12,44-45;
- Đọc Ga 14,10. Bạn nghĩ gì về sự kết hiệp mật thiết giữa Thầy Giêsu và Chúa Cha ? Ở lại trong nhau, điều đó nghĩa là gì ? Đọc Ga 10,30.38; 17,21.
GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn nghĩ gì về những người tuy chưa biết Chúa Giêsu nhưng đã can đảm sống theo sự thật và bảo vệ sự sống ? Họ có hy vọng được hưởng ơn cứu độ không ?
PHẦN TRẢ LỜI
- Trong Tin mừng Gioan, Đức Giêsu xao xuyến ba lần: trước cái chết của Ladarô (Ga 11,33), trước cái chết của chính mình (Ga 12,27) và trước sự phản bội của Giuđa (Ga 13,21). Các môn đệ xao xuyến hai lần (Ga 14,1.27). Có thể họ xao xuyến vì nhiều lý do: vì Thầy Giêsu báo một người trong nhóm sẽ nộp Thầy (Ga 13,21), vì Thầy loan báo Thầy sẽ đi đến một nơi mà họ không thể đến được (Ga 13,33.36), vì Thầy tiên báo Phêrô sẽ chối Thầy ba lần (Ga 13,38). Nói chung các môn đệ xao xuyến khi nghe Thầy báo tin sẽ ra đi, và báo về những vấp ngã nặng nề của hai môn đệ trong nhóm.
- Trước sự xao xuyến của các môn đệ, Đức Giêsu đã khuyên họ nên giữ vững niềm tin: “Anh em tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy” (Ga 14,1). Hơn nữa, Ngài bắt đầu cho họ biết rõ hành trình sắp tới của Ngài: về nhà Cha để dọn chỗ cho các môn đệ, rồi sẽ trở lại để đem họ về với Ngài, để Thầy trò chung sống với nhau (Ga 14,2-3). Như thế cuộc chia tay sắp tới chỉ có tính tạm thời, rồi Thầy trò lại có dịp sống bên nhau mãi mãi. Tương tự như thế, trong Ga 14,27-29 Thầy Giêsu cũng giúp các môn đệ hết xao xuyến bằng cách cho biết mình sẽ “đi đến cùng Chúa Cha” và sẽ “đến với họ” (Ga 14,28).
- Trong Ga 14,2-4 Đức Giêsu dùng những hình ảnh cụ thể để nói về những thực tại siêu nhiên. Ngài nói đến “nhà của Cha Thầy”, “chỗ ở” (monai), “chỗ” (topos), “đường” (hodos). Đó là những hình ảnh gợi lên thế giới mai sau, nhưng dĩ nhiên thiên đàng không phải là một toà nhà có nhiều tầng, với nhiều phòng nhỏ cho từng người. Qua Ga 14,2-3 ta thấy hành trình của Đức Giêsu sau khi hoàn tất sứ vụ Cha trao nơi trần gian: đi về nhà Cha trước để chuẩn bị chỗ cho các môn đệ, sau đó trở lại với các môn đệ để đưa họ về với mình, để Thầy trò sống mãi bên nhau. Như thế có thể nói, Đức Giêsu làm hai cuộc hành trình: Ngài là Thiên Chúa Con Một đã xuống thế làm người, sẽ chết, phục sinh và về lại nhà Cha. Sau đó Ngài sẽ trở lại để đưa các môn đệ về ở với Ngài trong nhà Cha.
- Trong Ga 14,6 Đức Giêsu nhận mình là Con Đường. Hơn thế nữa, Ngài còn nói: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Như thế, để gặp được Thiên Chúa, để có được ơn cứu độ, không có con đường nào khác ngoài Con Đường Giêsu. Chỉ qua Con Đường này mà nhân loại đến được với Thiên Chúa. Đức Giêsu dám khẳng định như vậy, vì Ngài là Ngôi Lời xuống thế mang phận người (Ga 1,14). Ngài là Thiên Chúa (Ga 1,1), nhưng là Thiên Chúa Con Một của Thiên Chúa Cha (Ga 1,18). Chúa Cha muốn: “Tất cả những ai… tin vào Người Con thì có sự sống đời đời” (Ga 6,40), và muốn “thế gian nhờ (dia) Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).
- Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa đầy tràn “ân sủng và sự thật” (Ga 1,14.17). Ngài là Đấng duy nhất thấy Thiên Chúa và ở ngay trong cung lòng Thiên Chúa (Ga 1,18). Khi làm người, Ngài đã luôn nói sự thật mà Ngài đã nghe được từ Thiên Chúa (Ga 8,26.28; 12,49-50; 14,10). Chính vì thế Ngài đã nhận mình là Sự Thật (Ga 14,6).
- “Nơi Ngôi Lời là sự sống và sự sống là ánh sáng cho loài người” (Ga 1,4). Ngôi Lời đã làm người nơi Đức Giêsu. Chúa Cha cho Ngài được “có sự sống nơi mình” (Ga 5,26) và Ngài có quyền cho người ta sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,39-40). Đức Giêsu đã ban sự sống thân xác cho nhiều người (Ga 4,46-54; 5,1-9; 6,1-68; 9; 11), và nhất là sự sống đời đời (Ga 3,16; 6,58.68). Bởi đó Ngài tự nhận chính Ngài là Sự Sống (Ga 14,6).
- Ai biết Thầy cũng sẽ biết Chúa Cha (Ga 14,7). Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14,9). Vậy Đức Giêsu là hiện thân của chính Thiên Chúa trên trần gian. Gặp được Ngài là gặp được chính Thiên Chúa. Lời Ngài nói là lời của Thiên Chúa (Ga 8,28), việc Ngài làm là việc Thiên Chúa làm (Ga 5,19-20; 8,29; 14,10). Thiên Chúa Cha không phải là Đấng cao xa, không thể thấy, không thể chạm tới được, nhưng hiện diện gần gũi nơi Đức Giêsu. Hai lần Đức Giêsu nói: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10-11).
- Đức Giêsu luôn ý thức mình là người được Cha sai. Ngài luôn sống tùy thuộc vào Cha là Đấng sai Ngài. Có sự gắn kết bền chặt giữa người được sai và Đấng sai mình, giữa Đức Giêsu là Con với Chúa Cha, đến nỗi “ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12,45). “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38; 17,21). Sự ở trong này đến mức độ Đức Giê su có thể nói: “Chúa Cha và Tôi là một” (Ga 10,30).
MANNA CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM A Ga 14,1-12
THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA
Khi Đức Giêsu báo cho các môn đệ biết mình sắp ra đi thì các ông lập tức rơi vào cơn xao xuyến. Để làm các ông yên lòng, Ngài cần cho họ biết mình sẽ đi đâu, Ngài báo cho các ông biết mình sắp về nhà Cha, nơi Ngài đã ở với Cha từ vĩnh hằng. Đức Giêsu từ Cha mà đến trần gian, nay lại về với Cha (Ga 13,1). Đức Giêsu ví thế giới của Thiên Chúa như một ngôi nhà. Ngôi nhà ấm áp của Cha có đủ chỗ ở cho mọi người. Đức Giêsu về nhà Cha trước để chuẩn bị cho chúng ta đến sau. Rồi Ngài còn hứa Ngài sẽ trở lại để đón môn đệ về. Ước mơ của Ngài là Thầy trò được ở bên nhau mãi mãi (Ga 14,3). “Lạy Cha, con muốn rằng, con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,20). Đức Giêsu muốn đưa các môn đệ về với nhà Cha. Và Ngài nhận chính mình là Con Đường duy nhất dẫn đến Cha. “Không ai đến được với Cha nếu không qua Thầy” (Ga 14,6). Đức Giêsu là Con Đường độc nhất vô nhị, khác với mọi con đường, vì Ngài là Ngôi Lời làm người, từ trời xuống, là Con Một Thiên Chúa, là Đấng luôn ở cung lòng Cha (Ga 1,14.18). Chỉ Đấng từ trời xuống mới biết đường dẫn chúng ta lên trời. Mọi con đường khác cần được nối kết với Con Đường Giêsu, để có thể trở thành những nẻo đường cứu độ. Đức Giêsu suốt đời nói sự thật mà Ngài đã nghe từ Cha, “Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai phái tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì...” (Ga 12,49-50). Duy mình Ngài thấy Thiên Chúa, và biết sự thật về Chúa Cha (Ga 1,18), nên chỉ mình Ngài mới mặc khải được sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa. Mục đích cuộc đời Đức Giêsu là làm chứng cho sự thật (Ga 18,37). Nơi Ngài, sự thật được tỏa sáng, không bị che khuất bởi cái tôi, đến nỗi Ngài đã có thể nói: “Chính tôi là Sự Thật” (Ga 14,6). Đức Giêsu đã trao ban sự sống cho thân xác nhiều người: cho con trai của viên quan, cho anh bất toại, cho người mù bẩm sinh, cho Ladarô chết bốn ngày trong mộ (Ga 4,46-54; 5,1-9; 9; 11). Ngài còn ban Bánh hằng sống, nước hằng sống, ánh sáng ban sự sống. Ngài nhận mình là mục tử đến để chiên được sống dồi dào (Ga 10,10). Vì nhận được quyền “có sự sống nơi mình” từ Chúa Cha (Ga 5,26), Nên Đức Giêsu đã có thể nói: “Chính Tôi là Sự Sống.” Qua trung gian Đức Giêsu là Con Đường, chúng ta có thể đến gặp Thiên Chúa Cha. Hơn thế nữa, chính Ngài là hiện thân của Chúa Cha trên trần gian. Thiên Chúa Cha là Đấng không ai thấy bao giờ, không ai sờ chạm được, không ai đến gần được. Nhưng nơi Đức Giêsu bằng xương bằng thịt, ta gặp được Thiên Chúa Cha gần gũi, hữu hình và thân thương. “Ai biết Thầy là biết Chúa Cha, ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Chỉ cần gặp được Đức Giêsu Nadarét, là ta gặp được Đấng ba lần thánh, Đấng siêu việt trên cõi trời cao. “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10.11). Đây là sự ở trong nhau của Cha và Con, khiến Đức Giêsu có thể nói: “Tôi và Cha Tôi, chúng tôi là một” (Ga 10,30). Chỉ mong chúng ta cũng ở lại trong Thiên Chúa Cha như Thầy Giêsu, để ai thấy chúng ta cũng thấy hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Gioan nói: “Ai nói rằng mình ở lại trong Thiên Chúa, thì cũng phải đi như chính Đức Giêsu đã đi” (1 Ga 2,6).
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Sự Thật.
Lạy Chúa Giêsu,
Mỗi ngày trên thế giới, những người đó gần bên chúng con.
Có bao người dám đứng về phía sự thật,
Chúng con có bổn phận giới thiệu Chúa cho họ,
dám chết để làm chứng cho công lý,
Đấng họ đã ở gần, nhưng chưa gọi tên trên môi,
dù họ chưa biết Chúa.
Đấng họ đã thoáng nghe, nhưng chưa hề giáp mặt.
Chúa là Sự Sống.
Xin cho chúng con thấy Chúa hoạt động
Có bao người dám hy sinh mạng sống mình,
nơi những anh em không cùng tôn giáo,
để chết thay cho người khác,thấy nơi các tôn giáo những tia sáng của sự thật,
để bảo vệ người bị áp bức bóc lột,
những hạt giống của Lời mà Chúa đã vãi gieo.
dù họ chưa biết Chúa.
Chúa là Đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha.
Chúa là Tình Yêu.
sau khi được nâng cao trên thánh giá
Có bao người thành tâm tìm kiếm Chúa
và tôn vinh trên trời,
và đã cố gắng sống theo tiếng lương tâm,
Chúa vẫn không ngừng kéo mọi người lên cùng Chúa.
làm những việc công bình, bác ái,
Chúa đã chết cho mọi người,
dù họ chưa biết Chúa. và muốn cho nhân loại hưởng cùng một ơn cứu độ,
xin đừng để mất một người nào trong chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 26 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Thường niên năm B