Gx. Bình An: Suy niệm Chúa nhật III Mùa Vọng năm B
Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm B
(Ga 1, 6-8.19-28)
Làm Chứng Về Ánh Sáng
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
19 Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?"
20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Kitô".
21 Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?" Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?" Ông đáp: "Không."
22 Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?"
23 Ông nói: "Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói.
24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu.
25 Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?"
26 Ông Gioan trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước.
Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.
27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người."
28 Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.
***
Bài chia sẻ:
Chúa Nhật III mùa Vọng năm B đưa ra hai mẫu điển hình của người được Thiên Chúa sai đi loan báo Tin Mừng:
1. Thiên Chúa gọi Isaia:
Sứ ngôn Isaia: Nơi bài đọc I, chúng ta được nghe sứ ngôn Isaia cất cao lời cảm tạ Thiên Chúa và vui mừng vì ơn gọi sứ ngôn của mình.
“Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân,
công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA” (Is 61,1-2)
Isaia sinh khoảng năm 765 TCN trong một gia đình quý tộc, là người xứ Giuđê, sinh trưởng ở Jerusalem nên rất am hiểu và yêu mến kinh đô của vương quốc. Ông được kêu gọi làm sứ ngôn năm 740 và kéo dài suốt 40 năm.
Năm vua Utdigiahu băng hà tức năm 740, đang lúc Isaia trong đền thờ, nơi cực thánh, chỗ đặt hòm bia, Isaia được thị kiến hay đúng hơn được xuất thần:
“Tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ” (Is 6,1)
“Các vị ấy đối đáp tung hô:
Thánh! Thánh! Chí Thánh!
ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh!
Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!" (Is 6,3)
Bấy giờ tôi thốt lên:
"Khốn thân tôi, tôi chết mất!
Vì tôi là một người môi miệng ô uế,
tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế,
thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là ĐỨC CHÚA các đạo binh!"
Một trong các thần Xêraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói:
"Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi,
ngươi đã được tha lỗi và xá tội."
Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán:
"Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?"
Tôi thưa: "Dạ, con đây, xin sai con đi." (Is 6,5-8)
Khác với Isaia, Môisen khi được Chúa sai đến với Pharaô để đưa con cái Israel ra khỏi đất Ai Cập, ông đã tìm cách thoái thác:
"Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập?" (Xh 3,11)
"Bây giờ, con đến gặp con cái Ítraen và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?" (Xh 3,13)
Còn đây là lời tự thuật của Jeremia:
“Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng:
"Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;
trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi,
Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân."
Nhưng tôi thưa: "Ôi! Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!"
ĐỨC CHÚA phán với tôi: "Đừng nói ngươi còn trẻ!
Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi;
Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói.” (Gr 1,1-7)
Nhân vật Jona thì chẳng ưa gì dân ngoại, Thiên Chúa có cứu độ họ thì can gì đến ông! Thế mà Chúa lại sai ông đến Ninive để cảnh báo họ. Đào vi là thượng sách. Jona xuống tàu trốn đi Tarso nhưng trốn đâu cho thoát! Các thủy thủ đã phát hiện chỉ vì ông mà tàu gặp nạn sóng gió nên quẳng ông xuống biển. Cá nuốt nhả ông vào bờ và ông bất đắc dĩ phải đi Ninive thi hành sứ vụ. Ông đi ròng rã suốt một ngày để công bố: còn 40 ngày nữa Ninive sẽ bị phá đổ. Ông ra ngoài thành cắm lều ngồi chờ Chúa thực hiện. Ông chờ mãi chẳng thấy động tĩnh gì, thì ra từ vua quan đến dân thường cùng cả súc vật đều chay tịnh sám hối nên Chúa đã tha. Thế là Jona bực bội xin với Chúa:
“Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!" ĐỨC CHÚA hỏi ông: "Ngươi nổi giận như thế có lý không?" (Gn 4,3-4)
2. Gioan Tẩy Giả:
Ý thức mình là dân riêng của Thiên Chúa, là dân thừa tự của lời hứa: sẽ có đất nước làm cơ nghiệp, có miêu duệ đông như sao trời, nhiều như cát biển. Trong gian truân tủi cực vì bị bách hại, bị thống trị và phải lưu đầy, dân Do Thái mong chờ Đấng Cứu Tinh của lời hứa. Chính vì thế mà khi Gioan xuất hiện kêu gọi mọi người sám hối chịu phép rửa để xin được tha thứ, người ta kéo đến hỏi cho ra: Ông là ai? Ông có phải là Đấng Kitô, là Elia không?
Một chi tiết chúng ta cần lưu ý là khi Đức Giêsu đến, Gioan Tẩy Giả đã chỉ cho mọi người: đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian và mặc dù được chứng kiến các phép lạ nhưng họ vẫn không tin, lại tìm cách chống đối, tiêu diệt chỉ vì cái gốc gác cha mẹ thợ mộc của Ngài.
Đối với Gioan Baotixita thì lại khác, ngài có cái gốc là con của Zacaria- một tư tế. Được cái gốc thuận lợi, Gioan Baotixita lại chọn được môt địa điểm tuyệt vời là sông Jordano, nơi kêu gọi mọi người sám hối và lãnh phép rửa. Sông Jordano dài 300 km chảy dọc từ bắc xuống nam Palestine với 3 phụ lưu nhập dòng và rót vào Biển Chết. Abraham, Jacob cũng đã vượt sông này mà vào đất Canaan. Lot đã xin phần đất sông nước này làm cơ nghiệp. Dân Israel từ Ai Cập cũng vượt qua sông này mà về Đất Hứa. Nơi đây là chỗ giao lưu của dân mọi miền. Chính vì thế mà Gioan Baotixita đã thành công: người ta ùn ùn kéo đến nghe Gioan giảng và chịu phép rửa sám hối.
Gioan Baotixita đã quy tụ được một số môn đệ hợp thành nhóm có tên là nhóm “Nhiệt thành”. Một số trong nhóm này đã theo Chúa Giêsu làm tông đồ trong số đó có Andrê anh của Simon Phêrô. Ông khiêm tốn và khéo léo tách rời các môn đệ của mình và hướng họ quy phục Đức Giêsu (x. Ga 1,35-40). Khi có mấy môn đệ tỏ ra bực bội ganh tỵ với Đức Giêsu, Gioan đã can ngăn và khuyên nhủ:
“Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gioan và một người Do Thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gioan và nói: "Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Giođan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông". Ông Gioan trả lời: "Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: 'Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. 'Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,25-30)
Thế giới hôm nay đang tra khảo xem Hội Thánh Công Giáo là gì, tra khảo các thành phần của Hội Thánh xem họ là ai. Trước các thách đố cam go đòi làm chứng bằng cả đời sống, chúng ta có thưa được như Isaia: “Dạ con đây, xin sai con đi” hay lại tìm cách thoái thác đào tẩu. Chúng ta có đang thực sự làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn hay đang loay hoay xây dựng công trình của ý riêng. Trong những tình huống khắc nghiệt nhất, lúc mà tất cả như mất sạch chẳng còn chi thì Hội Thánh và từng người của Hội Thánh nhất định giữ được Chúa Kitô là cốt lõi, là ánh sáng và là tình thương chiếu dãi trước mặt mọi người.
Linh mục Chánh xứ Bình An
Giuse Trịnh Văn Viễn
bài liên quan mới nhất
- Ngày 26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22)
-
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Ngày 24 tháng 12: Lời kinh Benedictus (Lc 1,67-79) -
Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66) -
Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C - Đến với mọi người (Lc 1,39-45) -
Ngày 21 tháng 12: Đức Mẹ đi thăm bà Isave (Lc 1,39-45) -
Ngày 20 tháng 12: Vâng theo ý Chúa (Lc 1,26-38) -
Ngày 19 tháng 12 - Đối với thiên Chúa điều gì cũng có thể (Lc 1,5-25) -
Ngày 18 tháng 12: Đấng Emmanuen (Mt 1,18-24) -
Ngày 17 tháng 12: Gia phả Chúa Giêsu (Mt 1,1-17)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)