Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 12: Con đường hội nhập xây nhà trên đá

Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 12: Con đường hội nhập xây nhà trên đá

Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 12: Con đường hội nhập xây nhà trên đá

Cần được các cộng đoàn Hội thánh đồng hành trên con đường hội nhập

Trên hành trình đi về hội nhập ngày càng trọn vẹn hơn vào đời sống Hội thánh, những người li dị và tái hôn dân sự không chỉ được các linh mục đồng hành giúp đỡ, nhưng toàn thể cộng đồng Kitô hữu được mời gọi nâng đỡ họ. Đức thánh cha Phanxicô nói: «Các cộng đoàn Kitô hữu không nên bỏ rơi các cha mẹ đã li dị những người đang sống một mối quan hệ mới. Ngược lại, cần đưa họ vào cộng đoànđồng hành với họ trong vai trò giáo dục con cái. Thật vậy, “làm sao chúng ta có thể khuyên các người cha người mẹ này làm tất cả để giáo dục con cái trong đời sống đức tin Kitô giáo, cho họ mẫu gương về một đức tin xác quyết và thực hành, trong khi chúng ta lại để cho họ xa cách đời sống của cộng đoàn, như thể họ đã bị tuyệt thông? Ta phải làm cách nào để tránh không bồi thêm những gánh nặng khác ngoài gánh nặng con cái mà họ phải mang vác, trong những hoàn cảnh này”» (AL 246).

Trong xã hội thế tục hóa, càng ngày môi sinh tổ ấm gia đình truyền thống càng trở nên hiếm hoi và các gia đình ngày càng ít được hỗ trợ từ cơ cấu xã hội. Các gia đình có khuynh hướng khép mình lại sống các mối quan hệ mong manh như những ốc đảo, đang khi ơn gọi gia đình là mở ra: mở ra với sự sống và với sinh sản vì ích chung. Không có nâng đỡ từ phía xã hội gia đình tồn tại rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, Hội thánh kêu gọi xây dựng một nền văn hóa gia đình, được đan kết bằng những thực hành, truyền thống tốt lành, những không gian của hiệp thông, giúp nâng đỡ khát vọng về gia đình (cf. AL 1) và sống tình yêu thương đích thực (cf. AL 294) của mọi con tim nhân loại. Nếu muốn xây dựng một cộng đồng toàn hảo, Hội thánh phải kiến thiết một căn nhà chung trên nền tảng vững chắc giữa một xã hội như sa mạc các ốc đảo sống chủ nghĩa cá nhân.

Sống dự phóng khôn ngoan của Kiến Trúc Sư thần linh

Các gia đình xây trên nền vững chắc là Đức Kitô được ví như xây nhà trên đá. Còn các gia đình chối bỏ dự phóng của Kiến trúc sư khôn ngoan ấy là những gia đình xây nhà trên cát dễ sụp đổ. Tin mừng theo thánh Matthêu (7,24-29) nói: xây dựng trên đá là thiết lập nhà trên Lời Chúa Giêsu; lắng nghe Lời Người mà không đem ra thi hành như là xây nhà trên cát. Đoạn Tin Mừng này nói ở cuối Diễn từ trên núi, trong đó Chúa Giêsu nói: «ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình» (Mt 5,32). Lòng thương xót lớn lao hơn cần được bày tỏ cho những kẻ “xây nhà trên cát”, do họ đã đi ngược những lời giáo huấn này của Chúa Giêsu, là làm sao giúp họ rút ra được từ bãi cát lầy này những viên đá và đặt trên nền Đá vững chắc. Còn Tin Mừng theo thánh Luca (6,47-49) thì nói: người ta xây nhà trên nền móng không sâu cho đủ, không chạm đến nền đá. Đối với những người này, không cần đòi họ phải bứng rễ, nhưng đòi hỏi càng phải tiếp tục đào sâu Lời Chúa hơn nữa.

Hai dụ ngôn phân loại hai hoàn cảnh gia đình và cho họ hai lối đi vào đời sống Hội thánh. Những người sống trong hoàn cảnh rõ ràng và thường xuyên nghịch với Lời Chúa (li dị “tái hôn”, hôn nhân dân sự, sống chung thực tế…) phải được cảnh báo rằng họ đang xây nhà trên cát. Con đường giải thoát duy nhất là từ bỏ bãi cát lầy ấy, tức tình cảnh mà họ đang sống. Họ cần bước trên hành trình trở về hội nhập để hiệp thông trọn vẹn hơn. Phải kiên nhẫn và tế nhị thông truyền cho họ biết rằng khát vọng sống tình yêu đích thật của họ không thể nở hoa trên mảnh đất này, tức là tiếp tục sống mối quan hệ theo cách ấy. Họ phải nhổ rễ khỏi nơi ấy để sống thích ứng với kế hoạch đã định bởi vị Kiến Trúc Sư thần linh. Đó là dự phóng duy nhất phải theo đuổi để xây dựng tòa nhà vững chắc, có thể kháng cự với mọi thời tiết xấu.

Một khi đã đâm rễ trên đất cứng, cần làm một việc khác nữa, như thánh Luca chỉ dạy, đó là đào bới mỗi ngày một sâu hơn vào mảnh đất cứng vững chắc đó, tức là Đức Kitô. Khi ấy tòa nhà của ta có thể phát triển rộng, và gia đình có thể trở nên phong nhiêu và đón tiếp các gia đình khác, nâng đỡ họ lúc gặp khó khăn, như thế đã tạo ra bầu khí và văn hóa gia đình. Đó là mục đích cuối cùng của tiến trình hội nhập. Người ta không những được hội nhập hoàn toàn vào Hội thánh, mà còn có thể làm Hội thánh sinh trưởng lớn rộng, mở rộng không gian cho những người khác đến cư ngụ, như cây của Tin Mừng nơi chim trời có thể đến làm tổ trên cành (cf. Mt 13,31-32).

 

Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận

1. Anh/ chị đang làm gì trong “hoàn cảnh gia đình” hiện tại để sống sự thật về giây hôn phối bí tích và bác ái đích thật? Tình thương và trách nhiệm đối với con cái, với người bạn đường không kết ước hôn phối, với người phối ngẫu đã kết ước không còn sống chung?

2. Anh/ chị đã quyết định bước đi trên con đường hoán cải và trở về để hội nhập hoàn toàn vào đời sống Giáo hội chưa? Điều gì cần phải làm hiện tại để sống Lời Chúa, để tiến tới xây nhà trên đá?

3. Dù chưa trọn vẹn hay hoàn hảo, đời sống hiện tại của anh/ chị và của gia đình anh/ chị vẫn có thể sống tình hiệp thông với Chúa Kitô và Hội thánh qua việc cầu nguyện, nghe và thực hành Lời Chúa hàng ngày. Anh/ chị có ý thức và nỗ lực sống đức tin, đức cậy và đức mến như thế chưa?

Top