Giới trẻ, Khoa học và Đức Tin

Giới trẻ, Khoa học và Đức Tin

Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học đã và đang mang lại cho con người rất nhiều tiến bộ và thuận lợi, nhất là về lĩnh vực công nghệ thông tin và y học. Từ khi giải mã được bộ gen người và nhân bản vô tính thành công, người ta rất tự hào về thành công này. Vì đó không chỉ là một bước đột phá của ngành y học mà còn là một niềm tự hào cho nhân loại chúng ta.

Chính những thành quả mà khoa học mang lại cùng với đời sống hưởng thụ ngày nay, nên rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt các bạn sinh viên đã đặt câu hỏi: Phải chăng đức tin và khoa học có sự mâu thuẫn nhau? Tại sao việc tìm kiếm sự thật khoa học lại không đồng hướng về sự thật tôn giáo, sự thật phổ biến và bất biến là Thiên Chúa?

I. Trí thức đức tin

Đức tin là một ơn ban của Thiên Chúa nhưng không. Khác hẳn so với khoa học, đức tin không dựa trên cơ sở xác minh của thí nghiệm theo kiểu khoa học, không phát nguyên từ những suy tính của con người, và cũng không phải là một chuỗi luận đề giản lược đọc thấy trong Kinh Tin Kính. Đức tin, trước tiên, là thái độ gắn bó đối với một Đấng, là tâm tình phó thác vào trong tay Thiên Chúa, là cuộc dấn thân của chính cá nhân mình cho Ngài và là cảm nghiệm qua chính cuộc sống. Hơn nữa, để đức tin triển nở và vững mạnh cần có sự đáp trả của con người, nghĩa là về phía con người đi tìm chân lý, còn về phía Thiên Chúa đã, đang và luôn ban ánh sáng đặc biệt để dẫn dắt con người. Ánh sáng soi đường đó là Đức Giêsu Kitô chiếu soi nội tâm của con người, khiến chúng ta xác tín các thực tại con người đang đối diện hoặc khám phá được điểm không nằm ngoài thánh ý của Thiên Chúa. “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Bên cạnh đó, “đối tượng của đức tin chính là Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải mình ra. Người biết mở lòng ra để tin thì sẽ đón nhận được sứ điệp của Ngài, với niềm hy vọng là trong sứ điệp ấy, mình sẽ tìm gặp được ý nghĩa cho đời mình. Nếu biết dấn bước vào trong con đường Ngài vạch cho, nếu biết sống kinh nghiệm đức tin, thì lúc đó, người có lòng tin sẽ xác tín cảm nghiệm được mình đang sống trong chân lý”[1]. Nguyên Thủ tướng Anh, ông Tony Blair, trong bài phát biểu tại cuộc Hội ngộ Rimini, đã tin rằng “để sống hoà hợp, một xã hội phải để chỗ cho đức tin”. Ông cho biết, khi ông đang “chuẩn bị gia nhập Giáo hội Công giáo, ông đã cảm thấy rằng ông đang trở về nhà”. Ông cũng nhấn mạnh đến sứ điệp của thông điệp rằng không có Thiên Chúa, con người sẽ không biết đi về đâu, và cho rằng đó là tầm quan trọng sống còn cho một thế giới toàn cầu hoá như thế giới hôm nay. Hơn nữa, đức tin là chính Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa vô biên vô tận không sao trí tuệ con người hiểu cho đầy đủ được, thế nên, người tin phải biết chấp nhận đặt trọn niềm tín thác vào trong bàn tay một Đấng thiêng liêng vô hình, không tỏ hiện ra bên ngoài theo cách thức của một thực tại hữu hình, nhìn thấy được, sờ mó được, nắm lấy được. “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

Tuy nhiên, nếu chúng ta được đón nhận và sống thật, thì đáp lại, đức tin sẽ soi sáng cho trí tuệ chúng ta tin: điều đó đòi hỏi phải có kinh nghiệm và cảm nghiệm về đời sống Kitô hữu đích thực. Tôi có quen một bác sĩ rất đạo đức và thánh thiện. Mặc dù, mới trở lại đạo cách đây gần 10 năm, nhưng mỗi lần nói chuyện với vị bác sĩ này, tôi cảm thấy ở ông có cảm nghiệm về đức tin thật vững vàng và sâu sắc, đồng thời, ông không những cảm nghiệm về đức tin rất khoa học mà còn nhận ra chính đức tin là cầu nối để ông phát huy trí tuệ của mình. Trong Linh đạo Hội dòng Thừa sai Đức tin chương I có nói: “Đức tin là lương thực cho những người khiêm nhường, là ánh sáng cho các tâm hồn, là máu các thánh tử đạo, là lòng hăng say nhiệt thành của những kẻ tin, và là sự chiếm hữu vương quốc vĩnh cửu”[2] hay “Đức tin là ngọn đèn của cuộc sống, là con mắt của linh hồn, là tinh hoa của nhân cách, là mật ngọt của các thánh, là ơn cứu độ cho những kẻ đắm thuyền, và là sự phục vụ của Giáo hội”[3].

II. Trí thức khoa học

Từ khoa học bao hàm một lĩnh vực rộng lớn của tri thức con người, trải dài từ các khoa toán học trừu tượng nhất cho tới các ngành khoa học nhân văn (như tâm lý học, xã hội học…). Ở đây, xin được giới hạn ý nghĩa của từ ấy lại, để chỉ bàn đến các khoa học thiên nhiên: tức là các khoa nghiên cứu về vật chất và sự sống; bởi vì, trong hai phạm vi ấy, đối tượng nghiên cứu là những vật thể cụ thể, được xác định rõ ràng, và có thể thí nghiệm được. Chính vì thế, “nhà khoa học chọn đối tượng mình muốn nghiên cứu, rồi vạch rõ giới mức cho nó, xác định và nghiên cứu nó theo một phương diện riêng (chẳng hạn như nghiên cứu về các thành tố hoá học cấu tạo nên một loại nhiễm sắc thể nào đó của loài chuột, hay là về cách thức nhiễu xạ của tia X khi chạm vào mặt tinh thể của một thứ kim loại nào đó)”[4].

Nhưng, dù là nhà hoá học hay là nhà vật lý, thì phương pháp dùng đến cũng vẫn là một: tức là phương pháp thí nghiệm. Nhà nghiên cứu khoa học phải đi từ một sự kiện, từ một hiện tượng tự nhiên, có thể làm cho xảy ra lại được; dĩ nhiên, điều đó đòi phải tiến hành nhiều đợt thí nghiệm khác nhau, được làm trong những điều kiện hoàn toàn giống nhau, hoặc là trong những điều kiện mà một chỉ yếu tố duy nhất nào đó thay đổi theo một quy trình có hệ thống nhất định. Từ đó, nhà khoa học truy cứu cho ra các cơ chế, và nếu có thể thì tìm cách đi tới chỗ phát hiện những định luật chi phối các cơ chế ấy nữa. Từ một kết luận tạm thời, nhà khoa học suy đoán ra những hậu quả mà một khi đã được các cuộc thí nghiệm xác minh, thì sẽ trở thành những bằng chứng xác nhận cho giả thuyết người khảo cứu đã đưa ra. Nhà khoa học chỉ tin vào những gì được suy diễn một cách chặt chẽ, từ những thành quả không chối cãi được của các cuộc thí nghiệm. Đối với nhà nghiên cứu khoa học, xác thực là những gì đã trở thành hiển nhiên qua chứng nghiệm. Xác thực tính (certitude) hiển nhiên ấy làm nền tảng cho niềm xác quyết của nhà khoa học.

III. Phải chăng khoa học mâu thuẫn với đức tin?

Trong quá khứ đã có những xung đột trầm trọng giữa khoa học và đức tin. Như chúng ta đã biết “vụ án Galilê bị kết án vì đã quả quyết rằng trái đất quay chung quanh mặt trời không phải ngược lại. Thế nhưng các nhà thần học thời đó đã giải thích theo mặt chữ bản văn trong sách Sáng Thế. Ngày nay, chúng ta không còn vướng phải sai lầm - Kinh Thánh không có hướng dạy ta về khoa học, nhưng về tôn giáo”[5]. Hơn nữa, các mối tương quan giữa khoa học đã thay đổi rất nhiều. Khoa học chân chính và đức tin đích thật không thể mâu thuẫn nhau. Khoa học tìm trong thiên nhiên các quy luật mà Chúa đã thiết lập. Đức tin chuyển tải các chân lý mà Chúa đã trực tiếp truyền đạt. Albert Einstein, nhà vật lý học được coi là vĩ đại nhất của thế kỷ này, đã phát biểu: “Khoa học không có tôn giáo là mù loà, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt”.

Hơn nữa, theo cách thức đặc thù của mình, cả khoa học lẫn đức tin đều mang lại cho con người một loại tri thức nào đó. Hai loại hiểu biết này khác nhau về đối tượng (tức là về nội dung, về lĩnh vực) cũng như về nguồn gốc. Theo một cách nói thông dụng, thì khoa học lo nghiên cứu về các hiện tượng (vật lý, hoá học, sinh học,…) để cố trả lời cho nghi vấnthế nào về các sự vật; khoa học không thể có ý kiến về ý nghĩa của các sự vật. Đức tin có một đối tượng khác hẳn: đức tin lo tìm hiểu về Thiên Chúa và về những gì Ngài nói với con người nhằm giúp con người đạt tới được tiêu đích của đời mình. Đức tin vén mở cho thấy ý nghĩa của các sự vật; khoa học không làm được như thế. Vì lĩnh vực của khoa học thuộc phạm vi của thế nào, không phải của tại sao, tức là thuộc phạm vi của cơ chế các hiện tượng, chứ không thuộc phạm vi của ý nghĩa hàm súc. Nếu đã rõ là hai loại hiểu biết ấy nằm ở hai bình diện khác nhau, và tất nhiên cũng sẽ hiểu là không thể có chuyện những gì khoa học minh xác lại đụng đầu hay đối nghịch với những gì đức tin khẳng định, và ngược lại. Nhà bác học vĩ đại Louis Pasteur đã nói: “Một sự hiểu biết khoa học nhỏ nhoi sẽ tách rời chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Nhưng một sự hiểu biết khoa học tường tận sẽ mang chúng ta tới gần Thiên Chúa hơn”.

Bên cạnh đó, một số ngành học hỏi trong kiến thức loài người như: thiên văn học, địa chất học, sinh vật học, vật lý học, hoá học,… là những bộ môn khoa học chỉ mới thành hình gần đây. Và chúng có phát triển mạnh, chính là nhờ ở việc con người đã biết cách dựa theo khảo nghiệm mà nghiên cứu, tức là biết cách dùng phương pháp thí nghiệm. Cho đến thế kỷ 16, kiến thức của loài người về vũ trụ còn thuộc loại hiểu biết chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hơn là căn cứ vào công trình khảo nghiệm khoa học. Bên Tây phương, các người làm khoa học - các nhà nghiên cứu khoa học - thường xuất thân từ giới tu hành, hoặc là từ giới những người Công giáo học thức. Đối với họ, không thể có chuyện đối chọi, tương phản giữa khoa học và đức tin, bởi vì, như Thánh Augustinô nhận định, dù là qua công trình tạo dựng hay là qua mạc khải cứu độ, thì cũng chỉ cùng một Thiên Chúa duy nhất ngỏ lời với chúng ta mà thôi.

Mặt khác, khoa học cũng phải chấp nhận giới hạn của mình và công nhận chỉ riêng lý trí con người không đủ để hiểu biết trọn vẹn thực tế vốn rất phức tạp. Có những thực tại mà khoa học không bao giờ vươn tới được, chẳng hạn như: tình cảm, vẻ đẹp, thi ca, các lựa chọn luân lý. Nhưng chỉ nơi Thiên Chúa mới có thể giải đáp cho ta được. Có thể nói đức tin và khoa học có những khác biệt nhau, nhưng không chống đối nhau. Theo Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc dự án giải mã gen người: “Khoa học và đức tin cả hai đều đưa ra những cách thức khác nhau nhưng bổ sung cho nhau để trả lời cho những câu hỏi lớn nhất của thế giới và cả hai có thể cùng tồn tại trong tâm trí một người ham học hỏi trí thức sống trong thế kỷ XXI”[6].

IV. Đức tin và khoa học qua trải nghiệm cuộc sống

Sống trong một xã hội phát triển ngày nay, một số bạn trẻ chúng ta đang có nguy cơ lung lạc đức tin, đặc biệt là các bạn sinh viên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là chúng ta chưa tìm hiểu sâu về mối liên hệ giữa khoa học và đức tin. Nếu chúng ta thử nhìn lại các nhà khoa học nổi tiếng thường đều xuất thân từ những người Công giáo và giới tu hành. Chẳng hạn như Louis Pasteur cha đẻ của vacxin phòng ngừa uốn ván, Parcan nhà toán học - thi sĩ, hay Darwin thuyết tiến hoá, Galilê - Pasilo cha đẻ của ngành kế toán, hay Bác sĩ Mendel cha đẻ của ngành di truyền học đương đại, “ông đã được các giáo sư trong Trường Đại học Vienna và các đồng nghiệp tại tu viện gợi ý nghiên cứu biến dị của cây cỏ. Giữa những năm 1856 và 1863, trong khu vườn của tu viện, ông đã nghiên cứu thành công ¼ cây đậu có gen thuần chủng lặn, 2/4 là tạp chủng và ¼ là thuần chủng nổi”[7]…

Bên cạnh đó, qua trải nghiệm cuộc sống, chúng ta cảm nhận đức tin là nguồn đem lại niềm vui, chiếu sáng vào tâm hồn. Dưới ánh sáng của đức tin, thế giới trở nên trong suốt và huynh đệ hơn. Hoàn vũ là một nơi để ta hiệp thông với nhau. Và khi gặp đau khổ, đức tin mang lại can đảm, bình an và làm cho chúng ta hiểu rằng đau khổ không phải là vô ích. Đức tin khiến chúng ta nhìn cái chết như đường dẫn tới sự sống. Chúng ta tin chính là xây dựng trọn cuộc đời ta dựa trên Đức Kitô là Đấng có những lời ban sự sống vĩnh cửu. Chỉ một mình Người có khả năng làm thoả mãn các khát vọng cao cả lớn nhất của giới trẻ chúng ta.

Hơn nữa, đức tin như một cây non, nếu chúng ta không biết nuôi dưỡng và đào sâu thì đức tin sẽ không lớn mạnh, thậm chí còn bị mai một đi. Một số bạn trẻ chúng ta chưa tìm hiểu, đào sâu và chưa có kinh nghiệm về đức tin, nên khi đối diện những khó khăn, thử thách sẽ rất khó đứng vững. Để yêu mến Chúa hơn, chúng ta không ngừng khán phá lại khuôn mặt của Đức Giêsu bằng cách đào sâu Tin Mừng, đồng thời để giữ vững đức tin, giới trẻ chúng ta cần chuyên chăm cầu nguyện và tham dự Thánh lễ các ngày Chúa Nhật. Cách đây không lâu, tôi có một người bạn trở lại đạo. Mặc dù anh ta có tới 3 bằng đại học, có địa vị và tương lai tươi sáng nhưng qua một biến cố trong cuộc sống, anh đã cảm nghiệm và nhận ra có bàn tay của Chúa nâng đỡ nên anh đã xin trở lại đạo.

Mặt khác, chính tin vào một vũ trụ tuân theo tạo dựng bởi Thiên Chúa là một sự thúc đẩy cho sự phát triển không những về khoa học nhưng còn về mọi lĩnh vực khác của nền văn minh nhân loại: luật pháp, kiến trúc, giáo dục , từ thiện, âm nhạc , ngôn ngữ... Victor Hugo viết: “Nước Anh có 2 cuốn sách, Kinh Thánh và Shakespeare. Nước Anh sinh ra Shakespeare, còn Kinh Thánh làm nên nước Anh”.

Tạm kết

Có thể nói đức tin và khoa học có những khác biệt nhau, nhưng không chống đối nhau. Hơn nữa, khoa học đóng vai trò thanh luyện đức tin và làm cho đức tin mỗi ngày vững mạnh, sáng suốt hơn. Đức cố Giáo hoàng Phaolô II đã nói: “Khoa học thanh tẩy tôn giáo khỏi mọi lầm lỗi và mê tín; tôn giáo tẩy sạch khoa học khỏi thờ ngẫu tượng vá sai lạc tuyệt đối. Cái này kéo cái kia vào một thế giới rộng hơn, một thế giới mà trong đó cả hai đều được nuôi dưỡng”. Bên cạnh đó đức tin và khoa đều mang đến cho con người những giá trị cao quý cả về vật chất lẫn tinh thần, cho nên cả hai có mối tương quan đặc biệt nhằm kiện toàn và bổ túc cho nhau hầu giúp cho con người có một quan niệm đứng đắn và quân bình hơn, về cuộc đời về con người, về đau khổ, về cái chết, để rồi hãy tin, hãy yêu và hãy sống niềm tin của mình trong sự hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Ước mong rằng với niềm tin và xác tín vào Thiên Chúa, mỗi người trẻ chúng ta - đặc biệt là các bạn sinh viên - sẽ vững bước trong xã hội đầy biến động như ngày nay.

--------------------

[1] http://www. Xuanbichvietnam.net

[2] Linh Đạo Thừa Sai Đức Tin, chương I, tr. 69.

[3] Linh Đạo Thừa Sai Đức Tin, chương I, tr. 70.

[4] http://www. Thanhlinh.net

[5] Jacques Lacourt, Tuổi trẻ đức tin và cuộc sống., Lion de juda, 1990, tr. 12.

[6] Francis Collins, Ngôn ngữ của Chúa, Nhà xuất bản Lao Động, tr. 276.

[7] Vital Nguyễn Hữu Quang FSC, Nhân học triết học.

Top