Giáo lý Thánh Kinh: Bài 9 - Mầu nhiệm Cứu Chuộc

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 9 - Mầu nhiệm Cứu Chuộc

Bài hát mở đầu: Một bài hát về Thập Giá

I. SỰ CHẾT CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ VÀ Ý NGHĨA CỨU ĐỘ

1. Kinh Thánh trình bày cái chết của Chúa Giêsu là:

- Hy lễ đền tội, mang lấy tội lỗi muôn người và làm cho họ nên công chính khi gánh lấy tội lỗi của họ: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, Tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,10-12);

- Chết thay cho mọi người: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2Cor 5,15);

- Chiên xóa tội trần gian: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29.36);

- Giá chuộc muôn người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mc 10,45);

- Đền bù tội lỗi cả thế gian: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2,2).

2. Giáo lý: Tại sao cái chết của Chúa Giêsu có giá trị cứu độ?

-Cái chết của Chúa Giêsu có giá trị cứu độ vì là hy lễ tình yêu. Chúa Giêsu đến trần gian là để làm theo ý Đấng đã sai Người (Ga 4,34), và ý của Đấng đã sai Người là kế hoạch cứu độ nhân loại. Suốt cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu gắn bó với kế hoạch yêu thương, cứu chuộc của Chúa Cha, và tình yêu ấy đạt đến đỉnh cao nơi cái chết thập giá.

-Cái chết của Chúa Giêsu có giá trị cứu độ vì là hy lễ tình yêu của Con Thiên Chúa làm người. Không một ai, dù là người thánh thiện nhất, có thể mang trên mình tội lỗi của mọi người và hiến mình làm hy lễ vì mọi người. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới thực hiện được điều ấy, vì Ngôi vị Thiên Chúa nơi Người vừa siêu việt vừa bao gồm tất cả các nhân vị; do đó Người là Đầu của toàn thể nhân loại và hy tế của Người có giá trị cứu chuộc cho tất cả mọi người.

-Cũng vì thế, hy tế của Chúa Giêsu là hy tế duy nhất, hoàn hảo và vượt hơn hẳn mọi hy tế.

II. CỬ HÀNH MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ TRONG TUẦN THÁNH

1. Thứ Năm Tuần Thánh

- Chúa Giêsu đã biến Bữa Tiệc Ly thành lễ tưởng niệm việc Người dâng hiến chính mình cho Chúa Cha để cứu độ nhân loại: “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em” (Lc 22,19); “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Như thế, bí tích Thánh Thể là sự tưởng niệm hy tế của Chúa, và các Tông đồ là tư tế của Giao Ước mới.

- Cơn hấp hối trong vườn Ghetsêmani: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu diễn tả nỗi khiếp sợ của bản tính nhân loại trước cái chết: “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt 26,39). Khi chấp nhận thánh ý Chúa Cha bằng ý chí nhân loại của mình, Chúa Giêsu mang đến cho cái chết của Người một giá trị cứu độ: “Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha” (Mt 26,42).

2. Thứ Sáu Tuần Thánh

- Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là dấu chứng của tình yêu đi đến tận cùng. Người đã biết và yêu thương tất cả chúng ta khi Người hiến dâng mạng sống. Vì thế chúng ta hát mừng Thánh Giá: “Kính chào Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng con”.

- Mẹ Maria đã kết hợp với mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu cách mật thiết hơn bất cứ ai khác. Chúng ta cũng được mời gọi kết hợp vào cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Giêsu bằng cách “vác thập giá mình mà theo Chúa”.

3. Thứ Bảy Tuần Thánh

- Con Thiên Chúa làm người đã chết thật sự và được mai táng trong mồ, nhưng thân thể của Người “không bị hư nát” (Cv 13,37).

- Chúa Giêsu đã chết giống như mọi người. Linh hồn Người đã xuống tận nơi ở của những người đã chết mà Kinh Thánh gọi là âm phủ (Sheol). Nhưng Người xuống đó với tư cách là Đấng Cứu độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị cầm giữ ở đó. Đây là sự hoàn thánh cách trọn vẹn sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ. Đây cũng là ý nghĩa của lời tuyên tín về Chúa Giêsu Kitô “xuống ngục tổ tông”.

Phút hồi tâm

Hãy đặt mình vào cuộc khổ nạn của Chúa và tự hỏi: Qua cách sống hiện nay của tôi, tôi đang đóng vai trò nào trong cuộc khổ nạn của Chúa: Giuđa bán Thầy? Phêrô chối Thầy? Gioan đứng bên Thánh giá? Đức Maria cùng chịu đau khổ với Chúa?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu rất nhân từ,
trên Thánh giá, Chúa hấp hối thảm thương,
không một lời than van, oán hận và cay đắng.
Chúa đã yêu con vô cùng, đã tự nguyện chịu hành hạ và đau khổ vì con.
Và mỗi ngày, con vẫn làm Chúa đau đớn,
nhưng Chúa đã không kết tội và từ bỏ con.
Tất cả chỉ vì Chúa yêu con.

Con đã đóng đinh Chúa vào thập giá,
khi không chú tâm đến Lời Chúa,
khi không sống theo Thánh ý Chúa, và không giữ điều răn Chúa.
Con xin hối lỗi vì tất cả những điều đó.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu con biết bao.
Chúa đã chịu đóng đinh vì yêu con.
Chúa đã chịu khổ nạn để đưa con trở về.
Xin Chúa tha thứ cho con.
Xin cho con biết xoa dịu nỗi đau của Chúa
bằng việc căm ghét tội lỗi và tránh xa sự dữ.
Lạy Chúa Giêsu, con xin hứa sẽ trung thành phụng sự Chúa,
bây giờ và mãi mãi. Amen.

Bài hát kết thúc: Chọn bài tôn vinh Thánh Giá

Top