Giáo hội châu Âu tiến hành khoá họp cấp đại lục chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới

Giáo hội châu Âu tiến hành khoá họp cấp đại lục chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới

Giáo hội châu Âu tiến hành khoá họp cấp đại lục chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới

Giáo hội tại châu Âu đã bắt đầu khóa họp cấp đại lục tại Praha, thủ đô Cộng hòa Séc, Chúa nhật 05/02/2023, để chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 vào tháng 10 năm nay và năm 2024, về chủ đề: “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.

Hai phần của khóa họp

Khoá họp tại châu Âu là một trong bảy hội nghị đang và sẽ diễn ra trên toàn cầu trong tháng Hai và tháng Ba.

Khóa họp do Liên Hội đồng Giám mục châu Âu tổ chức và tiến hành qua 2 giai đoạn: trước tiên từ ngày 05 đến ngày 09/02, với sự tham dự của 200 đại biểu tham dự trực tiếp, trong đó có 65 phụ nữ và 46 Giám mục, cùng với khoảng 400 người tham dự trực tuyến.

Phần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12/02 và chỉ có 39 chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Âu tham dự. Đúc kết của khóa họp sẽ được gửi về Văn phòng Thượng Hội đồng ở Vatican, để góp phần chuẩn bị Tài liệu làm việc Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng 10 năm nay và năm tới.

Địa điểm khoá họp

Praha là nơi diễn ra khoá họp, được biết đến là “thành phố vàng của 100 ngọn tháp”. Thủ đô của Cộng hoà Séc là một trong những thành phố được bảo tồn nhất châu Âu, phần lớn đã thoát khỏi những quả bom của Thế chiến II. Kiến trúc hàng thế kỷ của Praha cho thấy vị trí trung tâm của Kitô giáo trong lịch sử của thành phố châu Âu, từ đường chân trời đầy những ngọn tháp nhà thờ và gác chuông đến nhiều bức tượng của các vị thánh tô điểm cho cây cầu Bridge mang tính biểu tượng của nó.

Nhưng giống như nhiều nước châu Âu, ở đây, thực hành đức tin Công giáo đã giảm dần, với chỉ 20% người Công giáo tham dự Thánh lễ.

Nội dung của khoá họp

Giai đoạn cấp lục địa của Thượng Hội đồng đã được chuẩn bị bằng tài liệu làm việc, nhằm cung cấp sự hiểu biết tốt hơn về cách các Giáo hội địa phương đã sẵn sàng “bước đi cùng nhau”.

Tài liệu đã tập hợp các kết quả tham vấn ở cấp địa phương và trao lại cho các Giáo hội địa phương. Với mục đích cung cấp tốt hơn một phương tiện để phân định sâu hơn. Tài liệu dựa trên ba câu hỏi: (1) Những hiểu biết sâu sắc nào từ các cuộc tham vấn địa phương mang lại tiếng vang lớn nhất; (2) Những vấn đề nào cần được giải quyết cho giai đoạn tiếp theo; (3) Những ưu tiên, những chủ đề định kỳ, và những lời kêu gọi hành động nào cần phải được thảo luận trong phiên họp thứ nhất của Thượng Hội đồng vào tháng 10/2023.

Lắng nghe tiếng Chúa và đem ra thực hành

Trong bài phát biểu khai mạc khoá họp hôm thứ Hai, Đức Tổng Giám Mục Jan Graubner của Praha đã suy tư về chủ đề của tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng, “Mở rộng không gian lều của bạn”. Ngài nói: “Nếu chúng ta nói về căn lều, gợi nhớ hành trình của dân Israel vượt qua sa mạc, thì chúng ta hãy nhớ rằng chính Chúa đã dẫn dắt dân Israel an toàn trong chặng đường này. Người làm cho dân cảm thấy hoàn toàn tin tưởng. Thiên Chúa là Người Cha tốt lành đã chăm sóc và giáo dục con cái qua việc sửa dạy nghiêm khắc. Từ những cuộc tham vấn, tôi có cảm tưởng rằng nhiều người chỉ đơn giản nói lên ý kiến của mình nhưng hầu như không lắng nghe tiếng Chúa, cụ thể tiếng của người đã kêu gọi chúng ta tham gia vào công việc của Người, Đấng đã mạc khải cho chúng ta kế hoạch của vương quốc Thiên Chúa, kế hoạch đã được đề cập trong Kinh Thánh. Lời Người không chỉ để nghiên cứu hoặc suy ngẫm. Lời còn phải được đem ra áp dụng”.

Không thay đổi nhưng hiểu và truyền tải giáo lý

Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grusas, Chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Âu, nhấn mạnh trong bài phát biểu: “Chúng ta ở đây không phải để đặt khát vọng hay tầm nhìn thế giới của chúng ta vào trung tâm, nhưng để hiểu làm thế nào, chúng ta là Giáo hội ở châu Âu, có thể tạo thành một Giáo hội hiệp hành thực sự. Đây không phải là việc thay đổi giáo lý, nhưng là hiểu và truyền tải giáo lý”.

Các Giám mục và Dân Chúa không cạnh tranh nhau

Một khía cạnh khác được Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục trình bày, liên quan đến tương quan giữa công cuộc loan báo Tin Mừng của Dân Chúa và các mục tử. Ngài nhắc lại “thực hành đúng hiệp hành thì không đặt hai đối tượng này vào sự cạnh tranh”. Không phải khi làm cho Dân Chúa tham gia một cách tích cực vào đời sống Giáo hội, thì phương hại đến thừa tác vụ phẩm trật; nhưng trái lại, điều này làm tăng cường và chứng tỏ chức năng không thể thiếu của thừa tác vụ trong đời sống Giáo hội.

Ý nghĩa Hiệp hành của Giáo hội trong một sự năng động liên tục

Cha Thomas Halik, giáo sư của đại học Carolina ở Praga đề xuất cho các suy tư: Trung tâm là câu hỏi về ý nghĩa hiệp hành. Hiệp hành có nghĩa là sự biến đổi của Giáo hội trong một cộng đoàn hành hương năng động có thể có tác động đến vận mệnh của toàn thể gia đình nhân loại. Do đó câu hỏi quan trọng là: “Ngày nay, liệu Kitô giáo châu Âu có đủ can đảm và nghị lực tinh thần để ngăn chặn mối đe doạ một cuộc xung đột nền văn minh, biến quá trình toàn cầu hoá thành một tiến trình giao tiếp nhằm chia sẻ và làm phong phú cho nhau, một văn minh đại kết, một trường học của tình yêu và tình huynh đệ phổ quát không?”

Tránh thái độ đắc thắng, một hình thức tôn thờ ngẫu tượng

Cha Halik nhấn mạnh những rủi ro của thái độ đắc thắng của Giáo hội mà ngài định nghĩa là một hình thức thờ ngẫu tượng nguy hiểm và nói rõ rằng nếu Giáo hội muốn góp phần biến đổi thế giới, thì chính Giáo hội phải được biến đổi vĩnh viễn. Và ngài nói thêm, không thể chỉ tập trung vào các cơ quan riêng lẻ: nếu chúng ta muốn mang lại một sự thay đổi hiệu quả về hình thức, chúng ta cần phải hành động để hồi phục “hệ thống tuần hoàn” của thân mình Giáo hội hoặc tâm linh, tránh mọi hình thức thao túng và lạm dụng. Một lần nữa cha nhắc lại rằng tinh thần của Công đồng Vatican II phải luôn được ghi nhớ: “Chúng ta không được đến với người khác với niềm tự hào và kiêu ngạo của những người sở hữu chân lý. Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của Philatô bằng một lý thuyết, một ý thức hệ hay một định nghĩa của sự thật. Nhưng Người đã làm chứng cho sự thật vượt qua mọi học thuyết và ý thức hệ”.

Lắng nghe Thánh Thần và lắng nghe nhau

Trong ngày làm việc thứ hai, các tham dự viên đã thảo luận về nhiều vấn đề: từ sự hoà hợp nghi lễ Đông phương và Latinh trong Giáo hội Công giáo đến hình ảnh linh mục trong cộng đoàn; từ “lãnh đạo” trong tương quan, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội đến đóng góp của giáo dân trong sứ vụ. Hội nghị cũng nói nhiều về việc canh tân ngôn ngữ, nhưng làm sao sống kinh nghiệm này qua việc lắng nghe nhau một cách hiệu quả và có thể loan báo Tin Mừng.

Theo cha Giacomo Costa, S.J., thành viên Uỷ ban Điều phối của Văn phòng Thư ký Thượng Hội đồng, trong hội nghị lần này các tham dự viên tiếp tục được chất vấn: Chúng ta đã lắng nghe tốt chưa, đó có phải là những điểm gần gũi với con tim anh chị em chưa? Còn điều gì thiếu, một số vấn đề có được nhấn mạnh cách cụ thể chưa? Đây là trọng tâm của phiên họp lần này.

Không nhầm lẫn việc lắng nghe Thánh Thần với những thuyết tâm linh trừu tượng mơ hồ. Trong thực tế, trong những kinh nghiệm, khó khăn, gặp gỡ, thất bại của chúng ta, ở đó Chúa hoạt động, Thánh Thần hành động. Đó là một lời mời để giữ đôi chân trên mặt đất, chúng ta càng thuộc về Thiên Chúa, chúng ta càng ở trên mặt đất, chứ không phải ngược lại.

Quay trở lại điều cốt yếu để đọc được dấu hiệu của thời đại

Trong ngày làm việc thứ ba, là tiếng nói của phái đoàn Giáo hội Ý, bà Pina De Simone, giáo sư triết học tôn giáo và điều phối viên chuyên ngành thần học nền tảng tại phân hoa thần học ở Napoli, nam Ý, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc chào đón những lời mời gọi bên trong và bên ngoài đối với thời đại thay đổi này.

Bà cho biết những chủ đề lớn xuất hiện trong các nhóm làm việc là “đồng trách nhiệm, thừa tác vụ, các đặc sủng được hình thành trong Giáo hội”. Ngoài ra chủ đề về phẩm giá của Phép rửa đã trở lại rất nhiều, về sự phát triển một đức tin trưởng thành có khả năng làm chứng. Cần quay trở lại những điều cốt yếu, bởi vì theo cách này, chúng ta có thể trải nghiệm cuộc đối thoại với những đòi hỏi đến từ thời đại của chúng ta một cách ý nghĩa và sâu sắc hơn và đọc được những dấu hiệu của chúng.

Cần tin tưởng phụ nữ

Về vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, bà nhận xét rằng trong những ngày nhóm họp đã có nhiều phụ nữ tham gia phát biểu điều này rất tốt đẹp và có ý nghĩa. Thực tế, phụ nữ luôn hiện hiện trong đời sống Giáo hội, nhưng giờ đây phải đánh giá cao hơn, không chỉ về khía cạnh không gian nhưng là sự quý trọng. Điều này có nghĩa là khôi phục nhận thức về một ân sủng không phân biệt đối xử, và nhấn mạnh đến những gì mỗi người là và những gì họ trao ban. Bà Pina nhận xét: “Đúng là vấn đề cũng liên quan đến lựa chọn giao vai trò quản lý cấp cao cho phụ nữ - đây là những lựa chọn mang tính biểu tượng - nhưng tôi không nghĩ rằng bản thân điều này là đủ. Bởi vì, nếu mặc dù phụ nữ có chức vụ cao nhất nhưng sự nghi ngờ, mất lòng tin, phê bình vẫn còn, thì chúng ta cũng không giải quyết được gì.”

Trân trọng sự khác biệt

Về những xung đột mạnh mẽ trong đời sống của một số Giáo hội đã được đề cập trong cuộc họp, giáo sư khẳng định rằng cần trân trọng sự đa dạng luôn hiện diện trong Giáo hội. Giáo hội không theo đuổi sự đồng nhất. Vì vậy, chúng ta không những không được lo sợ có những con đường, độ nhạy cảm, tốc độ khác nhau nhưng còn phải trân trọng chúng vì đó là sự phong phú cho mọi người.

Bà nói: “Tôi nghĩ sự khác biệt có tầm quan trọng đặc biệt bởi vì đây là cách duy nhất để cảm nghiệm sự hiệp thông đó là Giáo hội. Những căng thẳng đang nổi lên không chỉ giữa các khuynh hướng khác nhau - truyền thống và thay đổi; sự thật và lòng thương xót... - nhưng còn giữa những lịch sử khác nhau trong đời sống Giáo hội. Chúng ta phải học cách sống với điều này, bởi vì thách đố thực sự không phải là tìm kiếm sự hội tụ bằng mọi giá nhưng là tôn trọng sự đa dạng.

Nguồn: vaticannews.va/vi

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top