Giám mục Rôma, tôi tớ của sự hiệp nhất

Giám mục Rôma, tôi tớ của sự hiệp nhất

Giám mục Rôma, tôi tớ của sự hiệp nhất

VATICAN NEWS – Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu trình bày một tài liệu nghiên cứu mới nhằm khảo sát cuộc đối thoại đại kết đang diễn ra liên quan đến vai trò của Đức Giáo hoàng và việc thực thi Thừa tác vụ Phêrô.

Giám mục Rôma là một tài liệu của Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, tập hợp những thành quả của các cuộc đối thoại đại kết về thừa tác vụ của Giáo hoàng để đáp lại lời mời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gần 30 năm trước sau những tiến bộ được thực hiện kể từ Công đồng. Mục tiêu là tìm kiếm một hình thức thực thi quyền tối thượng được các Giáo hội sống hiệp thông trọn vẹn chia sẻ trong những thế kỷ đầu tiên. Ngay cả khi “không phải tất cả các cuộc đối thoại thần học đều luận giải một chủ đề ở cùng cấp độ hoặc cùng chiều sâu”, vẫn có thể chỉ ra một số “cách tiếp cận mới” đối với các vấn đề thần học gây tranh cãi hơn.

Đọc lại các bản văn Phêrô

Một trong những hoa quả của các cuộc đối thoại thần học là việc đổi mới việc đọc “các bản văn Phêrô”, mà trong lịch sử đã trở thành một trở ngại cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. “Các đối tác đối thoại đã được thử thách để tránh những dự báo lỗi thời về những phát triển giáo lý sau này và cân nhắc lại vai trò của Thánh Phêrô trong số các tông đồ.” Ví dụ, “sự đa dạng về hình ảnh, diễn giải và mô hình trong Tân Ước đã được tái khám phá, trong khi các khái niệm trong Kinh thánh như episkopè (sứ vụ giám sát), diakonia và khái niệm về 'vai trò của Phêrô', đã giúp phát triển sự hiểu biết toàn diện hơn về 'các bản văn của Phêrô'.”

Nguồn gốc của quyền tối thượng

Một vấn đề gây tranh cãi khác là Công giáo giải thích về quyền tối thượng của Giám mục Rôma như một thể chế về quyền thiêng liêng, trong khi hầu hết những Kitô hữu khác hiểu đó chỉ là một thể chế về quyền con người. Tài liệu cho biết: “Những giải thích thông diễn” đã giúp đưa sự phân đôi truyền thống này “vào một góc nhìn mới”, coi quyền tối thượng vừa là quyền thiêng liêng vừa là quyền con người, tức là “cả hai đều là một phần trong ý muốn của Thiên Chúa đối với Giáo hội và là trung gian của lịch sử nhân loại.”

“Thay vào đó, các cuộc đối thoại đã nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa bản chất thần học và sự ngẫu nhiên lịch sử của quyền tối thượng” và kêu gọi “sự chú ý và đánh giá nhiều hơn về bối cảnh lịch sử đã tạo điều kiện cho việc thực thi quyền tối thượng ở các khu vực và thời kỳ khác nhau”.

Công đồng Vatican I

“Những định nghĩa tín lý của Công đồng Vatican I là một trở ngại đáng kể đối với các Kitô hữu khác. Một số cuộc đối thoại đại kết đã đạt được tiến bộ đầy hứa hẹn khi thực hiện việc ‘đọc lại’ hoặc ‘tiếp nhận lại’ Công đồng này, mở ra những con đường mới để hiểu chính xác hơn về giáo huấn của Công đồng… dưới ánh sáng bối cảnh lịch sử của chúng” và về giáo huấn của Công đồng Vatican II. Điều này cho phép làm rõ định nghĩa tín lý về thẩm quyền phổ quát của Giáo hoàng, “bằng cách xác định phần mở rộng và giới hạn của nó”.

Tương tự như vậy, có thể “làm sáng tỏ cách diễn đạt của tín điều về tính bất khả ngộ và thậm chí đồng ý về một số khía cạnh trong mục đích của nó, nhận thức sự cần thiết việc cá nhân thực thi thừa tác vụ giảng dạy trong một số trường hợp cho thấy sự hiệp nhất Kitô giáo là sự hiệp nhất trong chân lý và tình yêu.”

Mặc dù có những giải thích rõ ràng này, tài liệu thừa nhận, “các cuộc đối thoại vẫn bày tỏ mối quan ngại liên quan đến mối quan hệ của tính bất khả ngộ với tính tối thượng của Tin Mừng, tính bất khả ngộ của toàn thể Giáo hội, việc thực thi tính hiệp đoàn giám mục và sự cần thiết của việc tiếp nhận”.

Một mục vụ cho Giáo hội hòa giải

Nhiều cuộc đối thoại thần học đã thừa nhận “sự cần thiết của mục vụ hiệp nhất ở cấp độ phổ quát… Đề cập đến truyền thống tông đồ, một số cuộc đối thoại cho rằng từ Giáo hội sơ khai, Kitô giáo đã được thiết lập trên các tông tòa lớn chiếm một trật tự rõ rệt, tông tòa Rôma là đầu tiên.”

Một số cuộc đối thoại “đã khẳng định rằng có sự phụ thuộc lẫn nhau về tính tối thượng và tính hiệp hành ở mỗi cấp độ của đời sống Giáo hội: địa phương, khu vực, nhưng cũng phổ quát. Một lập luận khác, có tính chất thực tế hơn, được hình thành dựa trên bối cảnh toàn cầu hóa hiện đại và các yêu cầu truyền giáo”.

Hơn nữa, “một số tiêu chuẩn của thiên niên kỷ đầu tiên” đã được “xác định là những điểm tham chiếu và nguồn cảm hứng cho việc thực thi thừa tác vụ hiệp nhất ở cấp độ phổ quát, chẳng hạn như: đặc tính không chính thức – chứ không phải chủ yếu mang tính pháp lý – của những cách thể hiện sự hiệp thông giữa các Giáo hội; ‘quyền tối thượng danh dự’ của Giám mục Rôma” và “sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các chiều kích nguyên thủy và đồng nghị của Giáo hội”.

Quyền tối thượng và tính hiệp hành

Tuy nhiên, nhiều cuộc đối thoại thừa nhận rằng “thiên niên kỷ đầu tiên của lịch sử Kitô giáo… không nên được lý tưởng hóa hay được tái tạo một cách đơn giản,” một phần “vì quyền tối thượng ở cấp độ phổ quát phải đáp ứng với những thách thức đương thời”.

“Một số nguyên tắc thực hiện quyền tối thượng trong thế kỷ 21” cũng đã được xác định. “Thỏa thuận chung đầu tiên là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa quyền tối thượng và tính hiệp hành ở mọi cấp độ của Giáo hội, và do đó cần phải thực thi quyền tối thượng trong tinh thần hiệp hành”.

“Một thỏa thuận khác liên quan đến cách diễn giải giữa… chiều kích ‘cộng đồng’ dựa trên cảm thức đức tin của tất cả những người đã được rửa tội; chiều kích ‘hiệp đoàn’ được thể hiện đặc biệt trong tính hiệp đoàn giám mục; và chiều kích ‘cá nhân’ được thể hiện trong vai trò tối thượng.

Ngoài ra, “vấn đề quan trọng là mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ, mối quan hệ này có những hệ quả quan trọng đối với việc thực thi quyền tối thượng. Các cuộc đối thoại đại kết đã giúp mang lại sự đồng thuận về tính đồng thời của các chiều kích này, nhấn mạnh rằng không thể tách rời mối quan hệ biện chứng giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ”.

Vai trò của các Hội đồng Giám mục

“Nhiều cuộc đối thoại nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự cân bằng giữa việc thực thi quyền tối thượng ở cấp độ khu vực và phổ quát, đồng thời lưu ý rằng trong hầu hết các cộng đồng Kitô giáo, cấp độ khu vực là phù hợp nhất cho việc thực thi quyền tối thượng cũng như cho hoạt động truyền giáo của họ. Một số cuộc đối thoại thần học với các cộng đồng Kitô giáo phương Tây, nhận thấy sự ‘bất cân xứng’ giữa các cộng đồng này và Giáo hội Công giáo, kêu gọi củng cố các Hội đồng Giám mục Công giáo, kể cả ở cấp lục địa, và tiếp tục ‘phân quyền’ lấy cảm hứng từ mô hình của các Giáo hội Thượng phụ cổ xưa.”

Truyền thống và tính bổ trợ

Tầm quan trọng của nguyên tắc bổ trợ - một ý tưởng cho rằng “bất kỳ vấn đề nào có thể giải quyết thỏa đáng ở cấp độ thấp hơn đều phải được đưa lên cấp độ cao hơn”.

“Một số cuộc đối thoại áp dụng nguyên tắc này trong việc xác định một mô hình ‘hợp nhất trong đa dạng’ có thể chấp nhận được với Giáo hội Công giáo. Họ lý ​​luận rằng quyền lực của Giám mục Rôma không được vượt quá quyền lực cần thiết để thi hành sứ vụ hiệp nhất ở cấp độ phổ quát, và đề xuất một sự giới hạn tự nguyện trong việc thực thi quyền lực của mình – đồng thời thừa nhận rằng ngài sẽ cần có đủ quyền hạn thẩm quyền để đáp ứng nhiều thách thức và nghĩa vụ phức tạp liên quan đến chức vụ của mình.”

Những khuyến nghị thực tiễn

“Khuyến nghị đầu tiên là 'tiếp nhận lại', 'tái diễn giải', 'giải thích chính thức', 'cập nhật bình luận' hoặc thậm chí 'tái diễn đạt' những lời dạy của Vatican I" có thể liên quan đến "những cách diễn đạt và từ vựng mới trung thành với" ý định ban đầu nhưng được tích hợp vào nền giáo hội học hiệp thông và thích ứng với bối cảnh văn hóa và đại kết hiện nay”.

Một số cuộc đối thoại đã gợi ý rằng nên thực hiện “một sự phân biệt rõ ràng hơn” giữa các trách nhiệm khác nhau của Giám mục Rôma, đặc biệt là giữa sứ vụ thượng phụ giáo chủ của ngài trong Giáo hội phương Tây và sứ vụ tối thượng của ngài trong việc xây dựng sự hiệp nhất và hiệp thông giữa các giáo hội.”. Cũng có những lời kêu gọi “chú trọng nhiều hơn đến việc thực thi thừa tác vụ của Giáo hoàng trong Giáo hội địa phương của ngài, giáo phận Rôma…”

“Khuyến nghị thứ ba … liên quan đến việc phát triển tính hiệp hành trong Giáo hội Công giáo. Đặc biệt, kêu gọi “sự suy ngẫm sâu hơn về thẩm quyền của các Hội đồng Giám mục Công giáo cấp quốc gia và khu vực, tương quan của họ với Thượng Hội đồng Giám mục và với Giáo triều Rôma”. “Ở cấp độ phổ quát”, các cuộc đối thoại “nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tham gia tốt hơn của toàn thể Dân Chúa vào các tiến trình hiệp hành”.

Khuyến nghị cuối cùng liên quan đến “việc thúc đẩy ‘đại kết công đồng’ thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo Giáo hội ở cấp độ toàn cầu” và thúc đẩy “tính hiệp hành giữa các Giáo hội… thông qua tham vấn thường xuyên cũng như hành động và chứng tá chung”.

 

Toàn văn tài liệu Giám mục Rôma trên trang web của Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu bằng tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Pháp.

___________________

Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: vaticannews.va

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top