Gia đình truyền thống Việt Nam

Gia đình truyền thống Việt Nam

I. Gia Đình Truyền Thống Việt Nam

Gia đình Việt Nam được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm không những ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu, chắt, mà còn cả những người trong cùng một họ. Rất nhiều trường hợp, ba thế hệ sống ấm cúng trong một mái nhà. Họ hàng thân thuộc thường có khuynh hướng tụ tập với nhau trong một khu vực để gần gũi nhau hơn và nương tựa nhau.

Người Việt đã nhìn nhận gia đình có một giá trị rất cao. Tất cả đều cho gia đình. Từ danh dự cá nhân cho đến đời sống vật chất, con người đều hướng vào đó mà hành động. Hành vi cá nhân được coi là mang lại danh dự hay gây ra mối nhục cho gia đình. Danh dự hay mối nhục đó như vậy không phải là của cá nhân. Thành công của cá nhân mang lại danh dự cho cả gia đình. Vì thế có những trường hợp cá nhân hy sinh tính mạng để bảo vệ uy danh của gia đình. Thường cá nhân chịu đựng thiếu thốn, khó khăn vật chất để ông bà cha mẹ được sống dễ dãi hơn. Đây là lý do con người Việt trung thành với gia đình. Cũng từ đó họ gắn bó chặt chẽ với gia đình hơn, lo lắng cho hạnh phúc gia đình hơn là chạy theo chủ nghĩa cá nhân. Cũng từ niệm ý đó phát sinh ra lòng hiếu nghĩa vì có ý thức đến trách nhiệm và bổn phận làm con, và luôn luôn nhớ và tìm cách đền đáp công sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ.

Chính vì thế mà vi phạm qui luật đạo đức và xã hội của một cá nhân là làm tổn thương đến gia đình, hủy diệt sự thăng tiến của chính cá nhân ấy, và không được cộng đồng nhìn nhận. Người con gái chửa hoang (hành động cá nhân) là làm mất danh dự gia đình, và phải chịu áp lực nặng nề của gia đình và của cả cá nhân. Con người trong khung cảnh đó thường quên mình, hy sinh cả tương lai, tình yêu và đời sống thể xác cho gia đình được hạnh phúc và hòa hợp. Câu hỏi là gia đình Việt có những gì mà có thể lấn át cả đời sống cá nhân và nhờ đó xã hội có được trật tự?

Câu trả lời là Gia đình hầu như là tất cả; vì đó là trung tâm đời sống cho cá nhân, là nơi mà cá nhân nương tựa để phát triển.

A. Gia đình là một cộng đồng nhỏ

Hình ảnh người cha ngồi đọc báo (tượng trưng cho sinh hoạt trí thức), người mẹ ngồi khâu vá (cần cù nhẫn nại, dịu hiền), con cái học bài (chăm chỉ kỷ luật, vâng lời), ông bà kể chuyện cổ tích (thương yêu, vui tươi, giải trí lành mạnh)... biểu hiện cho nhiều loại sinh hoạt của xã hội. Trong cộng đồng ấy có phản ảnh những tình thương, nhân ái, hòa hợp, trật tự, không khích động gây căm thù đấu tranh.

B. Gia đình là nơi sinh hoạt tôn giáo

Ở nơi đây mọi người tụ họp lễ bái nhân dịp giỗ, tết. Người cha trong gia đình nhắc nhở cho con cháu công ơn của các bậc tiền nhân. Đây là bài học nhắc nhở, dạy con cháu nhớ đến bổn phận, nghĩa vụ đối với các thành viên khác trong gia đình theo gương sáng của các bậc tiền bối. Điều này không khác gì các bài giảng về đời sống đạo đức như cách cư xử của một người trong xã hội của các tu sĩ tại các chùa hay nhà thờ.

C. Gia đình là một pháp đình, ở đấy người cha phán xử các tranh chấp giữa các thành viên.

Có những vụ lớn hơn, thì người niên trưởng gia tộc sẽ là chánh án. Có khi hội đồng gia tộc họp để xét xử những trường hợp nghiêm trọng, có ảnh hưởng đến toàn thể đại gia tộc.

D. Gia đình là một trung tâm lo về hạnh phúc đời sống các thành viên.

Thiếu thốn tiền bạc, vật chất, mọi người chung góp giúp đỡ khi cần. Mọi người trở thành cố vấn, an ủi vỗ về khi hoạn nạn rủi ro, cô đơn; khuyên nhủ khi cần có câu trả lời trong trường hợp khó khăn.

E. Gia đình là nhà dưỡng bệnh cho người già, nhà thương.

Ông bà yếu đau đã luôn có con cháu bên ạnh thay phiên nhau trông nom, cơm cháo, thuốc thang, an ủi, nói chuyện. Các người thân yêu bệnh tật, cũng lại chính các thành viên trong gia đình giúp đỡ và tìm thầy, kiếm thuốc chữa chạy cho bệnh nhân. Không ai tận tụy, hết lòng lo lắng cho bằng những người thân trong gia đình lo công việc này. Người già, bệnh nhân luôn thấy có được con cháu, thân nhân luôn ở bên cạnh săn sóc đã cảm thấy bệnh bớt được nửa phần.

F. Gia đình còn là một định chế giáo dục

Buổi tối con ngồi xung quanh bàn học bài. Người cha có nghĩa vụ giảng dạy hay hướng dẫn giúp đỡ chúng. Cố vấn việc học hành cũng là bổn phận của người cha. Thiếu thốn tiền bạc trong việc học hành sẽ do cả gia đình sẽ tiếp sức giải quyết. có khi có cả sự đóng góp của người trong họ. Thành công về học hành của con cái chính là thành công của mọi người. Không kém phần quan trọng là vai trò người mẹ trong việc khuyến khích con cái học hành, duy trì đạo đức bằng cách khuyên răn hay biểu lộ tình thương.

G. Gia đình cũng đóng vai trò một ngân hàng

Cần tiền để làm dự án kinh doanh, xây nhà, cho con đi học, chi phí về đau yếu thuốc men, hoặc các chương trình lớn ngoài khả năng của cá nhân cũng lại do gia đình xoay sở giúp, bằng mọi hình thức đóng góp, v.v...

Tóm lại, gia đình truyền thống Việt Nam có một giá trị cao mà mọi thành viên nhìn nhận cũng như quyết tâm theo đuổi. Những gì mà gia đình mang lại cho mỗi thành viên lại có tính cách thiêng liêng cao quí bắt nguồn từ ở tình máu mủ ruột thịt làm mọi người ràng buộc gắn bó với nhau hơn.

Gia đình Việt Nam đã đóng góp vào việc điều hòa tình cảm của con người (nhất là các mối cảm xúc vào những lúc tuyệt vọng chẳng hạn). Nhờ những an ủi, cố vấn là những động lực kìm hãm, của những người cùng huyết thống đó mà con người tránh có những hành động thái quá.

Gia đình truyền thống đã giúp nhiều vào việc giáo dục trí tuệ và đạo đức. Ngoài việc gia đình thúc đẩy, khuyến khích, bảo trợ con cái theo đuổi học hành bằng mọi giá, nhờ đó trí tuệ được nâng cao, gia đình còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức truyền thống nữa, giúp cho con người sống lương thiện. Những gia đình lỏng lẻo, thiếu qui củ thường có con cái sống vượt qua những giá trị đạo lý truyền thống.
     “… Gia đình vẫn là nền tảng thực sự của xã hội,
     là trung tâm tự nhiên và cốt cán của xã hội”.

GS. Nguyễn Văn Canh,
Đại học Stanford

Top