Gia đình: Đại dương Lòng Thương Xót

Gia đình: Đại dương Lòng Thương Xót

Gia đình: Đại dương Lòng Thương Xót

WGPSG -- Trong kho tàng văn chương Việt Nam có nhiều câu ca dao, tục ngữ diễn tả lòng thương xót, như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống như chung một giàn” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng” hoặc “Thương người như thể thương thân”.

Đối với gia đình, cũng có những lời khuyên, như: “Vợ chồng là nghĩa già đời / Ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn” hay “Khôn ngoan đối đáp người ngoài / Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Thế nhưng, trong thời đại cá nhân chủ nghĩa ngày nay, truyền thống tốt đẹp của tiền nhân đang bị mai một, lãng quên; người ta không còn trân trọng những lời dạy khôn ngoan của cha ông. Chính vì thế mới có những cảnh: “Trâu trắng trâu đen”, “Nồi da xáo thịt”, “Huynh đệ tương tàn”. Thật là đau lòng!!!

Để phục hồi phẩm giá con người, Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36).

Trước hoàn cảnh khủng hoảng hôn nhân gia đình hiện nay, Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XIV vừa qua đã bàn thảo về Mục vụ Gia đình với chủ đề: “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và thế giới ngày nay”. Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng lễ kết thúc đã nói bổn phận đầu tiên của Hội Thánh không phải là “đưa ra những lời kết án hay vạ tuyệt thông” nhưng là “công bố lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta có cơ hội nhìn lại mối quan hệ trong gia đình, và chúng ta phải giật mình, vì đã sống với nhau quá “vô tình”, “vô cảm” đến nỗi “vô tâm” với chính những người thân của mình. Nếu chúng ta sống “vô tình”, thì làm sao biết đến lòng Chúa thương xót? Nếu chúng ta sống “vô cảm”, thì làm sao nhận ra một vị “Thiên Chúa Đang Yêu” đến nỗi hiến cả thân mình vì chúng ta?

Tại sao có nhiều gia đình sống với nhau hờ hững, vô tình, vô cảm như thế? Nguyên nhân từ đâu? Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu:

  1. Công nghệ thông tin “đánh cắp” lòng thương xót (nếu không biết cách sử dụng)

Trên Facebook, bạn Cường Mạnh Trần có kể câu chuyện: Sau bữa tối, một cô giáo tiểu học chấm bài cho học sinh. Chồng cô ngồi bên cạnh, dán mắt vào màn hình điện thoại di động, cố gắng phá vỡ kỷ lục trò Candy Crush Saga anh đã dày công nghiên cứu cả tháng trời.

Bỗng nhiên, bầu không khí yên lặng bị phá vỡ bởi tiếng sụt sịt của người vợ. Thấy mắt cô đang rơm rớm, anh vội quay sang vợ, hỏi nhỏ: “Này em, sao tự dưng lại khóc? Có chuyện gì hả?”. Người vợ thổn thức trong nước mắt: “Hôm qua, em giao bài tập làm văn cho tụi nhỏ lớp 1, viết về chủ đề ‘Điều ước của con’”. “Anh hiểu rồi, nhưng vì sao em khóc?”. Người chồng tiếp tục gặng hỏi trong khi mắt vẫn không rời khỏi trò chơi đang đến hồi gay cấn. Cô vợ trả lời: “Bài văn cuối cùng này đã làm em khóc”.

Không giấu nổi sự tò mò, anh chồng bèn ngẩng mặt lên, ái ngại hỏi: “Bài văn của một đứa trẻ cũng khiến em khóc được sao?”. “Anh nghe này…”. Người vợ chậm rãi đọc, nước mắt vẫn không ngừng rơi:

“Ước mơ của con là trở thành một chiếc điện thoại di động. Bố mẹ con yêu điện thoại di động lắm, đến mức con cảm thấy bố mẹ quan tâm đến điện thoại hơn là con. Khi bố đi làm về, dù rất mệt mỏi nhưng bố vẫn ngồi bấm điện thoại chứ chẳng màng đến con! Khi bận bịu việc gì quan trọng, nếu bất chợt có chuông điện thoại reo, bố mẹ sẽ ngay lập tức nhấc máy nghe. Thế nhưng, lúc con khóc thì bố mẹ lại chẳng sốt sắng đến thế. Bố mẹ thích chơi trò chơi trên điện thoại chứ chẳng thèm chơi với con. Vì thế, con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động”.

Sững lại vài giây khi nghe xong bài văn, người chồng rụt rè hỏi vợ: “Trò nào đã viết bài này vậy?”. Khuôn mặt dàn dụa nước mắt, cô ngước lên nhìn chồng, nói trong nghẹn ngào: “Con trai của chúng ta đấy anh ạ!”.

Nghe câu chuyện trên đây, lẽ nào chúng ta không xót xa?! Công nghệ thông tin không chỉ “cướp mất” thời gian dành cho gia đình mà nó còn “đánh cắp” cả những tình cảm cao quý, thân thương mà cha mẹ và con cái dành cho nhau. Thay vì ôm con vào lòng trong tình yêu thương, chúng ta lại ôm chiếc điện thoại, chiếc laptop! Smartphone được sinh ra để cuộc sống thuận lợi hơn, chứ không phải để điều khiển chúng ta, và khiến chúng ta trở thành nô lệ cho nó!

Hãy bỏ điện thoại xuống một lát; hãy rời khỏi chiếc laptop vài phút. Hãy nói chuyện thân tình với những người chúng ta yêu thương; hãy chuyện trò tâm sự với chồng, với vợ, với con cái, và làm cho họ cảm thấy được quan tâm và yêu thương. Bởi lẽ, một chiếc máy vô tri, vô giác sẽ không thể cho chúng ta tình yêu và hạnh phúc như những người thân yêu trong một gia đình. Hãy dùng nó để liên lạc yêu thương, nhưng hãy dứt khoát tạm dẹp nó qua một bên khi nó chiếm hết thời gian yêu thương của ta.

  1. Tiền bạc “thiêu rụi” lòng thương xót (nếu không tỉnh táo)

Chuyện kể rằng: Bà Tổng Giám đốc một công ty nổi tiếng nọ, làm ăn rất thành đạt, đã phải than thở rằng: “Tôi xin đổi tất cả gia tài của tôi chỉ mong sao con gái tôi trở lại như xưa!”. Tại sao bà nói như thế? Bởi vì, đứa con duy nhất của bà là một cô gái 20 tuổi đang bị một “con ma” khống chế, dở sống dở chết! Đó là con “ma… tuý”! Bà tâm sự: “Tôi đã vắt cạn sức lực, tim óc và thời gian để kiếm tiền về cho gia đình. Nhưng khi đã có thật nhiều tiền, thì tôi lại mất đứa con yêu quý của mình!”.

Một câu chuyện khác: Ông bố là một doanh nhân thành đạt. Ông thường xuyên đi sớm về khuya, vì phải tiếp đãi khách hàng. Khi ông về đến nhà thì đứa con đã ngủ say. Một hôm, nó không ngủ để chờ ba nó về. Khi ông bố vừa bước vào nhà, thằng con liền hỏi: “Bố ơi, một giờ bố làm được bao nhiêu tiền?”. “100 ngàn”. “Vậy, bố cho con 50 ngàn nhé?”. “Để làm gì? Chơi game hả? Không cho”. Thằng bé lủi thủi đi vào phòng, khóc thút thít một mình. Ông bố nghĩ lại, gõ cửa vào phòng, đưa cho con 50 ngàn. Thằng con mừng quýnh, rút dưới chiếc gối ra 50 ngàn nữa, rồi trao cho ông bố 100 ngàn, và nói: “Con mua của bố một giờ làm việc, ngày mai bố nhớ về sớm hơn một giờ, để hai bố con mình chuyện trò nhé! Con muốn tâm sự với bố lắm!”.

Trong thế giới tôn thờ vật chất ngày nay, nhiều người cứ nghĩ muốn gia đình hạnh phúc thì phải có thật nhiều tiền, nhưng tiền không phải là tất cả. Thật vậy, gia tài to lớn nhất và quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cái không phải là tiền bạc, mà chính là tình yêu thương, lòng đạo đức và gương sáng của mình. Chính những điều này sẽ giúp con cái thành nhân trước khi thành công và thành đạt. Chính lòng thương xót của cha mẹ sẽ giúp cho gia đình trở thành tổ ấm trong mùa Đông băng giá và bền vững trước sóng gió cuộc đời.

  1. Hưởng thụ “xoá sổ” lòng thương xót

Tác giả Liu Xiaoyu có viết một tác phẩm với tựa đề: “Giá như anh bắt máy”. Câu chuyện kể về một cặp vợ chồng trẻ, sống với nhau rất hạnh phúc. Người vợ ở nhà lo việc nội trợ, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Người chồng đi làm ở công sở. Chuyện vô cùng đau lòng đã xảy ra khi người vợ mang thai tháng thứ chín, sắp tới ngày sinh nở. Anh chồng đi sớm về khuya, chén thù chén tạc với bạn bè. Vì mải mê ăn nhậu với chúng bạn nên khi vợ gọi về ăn cơm, anh không thèm bắt máy; mở điện thoại ra thấy vợ gọi, anh liền tắt nguồn, và tiếp tục… cuộc nhậu. Chờ mãi không thấy chồng về, người vợ buồn tủi ăn cơm một mình với hai hàng nước mắt.

Câu chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi ăn cơm, cơn mưa nặng hạt đổ ập xuống. Mưa càng ngày càng lớn, nhà lại bị dột, người vợ lấy chậu ra hứng. Mưa lớn đến nỗi nước chảy xuống đầy tràn cái chậu lớn. Không có đàn ông, cô vợ tội nghiệp, bụng mang dạ chửa như cái trống, đành phải ôm chậu thau to tướng đi đổ. Phần vì chậu nước quá nặng, phần vì nền nhà trơn trượt, nên cô đã ngã sõng soài trên nền nhà, máu trong bụng chảy ra lai láng; cô đau đớn rên la vang trời, nhưng không một ai tới giúp! Với chút sức lực gần tàn, cô cố với lên chiếc bàn lấy điện thoại gọi chồng về! Nhưng vô ích! Đã quá muộn! Bàn tay chưa tới chiếc điện thoại thì cô đã xụi xuống… tắt thở!!!

Câu chuyện thương tâm đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của độc giả. Sau này, câu chuyện đã được chuyển thể thành phim cùng tên: “Giá như anh bắt máy”. Bộ phim làm cho hàng vạn khán giả phải rơi lệ, và ngán ngẩm cho những ông chồng vô tình đến nỗi vô… tâm!!!

Trong thời đại văn minh tân tiến, con người dễ sống theo trào lưu hưởng thụ; họ có khuynh hướng “chạy ra” khỏi gia đình của mình, để tìm kiếm những thú vui riêng. Người cha có rất nhiều bạn bè: bạn làm ăn, bạn cơ quan, bạn câu lạc bộ, bạn cũ và bạn… nhậu. Người mẹ cũng có nhiều bạn không kém: bạn trong khu phố, bạn học cũ, bạn thể dục thẩm mỹ, bạn… tám. Con cái càng có nhiều bạn: bạn học, bạn nhóm, bạn công sở, bạn gái, bạn trai. Dường như người ta coi gia đình chỉ là “quán trọ” chứ không còn là tổ ấm để yêu thương và chăm sóc nhau. Chính vì thế, lòng thương xót cần phải được thể hiện trong gia đình, để làm chất keo nối kết các thành viên lại với nhau, để gia đình trở thành những tế bào lành mạnh của Giáo hội và xã hội, để đời sống của các thành viên được thăng tiến và hạnh phúc.

  1. Gia đình: Đại dương lòng thương xót

Con người trong xã hội ngày nay quá bận rộn, tất bật và hối hả. Vì thế, người ta không có thời giờ nhìn lại ngày sống của mình, để điều chỉnh, uốn nắn lại những nhận thức, cảm xúc và hành vi đã làm tổn thương nhau, thậm chí xé lòng những người thân yêu.

Vì thế, Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư Chung ngày 17-09-2015, số 2 có viết: “Mục đích của Năm Thánh là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống”.

Trong đời sống gia đình, mỗi thành viên cần cảm nhận được lòng thương xót của Chúa qua người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và người con của mình. Nhất là người bà, người mẹ và người chị có một vai trò rất quan trọng trong đời sống gia đình. Họ cần có trái tim nhạy cảm như Mẹ Maria, để hiểu được tại sao có tiếng thở dài của người chồng, có sự cau có của đứa con.

Gia đình cần có những thời gian quây quần bên nhau như giờ cơm chung và giờ kinh tối gia đình. Tuy nhiên ngay cả trong những thời gian ấm cúng ấy, cũng rất cần cần sự lắng nghe để tìm hiểu và thông cảm với nhau. Chẳng hạn, người chồng sẵn sàng lớn tiếng với người vợ chỉ vì chị đã không dọn bữa điểm tâm sáng kịp giờ đi làm, mà không biết rằng cô ấy đã phải thức suốt đêm, chăm sóc đứa con đang đau ốm. Thay vì được mời gọi làm dấu chỉ của lòng thương xót, chúng ta lại tàn sát lẫn nhau bằng thái độ, ngôn từ, hành vi rất… vô tâm.

Có nhiều lúc sự thoải mái của con cái lại là nỗi đau khổ của cha mẹ, mà chúng không hề nhận ra! Cho nên, trong các sinh hoạt của gia đình, khi biết để ý, nhìn trước ngó sau và tạo sự thoải mái cho nhau, thì chúng ta đang tập sống lòng thương xót.

Trong gia đình, cần bớt những câu nói đay nghiến, những cái nhìn khinh khỉnh, những cử chỉ hằn học, để tập sống lòng thương xót đối với những người thân yêu. Có những lúc, người ta vội vàng kết tội mà không biết người phối ngẫu đang mang thương tích trong lòng và họ rất cần chúng ta chữa lành.

Có khi người vợ hay người chồng của mình đã trải qua một tuổi thơ đau thương, một quá khứ bất hạnh, thì người phối ngẫu phải là nơi nương tựa vững chắc và tận tình chữa lành cho người kia. Cũng vậy, nếu cha mẹ không là nơi để con cái tin tưởng và chia sẻ, không trở thành bạn của con, thì có khi vô tình, chính cha mẹ xô đẩy con cái ra ngoài xã hội, nơi có rất nhiều cạm bẫy bủa vây.

Gia đình chính là “đại dương” của lòng thương xót. Bởi lẽ, lòng thương xót trong những con người cùng huyết thống thì rất rộng lớn, bao la và dạt dào như sóng biển dâng trào. Thuỷ triều có lúc hạ xuống, nhưng rồi nó lại dâng lên. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên nhủ các cặp vợ chồng: “Chúng con cứ việc cãi nhau. Nhưng phải làm hoà với nhau và tha thứ cho nhau trước khi đi ngủ”. Bởi vì, bản chất của yêu thương là tha thứ: Nếu không chịu tha thứ là không còn yêu thương. Thật vậy, lòng thương xót mang ý nghĩa của sự sống và phát triển, nên ai có lòng thương xót thì phải làm cho người khác sống triển nở, bình an và hạnh phúc.

Sống lòng thương xót là trách nhiệm của bất cứ ai đã đón nhận lòng thương xót từ Thiên Chúa. Năm Thánh Lòng Thương Xót là kết quả linh hứng của Chúa Thánh Thần dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô để tái lập lại tình yêu mẫu tử của Hội Thánh đối với các tín hữu. Xin Chúa Thánh Thần giúp các gia đình chúng ta sống lòng thương xót qua từng ánh mắt, lời nói và việc làm, để những người thân yêu trong gia đình, không còn cảm thấy bị hất hủi, bỏ rơi mà nhận ra được “Dung mạo lòng thương xót” của Thiên Chúa Tình Yêu.

Giuse Nguyễn Văn Quýnh (NSTM 4.2016) / Nguồn: WGPSGĐÌNH

Top