Gặp gỡ & Tổng kết hoạt động Chuyên đề cuối tuần tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM
MỘT NĂM NHÌN LẠI
(11/12/2008 - 11/12/2009)
WGPSG -- Chiều ngày 30/1/2010, tại Giảng đường PX Nguyễn Văn Thuận, lầu 1 - Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận TP.HCM đã diễn ra buổi tổng kết một năm sinh hoạt của Chương trình “Chuyên đề cuối tuần” với sự tham gia của gần 200 học viên, nhóm Kỹ năng sống, nhạc sĩ Khắc Dũng và Nhóm Lửa Hồng, nhà thơ Mặc Trầm Cung, chị Hạt Cát, Sr Maria Hoàng Thị Vui, ông Khổng Nhuận (web Tâm linh vào đời). Đặc biệt là sự hiện diện của vị đại diện Đức cha Phụ Tá, Cha Phó Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ là Phêrô Nguyễn Văn Hiền và Cha Trưởng ban Truyền thông giáo phận cùng một vài thành viên trong ban, dưới sự tổ chức của Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Mục vụ gia đình, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế - Phụ trách Chuyên đề cuối tuần và anh Giuse Cao Hoàng Ngọc Ánh.
Một bài thơ với 24 chữ cái
Sau những bài hát cộng đồng của các linh hoạt viên, bầu khí trong giảng đường bỗng trở nên sinh động, giúp buổi tổng kết thêm ý nghĩa qua chủ đề: “Kỹ năng vượt qua khó khăn và thất bại trong đời sống” do Giuse Mai Thanh Hoài thuyết trình. Ông hiện là Giảng Viên chuyên nghiệp của trường đào tạo ITD (Institude of Traning and Development), chuyên huấn luyện các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng mềm cho các công ty đa quốc gia.
“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai”
Ông đã mở đầu đề tài thuyết trình với hai câu thơ nổi tiếng quen thuộc ấy. Và rồi, lần lượt cộng đoàn đã được xem phim về những con người với “thân thể không bằng phẳng” của cô Anna, cụt hai tay; anh Nick không có cả chân và tay. Gần gũi nhất là bạn Maria Hương Trinh – bản thân bị khiếm thính - dù rất khó khăn trong việc học tập và sinh hoạt nhưng bạn vẫn đang sinh viên đại học năm thứ 3. Biết bao vất vả trở ngại với người bị điếc khi không thể nghe nhưng bạn Hương Trinh vẫn đứng thuyết trình với một phong thái đầy tự tin và dễ mến.
Đúng là những con người với “thân thể không bằng phẳng” nhưng họ đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ, xúc động và xứng đáng là các anh hùng hào kiệt. Không phải vì họ đã chiến thắng những ai mà chính là vì họ đã vượt lên số phận nghiệt ngã của mình, để sống hạnh phúc cho chính mình và hữu ích cho mọi người. Họ xứng đáng được tôn vinh cho người khác noi theo. Vì họ đã bước qua bất hạnh của cá nhân với vô bờ nghị lực, tin tưởng. Nghĩa là họ đã chiến thắng chính mình và đó là một một cuộc đấu tranh không ngừng với muôn phần gian nan vất vả, đúng như lời Đức Phật đã từng nói:
“Thắng trăm vạn quân, không bằng thắng chính mình
Chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất”.
Kế đó, cộng đoàn được nghe Sơ Maria Ngọc Anh chia sẻ về những “đường đời không bằng phẳng” của Đức Giáo Hoàng JP II từ tuổi ấu thơ với khó khăn trăm bề cho đến lúc bị ám sát và trọng thương khi ở ngôi vị cao nhất. Dẫu vậy, Ngài vẫn một lòng tha thứ kẻ đã làm khốn mình và còn lo lắng, ân cần đến thăm kẻ ấy trong nhà tù sau đó.
Một lần nữa, “đường đời không bằng phẳng” của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã được tái hiện với phần trình bày của Sơ Maria Ngọc Diệp sau 13 năm tăm tối trong cô đơn và lo lắng bệnh tật. Nếu không có 13 năm tăm tối kia, sẽ chẳng bao giờ có được bộ sách Đường Hy vọng thời danh và làm sao có được buổi giảng tĩnh tâm cho cả Giáo triều Rôma từ một người Việt Nam như thế? Thiên Chúa thường vẽ đường thẳng qua những nét cong của những “con đường không bằng phẳng” chính là như vậy.
Bạn Anna Tin yêu đã chia sẻ về “đường đời không bằng phẳng” của Thánh nữ Monica trong bậc sống gia đình. Với người con trai tưởng chừng được xem như là tuyệt vời thông thái của mình thì chúng lại trở nên dường như bất trị. Vì suốt cuộc đời người con ấy, chỉ mang đến cho bà toàn là nước mắt và những đắng cay tủi nhục. Lại một lần nữa, Thiên Chúa đã vẽ đường thẳng bằng những nét cong. Vì sau đó, người con tưởng như bất trị của bà Monica đã trở thành Giám Mục, và cũng là một nhà Thần học lỗi lạc thượng trí Augustin. Ngài đã giúp nhiều điều có ích cho mọi người và cho Giáo Hội mà ai cũng biết đến.
Xen giữa phần thuyết trình là một trò chơi có thưởng được mang tên “Biến cái không thể, thành cái có thể”. Cộng đoàn được chia thành 8 đội, mỗi đội được phát 15 cây đinh và một miếng gỗ. Làm sao đặt 14 cây đinh trên một cây đinh trụ, mà không dùng bất kỳ vật dụng hỗ trợ nào như băng keo, dây thung...
Giảng đường bỗng trở nên xôn xao, náo nhiệt và hào hứng. Mỗi đội chiếm giữ một góc riêng, mang theo 15 cây đinh và một miếng gỗ nhỏ. Mỗi người một ý kiến, rồi bàn tán xôn xao khiến cho giảng đừơng thêm phần sinh động. Ai đó bảo, 1 cây đinh làm trụ, nghĩa là một cây đinh phải được đóng xuống hoặc cắm lên theo chiều nhọn bình thường. Quá hay, đúng là một suy nghĩ rất logic. Nhưng rồi, sao nữa? Lại suy nghĩ, lại thử nghiệm, lại bàn bạc nhưng cuối cùng, mọi chuyện đều như bế tắc. Một ai đó nói, hay đây chỉ là trò đùa...dai, không đáp án. Như đã lường trước được tình huống này, người quản trò đã “bật mí” 2%, bằng cách ra dấu với 2 bàn tay đan nhau. Thế là 4 đội được thưởng vì đã có đáp án đúng. Thật vui!
Những từ những mẫu hình nhân vật sống động cho đến trò chơi, cũng chỉ nhằm minh họa một điều rằng: Chỉ có công việc thất bại chứ không có con người thất bại. Nói cách khác, không có thất bại, vì mỗi thất bại chính là một bước thu ngắn của sự thành công đang đến, nếu con người có nghị lực và sự kiên trì. Song để được như thế, cần phải có lòng tự tin, tự tín, lạc quan, luôn thức tỉnh cầu nguyện và cậy trông phó thác. Những điều ấy được gói gọn trong bài thơ 24 chữ cái nhiều ý nghĩa như sau:
“Ai cũng biết, cuộc đời không hoàn hảo,
Bởi nơi đâu cũng thấy lắm buồn phiền.
Cho dù thế, bạn vẫn mãi ngợi khen,
Dù đang sống những ngày khốn khổ.
Đừng hờn căm hoặc mở lời than,
E ngại gì khi Chúa ở cùng ta.
Gió có to, dù bão táp phong ba.
Hãy cậy trông, Đấng toàn năng bất diệt.
Không tình người, cuộc sống sẽ ra sao.
Lấy đâu ra, niềm vui lẫn tự hào.
Mãi cảm tạ, vì những ơn quí giá.
Người luôn ban, với tình yêu cao cả.
Ôi! Hãy ra khỏi chốn thương đau.
Phải biết rằng, khi tha thiết nguyện cầu.
Quyền năng Người sẽ đem về chiến thắng.
Rạng ngời lên, trong bóng đêm cay đắng.
Sao cứ chờ, cứ đợi ở tương lại.
Thay vì nhìn hiện tại mỗi ban mai.
Ước mong bạn sống với tâm tình cảm tạ.
Vào những ngày sung túc hoặc tả tơi.
Xưng danh Ngài mọi lúc mọi nơi.
Yêu mến Chúa, bạn không còn buồn bã ”
(cố Giáo sư Trần Duy Nhiên chuyển ngữ)
Một năm nhìn lại, với những cơ hội và thách đố
Đề tài “Kỹ năng vượt qua khó khăn và thất bại trong đời sống” của báo cáo viên Mai Thanh Hoài và các cộng sự đã khép lại sau 2 tiếng đồng hồ trình bày khá ấn tượng và bổ ích. Sau 15 phút giải lao giữa giờ, cha Lu Y Nguyễn Anh Tuấn đã mở đầu buổi tổng kết với những chia sẻ về những ngày đầu tiên của lớp “Kỹ năng làm cha mẹ” của Ban Mục vụ gia đình cùng với sự nhập cuộc một cách hào hứng của giới trẻ. Qua giới thiệu của Đức Hồng Y, Ngài gặp Sơ Hồng Quế để phối hợp và vun trồng cho “Chuyên đề cuối tuần” được như ngày hôm nay. Ngài rất vui về điều này và hứa sẽ quan tâm nhiều hơn nữa cho người trẻ, lớp người đang là tương lai của xã hội và giáo hội mọi thời.
Tiếp theo là Báo cáo tổng kết một năm hoạt động của Sơ Hồng Quế. Với tuần lễ đầu, chỉ có 13 học viên và đến nay, số lượng học viên đã tăng lên từ trên 150 đến 350. Con số này giao động tùy thuộc vào đề tài, thuyết trình viên và thời điểm. Tỷ lệ nam giới, trụ cột các gia đình cùng với giới tu sĩ tham gia ngày càng đông. Xu hướng tham dự viên ngày càng trẻ hóa.
Đa số các tham dự viên đều thuộc Giáo phận nhà. Bên cạnh đó, còn có một số anh chị đến từ các giáo phận khác như Phú Cường, Xuân Lộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long Xuyên... Đặc biệt, còn có sự hiện diện của Cha Giuse - dòng Don Bosco đã đi về gần 200 cây số từ Dốc Mơ, Gia Kiệm. Cảm động hơn nữa, đã có 3 khán giả từ Ban Mê Thuột xa xôi, họ đã phải lặn lội và dậy đi từ 2 giờ sáng để đến được đây vào mỗi chiều Thứ bảy.
Về thành phần các thuyết trình viên cộng tác với “Chuyên đề cuối tuần”, đa số là Đức Giám mục, linh mục, Nữ tu, Mục sư và giáo dân. Họ là những người có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân tốt nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, có sự tham gia của Đức cha Phụ Tá Phêrô Nguyễn Khảm và đó là một sự khích lệ lớn và đồng hành vô cùng ý nghĩa.
Ngoài ra, trong một vài chủ đề, còn có sự tham gia của các thuyết trình viên ngoài tôn giáo, không tôn giáo thuộc các trường Đại học, vài thuyết trình viên người nước ngoài và sự đóng góp của các bạn lớp Kỹ năng sống.
Với tỷ lệ 48% thuyết trình viên giáo dân đã là một con số gây ngạc nhiên cho nhiều người. Ban tổ chức có chủ ý khuyến khích và nâng cao vai trò của giáo dân trong sân chơi này, tạo điều kiện cho những tiếng nói khác nhằm góp phần xây dựng công việc chung. Hiện nay, giáo dân là những người sống chết trong tất cả sinh hoạt nơi những Giáo xứ và các đoàn thể. Tuy nhiên, trên thực tế, họ chưa được đầu tư, huấn luyện và đào tạo chính quy và nhân rộng. Vì thế, vai trò của họ còn khá mờ nhạt. Cũng vì thế, sự đóng góp của họ còn rất hạn chế vì khoảng cách quá lớn so với những mời gọi của Giáo hội qua Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân (Apostolicam Actuositatem) mà Công đồng Vatican II đã dành những quan tâm rất đặc biệt về họ.
Trên thực tế, người nghe và khán giả có quyền đòi hỏi và mong đợi sự uyên bác, tài năng và kinh nghiệm của người nói. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận kiến thức và công sức mà thuyết trình viên giáo dân đã hết sức cố gắng đầu tư. Chính vì thế, ban tổ chức luôn vất vả để hỗ trợ cho thuyết trình viên về nội dung, hình thức và nhất là giúp chuẩn bị tư tưởng cho khán giả để họ biết lắng nghe và trân trọng sự cố gắng của anh chị em giáo dân vào công việc đầy mới mẻ này.
Bắt đầu từ tháng 11/2008 đến tháng 12/2009, Chương trình đã thực hiện được một năm với 57 chủ đề khác nhau. Không chỉ phục vụ cho khán giả trong Giảng đường, ban tổ chức còn nhắm đến những khán giả ở xa và những ai không có điều kiện tham dự trực tiếp. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng việc viết bài, đưa tin đã được thực hiện tích cực bắt đầu từ tháng 11/2009.
Gần 100 lá thư của khán giả trong và ngoài nước, thuộc nhiều giáo phận khác nhau, trong đó có Linh mục, Tu sĩ nam nữ, các anh chị em giáo lý viên, các huynh đoàn và những bạn trẻ gởi về ban tổ chức để xin tài liệu của Chương trình, bài viết của thuyết trình viên. Ngoài ra, cũng có nhiều đề nghị xin file ghi âm, quay video các buổi nói chuyện ấy. Thực ra, với gần 100 lá thư gởi về trong vòng 1 năm chưa phải là một con số lớn lao gì, nhưng trong điều kiện thiếu quảng bá thông tin, thì đó quả là một con số rất đáng kể. Vì đó là một minh chứng nói lên sự quan tâm và những phản hồi từ nhiều phía, nhiều nơi.
Khó khăn & Thuận lợi
Được sự tín nhiệm, nâng đỡ và đồng tình ủng hộ của các Đấng - bậc có trách nhiệm là Đức Hồng Y, Đức cha Phụ Tá và cha Lu Y Trưởng ban Mục Vụ gia đình là những thuận lợi lớn nhất. Giảng đường nằm ở vị trí phù hợp, thêm vào đó, là những khán giả nhiệt tình dễ mến (đa số là Công giáo) là những thuận lợi có ý nghĩa lớn. Chính vì thế, lẽ ra Sơ Hồng Quế đã dự tính xin nghỉ vì lý do sức khỏe, nhưng cuối cùng, đã không đành lòng vì sự ủng hộ của khán giả.
Mặc dù có những ưu điểm trên, Chương trình cũng có nhiều khó khăn, nhất là về việc thiếu kinh phí để đầu tư cho cơ sở vật chất (máy chiếu, mic, phông màn...) truyền thông, tiếp thị, phục vụ..., đội ngũ thuyết trình viên thiếu chuyên môn theo chủ đề. Nhiều trường hợp, chúng ta đã phải trả giá cao để mời được họ. Cha Trưởng ban bận quá nhiều việc, Sơ Hồng Quế thì đi dạy và bệnh tật của Sơ thì chưa dứt.
Một vấn đề khác, khá tế nhị, song không thể không nói ra. Đó là vấn đề học phí. “Chuyên đề cuối tuần” sẽ trở nên vô nghĩa, nếu không phục vụ vì lợi ích người nghèo nhưng Chương trình cũng không thể tồn tại nếu không thu học phí. Dù là chỉ nhận theo “tùy hỷ, tùy tâm” nhưng năm 2008, chỉ có 65% góp học phí. Bên cạnh trường hợp ấy, lại có trường hợp thật cảm động của một công nhân nghèo đã tiết kiệm 200 ngàn mỗi tháng cho Chương trình. Dẫu vậy, Chương trình vẫn luôn đón nhận và hoàn toàn miễn phí cho các sinh viên nghèo và nhiều Dòng tu khi các nơi ấy gởi người đến tham dự.
Trong phần báo cáo thu, chi tài chánh từ Sơ Hồng Quế, mọi người đã được biết tổng thu trong 6 chuyên đề là 71 triệu, đã chi ra là 69 triệu (lấy số chẵn). Qua báo cáo tài chánh, mọi người mới hiểu được phần nào chuyện giật gấu vá vai và “Chương trình chuyên đề” cần đến thế nào những tấm lòng quảng đại, các đôi tay rộng rãi từ các ân nhân và những nhà hảo tâm và tài trợ mọi nơi.
Đại diện Đức cha Phụ tá Phêrô, cha Phó Gíám Đốc Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã rất bất ngờ trước báo cáo tài chánh của Chương trình. Càng bất ngờ hơn nữa, khi được biết về cả người làm và người phục vụ đều làm không vì tiền, cũng chẳng có gì gọi là bồi dưỡng. Ngài đã nói về những bộn bề của Trung Tâm đang trong thời kỳ xây dựng, những bận rộn của các cha trong nhà. Ngài cũng nói nhiều về niềm vui và sự hãnh diện qua những việc “Chuyên đề cuối tuần” đã thực hiện được. Ngài đã nhận ra rất rõ, chương trình thành công được như thế, hoàn toàn do khán giả và nhờ khán giả. Ngài hứa sẽ trình lên Đức Cha Phụ tá những đề nghị của Chương trình để xin xem xét và hỗ trợ giúp đỡ.
Tiếp theo, Cha Luy đã trao quà Tết lì xì cho các Nhóm Truyền thông, Lửa Hồng, Phục vụ, Kỹ năng sống và anh Mai Thanh Hoài, rồi tất cả cùng rút Lộc Xuân. Lúc này, không khí trong Giảng đường đã hoàn toàn thay đổi qua ca khúc “Những con mắt” do ca sĩ, nhạc sĩ Khắc Dũng trình bày. Ca khúc được Khắc Dũng dàn dựng và lựa chọn công phu, cùng với sự cộng tác của Nhóm Lửa Hồng đã để lại nhiều ấn tượng lành thánh cho những ai tham dự vì nhờ đó họ đã được gần Chúa hơn.
Kết thúc buổi tổng kết là phần cầu nguyện. Sau đó, mọi người được mời dự bữa tiệc tất niên tại Nhà hàng Everose gần đó. Và lúc này, nhiều người đã nhắc đến “Chuyên đề cuối tuần” của Trung Tâm Mục Vụ như một điểm hẹn đầy thân thiện và thật bổ ích cho nhiều người nhiều giới.
Xin cám ơn “Chuyên đề cuối tuần”! Xin cám ơn về tất cả!
bài liên quan mới nhất
- Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
-
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024 -
Đồng tính luyến ái và Hôn nhân đồng tính -
Khóa học “Sơ lược về Giáo Luật Hôn Nhân & Tiêu Hôn” -
Lấn át hoặc đối thoại -
6 lời khuyên của Đức Giáo Hoàng giúp giao tiếp trong gia đình bạn
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ