Đừng sợ đối thoại

WHĐ (26.02.2011) – Mặc dù vẫn đang diễn ra những phản ứng bạo liệt đối với phong trào đòi dân chủ tại các quốc gia Ả rập, gây đau thương và lo ngại, nhưng cũng đang có một sự thay đổi hứa hẹn trước việc phương Tây không can thiệp đồng thời cũng sẽ giúp đỡ các quốc gia này.

Linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã khẳng định như trên, trong bài xã luận viết cho tuần tin tức Octava Dies của Trung tâm truyền hình Vatican, về các sự kiện diễn ra tại các nước Ả rập.

Điều được đặt lên hàng ưu tiên không phải là sự sợ hãi, mà là “Tình hữu nghị và cuộc đối thoại giữa các dân tộc và các nền văn hóa”. Linh mục phát ngôn viên Tòa Thánh khẳng định.

Cha nhấn mạnh: “Chính những bạo lực – đặc biệt tại Libya – được sử dụng nhằm chống lại sự lan rộng của phong trào đòi thay đổi tình hình chính trị tại các quốc gia Ả rập đương nhiên đang gây đau thương tột cùng cho các nạn nhân và dân chúng, hơn nữa còn gây nên mối lo ngại về hậu quả của tiến trình hiện đang diễn ra, bởi bạo lực đang là mối đe dọa gây thêm nhiều khó khăn cho công cuộc khôi phục nền hòa bình”.

Đánh giá về những diễn biến chính trị hiện nay tại nhiều quốc gia Ả rập, cha Lombardi nói đây là “một cuộc đại cách mạng, báo hiệu một khả năng sẽ mang lại mùa xuân cho thế giới Ả rập”.

Nhận định về thái độ của phương Tây, cha Lombardi viết: “Nhiều người cho rằng mỗi một sự phát triển đích thực của người dân Ả rập trong nền tự do và dân chủ trước hết phải phát sinh từ trong nội bộ, không phải từ bên ngoài, vốn chỉ có tác dụng ngược lại, đồng thời nhiều người khác tỏ ra sợ hãi và chủ trương khép kín”.

Cha Lombardi viết tiếp trong bài xã luận của mình: “Dường như đối với chúng ta, ngoài thái độ tôn trọng đúng mực, cũng cần phải sẵn sàng và có những sáng kiến nhằm mang lại sự trợ giúp cụ thể trong tình hình khó khăn này, để trong từng sự thay đổi sâu sắc, chúng ta mang đến sự hữu hảo và cuộc đối thoại giữa các dân tộc và các nền văn hóa, sao cho ngày hôm nay hơn hẳn ngày đã qua”.

Theo cha Lombardi, cần phải xem xét hai thành phần quan trọng trong yêu cầu đổi mới về phía giới trẻ: “Nhờ những mối liên hệ với di dân, nhiều người trẻ có quan niệm tích cực về thế giới phương Tây, về quyền con người, về dân chủ và tự do. Nhờ những khả năng mới do truyền thông mang lại, nhiều người trẻ cảm thấy cởi mở đón nhận đối thoại và mong muốn hòa nhập cộng đồng thế giới”.

Cha nói rõ thêm: “Các khả năng mới cũng luôn luôn liên quan đến những nguy cơ mới. Nếu những khả năng này không được sử dụng vào những khía cạnh tích cực, thì những khía cạnh tiêu cực chắc chắn sẽ áp đảo”.

Cha kết luận: “Rất gần chúng ta trên bờ biển phía Nam này là Địa Trung Hải từ nay đã thành rất hẹp, đông đảo bạn trẻ mong được lớn lên về phương diện nhân bản trong một xã hội có tự do hơn. Chúng ta không thể không làm những gì chúng ta có thể, để bước vào một cuộc đối thoại với họ mà không sợ hãi, bằng cách học hỏi nhau về những ngôn ngữ khác biệt của chúng ta”.

(Theo Zenit)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top