Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Tòa Thánh về Văn hóa
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 13-11-2010 dành cho Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi dùng những ngôn ngữ mới để loan báo Tin Mừng cứu độ.
Trong số 80 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, nhóm tại Roma từ ngày 10 đến 13-11 về đề tài truyền thông và ngôn ngữ, đặc biệt có Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, GM Giáo phận Phan Thiết, thành viên của Hội đồng.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận rằng ”các vị mục tử và tín hữu lo lắng cảm thấy một số khó khăn trong việc truyền thông sứ điệp Tin Mừng và truyền đạt đức tin giữa lòng cộng đoàn Giáo hội. Vấn đề này dường như càng gia tăng khi Giáo hội nói với những người xa lìa Giáo Hhi hoặc dửng dưng đối với một kinh nghiệm đức tin. Sứ điệp Tin Mừng đến với họ một cách không hiệu nghiệm và không thu hút họ.”
ĐTC nói: ”Trong một thế giới đang biến việc truyền thông thành một chiến lược để chiến thắng, Giáo hội, vốn có sứ mạng thông truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi dân nước, không được dửng dưng hoặc tỏ ra xa lạ với việc truyền thông; trái lại Giáo hội phải dấn thân trong tinh thần sáng tạo, kể cả với tinh thần phê bình và phân định, sử dụng các ngôn ngữ mới và những phương thức truyền thông mới mẻ”.
Trong ý hướng đó, ĐTC khích lệ việc tận dụng các gia sản đặc biệt của Giáo hội về các biểu tượng, hình ảnh, nghi lễ và cử chỉ trong truyền thống của mình, đặc biệt là các biểu tượng phụng vụ phong phú phải được đề cao như một yếu tố truyền thông, đến độ đánh động lương tâm, trái tim và trí tuệ của con người một cách sâu xa”. Ngài nhắc đến ví dụ Đền thờ Thánh Gia ở Barcelona, Tây Ban Nha mà ngài mới thánh hiến hôm Chúa nhật 7-11 vừa qua.
Tuy nhiên ĐTC cũng nhận định rằng ”Điều ảnh hưởng quyết định hơn cả nghệ thuật và hình ảnh trong việc truyền thông sứ điệp Tin Mừng chính là vẻ đẹp của đời sống Kitô. Xét cho cùng, chỉ có tình yêu mới xứng đáng với đức tin và đáng tin cậy. Đời sống của các thánh, các vị tử đạo, chứng tỏ một vẻ đẹp đặc biệt có sức thu hút và lôi cuốn, bởi vì một đời sống Kitô được sống trọn vẹn nói với con người mà không cần dùng lời. Chúng ta đang cần những người nam nữ nói bằng cuộc sống của họ, biết thông truyền Tin Mừng một cách rõ ràng và can đảm, qua những hành động minh bạch, với lòng hăng say bác ái trong vui tươi”.
Khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa có chủ đề ”Nền văn hóa truyền thông và các ngôn ngữ mới”. Khóa họp được đặt dưới quyền chủ tọa của vị Chủ tịch Hội đồng và ĐHY tân cử Gianfranco Ravasi, với sự tham dự của 25 thành viên gồm 15 HY và 10 GM, trong đó có Đức cha Giuse Vũ Duy Thống cùng với 19 vị cố vấn và một số khách mời, tổng cộng là 80 người.
Khóa họp đặc biệt chú ý đến việc sử dụng ngôn ngữ và truyền thông, để nghiên cứu tình trạng hiện nay và đề nghị những đường hướng hoạt động cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Giáo hội.
Vào đầu khóa họp, Đức cha Gerhard Ludwig Mueller, GM Giáo phận Regensburg bên Đức, đã thuyết trình về một đề tài nhân loại học. Sau đó sẽ cứu xét các ngôn ngữ mới, đặc biệt là điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật tượng hình, internet và đa phương, để xác định những lời nói, màu sắc, âm thanh và hình ảnh có thể trình bày đời sống Kitô như một kinh nghiệm giá trị ngày nay và cho mọi người. (SD 13-11-2010)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Cách đối xử với người nghèo là thước đo của nền văn minh
-
Cánh cửa tinh thần và hơi thở Thánh Linh: Giáo huấn của Hội Thánh trong mục vụ văn hóa, văn học nghệ thuật -
Giới thiệu Thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Phỏng vấn Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết - Một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu Việt Nam -
Bộ sưu tập hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032) -
Sứ vụ và hoạt động của Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa -
Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam -
Tủ Sách Nước Mặn: Những tác giả văn thơ cần in sách -
Léopold Michel Cadière 1869-1955 -
Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn: thông báo hai cuộc trưng bày các hiện vật cổ
bài liên quan đọc nhiều
- Toàn cầu hóa: cơ hội và thách đố của giới trẻ ngày nay
-
Văn hóa, văn minh -
Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn: thông báo hai cuộc trưng bày các hiện vật cổ -
Những đóng góp của Kitô giáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc -
Giới thiệu Thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Phỏng vấn Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết - Một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu Việt Nam -
Giáo hội Công Giáo dấn thân trong sứ mạng Giáo dục -
Bộ sưu tập hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032) -
Trương Vĩnh Ký - Thầy dạy chữ quốc ngữ đầu tiên -
Léopold Michel Cadière 1869-1955