Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Hoa Kỳ: “Biết bao vấn đề sẽ được giải quyết nếu xã hội biết bảo vệ các gia đình”

Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Hoa Kỳ: “Biết bao vấn đề sẽ được giải quyết nếu xã hội biết bảo vệ các gia đình”

WHĐ (28.09.2015) – Tối 26-09, trong khuôn khổ chuyến tông du Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ toạ buổi Canh thức cầu nguyện cho Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VIII. Buổi Canh thức diễn ra tại Franklin Parkway, Philadelphia, lúc 7g30 tối (giờ địa phương), với hàng ngàn người tham dự, trong tiết trời vào thu với gió se lạnh về đêm.
 
Đức Thánh Cha đã nghe các chứng từ về đời sống gia đình và thưởng thức các tiết mục ca nhạc và ca kịch ngắn.
 
Cuối buổi Canh thức, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với các gia đình từ khắp nơi trên thế giới tề tựu về Philadelphia tham dự Đại hội.
 
Sau đây là toàn văn bài huấn từ.
 
* * *
 


 

 

Thưa anh chị em,

 
Các gia đình thân mến,
 
Trước hết tôi muốn cảm ơn các gia đình đã sẵn sàng chia sẻ với chúng tôi câu chuyện cuộc sống gia đình mình. Cảm ơn những chứng từ của anh chị em! Được nghe các gia đình chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, luôn luôn là một hồng ân; thật cảm động trong lòng. Chúng ta thấy các gia đình nói với chúng ta những điều rất riêng tư và độc đáo, nhưng một cách nào đó, đều liên quan đến chúng ta. Khi nghe các gia đình kể chuyện cuộc sống, chúng ta như thấy mình trong đó, cũng chịu những thử thách như các đôi bạn, các bậc cha mẹ, con cái, anh em, chị em và ông bà.
 
Khi nghe anh chị em kể, tôi nghĩ chúng ta cần chia sẻ cuộc sống gia đình mình và giúp nhau gánh vác trách nhiệm “làm một gia đình” vừa tuyệt diệu vừa đầy thử thách.
 
Việc đồng hành với anh chị em khiến tôi nghĩ đến một trong những mầu nhiệm đẹp nhất của đức Tin Kitô giáo. Thiên Chúa không muốn đi vào trần gian cách nào khác hơn qua một gia đình. Thiên Chúa không muốn đến gần nhân loại cách nào khác hơn qua một tổ ấm. Thiên Chúa không muốn gọi mình bằng tên nào khác ngoài Emmanuel (x. Mt 1,23). Ngài là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Đây là ý muốn của Chúa ngay từ khởi đầu, là mục đích của Ngài, nỗ lực không ngừng của Ngài: để nói với chúng ta: “Ta là Thiên Chúa ở với các con, Ta là Thiên Chúa dành cho các con”. Ngài là Thiên Chúa, Đấng ngay từ khởi đầu tạo dựng đã nói: “Đàn ông ở một mình không tốt” (St 2,18). Chúng ta có thể thêm: đàn bà ở một mình không tốt, trẻ em ở một mình không tốt, người già hoặc người trẻ ở một mình không tốt. Ở một mình không tốt. Đó là lý do người đàn ông lìa bỏ cha mẹ, và gắn bó với vợ mình, rồi cả hai người đàn ông đàn bà nên một xác thịt (x. St 2,24). Hai người, nghĩa là nên một mái ấm, thành một gia đình.
 
Từ rất xa xưa, nơi tận sâu trái tim mình, chúng ta nghe những lời mạnh mẽ này: con ở một mình không tốt đâu. Gia đình là một phúc cả, là hồng ân của Đấng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Đấng không muốn bỏ mặc chúng ta trong cuộc sống cô đơn chẳng còn ai khác nữa, chẳng có thử thách, chẳng có mái ấm gia đình.
 
Thiên Chúa không ước mơ một mình, Ngài cố làm mọi sự “với chúng ta”. Những ước mơ của Chúa không ngừng thành sự thật nơi những mơ ước của nhiều đôi vợ chồng đang làm việc để biến cuộc sống của mình thành cuộc sống của một gia đình.
 
Đó là lý do vì sao gia đình thành biểu tượng sống động của kế hoạch yêu thương Chúa Cha đã một lần mơ ước. Mong muốn lập gia đình là quyết dự phần vào ước mơ của Chúa, chọn cho mình được ước mơ với Chúa, muốn dựng xây với Chúa, muốn được cùng Chúa tham gia vào thiên sử thi saga kiến tạo thế giới này thành nơi không ai thấy mình trơ trọi, vô dụng, vô gia cư.
 
Là Kitô hữu, chúng ta trân trọng vẻ đẹp của gia đình và của cuộc sống gia đình, nơi chúng ta học biết ý nghĩa và giá trị của những mối quan hệ con người. Chúng ta học biết “yêu một người nào đó không chỉ là một cảm giác mạnh – mà là một quyết định, một phán quyết, một lời hứa” (Erich Fromm, The Art of Loving). Chúng ta học cách đặt mọi vốn liếng vào một người khác, và học biết điều đó đáng giá.
 
Chúa Giêsu không phải là người độc thân! Trái lại, Người đã chọn Giáo hội làm hiền thê và làm cho Giáo hội trở thành dân riêng của Người. Người hiến thân vì những người mình yêu, để Giáo hội luôn nhận biết Người là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, dân của Người, gia đình của Người. Chúng ta không thể hiểu được Chúa Kitô nếu không có Giáo hội của Người, cũng như không hiểu được Giáo hội nếu không có Đấng hôn phu của Giáo hội, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mạng sống mình vì tình yêu, và cho chúng ta thấy điều đó thật quý giá.
 
Hiến mạng sống mình vì tình yêu chẳng dễ dàng gì. Như Thầy, việc “đặt mọi vốn liếng” cũng có khi đưa đến thập giá. Cũng có khi mọi sự xem ra thật nhọc nhằn. Tôi nghĩ đến tất cả các bậc cha mẹ, tất cả các gia đình không có việc làm hoặc không có quyền của người lao động, và như vậy thật sự là thập giá. Họ đã phải hy sinh biết bao để kiếm miếng cơm hằng ngày! Sẽ hiểu được lòng họ não nề biết bao khi về nhà lại chẳng có gì cho con cái.
 
Tôi nghĩ đến những gia đình không có nhà ở hoặc phải sống trong cảnh chen chúc chật chội. Những gia đình không có nổi những điều kiện căn bản để xây dựng những mối quan hệ gần gũi, an toàn và không gặp mọi loại phiền hà rắc rối.
 
Tôi nghĩ đến những gia đình không thể đến được với những dịch vụ y tế cơ bản. Những gia đình đang đứng trước các vấn đề y tế, nhất là đối với những người trẻ hoặc người già trong gia đình, đang phải lệ thuộc vào hệ thống không giải quyết được những khó khăn của họ, hệ thống này vô cảm trước đau đớn bệnh tật của họ và buộc họ phải hết sức hy sinh mới được chữa trị đầy đủ.
 
Chúng ta không thể gọi bất kỳ xã hội nào là lành mạnh nếu không thực sự dành chỗ cho gia đình. Chúng ta không thể cho rằng một xã hội có tương lai khi nó không đưa ra được các luật lệ có thể bảo vệ các gia đình và bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của họ, nhất là đối với các gia đình vừa mới được thành lập. Biết bao vấn đề sẽ giải quyết được nếu xã hội chúng ta biết bảo vệ các gia đình và cung cấp cho họ những điều cần thiết của một hộ gia đình, nhất là những người mới kết hôn, với công ăn việc làm xứng đáng, nhà ở và dịch vụ y tế gắn với họ cả đời.
 
Ước mơ của Thiên Chúa không thay đổi; ước mơ đó vẫn còn nguyên vẹn và mời gọi chúng ta làm việc cho một xã hội biết trợ giúp các gia đình. Một xã hội có cơm bánh “là hoa màu ruộng đất và công lao bàn tay con người” được đặt trên bàn ăn của từng nhà, nuôi dưỡng niềm hy vọng của con cái họ.
 
Chúng ta hãy giúp nhau có thể “đặt mọi vốn liếng vào tình yêu”. Hãy giúp nhau trong những lúc khó khăn và cất gánh nặng cho nhau. Hãy nâng đỡ nhau. Hãy làm cho gia đình trở nên sự nâng đỡ đối với những gia đình khác.
 
Không có gia đình hoàn hảo. Điều đó không làm chúng ta nản lòng. Mà hoàn toàn ngược lại. Tình yêu là điều chúng ta đang học; tình yêu là điều chúng ta đang sống; tình yêu lớn lên khi bị “thúc ép” bởi những hoàn cảnh cụ thể mà từng gia đình cụ thể đang trải qua. Tình yêu được sinh ra và không ngừng phát triển trong khung cảnh có ánh sáng và bóng tối. Tình yêu tiến triển nơi những người nam, người nữ đang nỗ lực, không phải để kết thúc xung đột, mà làm nảy nở cơ hội mới. Cơ hội tìm được sự giúp đỡ. Cơ hội đặt vấn đề chúng ta cần cải thiện như thế nào. Cơ hội khám phá Thiên Chúa ở cùng chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đây là di sản lớn lao chúng ta có thể trao cho con cái, một bài học rất hữu ích: chúng ta mắc sai lầm, đúng vậy; chúng ta có vấn đề, đúng vậy. Nhưng chúng ta biết điều đó không thật sự đáng kể. Chúng ta biết những lầm lỗi, vấn đề và những xung đột đều là cơ hội đến gần mọi người hơn, đến gần Chúa hơn.
 
Tối nay chúng ta cùng nhau đến cầu nguyện, cầu nguyện như một gia đình, làm cho mái ấm của chúng ta mang gương mặt tươi vui của Hội Thánh. Chúng ta cùng nhau đến để gặp Thiên Chúa là Đấng không muốn đi vào trần gian bằng con đường nào khác ngoài gia đình. Đến để gặp “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, vị Thiên Chúa luôn ở giữa chúng ta.
 
(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top