Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Pakistan bàn về sự kỳ thị tôn giáo

Đức Giáo Hoàng và Tổng thống Pakistan bàn về sự kỳ thị tôn giáo

WGPSG / UCAN -- Vatican, vào ngày 1.10, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô và Tổng thống Asif Ali Zardari đã có cuộc gặp gỡ để bàn về việc cần phải “dựa trên mối liên hệ về tôn giáo có chung một nguồn gốc (Kitô Giáo và Hồi Giáo có chung một tổ phụ Abraham), để vượt qua mọi hình thức kỳ thị” ở nước Pakistan mà đa số là người Hồi giáo.

Tổng thống Zadari đã viếng thăm Đức Giáo Hoàng tại dinh thự mùa hè của Ngài ở Castel Gandolfo gần Rôma vào cuối chuyến viếng thăm chính thức của ông ở Ý. Hai vị đã nói chuyện riêng với nhau trong nửa tiếng đồng hồ.

Sau đó, Tổng thống Zadari đã giới thiệu phái đoàn của ông, rồi cùng Shahbaz Bhatti, Bộ trưởng Liên bang về tôn giáo thiểu số, hội đàm với Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ khanh Toà Thánh và Đức Tổng Giám mục Dominque Mamberti, Thư ký Văn phòng Quan hệ các quốc gia.

Trong một phát biểu sau chuyến viếng thăm, Vatican nói rằng: Đức Giáo Hoàng và các cố vấn cấp cao đã có “những cuộc thảo luận chân tình” với Tổng thống Zardari, họ đã xem lại “tình hình hiện tại ở Pakistan, có liên quan đặc biệt đến cuộc chiến chống khủng bố và cam kết tạo nên một xã hội khoan dung và hài hòa hơn trên mọi khía cạnh.”

Vatican nói rằng: hai bên cũng bàn về “vai trò tích cực” của Giáo hội Công giáo ở quốc gia này qua những hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe và viện trợ.”

Người Kitô giáo, trong đó có 1,3 triệu là Công giáo, tính ra không đầy 2% tổng số 160 triệu người Pakistan, với 95% là người Hồi giáo.

Vatican nói rằng: những người tham dự buổi hội đàm ngày 1.10 cũng bàn về “những hành vi bạo lực gần đây chống lại cộng đồng người Kitô giáo tại một số nơi.”

Các bình luận viên cho rằng: việc này liên quan đến những cuộc nổi loạn gần đây trong lãnh thổ Punjab, nơi 10 người Công giáo đã thiệt mạng tại Gojra và Korian. Một đám đông người Hồi giáo đã tàn phá 113 ngôi nhà người Kitô giáo và gây thiệt hại 4 nhà thờ Tin lành trong những khu vực này vào ngày 30.7 và 1.8. Rồi ngày 15.9, một người đàn ông Kitô giáo bị buộc tội phạm thượng chống lại Hồi giáo, đã chết trong khi bị cảnh sát giam giữ.

Vatican nói rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô và các viên chức của Toà Thánh đã nhấn mạnh đến việc cần phải “dựa trên mối liên hệ về tôn giáo có chung một nguồn gốc, để vượt qua mọi hình thức kỳ thị, nhằm cổ võ sự tôn trọng quyền lợi của mọi công dân.” Các tài liệu cho thấy các viên chức Vatican nhấn mạnh đến “sự cần thiết” phải huỷ bỏ luật phạm thượng của Pakistan.

Các Giám mục Công giáo Pakistan cũng đã kêu gọi sự bãi bỏ luật đó.

Luật phạm thượng khiến một lời xúc phạm Kinh Qur'an trở thành một tội đáng trừng phạt đến mức tù chung thân, và đưa ra hình phạt tử hình cho bất cứ ai bị buộc tội xúc phạm tiên tri Muhammad.

Theo tài liệu được thu thập bởi Uỷ Ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Pakistan, từ năm 1986 đến tháng 8.2009 có ít nhất 964 người bị luật này buộc tội. Họ bao gồm 479 người Hồi giáo, 119 người Kitô giáo, 340 người Ahmadis (một giáo phái mà người Hồi giáo cho là lạc đạo) và 14 người Ấn giáo. Uỷ Ban CL & HB nói rằng: từ năm 1992, đã có 33 người đã bị chết do việc xử tử vượt bên trên pháp luật, sau khi bị cáo buộc là phạm thượng.

Các vị lãnh đạo Giáo hội đã từ lâu lên án rằng luật phạm thượng đang bị lạm dụng vì mục đích cá nhân để quấy rối những người không phải Hồi giáo.

Trong những buổi bàn luận với Tòa Thánh Vatican, và trong những cuộc nói chuyện trước đó với Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi và những nhà lãnh đạo chính trị cấp cao, Tổng thống Pakistan đã đồng ý về sự cần thiết để đảm bảo tự do tôn giáo, bảo vệ những tôn giáo ít người và huỷ bỏ luật phạm thượng.

Tuy nhiên, các tài liệu cho thấy: Toà Thánh Vatican không chỉ quan tâm đến luật phạm thượng và cách người ta sẵn sàng lạm dụng luật này, mà Toà Thánh còn băn khoăn về nạn kỳ thị trong cơ quan dân sự Pakistan, trong việc tuyển nhân viên; và Toà Thánh đã nêu lên vấn đề này trong những cuộc thảo luận.

Sau khi hội thảo, Tổng thống Zardari đến sân bay Ciampino để gặp đoàn đại biểu của Cộng đồng Sant'Egidio. Nhóm giáo dân quốc tế này có thành viên trên 70 quốc gia, bao gồm 300 người tại Pakistan, nơi họ làm việc với những người nghèo, cổ võ hòa bình và đối thoại Kitô giáo - Hồi giáo.

Vị Chủ tịch Cộng đồng, Marco Impagliazzo, đã yêu cầu Tổng thống Zardari sửa đổi luật phạm thượng.

Ông Mario Giro, một thành viên của phái đoàn Sant'Egidio, đã nói với UCA News tại Rôma rằng: trong cuộc nói chuyện kéo dài 25 phút, họ đã nói về việc cùng chung sống hòa bình giữa người Kitô giáo và Hồi giáo, và cuộc đối thoại giữa các cộng đồng tôn giáo tại Pakistan.

Tổng thống Zardari nói rằng ông muốn “loại trừ những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng,” nhưng ông giải thích rằng Pakistan là “một quốc gia phức tạp.” Tổng thống Zardari khen ngợi những cộng đồng hoạt động cho hòa bình và hòa giải, và mời họ giúp tổ chức một cuộc họp đa tôn giáo quốc tế tại Pakistan vào năm 2010.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top