Đức Giáo Hoàng Bênêđictô trò chuyện với các em nhỏ: "Học cách tha thứ"

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô trò chuyện với các em nhỏ: "Học cách tha thứ"

Chia sẻ những trải nghiệm thời học sinh và lần chịu Phép Rước Lễ Lần Đầu

VATICAN NGÀY 2-06-2009 (Zenith.org), Đức Giáo Hòang Bênêđictô XVI quả quyết với các em nhỏ rằng, bằng việc hòa giải và thứ tha, chúng ta có thể chung sống hòa bình với mọi người thuộc nhiều hòan cảnh khác nhau.
Đức Giáo Hòang đã khẳng định điều đó vào thứ Bảy tuần này trong phần hỏi-đáp tự phát với hơn 7000 em nhỏ thuộc Hội Thiếu Nhi Thừa Sai Giáo Hoàng trong một lần tiếp kiến tại Khán phòng Phaolô VI.
Đức Giáo Hoàng đã trả lởi câu hỏi của ba em nhỏ, câu hỏi thứ nhất của một bé gái hỏi liệu những nền văn hóa khác nhau có thể cùng chung sống với nhau mà không có mâu thuẫn không.
Đức Thánh Cha trả lời bằng một câu chuyện về tuổi thơ của Ngài tại ngôi trường tiểu học “phản ánh nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau.”
Ngài kể “Có sự đồng cảm giữa Cha và các bạn bè.”
Đức Giáo Hòang Benedict XVI nói tiếp: “Cha và bạn bè đã sống với nhau rất tốt, nhưng cũng phải nói, điều rất tự nhiên là đôi khi bọn Cha cũng có cãi nhau. Nhưng sau đó đã làm hoà với nhau và quên đi những chuyện đã xảy ra. Cha nghĩ quan trọng là điểm này.”
Ngài thừa nhận rằng: “Đôi khi trong cuộc sống con người, chúng ta không tránh khỏi những lúc cãi cọ, nhưng điều quan trọng là nghệ thuật hòa giải, thứ tha, bắt đầu lại và không để cho những cay đắng ứ đọng lại trong lòng ta.”

Giáo dục Ki-tô hữu
Đức Giáo Hòang giải thích rằng ở trường, cùng với nhiều bạn bè đến từ các nẻo đường đời khác nhau, Ngài đã học Kinh Thánh, từ việc sáng thế cho đến việc hiến tế của Chúa Giê Su trên thập giá và những bước đầu khai sinh ra Giáo Hội.”
Ngài kể tiếp: “Bọn Cha cùng học giáo lý với nhau; cùng nhau học cách cầu nguyện; cùng nhau dọn mình xưng tội lần đầu và rước lễ vỡ lòng: Đó là một ngày thật tuyệt.”
“Bọn Cha đã hiểu rằng chính Chúa Giê-Su đến với chúng ta, rằng Chúa không phải là một Thượng Đế xa vời. Chúa đã đi vào cuộc sống của Cha, vào trong tim Cha.”
Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc Rước Lễ này, như là “một cuộc tiếp xúc sờ chạm thật sự với Chúa Giêsu”, Đấng đến với tất cả chúng ta,” góp phần vào việc hình thành cộng đoàn.
Ngài nói: “Ở trường, bọn Cha đã khám phá khả năng sống cùng nhau và làm bạn với nhau,” và mặc dù, từ năm 1937 đến nay, Cha không trở lại ngôi làng đó, bọn Cha vẫn là bạn của nhau.”
Đức Thánh Cha xác định, “chính như thế, bọn Cha học chấp nhận nhau và mang gánh nặng cho nhau.”
Ngài nói thêm, “Chúng ta phải chấp nhận nhau bất chấp những nhược điểm của mỗi người và, cùng với Chúa Giêsu, cùng với Giáo Hội, chúng ta cùng nhau khám phá con đường dẫn tới hòa bình và lối sống đẹp.”

Ơn gọi của Đức Giáo Hòang
Một em nhỏ khác hỏi Đức Giáo Hòang Benedict XVI rằng thưở nhỏ Ngài đã có bao giờ nghĩ rằng mình trở thành Đức Giáo Hòang không.
Đức Giáo Hòang trả lời, “Thú thật, Cha đã chưa bao giờ tưởng tượng mình trở thành Giáo Hòang vì như Cha đã nói, Cha là một cậu bé khá ngây thơ, sống trong một ngôi làng nhỏ, xa các trung tâm dân cư lớn.”
Ngài giải thích, “Tất nhiên bọn Cha biết, sùng kính và mến yêu Đức Giáo Hòang - Đức Piô XI - nhưng với bọn Cha, Ngài ở một tầm cao không với tới được, gần như một thế giới khác; một người cha dành cho chúng ta, nhưng lại quá cao quá xa chúng ta.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Cha phải nói rằng cho đến bây giờ Cha vẫn thấy khó hiểu làm sao Chúa lại có thể nghĩ tới Cha và nâng Cha lên sứ vụ mục tử này.
Nhưng Cha đón nhận sứ vụ đó từ tay Chúa cho dù điều đó thật gây sửng sốt và Cha thấy sứ vụ đó vượt quá khả năng của Cha. Tuy nhiên Chúa hằng nâng đỡ Cha.”
Em nhỏ thứ ba hỏi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, “Chúng con có thể giúp Cha loan báo Tin Mừng như thế nào?”
Đức Giáo Hoàng nói rằng “các thành viên của Hội Thiếu Nhi Thừa Sai Giáo Hoàng này đã làm thành “một phần của đại gia đình đem Tin Mừng vào thế giới.”

Truyền Bá Phúc Âm
Ngài nhấn mạnh mục tiêu của các thành viên trong Hội là “lắng nghe, cầu nguyện, hiểu biết, chia sẻ và thể hiện tình liên đới.”
Đức Giáo Hoàng khẳng định , “Cầu nguyện rất quan trọng vì nó làm cho quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện.”
Ngài nói tiếp: “Lắng nghe là thật sự tìm hiểu những điều Chúa Giêsu đã dạy, là học biết Kinh Thánh. Trong chuyện kể về Chúa Giê-Su, chúng ta biết được gương mặt của Thượng Đế.”
Đức Thánh Cha giải thích, “Chia sẻ là mong muốn những điều (tốt) không chỉ cho bản thân nhưng cho mọi người, chia sẻ với người khác.”
Ngài nói, “Như thế, chúng ta cùng nhau trở thành một gia đình nơi mọi người tôn trọng và chấp nhận những khác biệt của nhau.”
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói, “Điều này có nghĩa là cùng sống trong một đại gia đình là Hội Thánh, một đại gia đình truyền giáo.”
Ngài kết luận, “Sống những điều cốt yếu như chia sẻ, hiểu biết Chúa Giêsu, cầu nguyện, lắng nghe và liên đới với nhau là một phần của việc truyền giáo, vì việc đó làm cho Tin Mừng trở thành hiện thực trong thế giới chúng ta.”
Được thành lập vào năm 1843, Hội Thiếu Nhi Thừa Sai Giáo Hoàng, hay Thiếu Nhi Thánh Thiện, tập hợp các em trong họ đạo hay các nhóm sinh hoạt ở trường trên khắp thế giới để huấn luyện các em quan tâm đến việc truyền giáo, và tổ chức cho các em biết cách cộng tác vào bổn phận loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top