ĐTC: Huấn từ Tam Nhật Thánh
Lưu ý của người dịch: Đây là Huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Buổi Triều Yết Thư Tư hằng tuần, ngày 20-04-2011, phổ biến sau trưa 20-04-2011. Tuy Bạn có thể nhận được muộn, nhưng luôn luôn thích hợp mỗi năm vào dịp Cử Hành Tam Nhật Thánh, vì đây là môt bài giáo lý và giải thích cụ thể về Tam Nhật Thánh.
Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đã đi tới trung tâm của Tuần Thánh, là cao điểm của Mùa Chay. Ngày mai chúng ta sẽ bước vào Tam Nhật Thánh Vượt Qua, 3 ngày thánh trong đó Giáo Hội tưởng niệm Mầu Nhiệm cuộc thương khó, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Con Thiên Chúa, sau khi xuống thế làm người với thái độ vâng lời Chúa Cha, như thế Ngài trở nên giống chúng ta trong tất cả, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4, 15), đã chấp nhận thực hiện cho đến cùng ý muốn của Chúa Cha, là đương đầu, vì yêu thương chúng ta, với cuôc thương khó và thập giá, để làm cho chúng ta tham dự vào việc sống lại của Ngài, để rồi trong Ngài và nhờ Ngài chúng ta có thể luôn sống trong niềm an ủi và bình an. Vì thế Tôi khuyên Anh Chị Em hãy tiếp nhận mầu nhiệm cứu độ này, hãy tham dự cách sốt sắng và sâu xa vào Tam Nhật Vượt Qua này, là điểm chính của tất cả Năm Phụng Vụ và là giây phút đặc biệt của ơn sủng cho mỗi người Kitô Hữu; Tôi mời Anh Chị Em, trong các ngày này, hãy tìm ra được những giây phút để hồi tâm và cầu nguyện, như thế Anh Chị Em có thể kín múc lấy một cách dồi dào nguồn suối ơn thánh này. Theo ý hướng đó, để mừng các ngày lễ sắp tới, mỗi Kitô hữu được mời gọi để cử hành Bí Tích Thống Hối và Hòa Giải như là thời điểm đặc biệt để tháp nhập vào sự chết và sống lại của Đức Kitô, để có thể tham dự vào Đại Lễ Phục Sinh và lãnh nhận được dồi dào ơn phúc.
Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trong đó Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể và Chức Linh Mục thừa tác.
Ban sáng mỗi cộng đoàn giáo phận, tụ họp lại trong nhà thờ chánh tòa chung quanh Vị Giám Mục, cử hành Thánh Lễ Dầu, trong đó có nghi lễ thánh hiến Dầu Thánh, làm phép Dầu Dự Tòng và Dầu Bệnh Nhân. Từ Tam Nhật Thánh và trong suốt Năm Phụng Vụ, các loại Dầu Thánh này sẽ được dùng để cử hành các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Linh Mục và Giám Mục và xức dầu trên các bệnh nhân; trong các Dầu này người ta nhận ra rõ ràng làm sao ơn cứu độ, được truyền đạt qua các dầu hiệu bí tích, vọt chảy ra chính từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô; quả vậy, chúng ta được cứu độ nhờ sự chết và sống lại của Ngài và, qua trung gian các Bí Tích, chúng ta kín múc lấy chính nguồn suối cứu độ này. Trong Thánh Lễ Dầu, ngày mai, cũng có việc các linh mục lặp lại các lời hứa.
Trong toàn thế giới, mỗi linh mục lặp lại những dấn thân đã đoan hứa trong ngày chịu chức linh mục, để hoàn toàn thánh hiến mình cho Đức Kitô trong khi thi hành thừa tác vụ thánh để phục vụ Anh Chị Em của mình. Chúng ta hãy đồng hành với các linh mục của chúng ta bằng lời cầu nguyện của mình.
Vào buổi chiều Ngày Thứ Năm Tuần Thánh chính thức bắt đầu Tam Nhật Thánh, với việc tưởng niệm Bữa Tiệc Ly, trong đó Chúa Giêsu thiết lập Việc Tưởng Niệm Vượt Qua của mình, khi đem bữa ăn vượt qua của người Do Thái tới hoàn tất. Mỗi gia đình Do Thái, tụ họp lại nơi bàn ăn trong Lễ Vượt Qua, để ăn chiên con đã nướng chín, làm như vậy để nhớ lại cuộc giải phóng Người Do Thái khỏi ách nô lệ người Ai Cập. Vì thế trong phòng tiệc ly, khi ý thức về sự chết sắp xẩy đến cho mình, Chúa Giêsu, Chiên Vượt Qua đúng thực, dâng chính mình để cứu độ chúng ta (x. 1Cr 5, 7). Khi đọc lời chúc tụng trên bánh và rượu, Ngài cử hành trước, hy tế thập giá và bày tỏ ý định của mình là muốn lưu truyền đến muôn đời sự hiện diện của mình giữa các môn đệ: dưới hình bánh và hình rượu, Ngài làm cho mình hiện diện cách đích thực với thân mình được trao ban và với máu của mình đổ ra.
Trong bữa tối sau cùng, các Tông Đồ được làm nên những thừa tác viên của Bí Tích cứu rỗi này; Chúa Giêsu đã rửa chân cho họ (x. Ga 13, 1 – 25), mời gọi họ hãy yêu thươg nhau như Ngài đã yêu thương họ, khi trao sự sống mình cho họ. Khi lặp lại cử chỉ này trong Phụng Vụ, cả chúng ta cũng được kêu gọi để nên chứng tá bằng hành động yêu thương của Đấng Cứu Chuộc chúng ta.
Sau cùng, Ngày Thứ Năm Thánh kết thúc với việc Thờ Lạy Thánh Thể, trong khi nhớ tới cơn hấp hối của Chúa Kitô trong vườn Gietsemani. Bỏ nhà tiệc ly, Chúa Giêsu lui về nơi yên tĩnh để cẫu nguyện một mình với Chúa Cha. Trong giây phút hiệp thông này các Phúc Âm kể lại rằng Chúa Giêsu trải qua một cơn sầu não thật lớn lao, một cơn đau buồn lớn lao đến nỗi Ngài đổ mồ hôi máu ra (x. Mt 26, 38). Trong ý thức rõ ràng về cái chết sắp tới của mình trên thập giá, Chúa cảm thấy một cơn sầu não lớn lao và cảm thấy sự chết đã sát bên mình. Trong tình trạng này, có một yếu tố thật quan trọng đối với Giáo Hội. Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài: hãy ở lại đây và hãy tỉnh thức; lời kêu gọi phải tỉnh thức này liên hệ tới chính lúc sầu não của Chúa, bị đe dọa, trong đó kẻ phản bội sẽ đến, nhưng nó lại là vấn đề của tất cả lịch sử. Vấn đề là tìm hiểu xem cơn mê ngủ hệ tại điều gì? Tỉnh thức hệ tại điều gì? Điều gì Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải có? Tôi nghĩ rằng cơn mê ngủ của các môn đệ xuyên suốt lịch sử: đó là một sự không nhạy cảm của linh hồn đối với quyền lực của sự ác, một thứ không nhạy cảm với tất cả sự dữ của thế gian. Chúng ta không muốn để cho mình bị xao xuyến quá độ về những điều này, chúng ta muốn quên chúng đi : chúng ta nghĩ rằng có lẽ sự việc không đến nỗi nghiêm trọng quá đâu, và rồi chúng ta quên đi được. Và không phải chỉ là vô cảm với sự dữ, nhưng trong chính lúc đó, chúng ta phải lo tỉnh thức làm việc lành, và nhờ sức mạnh của điều lành. Sự vô cảm với Thiên Chúa: đây là sự mê ngủ chính của chúng ta; đây là sự vô cảm về sự hiện diện của Thiên Chúa, rồi gây ra sự vô cảm cả với sự dữ. Chúng ta không cảm nghiệm được Thiên Chúa – Ngài làm chúng ta bị phiền hà – và như thế chúng ta không cảm thấy, tự nhiên thôi, sức mạnh của sự dữ và chúng ta ở lại trên con đường đầy tiện nghi của chúng ta. Việc Chầu Thánh Thể ban đêm Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, đặt chúng ta ở trong tư thế tỉnh thức với Chúa, phải làm chúng ta suy nghĩ lại về sự mê ngủ của các môn đệ, của những người bênh vực Chúa Giêsu là các tông đồ, của chúng ta, mà chúng ta không nhìn thấy, không muốn nhìn thấy tất cả sức lưc của sự dữ, và chúng ta không muốn đi vào trong cuộc thương khó của Ngài vì sự lành, vì sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, vì tình yêu người thân cận và tình yêu đối với Thiên Chúa.
Rồi Đức Kitô bắt đầu cầu nguyện. Ba Tông Đồ – Phêrô, Giacôbê, Gioan – thì ngủ, nhưng thỉnh thoảng cũng thức dậy và các ông thấy Chúa lặp đi lặp lại điệp khúc của lời cầu nguyện của Đức Kitô: “Không theo ý Con, mà theo ý Cha”. Ý của Con là gì, Đức Kitô muốn nói về điều gì? Ý của Con là xin “cho con đừng phải chết”, là xin “tránh cho Con khỏi uống chén đau khổ này” : đó ý muốn theo bản tính nhân loại, và Đức Kitô với tất cả ý thức về sự hiện hữu của mình, sự sống, vực thẳm của sự chết, nỗi sợ hãi cái hư không, sự đe dọa phải đau khổ. Và Đức Kitô nói về chúng ta, rằng chúng ta cũng lánh xa chống lại sự chết, sự đau khổ tự nhiên trước cái chết, và cũng như chúng ta, Đức Kitô cảm thấy vực thẳm của sự dữ. Ngài cảm thấy rằng cùng với sự chết, Ngài cũng cảm thấy tất cả sự đau khổ của nhân loại. Ngài cảm thấy rằng tất cả chén đắng này Ngài phải uống, phải làm cho chính mình uống nó, phải chấp nhận sự dữ trong thế gian, tất cả những gì đáng sợ nhất, sự ngoảnh mặt đi xa Thiên Chúa, tất cả tội lỗi. Và chúng ta có thể hiểu rằng làm sao Chúa Giêsu, cùng với linh hồn nhân loại của mình, đã trở nên kinh hãi trước thực tại này, mà Ngài hiểu được trong tất cả vẻ hung dữ của nó: ý của Con, là không phải uống chén này, nhưng ý của Con phải tùy thuộc vào ý của Cha, vào ý của Thiên Chúa, vào ý của Chúa Cha, và đó cũng là ý muốn đích thực của Con. Và như thế Chúa Giêsu biến đổi, trong lời cầu nguyện này, sự sợ hãi tự nhiên, sự sợ hãi phải uống chén này, như chống lại sứ mệnh của Ngài là chết cho chúng ta; biến đổi ý muốn tự nhiên của mình đây thành ý muốn của Thiên Chúa, thành một tiếng “xin vâng” trước ý muốn của Thiên Chúa. Tự mình, con người bị cám dỗ chống lại ý muốn của Thiên Chúa, có ý định đi theo ý muốn của riêng mình là cảm thấy mình được tự do chỉ khi nào cảm thấy tự lập; họ đem sự tự lập của mình chống lại sự tha hóa khi đi theo của Thiên Chúa. Đây là tất cả thảm kịch của nhân loại. Nhưng thực ra sự tự lập này là điều sai lầm và việc đi vào trong ý của Thiên Chúa không hề chống ngược lại tự lập của con người, không phải là một sự nô lệ xâm phạm ý chí của tôi, nhưng là đi vào sự thật và tình yêu, đi vào trong điều tốt đẹp. Chính Chúa Giêsu lôi kéo ý muốn của chúng ta, là ý muốn đi ngược với ý muốn của Thiên Chúa; ý muốn của chúng ta là đi tìm sự độc lập; ý muốn của Thiên Chúa kéo ý muốn chúng ta lên cao, hướng tới ý muốn của Thiên Chúa. Đây là thảm kich của việc cứu độ chúng ta, là Chúa Giêsu lôi kéo ý muốn của chúng ta lên cao, tất cả sự đố kỵ của chúng ta chống lại ý muốn của Thiên Chúa và sự đố kỵ của chúng ta chống lại sự chết và tội lỗi và kết hợp với ý muốn của Chúa Cha: “Không theo ý Con mà theo ý Cha”. Trong sự biến đổi cái “không” ra cái “có”, trong việc tháp nhập ý muốn của tạo vật vào trong ý của Chúa Cha, Đức Kitô biến đổi nhân loại và cứu độ chúng ta. Và Chúa kêu mời chúng ta đi vào trong vòng chuyển động này : đi ra khỏi “cái không” của chúng ta và đi vào “cái có” của Chúa Con. Ý của con, vẫn có, nhưng quyết định đó là ý của Chúa Cha, bởi vì đó là sự thật và tình yêu.
Một yếu tố nữa trong lời cầu nguyện của Đức Kitô trong Vườn Cây Dầu đối với Tôi cũng quan trọng. Ba chứng nhân đã giữ lại từ “Abba” – như chúng ta thấy trong Kinh Thánh – mà theo tiếng Do Thái hoặc tiếng Aramaico thì từ “Abba” qua đó Đức Kitô đã dùng để nói truyện với Chúa Cha, Ngài đã gọi Chúa Cha là “Abba”, “thưa Cha”, “Cha ơi”. Nhưng kiểu gọi này “Abba”, một kiểu gọi rất quen thuộc thân thương của từ “cha”, một kiểu gọi mà người ta chỉ dùng trong gia đình mà thôi, mà cũng không bao giờ nói với Thiên Chúa. Ở đây chúng ta thấy trong tình thân mật của Chúa Giêsu như đang nói trong gia đình, đang thực sự nói như Con với Cha. Chúng ta thấy được mầu nhiệm Ba Ngôi: Con nói với Cha, và cứu rỗi nhân loại.
Còn một nhận xét nữa. Thư gửi tín hữu Do Thái cho chúng ta một lời chú giải lời cầu nguyện trên đây của Đức Kitô, của thảm kịch Vườn Gietsemani. Tác giả viết: các dòng nước mắt này, lời cầu nguyện này, những tiếng than van của Chúa Giêsu, cơn sầu thảm này, tất cả những điều này không đơn thuần là một thái độ do sự yếu đuối xác thịt, như người ta có thể nói được. Chính trong những điều này đã thực hiện nhiệm vụ của Vị Thượng Tế, bởi vì Vị Thượng Tế phải mang lấy thân phận con người, với tất cả những vấn đề và đau khổ, mà dâng lên Tòa Chúa cao sang. Và Thư gửi tín hữu Do Thái nói : với tất cả những tiếng than van này, những giọt nước mắt này, các đau khổ này, các lời kinh này, Đức Kitô đã mang tất cả dâng lên Thiên Chúa (x. Dt 5, 7tt). Và tác giả thư dùng từ Hy Lạp “prosferein”, là một động từ chuyên môn dành cho hành dộng của vị Thượng Tế khi dâng lễ vật, khi giơ hai bàn tay của mình lên cao.
Chính trong thảm kịch tại Vườn Gietsemani, là nơi mà xem ra sức lực của Thiên Chúa không còn được nhận ra, thì Chúa Giêsu thực hiện tác vụ của Vị Thượng Tế. Tác giả Thư còn nói thêm rằng trong hành động vâng lời này, nghĩa là hòa hợp ý muốn nhân loại tự nhiên của mình với ý muốn của Thiên Chúa, Đức Kitô được đặt lên như là Thượng Tế. Chính tại đây Ngài trở nên đích thực là Thượng Tế của nhân loại và từ đây Ngài mở ra cho họ trời cao và đem họ tới cuộc sống lại.
Nếu chúng ta suy nghĩ về thảm kịch Vườn Gietsemani, chúng ta cũng có thể nhìn ra điểm trái ngược giữa Chúa Giêsu và nỗi buồn sầu của Ngài, với các đau khổ của Ngài, trong khi đối diện với nhà đại triết gia Socrate, vì ông này đã có thái độ bình thản, không nao núng trước sự chết. Đây được coi như một lý tưởng phải theo. Chúng ta có thể thán phục triết gia này, nhưng sứ vụ của Đức Kitô thì khác xa. Sứ vụ của Ngài không phải là thái độ hoàn toàn dửng dưng và tự do này; sứ vụ của Ngài là mang lấy trong đau khổ của Ngài những đau khổ của chúng ta, mang lấy tất cả thảm kịch của nhân loại. Chính vì thế sự khiêm nhường tủi nhục trong Vườn Gietsemani chính yếu là sứ vụ của CON NGƯỜI – THIÊN CHÚA. Ngài mang trong mình sự đau khổ của chúng ta, sự nghèo hèn của chúng ta, và biến đổi nó theo ý của Thiên Chúa. Như vậy Ngài mở ra những cánh cửa của trời cao, mở trời ra; bức màn trong Nơi Cực Thánh, mà cho tới nay con người đã đóng lại để chống đối Thiên Chúa, thì được mở toang ra nhờ sự đau khổ và sự vâng lời của Ngài. Đó là những nhận xét này vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, cho việc chúng ta cử hành Đêm Thứ Năm Tuần Thánh.
Thứ Sáu Tuần Thánh chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó và sự chết của Đức Kitô; chúng ta sẽ thờ lạy Đức Kitô chịu đóng đinh, chúng ta sẽ tham dự vào các đau khổ của Ngài với việc kiêng thịt và ăn chay. “Họ ngước mắt nhìn đấng họ đạ đâm thâu qua” (x.Ga 19, 37), chúng ta có thể múc lấy từ Thánh Tâm bị đánh dập nát của Ngài mà máu và nước chảy ra như từ một nguồn suối; từ trái tim này chảy ra tình yêu của Thiên Chúa cho mỗi người mà chúng ta nhận được Thánh Thần. Vậy chúng ta cùng Chúa Giêsu bước vào Thứ Sáu Tuần Thánh, cả chúng ta nữa, cùng Ngài tiến lên đồi Calvario, hãy để cho mình được hướng dẫn bởi Ngài cho tới thập giá, chúng ta hãy đón nhận lễ dâng thân xác của Ngài đã nên lễ tế.
Sau cùng, trong Đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta sẽ cử hành long trọng Vọng Vượt Qua, trong đó việc sống lại của Đức Kitô, chiến thắng quyết định của Ngài trên sự chết đòi chúng ta trở nên trong Ngài những con người mới, tất cả những biến cố này được loan báo cho chúng ta, Khi tham dự vào Vọng Vượt Qua chí thánh này, Đêm trung tâm của tất cã Năm Phụng Vụ, chúng ta sẽ nhớ lại Bí Tích Rửa Tội của chúng ta, trong đó cả chúng ta nữa cũng được mai táng cùng với Đức Kitô, để có thể cùng với Ngài sống lại và tham dự vào bữa tiệc trên trời (x. Kh 19, 7 – 9).
Các Bạn thân mến, chúng ta đã cố gắng tìm hiểu tâm trạng trong đó Chúa Giêsu đã sống giờ phút thử thách cuối cùng này, và giúp hướng định hành động của Ngài. Tiêu chuẩn đã hướng dẫn mọi chọn lựa của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời của Ngài là ý muốn vững vàng yêu mến Chúa Cha, là nên một với Chúa Cha, và sống trung thành với Chúa Cha; sự quyết định làm đúng với tình yêu của Chúa Cha đã thúc đẩy Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh ôm ấp kế đồ yêu thương của Chúa Cha, là thực hiện kế đồ yêu thương được ủy thác cho Ngài là quy tụ tất cả trong Ngài, để thu hồi mọi sự nơi Ngài. Trong khi cử hành và sống một lần nữa Tam Nhật Thánh này, chúng ta hãy chuẩn bị sẵn con người chúng ta đón nhận, cả chúng ta nữa, ý muốn Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, vì ý thức rằng trong ý muốn của Thiên Chúa, cho dù xem ra thật nặng nề, và ngược lại với các ý muốn của chúng ta, chúng ta tìm được điều tốt lành chính thực của chúng ta, tìm được con đường đưa tới sự sống.
Xin Đức Trinh Nữ là Mẹ chúng ta, hướng dẫn chúng ta trong hành trình này, và cầu bầu cho chúng ta nơi Con của Me, cũng là Con Thiên Chúa, ơn thánh để chúng ta có thể tiêu hao cuộc sống của chúng ta vì tình yêu Chúa Giêsu, trong khi phục vụ Anh Chị Em chúng ta.
Xin cám ơn Anh Chị Em.
[Buổi Triều Yết Chung, ngày 20-04-2011]
Ngày 20-4-2011.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
(dịch từ nguyên bản tiếng Ý,
do Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô