ĐTC gặp gỡ và cầu nguyện với người nghèo tại Assisi

ĐTC gặp gỡ và cầu nguyện với người nghèo tại Assisi

ĐTC gặp gỡ và cầu nguyện với người nghèo tại Assisi

Sáng ngày 12/11/2021, tại đền thờ Đức Mẹ các Thiên thần ở Assisi, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ và cầu nguyện cùng với 500 người nghèo đến từ nhiều nước châu Âu.

Từ Vatican Đức Thánh Cha bay trực thăng đến Assisi, thành phố của thánh Phanxicô. Đến quảng trường đền thờ Đức Mẹ các Thiên thần vào lúc khoảng quá 9:30 giờ, Đức Thánh Cha đi dọc sân trước đền thờ chào các tín hữu đứng hai bên lối đi chào đón ngài, trong đó có nhiều học sinh tiểu học cầm những hình ảnh và những lá cờ nhỏ vẫy chào ngài.

Đến tiền đường đền thờ, Đức Thánh Cha được các tu sĩ Phanxicô, giám mục giáo phận Assisi và chính quyền địa phương chào đón, trong đó có bà thị trưởng của Assisi. Những người nghèo đã xếp thành một “vòng tay” biểu tượng để chào đón ngài và tặng ngài chiếc áo choàng và cây gậy của người hành hương, với ý nghĩa tất cả là những người hành hương đã đến những nơi chốn của thánh Phanxicô, để lắng nghe lời của người.

Lúc 9 giờ 55, Đức Thánh Cha tiến vào đền thờ, chào một số em bé khuyết tật, và dừng lại cầu nguyện trong nhà nguyện Porziuncola, một trong số những nơi quan trọng nhất trong cuộc đời của thánh Phanxicô. Tại đây thánh nhân đã hiểu rõ ơn gọi của mình, đón nhận thánh Clara và các tu sĩ Phanxicô đầu tiên.

Tiếp đến là phần trình bày chứng từ của một số người nghèo và nhân viên Caritas.

Đôi vợ chồng truyền giáo

Đầu tiên, Florence e Thibault Jarry, một đôi vợ chồng người Pháp đã chia sẻ về hoạt động truyền giáo giúp người nghèo ở một trong những khu vực nghèo nhất của Paris. 6 năm trước, khi họ chưa quen biết nhau, cùng với Hiệp hội Lòng Thương xót, họ lên đường truyền giáo tại một khu vực nghèo ở miền bắc thành phố Santiago của Chilê, với tâm nguyện dâng hiến cho Chúa một khoảng thời gian trong cuộc đời để phục vụ Giáo hội, để gặp Chúa nơi những người nghèo nhất. Trở về Pháp, họ đã kết hôn và xin Chúa hướng dẫn cuộc sống, ban cho họ lòng can đảm để phó thác chính mình cho thánh ý, để Người hướng dẫn họ đến nơi Người muốn. Ngay sau khi kết hôn, họ đã thưa vâng với sứ vụ và được sai đi như gia đình truyền giáo. Họ làm chứng rằng, ngay cả với sự tín thác hoàn toàn, thật không dễ để mình đi theo kế hoạch Thiên Chúa dành cho mình: cần cầu xin Chúa mỗi ngày để lặp lại lời thưa vâng với trọn tấm lòng. Họ làm chứng rằng chính Chúa đang chờ đợi chúng ta qua những người nghèo: chính họ là người mà Người đã chọn để truyền sự dịu dàng và tốt lành của Người.

Con đường hoán cải của anh Sebastián del Valle Diaz

Tiếp theo, là chứng từ cảm động của anh Sebastián del Valle Diaz, người Tây Ban Nha. Nhiều lần anh phải dừng lại giữa chừng vì quá xúc động. Anh lớn lên trong một gia đình Công giáo bình dân. Anh vẫn còn những kỷ niệm hạnh phúc với người bà, là người đã truyền đức tin cho anh và dạy anh cầu nguyện, và với người chú khi cùng nhau cỡi ngựa. Được học võ thuật và huấn luyện quân sự, ở tuổi thiếu niên và thanh niên, anh nghĩ mình vượt trội hơn những người khác. Anh bắt đầu là một kẻ bạo lực, thường xuyên gây gổ với mọi người. Những kẻ buôn bán ma túy trong khu phố đã chú ý đến anh và anh đã vào nhóm với họ lúc nào không hay.

Ở tuổi 15 anh bỏ học và bắt đầu sử dụng ma túy. Ngay lập tức anh thấy mình có thể kiếm tiền nhanh chóng và sống trong những thứ xa xỉ mà thế giới cung cấp cho anh: tiệc tùng, xe máy, xe hơi hạng sang, phụ nữ, v.v. Anh không nhận ra mình đang làm tổn thương chính mình và những người khác: Anh đã trở thành một người khác với những gì mình đã từng, anh không còn nhận ra chính mình. Anh ngày càng trở nên tồi tệ hơn, đến mức phạm một số tội và phải vào tù. Ngày đầu tiên trong tù, một tù nhân khác đã tước lấy chuỗi Mân Côi mà anh đang đeo trên cổ: ngay lúc đó anh cảm thấy Chúa đã bỏ rơi mình.

Khi ra khỏi tù, anh muốn bỏ đời sống tội lỗi để sống đời sống mới, nhưng rồi với tiền của kiếm được trước đây, anh trở lại với đời sống tội lỗi hàng đêm. Rồi đại dịch đến bất ngờ, anh không có việc làm và phải sống trên đường phố. Và một linh mục đã giúp anh, đưa anh đến trung tâm dành cho người vô gia cư. Một nhóm cầu nguyện đến trung tâm hàng tuần để cầu nguyện với những người cư ngụ tại đây. Anh kể: “Tôi không biết phương pháp cầu nguyện bằng âm nhạc, nhưng dần dần, với cách cầu nguyện đó, tôi cảm nhận được tình yêu thương của Chúa sau bao nhiêu năm”.

Một người bạn đã mời anh tham dự hội thảo “Đời sống trong Chúa Thánh Thần” và từ đó cuộc đời anh đã được biến đổi. Anh đã xưng tội trong ba tiếng đồng hồ với một linh mục, và anh thực sự cảm thấy được yêu thương. Những ngày tiếp đó anh luôn cảm thấy thật hạnh phúc mà không biết tại sao. Anh kể với những người bạn và họ nói anh bị điên. Sau đó anh tham dự khoá tĩnh tâm “Hành trình Emmaus” để cầu nguyện. Trong cuộc tĩnh tâm này anh đã hiểu Thiên Chúa yêu thương anh vượt xa mọi điều anh nghĩ. Mọi thứ đều có giá, trong khi tình yêu của Chúa là nhưng không, vô điều kiện. Chúa Giêsu hằng sống, Người đã cứu anh và ban cho anh đời sống mới. Anh kết thúc: “Trong một thời gian tôi ăn xin để được sống: hôm nay tôi là người khất thực tình yêu và lòng thương xót của Chúa”.

Những sự kiện của cuộc sống đáng giá hơn những bài giảng

Sau 6 chứng từ, ngỏ lời với những người hiện diện, Đức Thánh Cha cảm ơn họ đã mời ngài đến Assisi, thành phố của thánh Phanxicô, nơi “mang khuôn mặt của thánh Phanxicô”, nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 5. Theo Đức Thánh Cha, “Việc nghĩ rằng giữa những con phố này, thánh nhân đã sống tuổi trẻ bất an của mình, đã nhận được lời mời gọi sống theo Phúc Âm theo nghĩa đen, là một bài học nền tảng cho chúng ta”. Một mặt, sự thánh thiện của thánh nhân khiến chúng ta phải sợ hãi, vì dường như không thể bắt chước được ngài. Nhưng mặt khác, chúng ta cảm thấy bị thu hút bởi sự đơn sơ của tâm hồn và cuộc sống”. Đức Thánh Cha nhận định: “Đó chính là sức hấp dẫn của Chúa Kitô, của Tin Mừng. Đó là những sự kiện của cuộc sống đáng giá hơn những bài giảng”.

Biết hài lòng với những gì mình có và chia sẻ nó với người khác

Bài học tiếp theo Đức Thánh Cha chia sẻ cũng được gợi hứng từ cuộc đời của thánh Phanxicô. Đức Thánh Cha nhắc lại câu chuyện thánh nhân và tu sĩ Masseo khất thực trên đường sang Pháp. Chia tay nhau mỗi người một ngả, trong khi tu sĩ Masseo cao to, đẹp trai, xin được những khúc bánh mì ngon; còn Phanxicô có dáng người nhỏ bé, trông như một kẻ lang thang, chỉ xin được một vài mẩu bánh mì cũ và cứng. Khi gặp lại nhau, nhìn thấy những miếng bánh tu sĩ Masseo xin được, trước sự ngạc nhiên của tu sĩ này, thánh Phanxicô nói rằng chúng ta không xứng đáng với kho tàng to lớn này.  Trả lời cho câu hỏi của tu sĩ Masseo: “Thưa cha Phanxicô, làm sao chúng ta có thể nói về một kho tàng mà ở đó nghèo đói quá và những thứ cần thiết cũng thiếu thốn như vậy?”, thánh Phanxicô nói: “Đây chính là điều mà tôi coi là một kho tàng lớn, vì chẳng có gì cả, nhưng những gì chúng ta có được là do Chúa Quan Phòng, Đấng đã ban cho chúng ta chiếc bánh này”. Và Đức Thánh Cha nói rằng giáo huấn của thánh Phanxicô dành cho chúng ta là “biết hài lòng với những gì mình có và chia sẻ nó với người khác”.

Cầu nguyện và lắng nghe

Từ nhà nguyện Porziuncola, Đức Thánh Cha nói rằng đây là nơi thánh Phanxicô thích cầu nguyện lâu giờ; trong thinh lặng ngài lắng nghe Chúa, nghe điều Người muốn. Chúng ta cũng đến đây để xin Chúa lắng nghe tiếng kêu của chúng ta và đến trợ giúp chúng ta. Ngài lưu ý rằng thiệt thòi đầu tiên mà người nghèo phải gánh chịu là về mặt tinh thần. Mang thức ăn thức uống cho họ là điều tốt những trên hết là dừng lại để trò chuyện với mọi người, và đôi khi cầu nguyện cùng với họ.

Đón tiếp

Cũng tại nhà nguyện Porziuncola, thánh Phanxicô đã đón nhận thánh Clara, các anh em đầu tiên của ngài, nhiều người nghèo đến với ngài. Ngài đón nhận họ như anh chị em, chia sẻ với họ mọi điều. Từ điều này Đức Thánh Cha nhắc rằng cách diễn tả theo tinh thần Tin Mừng mà chúng ta được mời gọi thực hiện chính là đón tiếp. Ngài nói: “Đón tiếp có nghĩa là mở cửa, cửa nhà, cửa trái tim, cho người gõ cửa bước vào. Và họ có thể cảm thấy thoải mái, không sợ hãi. Nơi nào có cảm giác huynh đệ chân thành, ở đó cũng có kinh nghiệm chào đón chân thành”. Và nhắc lại lời Mẹ Têrêsa, sự chào đón tốt nhất là nụ cười, Đức Thánh Cha nói: “Chia sẻ nụ cười với những người khốn khó là điều tốt cho cả hai, cho mình và cho họ. Nụ cười như một biểu hiện của sự đồng cảm, của sự dịu dàng”.

Gặp gỡ

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến một số điều rút ra từ cuộc gặp gỡ này. Trước hết là gặp gỡ, đến với người khác với trái tim và đôi tay mở rộng. Chúng ta cần người khác. Ngay cả sự yếu đuối, khi sống cùng nhau sẽ trở thành sức mạnh cải thiện thế giới.

Đáp lại tiếng kêu của người nghèo

Trước những bất công, dửng dưng, đổ lỗi cho người nghèo, Đức Thánh Cha nói: “Đã đến lúc đáp lại tiếng nói của người nghèo, bởi vì những yêu cầu của họ đã quá lâu không được lắng nghe. Đã đến lúc phải mở rộng tầm mắt để thấy được tình trạng bất bình đẳng của bao gia đình đang sống. Đã đến lúc phải xắn tay áo để khôi phục nhân phẩm bằng cách tạo ra công ăn việc làm. Đã đến lúc trở lại bị đánh động bởi thực tế của những đứa trẻ đói khát,… ngừng bạo lực đối với phụ nữ. Đã đến lúc phá bỏ vòng vây của sự dửng dưng để khám phá lại vẻ đẹp của sự gặp gỡ và đối thoại.

Kết thúc bài nói chuyện Đức Thánh Cha mong ước “cuộc gặp gỡ này mở rộng trái tim của tất cả chúng ta để chúng ta luôn sẵn sàng đối với nhau, biến sự yếu đuối của chúng ta thành sức mạnh giúp chúng ta tiếp tục hành trình cuộc sống, biến cái nghèo của chúng ta thành sự phong phú để được chia sẻ, và do đó cải thiện thế giới”.

Lời cầu nguyện theo tinh thần của Mẹ Têrêsa Calcutta và thánh Phanxicô

Buổi gặp gỡ tiếp tục với giờ cầu nguyện. Sau bài đọc trích từ sách Công vụ tông đồ (3,1-10) và đoạn Tin Mừng thánh Marco (14,3-9), Đức Thánh Cha và cộng đoàn đọc lời nguyện lấy cảm hứng từ các bản văn của Mẹ Têrêsa Calcutta và thánh Phanxicô.

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con xứng đáng phục vụ anh chị em của chúng con trên khắp thế giới, những người sống và chết trong nghèo đói. Xin ban cho họ ngày hôm nay, qua bàn tay của chúng con, lương thực hàng ngày, và, với tình yêu cảm thông của chúng con, xin ban cho họ bình an và niềm vui”.

Và tiếp đến là lời kinh Hoà bình của thánh Phanxicô: “Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù...”.

Đức Thánh Cha mời tất cả cùng đọc kinh Lạy Cha, sau đó ngài đọc lời nguyện kết thúc và ban phép lành cho mọi người.

Trước khi từ giã Đức Thánh Cha đã bắt tay chào những người diện hiện.

Nguồn: Vatican News

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top