Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho các tình nguyện viên của Hội Chữ Thập Đỏ Ý

Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho các tình nguyện viên của Hội Chữ Thập Đỏ Ý

Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho các tình nguyện viên của Hội Chữ Thập Đỏ Ý

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA DÀNH CHO CÁC TÌNH NGUYỆN VIÊN CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ Ý

WHĐ (07.04.2024) – Sáng thứ bảy ngày mồng 06.04.2024, nhân kỷ niệm 160 năm thành lập Hội chữ thập đỏ ÝĐức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho khoảng 6.000 tình nguyện viên và nhân viên của tổ chức này buổi tiếp kiến riêng. 

Được biết, vào ngày 15.06.1864 Hội Chữ Thập đỏ của Ý được thành lập tại Milan để giúp đỡ và chăm sóc các nạn nhân của chiến tranh, sau khi Hội Chữ thập đỏ Quốc tế được thành lập tại Geneva, Thụy Sĩ, vào năm 1863. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:

 

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC TÌNH NGUYỆN VIÊN CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ Ý

Thính Đường Phaolô VI
Thứ Bảy, ngày mồng 06 tháng 04 năm 2024

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi rất vui được gặp anh chị em nhân dịp kỷ niệm 160 năm thành lập Hội Chữ Thập Đỏ Ý. Thật vậy, vào ngày 15 tháng 06 năm 1864, Ủy ban của Hiệp hội Ý nhằm cứu trợ thương binh và bệnh nhân trong chiến tranh đã được thành lập tại Milan. Đối diện với sự tàn phá và đau khổ do chiến tranh gây ra – ngay cả ngày nay chúng ta cũng đừng quên điều này! - có một sự tràn trào của lòng nhân đạo được chuyển thành những cử chỉ và công việc hỗ trợ và chăm sóc cụ thể, không phân biệt quốc tịch, giai cấp xã hội, tôn giáo hoặc quan điểm chính trị. Dòng tình yêu này chưa bao giờ dừng lại: hiện nay, cũng như trong quá khứ, dòng chảy tình yêu của anh chị em là một sự hiện diện hiệu quả và quý giá, đặc biệt trong tất cả những bối cảnh mà tiếng gầm rú của vũ khí bóp nghẹt tiếng kêu của người dân, niềm khao khát hòa bình và ước muốn của họ về tương lai.

Hôm nay là một dịp đặc biệt để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến anh chị em vì sự phục vụ mà anh chị em cung cấp trong bối cảnh chiến tranh, và vì sự giúp đỡ mà anh chị em cống hiến hàng ngày cho những người đang cần giúp đỡ trong nhiều tình huống khẩn cấp khác nhau. Xin cảm ơn, cảm ơn anh chị em rất nhiều vì điều này!

Sự dấn thân của anh chị em, được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị, trung lập, độc lập, thiện nguyện, hiệp nhất và phổ quát, cũng là một dấu chỉ hữu hình cho thấy tình huynh đệ là điều khả thi. Nếu con người được đặt ở trung tâm, thì chúng ta có thể tham gia đối thoại, cùng nhau làm việc vì công ích, vượt lên trên sự chia rẽ, phá bỏ những bức tường thù địch, vượt thắng logic của lợi nhuận và quyền lực khiến chúng ta mù quáng và biến người khác thành kẻ thù. Đối với người có đức tin, mỗi con người đều thánh thiêng. Mọi con người được tạo dựng đều được Thiên Chúa yêu thương, và do đó, mang nơi mình những quyền bất khả nhượng. Được gợi hứng từ niềm xác tín này, nhiều người thiện chí sẽ gặp nhau, nhận ra giá trị tối cao của sự sống, và do đó, cần phải bảo vệ, nhất là bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Về thực trạng của những người dễ bị tổn thương nhất, tôi muốn nói với anh chị em một điều: họ là trẻ em. Nhiều trẻ em đã đến Ý do cuộc chiến ở Ukraine; anh chị em có biết gì không? Đó là những trẻ em này không cười, các em đã quên mất khả năng mỉm cười… Điều này thật tệ đối với một đứa trẻ. Chúng ta hãy nghĩ về điều đó…

Để cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ không thể thay thế của anh chị em tại các khu vực xung đột và các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong lĩnh vực đào tạo và y tế, cũng như những gì anh chị em làm để giúp đỡ những người di cư, những người bé mọn và dễ bị tổn thương nhất, tôi muốn khuyến khích anh chị em tiếp tục trong công việc bác ái cao cả này vốn bao trùm nước Ý và thế giới. Mong sao Hội Chữ Thập Đỏ luôn là biểu tượng hùng hồn của tình yêu thương dành cho anh chị em không có biên giới, dù là về mặt địa lý, văn hóa, xã hội, kinh tế hoặc tôn giáo. Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu anh chị em chọn để kỷ niệm 160 năm thành lập là “Mọi nơi và cho mọi người”. Đây là một điều được cho là có ý nghĩa phổ quát. Đây là một cách diễn đạt mà trong khi mô tả sự dấn thân thì cũng mô tả phong cách, cách thế tồn tại và hiện diện.

Mọi nơi, bởi vì không bối cảnh nào có thể khẳng định là thoát khỏi đau khổ, thoát khỏi những vết thương về thể xác và tâm hồn, dù ở những cộng đoàn nhỏ bé hay ở những nơi bị lãng quên nhất trên trái đất. Cần phải toàn cầu hóa tình liên đới bằng việc hoạt động ở cấp quốc gia và quốc tế, bởi vì “việc nhìn nhận mọi người là anh chị em và tìm kiếm một tình bằng hữu xã hội bao gồm mọi người không hẳn là điều không tưởng”, nó là hiện thực... “Điều này đòi hỏi phải dứt khoát dấn thân để tìm ra các phương thế hữu hiệu đạt mục đích này… Điều này bao hàm việc kiến tạo một trật tự xã hội và chính trị mà linh hồn của nó chính là đức bác ái xã hội” (Thông điệp Fratelli tutti, 180). Để làm được điều này, chúng ta cần luật pháp bảo đảm nhân quyền ở mọi nơi, những thực hành nuôi dưỡng nền văn hóa gặp gỡ và những con người có khả năng nhìn thế giới với một viễn cảnh rộng lớn. Nhìn về phía chân trời… mọi người ở đó…

 

Mọi nơi và cho mọi người, bởi vì xã hội của chúng ta là một xã hội của “tôi” hơn là của “chúng ta”, của nhóm nhỏ hơn là của tất cả mọi người. Theo nghĩa này, đó là một xã hội ích kỷ. Từ “mọi người” nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người đều có phẩm giá của mình và đáng được quan tâm: chúng ta không thể làm ngơ hoặc loại bỏ họ vì hoàn cảnh, khuyết tật, nguồn gốc hoặc địa vị xã hội của họ. Vì vậy, tôi kêu gọi anh chị em tiếp tục sát cánh cùng những anh chị em của chúng ta đang gặp khó khăn với năng lực, lòng quảng đại và sự tận tâm, đặc biệt trong thời điểm mà nạn phân biệt chủng tộc và khinh miệt đang ngày càng gia tăng như cỏ dại. Thật vậy, “chỉ khi vun trồng loại tương quan này chúng ta mới có thể tạo được tình bằng hữu xã hội không loại trừ và tình huynh đệ mở ra cho hết mọi người” (ivi, 94).

Khẩu hiệu – “Mọi nơi và cho mọi người” – nhắc lại lời của Thánh Phaolô mà chúng ta đọc trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người” (9,22). Qua đó, Thánh Tông Đồ đã tóm tắt sứ mạng của mình: đến với mọi người để mang niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người. Đây là phong cách mà anh chị em cũng đạt được mỗi khi, với tinh thần huynh đệ, anh chị em can thiệp để ít nhất giảm bớt sự đau khổ.

 

Trong Mùa Phục Sinh này, chúng ta hãy cầu xin ơn được trở thành khí cụ của tình huynh đệ và hòa bình, những người lãnh đạo trong đức ái và là những người xây dựng một thế giới dựa trên tình huynh đệ và liên đới. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, các tình nguyện viên, và nhân viên, và xin Ngài chúc lành cho gia đình anh chị em. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (06. 04. 2024)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top