Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho thành viên Phong trào Công giáo Tiến hành Ý, năm 2024
WHĐ (26/04/2024) – Tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ Năm ngày 25.04, Đức Thánh Cha đã chào đón khoảng 60.000 thành viên Phong trào Công giáo Tiến hành Ý trong khuôn khổ Đại hội toàn quốc với chủ đề “Với vòng tay rộng mở”. Bằng 600 xe buýt, và nhiều phương tiện giao thông khác đoàn người thuộc mọi lứa tuổi từ khắp nước Ý đến Roma cho cuộc gặp gỡ này với ước muốn xây dựng một tương lai hòa bình, hy vọng, và dấn thân trở thành những môn đệ thừa sai.
Được biết, ngay sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, hàng ngàn nhà lãnh đạo Phong trào Công giáo Tiến hành Ý sẽ tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII. Hiện Phong trào có hơn 200.000 thành viên sinh hoạt tại hơn 5.000 giáo xứ ở Ý. Sau đây là toàn văn Việt ngữ Diễn từ của Đức Thánh Cha:
DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THÀNH VIÊN PHONG TRÀO CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH Ý - “VỚI VÒNG TAY RỘNG MỞ”
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024
Các bạn Công giáo Tiến hành thân mến, xin chào và chào mừng các bạn!
Cảm ơn sự hiện diện của các bạn. Tôi gửi lời chào thân ái tới các bạn, đặc biệt là ngài Chủ tịch Quốc gia và Tổng Trợ lý. Vừa rồi, khi đi ngang qua giữa các bạn, tôi bắt gặp những ánh mắt tràn đầy niềm vui, tràn đầy hy vọng. Cảm ơn các bạn vì vòng ôm mãnh liệt và tuyệt vời này, ước mong từ đây những vòng ôm cũng lan rộng đến toàn thể nhân loại, nhất là những ai đang đau khổ. Chúng ta không bao giờ được lãng quên những người đang đau khổ.
Thật vậy, tiêu đề các bạn chọn cho cuộc gặp gỡ của mình là Với vòng tay rộng mở. Vòng ôm là một trong những biểu hiện tự phát nhất về trải nghiệm của con người. Cuộc đời con người mở ra bằng cái ôm của cha mẹ, vốn là cử chỉ chào đón đầu tiên, Sau đó là nhiều vòng ôm khác, mang lại ý nghĩa và giá trị cho những năm tháng, cho đến giây phút cuối cùng, khi chúng ta giã từ cuộc hành trình dương thế. Và trên hết, cuộc đời con người được bao bọc bởi vòng tay bao la của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta trước và không bao giờ ngừng giữ chúng ta lại gần Ngài, nhất là khi chúng ta trở về sau khi lạc lối, như dụ ngôn Người Cha nhân hậu cho chúng ta thấy (x. Lc 15:1-3,11-32). Cuộc đời của chúng ta sẽ ra sao và sứ mạng của Giáo hội có thể được thực hiện như thế nào nếu không có những vòng ôm này? Vì thế, tôi muốn đề xuất với các bạn ba kiểu vòng ôm, như một dịp để các bạn suy tư, đó là: vòng ôm bị bỏ lỡ, vòng ôm cứu độ, và vòng ôm thay đổi cuộc đời.
Trước hết là vòng ôm bị bỏ lỡ. Sự nhiệt tình mà các bạn thể hiện một cách tưng bừng hôm nay không phải lúc nào cũng được đón nhận nồng nhiệt trong thế giới của chúng ta: đôi khi sự nhiệt tình ấy gặp phải sự khép kín và kháng cự, đến nỗi cánh tay trở nên cứng đờ và bàn tay siết chặt đầy đe dọa, không còn là phương tiện của tình huynh đệ nữa mà là sự từ chối, chống đối, thậm chí bạo lực, một dấu chỉ của sự thiếu tin tưởng đối với người khác, gần cũng như xa, đến mức dẫn đến xung đột. Khi vòng ôm biến thành nắm đấm thì rất nguy hiểm. Khởi nguồn của chiến tranh thường là thiếu những cái ôm hoặc những cái ôm bị từ chối, kéo theo đó là những thành kiến, hiểu lầm, nghi ngờ, đến độ coi người khác như kẻ thù. Và thật không may, hiện nay tất cả những điều này đang diễn ra trước mắt chúng ta tại rất nhiều nơi trên thế giới! Tuy nhiên, với sự hiện diện và công việc của các bạn, các bạn có thể làm chứng cho mọi người rằng cách thế của vòng ôm là cách thế của sự sống.
Điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai đó là vòng ôm cứu độ. Theo cách hiểu của con người, ôm nhau có nghĩa là thể hiện những giá trị tích cực và cơ bản như tình cảm, sự quý trọng, tin tưởng, khích lệ, và hòa giải. Nhưng cái ôm càng trở nên quan trọng hơn khi nó được thực hiện trong chiều kích đức tin. Thật vậy, trung tâm sự hiện hữu của chúng ta chính là vòng tay thương xót của Thiên Chúa, Đấng cứu độ, vòng tay của Người Cha nhân lành được mạc khải nơi Đức Kitô, và dung nhan của Thiên Chúa được phản ánh trong mọi hành động của Đức Kitô – tha thứ, chữa lành, giải thoát, phục vụ (x. Ga 13,1-15), và sự mạc khải của Thiên Chúa đạt đến đỉnh cao nơi Thánh Thể và trên Thập Giá, khi Đức Kitô hiến mạng sống để cứu độ thế gian, vì thiện ích của những ai đón nhận Người với lòng chân thành, tha thứ cho cả những kẻ đóng đinh Người (x. Lc 23,24). Và tất cả những điều này được hiển thị cho chúng ta hầu chúng ta cũng có thể học để biết làm điều tương tự. Do đó, đừng bao giờ đánh mất vòng ôm của Chúa Cha, Đấng cứu độ, mô hình của đời sống và tâm điểm của Tin Mừng, mẫu mực của tình yêu triệt để, được nuôi dưỡng và gợi hứng nhờ hồng ân tự do và luôn dồi dào của Thiên Chúa (x. Mt 5,44- 48). Anh chị em thân mến, chúng ta để cho Thiên Chúa ôm lấy mình như những đứa trẻ (x. Mt 18,2-3; Mc 10,13-16). Mỗi chúng ta đều có trong tâm hồn mình một chút gì đó của trẻ thơ cần được ôm ấp. Chúng ta hãy để cho mình được Chúa ôm lấy. Nhờ đó, trong vòng ôm của Chúa, chúng ta học cách ôm lấy người khác.
Chúng ta chuyển sang bước thứ ba: vòng ôm thay đổi cuộc đời. Một cái ôm có thể thay đổi cuộc đời, chỉ ra những lộ trình mới, những lộ trình của hy vọng. Có nhiều vị thánh mà vòng ôm đánh dấu một bước ngoặt mang tính quyết định, như Thánh Phanxicô, người đã bỏ tất cả để theo Chúa sau khi ôm một người cùi, như chính ngài đã ghi lại trong Bản Di chúc của mình (x. FF 110: 1407-1408). Và nếu điều này có giá trị với các thánh thì nó cũng có giá trị với chúng ta. Chẳng hạn, đối với đời sống liên kết của anh chị em, vốn đa dạng và tìm thấy mẫu số chung ngay trong vòng ôm của đức ái (x. Col 3,14; Rm 13,10), dấu chỉ thiết yếu duy nhất của các môn đệ Đức Kitô (x. Lumen gentium, 42), quy tắc, hình thức và mục đích của mọi phương tiện thánh hóa và tông đồ. Hãy để vòng ôm này định hình mọi nỗ lực và sự phục vụ của các bạn, để các bạn có thể sống trung thành với ơn gọi và lịch sử của mình (x. Diễn từ dành cho Công giáo Tiến hành, ngày 30.04.2017).
Các bạn thân mến, các bạn sẽ càng là hiện thân của Đức Kitô khi các bạn biết làm sao để ôm lấy và hỗ trợ những ai đang gặp khó khăn bằng vòng tay trắc ẩn và nhân ái, như những giáo dân tham gia vào các biến cố của thế giới và lịch sử, bởi một truyền thống phong phú vĩ đại, được hình thành và chuẩn bị về những gì liên quan đến trách nhiệm của mình, đồng thời khiêm tốn và nhiệt thành trong đời sống tinh thần. Nhờ đó, các bạn sẽ có thể tạo ra những dấu chỉ cụ thể về sự thay đổi phù hợp với Tin Mừng trên bình diện xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế trong bối cảnh các bạn hoạt động.
Khi đó, thưa anh chị em, “văn hóa của vòng ôm”, qua các hành trình cá nhân và cộng đoàn của anh chị em, sẽ phát triển trong Giáo hội và xã hội, đổi mới các mối tương quan gia đình và giáo dục, đổi mới các tiến trình hòa giải và công lý, đổi mới các nỗ lực hiệp thông và đồng trách nhiệm, xây dựng những mối liên kết vì một tương lai hòa bình (x. Diễn văn trước Hội đồng Quốc gia của Công giáo Tiến hành Ý, ngày 30.04.2021).
Và về vấn đề này, tôi muốn chia sẻ thêm một suy tư cuối cùng. Việc gặp gỡ tất cả các bạn ở đây hôm nay – trẻ em, các gia đình, nam nữ, sinh viên, công nhân, giới trẻ, người lớn và “những người rất lớn”, như các bạn gọi những người thuộc thế hệ của tôi – khiến tôi nghĩ đến Thượng Hội đồng. Và tôi nghĩ đến Thượng Hội đồng hiện nay, đang tiến đến giai đoạn thứ ba, một giai đoạn đòi hỏi khắt khe và quan trọng nhất, giai đoạn mang tính ngôn sứ. Bây giờ vấn đề là việc biến công việc của các giai đoạn trước thành những lựa chọn mang lại nhiệt huyết và sức sống mới cho sứ mạng của Giáo hội trong thời đại chúng ta. Nhưng điều quan trọng nhất của Thượng Hội đồng này là tính hiệp hành. Các đề tài, các chủ đề, đều nhằm thực hiện cách diễn đạt này của Giáo hội, đó là tính hiệp hành. Để đạt được điều này, cần có những người nam nữ hiệp hành, biết làm thế nào để tham gia đối thoại, tương tác, và cùng nhau tìm kiếm. Cần có những con người được Thánh Thần uốn nắn, “những người hành hương của niềm hy vọng”, như chủ đề của Năm Thánh sắp tới, những người nam nữ có khả năng tìm kiếm và bước đi trên những lộ trình mới và đầy thử thách. Vì thế, tôi mời gọi các bạn hãy trở thành “những vận động viên và những người mang tiêu chuẩn của tính hiệp hành” (x. sđd.) tại các giáo phận và giáo xứ mà các bạn thuộc về, để thực hiện trọn vẹn cuộc hành trình đã đi cho đến nay.
Trong những tháng gần đây, trong cộng đoàn của mình, các bạn đã trải nghiệm những khoảnh khắc liên đới mãnh liệt, với việc đổi mới các vị lãnh đạo ở cấp giáo phận và giáo xứ, và tối nay sẽ khai mạc Đại hội quốc gia lần thứ XVIII. Tôi hy vọng rằng các bạn cũng sẽ sống trải nghiệm này, không phải như những nghĩa vụ hình thức, nhưng như những khoảnh khắc hiệp thông, những khoảnh khắc đồng trách nhiệm, và những khoảnh khắc mang tính giáo hội, trong đó truyền trao cho nhau những cái ôm trìu mến và tình huynh đệ (x. Rm 12,10).
Các bạn thân mến, xin cảm ơn vì những gì các bạn là, và những gì các bạn làm! Xin Đức Mẹ luôn đồng hành với các bạn. Tôi cầu nguyện cho các bạn. Và xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (25. 04. 2024)
bài liên quan mới nhất
- Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe -
Hội nghị online của Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô