Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho thành viên của Phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo
WHĐ (08.11.2023) – Vào chiều ngày mồng 04.11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho khoảng 4.000 thành viên Phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo (hay còn gọi là Phong trào Canh tân trong Thánh Thần) buổi tiếp kiến riêng. Được biết các thành viên đến từ nhiều quốc gia để tham dự Chương trình huấn luyện do Ban điều hợp Phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo Quốc tế (CHARIS- International Catholic Charismatic Renewal Services) thuộc Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, tổ chức tại Vatican từ ngày mồng 02 - 04.11.2023. Sau đây là nội dung bài Diễn từ của Đức Thánh Cha:
DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI
BAN ĐIỀU HỢP PHONG TRÀO CANH TÂN ĐẶC SỦNG CÔNG GIÁO QUỐC TẾ - CHARIS
Thính Đường Phaolô VI
Thứ Bảy ngày mồng 04. 11. 2023
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày tốt lành!
Tôi vui mừng được gặp gỡ anh chị em, khi chúng ta sắp đánh dấu cột mốc 5 năm anh chị em hoạt động với tư cách là “một tổ chức quốc tế phục vụ cho những biểu hiện của Việc Canh tân Đặc sủng Công giáo” (Quy chế CHARIS, Điều 1 §1).
Tôi biết rằng anh chị em đang thực hiện tiến trình lượng giá, do đó, tôi thiết nghĩ thật thích hợp để gợi lên một vài câu hỏi: Công việc của CHARIS đang tiến triển ra sao? Sự phục vụ hiệp thông tại địa phương đang tiến hành như thế nào? CHARIS đang gửi tới chúng ta thông điệp gì? Phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo trên toàn thế giới có đang ở tình trạng khoẻ mạnh không? Nó có đang phát triển trong sự trưởng thành mang tính giáo hội không? Tất nhiên, đó là mục đích chính của việc phục vụ của anh chị em và là điều phải luôn được ghi nhớ, trên hết, trong lời cầu nguyện. Tăng trưởng trong sự trưởng thành mang tính giáo hội.
Hãy lưu tâm đến những phát triển gần đây trong “dòng chảy ân sủng” – chúng ta nên gọi nó là: dòng chảy ân sủng – vốn là Phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo, CHARIS được mời gọi để đồng hành và hướng dẫn tất cả các cộng đoàn đặc sủng, trong sự hiệp thông, trên lộ trình phía trước. Có thể nói, CHARIS là một “cửa sổ” nhìn ra thế giới rộng lớn và đa dạng của Phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo. Những người tham gia vào công việc của CHARIS có cơ hội tuyệt vời để nhìn qua cửa sổ này, và nhìn xa hơn, vượt ra ngoài trải nghiệm địa phương của mình và nhận ra những hồng ân phong phú mà Chúa Thánh Thần ban tặng trong các nhóm rất khác nhau về bối cảnh văn hóa, xã hội và giáo hội. Nhờ sự phân định và chia sẻ những nhận thức và trải nghiệm đa dạng này mà CHARIS có thể thực hiện việc phục vụ của mình, khi hỗ trợ các nhóm cá nhân vượt lên trên những tầm nhìn hạn hẹp nào đó và mang lại cho họ một viễn cảnh mang tính đặc sủng và giáo hội rộng lớn hơn. Về những tầm nhìn hạn hẹp này, một nữ tu thánh thiện đã từng nói với tôi rằng một số người Công giáo giống như những con ngựa bị bịt mắt và không thể nhìn được hướng này hay hướng khác. Tạ ơn Chúa, anh chị em đã vượt qua được những tầm nhìn hạn hẹp này và đang đấu tranh chống lại chúng, và tôi thích điều đó.
Một mục tiêu mà anh chị em đề xuất và chính tôi cũng khuyến khích, đó là mở rộng “Hội thảo về Đời sống trong Thánh Thần” ở mọi nơi và cho mọi người. Đây thực sự là những khoảnh khắc mang tính nội dụng cơ bản của Tin Mừng (kerygmatic), những cơ hội cho lời “loan báo đầu tiên” của Tin Mừng. Những cuộc Hội thảo này giúp mọi người có thể gặp gỡ Chúa Giêsu hằng sống, trong lời của Người và Thánh Thần của Người, đồng thời trải nghiệm Giáo hội của Người như một môi trường chào đón, một nơi của ân sủng, hòa giải và tái sinh. Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích anh chị em tổ chức các Hội thảo này theo cách rộng rãi nhất có thể. Hôm nay tôi xin hỏi anh chị em: các Hội thảo về Đời sống trong Thánh Thần có được tổ chức trong các bối cảnh mang tính giáo hội khác nhau ngay cả ở những vùng nhỏ bé và xa xôi nhất, ngay cả giữa những người nghèo và ở vùng ngoại biên không? Mỗi người trong anh chị em hãy đưa ra câu trả lời trong thâm tâm. Một trở ngại cho điều này có thể là nghĩ rằng các Hội thảo này chỉ dành cho các các cơ cấu lớn và với những vị lãnh đạo nổi tiếng, trong khi trên thực tế, các nhóm giáo xứ nhỏ và lãnh đạo địa phương cũng có thể tổ chức và giới thiệu các Hội thảo này cho người dân trong lãnh thổ của họ.
Cũng cần lưu ý rằng các Hội thảo về Đời sống trong Thánh Thần thường là trải nghiệm hấp dẫn và mang tính biến đổi, trở thành một bước ngoặt trong cuộc sống mọi người. Một bước ngoặt: sau một cuộc Hội thảo, mọi người thay đổi cuộc sống của họ! Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu, giống như một ngọn lửa đang cháy rất mãnh liệt nhưng có nguy cơ lụi tàn nếu không được tiếp tục nuôi dưỡng. Chính vì lý do này, các cuộc Hội thảo cần được tiếp nối bằng những khoá đào tạo với những phương pháp phù hợp, nhằm duy trì những ân sủng đã nhận được và hỗ trợ tiến trình tăng trưởng dần dần trong đức tin và cầu nguyện, trong đời sống luân lý và bí tích, và trong thực hành bác ái và hợp tác trong sứ vụ của Giáo hội.
Ở đây tôi muốn đề cập đến 2 yếu tố có trong Quy chế CHARIS.
Thứ nhất: tầm quan trọng của việc “thúc đẩy việc thực thi các đặc sủng không chỉ trong Phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo mà còn trong toàn thể Giáo hội” (Điều 3 §b). Việc phục vụ cụ thể mà CHARIS có thể thực hiện chính là cổ võ và khuyến khích các đặc sủng phục vụ toàn thể Giáo hội. Cổ võ chứ không kiểm soát các đặc sủng. Vì thế, để phát huy đặc sủng, chúng ta phải noi theo Đấng là Thầy trong việc cổ vũ đặc sủng: Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy nghĩ đến buổi sáng ngày Lễ Ngũ Tuần: có tình trạng hỗn loạn lớn, chẳng ai hiểu gì cả; nhưng chính Chúa Thánh Thần đã mang lại sự hài hòa trong sự đa dạng to lớn đó. Và Ngài là Thầy dạy chúng ta cách phát huy các đặc sủng. Đặc biệt các đặc sủng phục vụ việc Phúc âm hoá và hoạt động loan báo Tin Mừng phải luôn được coi trọng, nhất là nhắm đến những người chưa biết Đức Kitô.
Thứ đến: “khuyến khích sự đào sâu tâm linh và sự thánh thiện của những người sống kinh nghiệm Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần” (Điều 3 §c). Chúng ta không được coi là đương nhiên, rằng một khi ai đó đã lãnh Phép Rửa trong Thánh Thần thì người đó đã là một Kitô hữu trọn vẹn. Lộ trình nên thánh luôn bao hàm sự tăng trưởng trong việc hoán cải mang tính cá vị và trong việc hiến thân cách quảng đại cho Đức Kitô và tha nhân, chứ không chỉ trong cảm thức của sự an ủi thiêng liêng.
Các bạn thân mến, xin cảm ơn vì sự phục vụ của các bạn. Đừng bao giờ quên rằng nhiệm vụ của anh chị em không phải là phán xét xem ai là “người có đặc sủng đích thực” và ai không, đó không phải là nhiệm vụ của anh chị em. Đây là một cơn cám dỗ của Giáo hội, ngay từ thời sơ khai: “Tôi thuộc về Phaolô” – “Tôi thuộc về Apollos” – “Tôi thuộc về Phêrô” (x. 1 Cr 1, 12). Không, điều này không đúng. Trái lại, anh chị em được mời gọi hỗ trợ và tư vấn cho các giám mục và linh mục bằng việc đồng hành với tất cả các nhóm và các thực tại đa dạng liên quan đến Phong trào Canh tân Đặc sủng. Nếu ai đó hỏi tôi: “Hãy cho tôi một dấu chỉ: điều gì làm cho đời sống canh tân của một người trở nên chân thực?”, thì điều tôi nghĩ đến là những người trải nghiệm sự canh tân trọn vẹn nhất đều biết mỉm cười. Họ biết mỉm cười ra sao. Và nụ cười này sẽ giúp anh chị em luôn cảnh giác để không rơi vào sự cám dỗ sử dụng quyền lực và ảnh hưởng, cạnh tranh hoặc hống hách. Nhiệm vụ đích thực là phục vụ. Điều quan trọng là nhường chỗ cho thế hệ lãnh đạo mới. Điều này đòi hỏi phải thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo giới trẻ, những người sẽ đứng vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo tương lai.
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta, vào tháng 6.2019 – thời gian trôi nhanh biết bao! – chúng ta đã có khoảnh khắc thinh lặng để cầu nguyện cho hòa bình, vào thời điểm diễn ra cuộc gặp gỡ tại Vatican của Tổng thống của Palestine và Israel. Thưa anh chị em, chiến tranh cũng có thể phá hủy ký ức trong quá khứ về những bước tiến tới hòa bình. Chúng ta hãy nhìn ban nhạc này đang nỗ lực rất nhiều vì hòa bình. Chúng ta hãy nhìn cây ô-liu này, ở đây, một dấu chỉ của hòa bình. Chiến tranh phá hủy mọi thứ, mọi thứ. Nó lấy đi tính nhân văn. Hôm vừa rồi, ngày mồng 02.11, tôi cử hành Thánh lễ tại Nghĩa trang chiến tranh của Khối Thịnh Vượng Chung ở Roma. Khi bước vào, tôi nhìn thấy trên bia mộ tuổi của những người đã ngã xuống: tất cả đều còn trẻ, từ 20 đến 30 tuổi. Chiến tranh hủy hoại tuổi trẻ, chiến tranh không thể nói gì khác ngoài việc hủy diệt. Chúng ta hãy đấu tranh vì hòa bình. Mong sao chúng ta đừng bao giờ để mình bị cướp mất ký ức hòa bình này! Và bây giờ, tôi mời anh chị em hãy thầm cầu nguyện cho hòa bình.
Cảm ơn anh chị em. Xin Đức Mẹ bảo vệ và giữ anh chị em trong niềm vui phục vụ. Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (04.11.2023)
bài liên quan mới nhất
- Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe -
Hội nghị online của Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô