Diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho thành viên Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử năm 2024

Diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho thành viên Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử năm 2024

Diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho thành viên Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử năm 2024

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

DÀNH CHO THÀNH VIÊN ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ KHOA HỌC LỊCH SỬ

Dinh Tông toà

Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

[Video và hình]

Anh chị em thân mến, xin chào và chào mừng anh chị em!

Tôi hân hoan chào đón anh chị em nhân cuộc họp toàn thể, trong đó anh chị em kỷ niệm 70 năm thành lập Ủy ban Giáo hoàng.

Tôi chào Chủ tịch Uỷ ban - cha Marek Inglot, và từng anh chị em, xin cám ơn vì cuộc gặp gỡ và sự phục vụ của anh chị em. Anh chị em đến từ nhiều quốc gia và 3 châu lục, mỗi châu lục đều có những chuyên môn quý giá riêng. Do đó, anh chị em đảm bảo tầm vóc quốc tế và tính đa ngành của Ủy ban, nơi các hoạt động nghiên cứu, hội nghị và ấn phẩm của Ủy ban là một phần của sự năng động đa văn hóa chủ động và hiệu quả. Tuyển tập “Acts and Documents tuyệt đẹp do Văn phòng Thư ký của Ủy ban phụ trách, cũng tiến hành việc xuất bản tập thứ 70 trong năm nay.

Điều này chứng tỏ cam kết tìm kiếm chân lý lịch sử trên quy mô toàn cầu, trên tinh thần đối thoại với những cảm thức mang tính lịch sử khác nhau và với nhiều truyền thống học thuật đa dạng. Thật là tốt đẹp khi anh chị em cộng tác với những người khác, mở rộng các mối tương quan khoa học và con người, đồng thời tránh các hình thức khép kín về mặt tinh thần và thể chế. Tôi khuyến khích anh chị em hãy duy trì cách tiếp cận phong phú này, bằng cách liên lỉ và chăm chú lắng nghe, thoát khỏi hệ tư tưởng – các hệ tư tưởng giết chết – và tôn trọng sự thật. Tôi nhắc lại những gì tôi đã chia sẻ với anh chị em nhân dịp kỷ niệm 60 năm của Uỷ ban: “Bằng việc gặp gỡ và cộng tác với các nhà nghiên cứu thuộc mọi nền văn hóa và tôn giáo, anh chị em có thể đóng góp cụ thể cho cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thế giới đương đại” (Diễn văn, ngày 12.04.2014).

Phong cách này góp phần vào việc phát triển điều mà tôi gọi là “ngoại giao văn hóa”: một điều rất thời sự. Hiện nay, phong cách này càng cần thiết hơn trong bối cảnh xung đột toàn cầu từng phần nguy hiểm đang diễn ra mà chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn. Vì thế, tôi mời gọi anh chị em tiếp tục công trình nghiên cứu lịch sử của mình bằng việc mở ra những chân trời đối thoại, nơi anh chị em có thể mang ánh sáng hy vọng của Tin Mừng, và khi hy vọng như thế chúng ta sẽ không phải thất vọng (x. Rm 5,5).

Tôi thích nghĩ về mối tương quan giữa Giáo hội và các sử gia theo nghĩa gần gũi. Thật vậy, có một mối liên hệ sống động giữa Giáo Hội và lịch sử. Thánh Phaolô VI đã phát triển một suy tư sâu sắc về khía cạnh này, khi nhìn thấy điểm gặp gỡ đặc biệt giữa Giáo hội và các sử gia trong việc cùng nhau tìm kiếm chân lý và cùng phục vụ chân lý. Nghiên cứu và phục vụ. Đây là những lời Đức Phaolô VI nói với các nhà sử học vào năm 1967: “Có lẽ đây là nơi tìm thấy điểm gặp gỡ chính giữa quý vị và chúng tôi […], giữa chân lý tôn giáo mà Giáo hội là người bảo tồn và chân lý lịch sử mà quý vị là những người phục vụ tốt lành và tận tụy: toàn bộ công trình, học thuyết, đạo đức và sự thờ phượng của Kitô giáo, cuối cùng đều dựa trên chứng tá. Các Tông Đồ của Đức Kitô làm chứng về những gì họ đã thấy và đã nghe. […] Điều này cho thấy một thực thể có tính chất tâm linh và tôn giáo như Giáo hội Công giáo quan tâm đến việc tìm kiếm và khẳng định chân lý lịch sử đến mức nào […] Giáo hội cũng có một lịch sử, và đặc tính lịch sử về nguồn gốc của mình có tầm quan trọng mang tính quyết định đối với Giáo hội” (Diễn văn dành cho tham dự viên Đại hội toàn thể Ủy ban Quốc tế về Khoa học Lịch sử, ngày 03.06.1967).

Giáo hội bước đi trong lịch sử, bên cạnh những người nam nữ ở mọi thời đại, và không thuộc về bất kỳ nền văn hóa cụ thể nào, nhưng mong muốn làm sinh động trái tim của mọi nền văn hóa bằng chứng tá hiền lành và can đảm của Tin Mừng, để cùng nhau xây dựng nền văn minh của sự gặp gỡ. Trái lại, những cám dỗ của việc tự quy chiếu theo chủ nghĩa cá nhân và sự khẳng định mang tính ý thức hệ về quan điểm riêng của mình đã thúc đẩy thái độ khiếm nhã của sự đối đầu. Thật tuyệt vời khi 70 năm sau khi thành lập, anh chị em đã làm chứng về khả năng chống lại những cám dỗ như vậy, sống với niềm say mê, qua việc nghiên cứu, trải nghiệm phục hồi của sự phục vụ sự hiệp nhất, một sự hiệp nhất tổng hợp và hài hòa mà Chúa Thánh Thần tỏ ra cho chúng ta vào Lễ Ngũ Tuần.

Bảy mươi năm trước, trong sự kiện được Thánh Thần chúc lành đó Công đồng Vatican II, Thánh Phaolô VI đã tuyên bố những lời gây tiếng vang như một lời cảnh báo chống lại bất kỳ sự xu nịnh nào về tính tự quy chiếu của giáo hội, mà việc phục vụ của anh chị em phải được bảo vệ: “Đừng ai […] nghĩ rằng Giáo hội […] chỉ tập trung vào chính mình để trở nên tự mãn, và quên đi Đức Kitô, Đấng mà từ Người, Giáo hội nhận được mọi sự, Đấng mà đối với Người, Giáo hội mắc nợ mọi thứ, và nhân loại mà Giáo hội được khai sinh để phục vụ. Giáo Hội đứng giữa Đức Kitô và cộng đồng nhân loại, không co cụm trong chính mình, không như một tấm màn mờ đục che khuất tầm nhìn, không lấy mình làm mục đích, nhưng trái lại, không ngừng nỗ lực để hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, trong Đức Kitô, và vì Đức Kitô, trở thành mọi sự cho mọi người, giữa mọi người, và vì mọi người, một trung gian thực sự khiêm tốn và xuất sắc giữa Đấng Cứu Thế và nhân loại” (Diễn văn khai mạc Khóa họp thứ ba của Công đồng Vatican II, ngày 14.09.1964, 17).

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 của Uỷ ban, tôi cầu chúc anh chị em làm cho công việc của mình phù hợp với những lời này: Mong sao việc nghiên cứu lịch sử sẽ giúp anh chị em trở thành những bậc thầy trong nhân loại và là những người phục vụ nhân loại. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em và những người thân yêu của anh chị em. Xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (20. 04. 2024)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top