Đại hội Gia đình Thế giới 2022: Sứ điệp của Đức Phanxicô và ý nghĩa logo và hình ảnh
Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ X là «một cơ hội quý báu để công hiến nhiệt tình cho việc mục vụ gia đình : vợ chồng, các gia đình và các linh mục cùng nhau», Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố như thế trong sứ điệp video được công bố hôm 2/7/2021 để giới thiệu sự kiện sẽ diễn ra từ 22-26/6/2022.
Chủ đề của Đại hội sẽ là « Tình yêu gia đình : ơn gọi và con đường nên thánh ». Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra từ 22-26/6/2022 tại Rôma, và « lòng ao ước chúng ta gặp lại nhau là rất nhiều », Đức Thánh Cha nhấn mạnh.
Khoảng 2000 đại diện từ 120 nước sẽ có mặt tại cuộc Đại hội lần thứ X này. Đại hội Gia đình thế giới lần đầu tiên diễn ra ở Rôma vào ngày 8-9/10/1994, trước sự hiện diện của Đức Gioan-Phaolô II. Năm 1994 cũng là “Năm Gia đình” do Liên hiệp quốc tuyên bố và Đức Gioan-Phaolô II cũng muốn Năm Gia đình được cử hành cách đồng thời trong Giáo hội. Sau đó, truyền thống được duy trì ba năm một lần, ở các thành phố khác nhau trên thế giới. Vào năm 1997, ở Rio de Janeiro, Braxin, với chủ đề “Gia đình: quà tặng và sự dấn thân, niềm hy vọng của nhân loại”; năm 2000 ở Rôma với chủ đề “Con cái, mùa xuân của gia đình và xã hội”; năm 2003 ở Manila về “Gia đình Kitô hữu: một tin mừng cho ngàn năm thứ ba”; năm 2006 ở Valencia với chủ đề “Thông truyền đức tin trong gia đình”; năm 2009 tại Mexicô, với chủ đề “Gia đình, nhà giáo dục về những giá trị nhân bản và Kitô giáo”; năm 2012 tại Milan, bàn về “Gia đình – lao động và lễ mừng”; vào năm 2015, ở Philadelphia, với chủ đề “Tình yêu là sứ mạng của chúng ta, gia đình tràn đầy sức sống”; và Đại hội lần thứ 9 vào năm 2018, diễn ra ở Dublin, với sự tham dự lên tới chừng 30.000 người, với chủ đề “Tin Mừng về gia đình: niềm vui cho thế giới”. Vào năm 2020, Đức Phanxicô triệu tập một “Năm Gia đình Amoris Laetitia”, với sứ điệp gởi cho diễn đàn này và Thư gởi cho các đôi vợ chồng. Nó được khai mạc vào ngày 19/3, lễ thánh Giuse, và kết thúc với Đại hội Gia đình thế giới lần thứ X.
Đại hội mang tính đa trung tâm
Trong sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha giải thích rằng Đại hội « sẽ mang một hình thức đa trung tâm và lan tỏa, khích lệ sự tham dự của các cộng đoàn giáo phận trên toàn thế giới ». Rôma sẽ là nơi chính « cùng với một số đại diện cho việc mục vụ gia đình sẽ tham dự vào Đại hội gia đình, vào Hội nghị mục vụ và Thánh lễ ». Nhưng « cũng vào những ngày này, mỗi giáo phận sẽ có thể là trung tâm địa phương cho các gia đình của mình ». « Bằng cách này, mọi người sẽ có thể tham dự, ngay cả những người không thể đến Rôma », Đức Thánh Cha lưu ý.
Ngài cũng mời gọi các cộng đoàn giáo phận « dự kiến, trong chừng mực có thể, những sáng kiến xung quanh chủ đề của Đại hội, bằng cách sử dụng các biểu tượng mà giáo phận Rôma đang chuẩn bị ».
Đức Thánh Cha cũng « yêu cầu trở nên sống động, chủ động và sáng tạo » khi tổ chức các sáng kiến của địa phương « phù hợp với những gì sẽ diễn ra ở Rôma ».
Ngài khích lệ : « Các linh mục và các gia đình thân mến, hãy can đảm, hãy giúp đỡ nhau tổ chức các cuộc gặp gỡ nơi các giáo phận và giáo xứ của mọi châu lục. Cầu chúc hành trình tốt đẹp hướng tới Đại hội các Gia đình thế giới sắp đến ! »
Logo của Đại hội
Trong thông cáo giới thiệu Logo, người ta đọc thấy rằng Logo gợi nhớ hình dáng của hàng cột Bernin ở quảng trường Thánh Phêrô, « nơi nhận dạng tuyệt vời nhất của Giáo hội Công giáo » « và gợi nhớ lại ý nghĩa nguyên thủy của nó, vốn là vòng tay chào đón và hòa nhập của Giáo hội Mẹ Rôma và Giám mục của mình ».
Những hình người dưới mái vòm tượng trưng cho người chồng, người vợ, con cái, ông bà và cháu chắt. Họ « nhằm gợi nhớ hình ảnh của Giáo hội như là « gia đình của các gia đình » » mà thông điệp Amoris laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị.
Thánh giá của Chúa Kitô và các bức tường bảo vệ thánh giá « dường như hầu như được nâng đỡ bởi các gia đình, những viên đá sống động đích thực của việc xây dựng Giáo hội ». Ở bên trái, người ta nhận thấy một gia đình « trong cùng vị trí với các bức tượng của các thánh được đặt trên các cột của quảng trường ». Tất cả đó « nhắc nhở cho chúng ta rằng ơn gọi nên thánh là một mục tiêu khả thi cho mỗi người ».
Gia đình phía bên trái, đằng sau hàng cột, ám chỉ « các gia đình không Công giáo, xa rời đức tin và ở bên ngoài Giáo hội, nhìn từ bên ngoài sự kiện đang diễn ra này của Giáo hội. « Cộng đoàn Giáo hội đã luôn quan tâm đến họ ».
Phía bên phải, chúng ta nhận thấy « những nhân vật » di chuyển ra bên ngoài. « Đó là những gia đình đi ra, làm chứng cho một Giáo hội không quy về bản thân mình », nhưng « khởi đi tìm kiếm các gia đình khác để nỗ lực đến gần họ và chia sẻ với họ kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa ».
Những màu sắc chủ đạo của logo, màu vàng và đỏ, quy chiếu đến huy hiệu của thành phố Rôma.
Các Đại hội các Gia đình trên thế giới đã được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II khởi động vào năm 1994. Chúng được tổ chức 3 năm một lần bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Cuộc gặp gỡ mới đây nhất diễn ra ở Dublin, Ailen, vào tháng 8/2018. Nó đã tập hợp được 37000 người. Cuộc gặp gỡ lần tới do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự Sống và giáo phận Rôma tổ chức.
Hình ảnh
Lấy gợi hứng từ tiệc cưới Cana, hình ảnh đã được chính thức hóa bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Nó được vẽ bởi cha Mario Ivan Rupnik, dòng Tên. Đại hội sẽ diễn ra ở Rôma từ 22 đến 26/6/2022.
Hình ảnh chính thức của Đại hội gia đình thế giới lần thứ X đã chính thức được công bố bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, nhà tổ chức sự kiện. Nó được vẽ bởi cha Rupnik – nghệ sĩ, thần học gia và là giám đốc Trung tâm Aletti ở Rôma.
Được thực hiện trên gỗ và vẽ bằng sơn vinila, bức tranh có kích thước 80cm x 80cm này có tiêu đề « Mầu nhiệm này thật lớn lao ».
Bối cảnh của hình ảnh dựa trên đoạn Tin Mừng về tiệc cưới Cana ở Galilêa. Chúa Giêsu và Đức Mẹ ở bên phải, đằng sau có biểu tượng thập giá. Bên trái, đôi vợ chồng xuất hiện được che bởi bức màn. Người đầy tớ đang rót rượu có dáng nét của thánh Phaolô như được biểu thị bởi khoa tranh ảnh Kitô giáo cổ xưa. Chính ngài đang vén bức màn lên và, ám chỉ đến hôn nhân, đã thốt lên: “Mầu nhiệm này thật lớn lao; tôi muốn nói về Chúa Kitô và Hội Thánh” (Êph 5, 32). Như thế, hình ảnh cho thấy làm thế nào bí tích tình yêu giữa người nam và người nữ là phản ảnh của tình yêu bất khả phân ly và của sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Chúa Giêsu đã đổ máu mình vì Giáo hội. Cha Rupnik giải thích trong một video : « Ở Cana, trong việc biến nước thành rượu, chân trời của bí tích được mở ra, tức là chúng ta chuyển từ rượu sang máu của Chúa Kitô ». “Thực ra, thánh Phaolô rót chính máu mà Hiền Thê (Giáo hội) đón nhận trong chén thánh”.
Cha nói tiếp : « Tôi hy vọng rằng qua hình ảnh nhỏ này, chúng ta sẽ có thể hiểu rằng đối với chúng ta là những Kitô hữu, gia đình là sự diễn tả về bí tích Hôn phối và điều đó hoàn toàn thay đổi ý nghĩa của nó, vì một bí tích luôn ngụ ý một sự biến đổi ». Quả thật, trong hôn nhân Kitô giáo, tình yêu của đôi vợ chồng được biến đổi, vì nó tham dự vào tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho Giáo hội. Theo nghĩa này, hôn nhân có một chiều kích Giáo hội và không thể tách rời khỏi Giáo hội.
Hình ảnh của Cha Rupnik là biểu tượng thứ ba được công bố, sau kinh nguyện và logo, như là công cụ mục vụ cho việc chuẩn bị và hành trình của các gia đình hướng đến Hội ngộ gia đình thế giới năm 2022.
(Theo Vatican News, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống và Zenit)
bài liên quan mới nhất
- Huấn dụ Lễ Thánh Stêphanô tử đạo (26/12/2024) - Tử đạo và tha thứ
-
Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha -
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô