Đại hội FABC 50 - Ngày IX - Những thực tế đang nổi lên tại châu Á (phần 5)

Đại hội FABC 50 - Ngày IX - Những thực tế đang nổi lên tại châu Á (phần 5)

Đại hội FABC 50 - Ngày IX - Những thực tế đang nổi lên tại châu Á (phần 5)

WHĐ (23.10.2022) - Đại hội FABC 50 bước vào ngày thứ chín, 21.10.2022, với Thánh lễ do Đức hồng y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun IVD, Đại diện Tông Tòa Viêng Chăn, Lào, chủ tế.

Đức hồng y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, IVD

Đức hồng y Charles Maung Bo - chủ toạ các phiên họp trong ngày - hướng dẫn lời cầu nguyện trang trọng xin Chúa Thánh Thần xuống trên Đại hội (the Adsumus). Giờ Kinh Sáng được phát qua video với sự chuẩn bị của Sơ Catherine P.K. của  Campuchia và Lào.

Tiếp tục ngày thứ 5 của phân đoạn về “Những thực tế đang nổi lên tại Châu Á”, Đức Hồng Y Bo giới thiệu các chủ đề trong ngày gồm có: Tính Hiệp hành; Suy tư về Tông hiến Prædicate Evangelium; Việc lãnh đạo và quản trị; và Những cân nhắc về FABC 50 năm tới.

Đề tài 1: Thượng hội đồng về tính hiệp hành

Đức hồng y Jean-Claude Hollerich SJ

- Diễn giả đầu tiên, Đức hồng y Jean-Claude Hollerich SJ, Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục XVI, trình bày về Thượng Hội đồng về tính hiệp hành. Đức Hồng y giải thích tiến trình tài liệu Thượng Hội đồng được biên soạn như thế nào và chia sẻ trải nghiệm của ngài trong vai trò chuẩn bị các tài liệu này. Nêu bật điểm nhấn của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc mọi người cùng nhau bước đi không có loại trừ, Đức hồng y Hollerich mô tả Thượng Hội đồng Giám mục như một Thượng Hội đồng của Giáo Hội, nơi mà sự tham vấn dân chúng trở thành trọng tâm của Thượng Hội đồng, và nơi mà Đức Kitô và sứ mạng của Người luôn là trung tâm của Giáo Hội.

- Tiếp đến, Linh mục Clarence Devadass trình bày bản đúc kết của các cuộc thảo luận nhóm nhỏ, với chủ đề "Đọc các dấu chỉ thời đại". Sử dụng cấu trúc của việc tham vấn, trao đổi, hoán cải, và hiệp thông, Cha Devadass đã tóm tắt các cuộc thảo luận với 3 điểm chính: ca ngợi những thành công; nhìn nhận những điểm thiếu sót; và xác định những cơ hội phía trước bằng cách tìm kiếm những lộ trình mới.

 

Linh mục Clarence Devadass

Đề tài 2: Suy tư về Tông hiến Prædicate Evangelium

Giáo sư Tiến sĩ Josef Sayer, Giám đốc Misereor từ năm 1997 - 2012, và thành viên của Ban tổ chức FABC 50 trình bày những suy tư về Tông hiến Prædicate Evangelium và những cơ hội đối với các hình thức lãnh đạo và quản trị mới cho Giáo hội Á châu. Khai triển bao quát về Tông hiến Prædicate Evangelium, Tiến sĩ Sayer sử dụng 4 điểm chính: phần mở đầu, các nguyên tắc, quy luật chung, và các Bộ. Nhấn mạnh về những cải cách của Đức giáo hoàng Phanxicô, sự thay đổi mô hình, tầm quan trọng của việc tham gia của tất cả mọi người, và về vai trò của các Bộ, Đức ông Sayer chỉ ra những điểm của Tông hiến đặc biệt liên quan đến Giáo hội Á châu; và bài thuyết trình kết luận với việc nêu lên một số câu hỏi giúp suy tư về việc áp dụng Tông hiến.

 

Sau đó các tham dự viên có cuộc thảo luận chung với Đức ông Sayer và Đức hồng y Gracias.

Đức hồng y Gracias và Đức ông Sayer

Đề tài 3: Việc lãnh đạo và quản trị

- Giáo sư Christina Kheng, giảng viên lãnh đạo và quản lý mục vụ của Viện Mục vụ Đông Á (the East Asia Pastoral Institute, Philippines), và thành viên Ủy ban về phương pháp luận của ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, thuyết trình về đề tài “Những hình thức mới của việc lãnh đạo và quản trị trong Giáo hội theo cách thức hiệp hành” (New forms of leadership and governance in the Church in a synodal way). Trở về với căn nguyên của tính hiệp hành, Giáo sư Kheng đã hỏi các cử tọa: "Những hình thức lãnh đạo hiện tại nào trong Giáo phận của các ngài thúc đẩy tính hiệp hành, và những hình thức nào đối nghịch với nó?” Cùng với những nguyên tắc mấu chốt trong việc lãnh đạo và quản trị của Thượng Hội đồng, Giáo sư Kheng cũng đưa ra những đề xuất cụ thể để đưa các nguyên tắc này vào thực hành.

- Đức giám mục Pablo Virgilio Siongco David, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines, suy tư về việc làm sao để những hình thức lãnh đạo mới có thể được thúc đẩy, bổ sung bối cảnh thông qua lịch sử đằng sau công đồng Giêrusalem và vai trò của Thánh Phêrô trong Công đồng đầu tiên này. Nhấn mạnh Giáo hội dù là một tổ chức bắt nguồn từ Kinh thánh nhưng luôn đáp ứng với các dấu chỉ của thời đại, Đức cha David đã cung cấp những nhận thức sâu sắc về những cải cách của Đức Thánh Cha và nêu bật các phương pháp để tiến bước trên lộ trình tiến về phía trước cách tốt đẹp hơn.

Đề tài 4: Suy xét về FABC 50 năm tới.

Giáo sư Jonathan Tan, giáo sư về Nghiên cứu Công giáo tại Đại học Case Western Reserve, Ohio, Hoa Kỳ, khai triển chủ đề tiếp theo: “FABC 50 năm tới: Đối phó với những thách đố và nắm bắt cơ hội” (FABC 50 Years On: Negotiating Challenges and Seizing Opportunities).  Giới thiệu bối cảnh công việc của mình, phân tích nhân khẩu học về tình trạng di cư và dân số đang thay đổi, và tài liệu phong phú của FABC, Giáo sư Tan trình bày Kitô giáo đã chuyển từ cơ sở địa lý sang các cộng đoàn đức tin mạng và trực tuyến ra sao, cũng như những xu hướng sẽ phát sinh trong 50 năm tới.

Đức hồng y Charles Bo tặng quà lưu niệm cho Giáo sư Jonathan Tan

Vào chiều tối, diễn ra sự kiện văn hóa Thái Lan do Giám đốc và Nhân viên của Baan Phu Waan tổ chức.

Ngày thứ chín của Đại hội khép lại với Kinh Truyền Tin do Đức Hồng y Bo chủ sự.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: fabc2020.org (21. 10. 2022)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top