Cuộc hành trình mừng sinh nhật

Cuộc hành trình mừng sinh nhật

Cuộc hành trình mừng sinh nhật

Dù thiếu thốn hay khá giả, dù bé thơ hoặc lớn tuổi… ai cũng thường mang một tâm trạng nào đó (nôn nao, chờ mong, vui mừng, âu lo, hy vọng, ước mơ…) khi ngày sinh nhật đến. Đối với một tập thể, “NGÀY KHAI SINH” còn mang thêm cái “Chúng ta”, chiều kích cộng đoàn, tình liên đới giữa những người đồng môn, đồng nghiệp, đồng ơn gọi… đến với muôn dân…

05.12.2011 là ngày kỷ niệm 2 năm “Thành Lập Ban Mục Vụ Đối thoại liên tôn TGP. Tp. HCM” theo Quyết Định của Đức Hồng y TGM TGP. Một "thì mạnh" đối với anh chị em chúng tôi, 17  môn sinh của Thầy Giêsu đến từ nhiều cộng đoàn: linh mục Giáo phận, Dòng Đaminh, Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Phanxicô, nữ tu Dòng Đức Bà, Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, Phan Sinh Thừa Sai, Mến Thánh giá Chợ Quán, và gần 10 anh chị em giáo dân thuộc nhiều giáo xứ trong Giáo phận, với nhiều độ tuổi từ thanh xuân đến cao niên, đã từng hay đang dấn thân trong các ngành Mục Vụ (Truyền thông, Giáo lý, Gia Đình, Truyền giáo, Caritas, giáo dục).

Để ghi niệm dấu ấn được qui tụ, hồng ân được trao ban và tình hiệp thông trong sứ mạng, chúng tôi đồng thuận “MỪNG SINH NHẬT” bằng cuộc XUẤT HÀNH hai ngày, 5 đến 6.12.2011”. Lộ trình tương tác “Động-Tĩnh” này mang nhiều ý nghĩa: tĩnh tâm Mùa Vọng, mừng tuổi Ban, viếng Bạn Đạo Phật, thăm Bạn Đạo Nhà, đến nhà thành viên, thực hành chiêm niệm trong hoạt động.

Thiền viện Thường Chiếu

Ngày 05.12.2011, lúc 9g45 từ Trung Tâm Mục Vụ, xe lăn bánh đưa chúng tôi vào hành trình “hai ngày bên nhau để cùng Sống với Chúa”. Quá giờ Ngọ, cổng Thiền Viện Thường Chiếu đã rộng mở đón đoàn. Nhìn thiết kế cây hoa lá – đá cao to, đền-đài lầu-cổng – gỗ chạm-phản đôi lại thêm sự “tĩnh lặng lạ thường bàng bạc làn trầm” khiến chúng tôi choáng ngợp – ngây ngất – và bảo nhau “cần điều chỉnh âm lượng vừa đủ hiểu”. Tranh thủ “giờ chờ tiếp đoàn” của Thiền viện, chúng tôi thực hành vế đầu của câu thành ngữ “có thực mới vực được Đạo”.

Thầy phụ trách tiếp khách dẫn chúng tôi vào trong để gặp Thượng Tọa Thích Thông Hạnh, Phó Trụ Trì của thiền viện. Sau khi đã an vị và mời nước, Cha Trưởng Ban nói lời chào thăm – tặng một số ấn phẩm Nhịp Cầu Tâm Giao cùng nêu đề nghị “xin Quý Sư giúp cho một số kinh nghiệm trong đời tu và tinh thần thiền Việt Nam phái Trúc Lâm Yên Tử”. Thật là tạ ơn Trời Phật lắm lắm vì ở đây, Chư tăng đã mở Tâm hết cỡ để giúp chúng tôi. Bạn Đạo Nhà Phật tận tình tiếp đoàn, nhưng nhớ đến niềm ước ao dự giờ kinh nguyện lúc 16g45 tại Đan Viện Thiên Bình khiến chúng tôi đành cảm ơn và tạm biệt quý thiền sinh của Thường Chiếu. Kính gởi lời chào thăm Sư Thầy Trụ Trì Thiền Viện Hòa Thượng Thích Nhật Quang (xin hẹn dịp khác sẽ giới thiệu thêm về Thiền Viện Thường Chiếu).

Đan viện Thiên Bình

Chúng ta quay xe theo hướng về Sài Gòn khoảng 30 cây số nhé, kia rồi, cổng Đan Viện Thiên Bình (ĐVTB) ngay sau Nhà Cô nhi Thiên Bình đã hiện ra, quẹo! quẹo … chúng ta mau mau lên chầu Chúa…

“Giờ cơm đến rồi ! mời ăn cơm” đó là thông điệp được gởi tới cho mọi nhân sự trong Đan Viện qua một tiếng “coo ong”. Cha Philipphê, Tổng Phụ Trách ĐV ân cần chăm sóc chúng tôi và kính chúc “Các Đấng” dùng bữa cơm thanh đạm cây nhà lá vườn được no lòng và an hảo. Vâng, chúng con cảm ơn Cha. Một .. hai .. ba Chúng con cầu xin nhờ Danh Chúa Giêsu là Chúa Chúng con … Amen.

Ở ĐVTB, đêm nay chúng tôi sẽ sống với Chúa theo nghĩa thực trong những hoạt động: Sr Anna Phượng nói chuyện chuyên đề “Thánh Phaolô thành Tarxô – cái Tâm và Trái tim của Ngài với Chúa Giêsu”. Hai chị Ngọc Anh và Kim Chung tường trình về chuyến hành hương Đất Thánh Giêrusalem vừa qua. Cha Phanxicô dẫn ý để mời chúng tôi vào “Cuộc hôn nhân giữa Tĩnh và Động”. Sau 30 phút giải lao, đúng 21g00 tất cả đoàn tĩnh tâm cùng tập trung ngồi thành hình bán cung trước nhan Thánh Thể Chúa… thinh lặng … Bài trích Phúc Âm theo Thánh … thinh lặng … rồi từng người chia sẻ trong tâm tình “sống với Chúa và nói cho nhau kinh nghiệm cùng cảm nhận bản thân, sau hai năm cùng đối thoại liên tôn”. Thời gian sống với Chúa và bên nhau sao mà qua mau ! mới đó mà đã 22g30. Xin phép Chúa, chúng con đi ngủ … Ai nấy về phòng, nhưng không phải hết thảy! Có hai người kia ngồi hàng lang Nhà Chúa hàn huyên vọng đến thời khắc  bước sang năm thứ ba của Ban Mục Vụ ĐTLT. Thêm một lần Tạ Ơn Chúa!...

Thánh lễ đồng tế tám Cha cùng quý Đan sĩ và cộng đoàn đã được cử hành vào lúc 04g45 (ngày 06.12.2011) như một lời chúc tụng của đoàn con cái đang lữ hành đức tin dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Niềm hạnh phúc được cảm nhận như Tổ Phụ A-ben dâng của đầu mùa là con vật nuôi đầu lòng – còn chúng tôi thì dâng thời khắc đầu ngày mới lên Đấng Chí Tôn. Không nhiều người từng có cơ hội hiệp dâng Thánh lễ trong một đan viện. Nếu có điều kiện thời gian xin mời mọi người hãy tìm dịp nếm hưởng ít là một lần trong đời. Vì trong thánh lễ này, tâm tình thanh thản, thanh thoát, tín thác, trang nghiêm, thờ kính, nhẹ nhàng, thư thả … được chính từng người tham dự thể hiện và cảm nhận. Cũng phải nói thêm là, sở dĩ thánh lễ có được những tâm tình trên một phần lớn là nhờ quý Đan sĩ đã khởi động Kinh Ngợi từ lúc 04g15 rồi. Sáng nay chúng ta có gì? Xin thưa: không … ít!

Sau bữa điểm tâm, chúng tôi hội tại đình: Cha Trưởng Ban trình bày định hướng hoạt động mục vụ trong năm 2012 theo tinh thần Công Nghị Giáo phận, Thiền Sư linh mục Đặng Chí San và Nhà báo Xuân Thái giới thiệu về Thiền Đốn Ngộ và Vipassana, Đan sĩ linh mục Micae-Vi Mỹ Lê Văn Khơi chia sẻ kinh nghiệm “chiêm niệm trong hoạt động”. Đôi mươi phút trao lời, gửi ý, dăm ba việc được khơi lên, nhưng lòng suy thì mới lắm!

1/ Năm Định hướng đề ra khi lập Ban ĐTLT vào năm 2009 thì ít nhiều đã hiện thực được, chương trình phác thảo của năm 2012 thì … thì … nhảy vọt…! Thôi thì làm bởi bay, ban bởi Ta. Chúng con chỉ biết gắng hết sức mình, Chúa ơi.

2/ Lòng chúng tôi bừng nóng lên khi nghe Đan sĩ nói: “Đan sĩ là người bị Chúa Giêsu chiếm đoạt … hằng ngày đan sĩ sống đời thập giá và mầu nhiệm thập giá … họ được Đức Chúa Thánh Thần đưa vào giờ cầu nguyện của Chúa Giêsu. Mà Chúa Giêsu thì hằng mong mỏi gặp lại Cha của Mình, Ngài mong mỏi, khao khát thấy lại cái giờ phút từ thuở đời đời đã có giữa CHA-CON”. Đan sĩ nói thật hào hùng những điều trên, rồi ngài thổn thức và khắc khoải nói: “lý tưởng là thế nhưng chúng con chưa đến đâu!!!”

Về việc ĐTLT, con xin phép nói thêm: Cha Gioan Lê Chúng của Cộng Đoàn, đối với chúng con ngài đã có những ảnh hưởng rất lớn. Xuất thân của ngài thật đặc biệt: được sinh ra trong một gia đình Phật tử, tìm Chúa nơi Nho học rồi Phật học … cuối cùng, ngài gặp Chúa ở đức tin Kitô giáo.

- Cha San: “Lối sống hết lòng của đan sĩ như thế là “sống với LỬA” rồi ngài ta thán với anh chị em chúng tôi: “có lúc ta quên mất LỬA này!” “Thập giá mạc khải điều gì đó về chính Thiên Chúa Tình yêu, đồng thời cũng mạc khải con người xấu kinh khủng-gian ác tàn tệ … từ đấy ta khám phá ra Vô Biên là thế đó!”

- Cha Dinh: “Tinh thần Phan Sinh lúc đầu là cầu nguyện nhiều hơn hoạt động, nay thì ngược lại ! Con cần có “neo” mình vào chiều sâu nội tâm qua cầu nguyện, để hoạt động mục vụ theo định hướng của Tin Mừng và Hiến Chương luật Dòng.

- Cha Bảo Lộc: “hình ảnh người đi trên dây với cây thăng bằng nằm ngang gợi lên ý niệm trợ lực cho tinh thần chiêm niệm trong hoạt động: ta cứ nhìn thẳng đích đến (linh đạo Phaolô), tiến về phía trước, đó chính là phương thế giúp ta quân bình trạng thái Tĩnh và Động trong đời sống”.

- Giáo dân chúng tôi nói gì? Chưa nói lúc này, mọi người tịnh khẩu một giờ để “xin cho con biết Chúa – xin cho con biết con”. Sau đó, trở lại đây chia sẻ.

Tâm sự

“Chúa ơi! Con đây, thân xác con đây – có Chúa ở đó không?
Chân con đang bước, Chúa đang cõng con hay con đang cõng Chúa?
Con tin-cậy-mến Chúa, nhưng làm sao con kéo tam đức ấy ra để xem chúng như thế nào?
Con hỏi hoài mà Chúa chẳng đáp một lời, mỏi cổ quá! Thôi thì con nghĩ đến hoạt động đã qua của mình!

Tại sao con phục vụ Chúa, mà anh em lại phản bác hoặc không chấp nhận con ?
Tại sao con phục vụ anh em, mà anh em lại không chấp nhận-không chịu đựng nổi con ?

Bỗng nhiên … con chợt hiểu, chợt nghe thấy … và sà ngay vào tòa Cáo giải.
Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa …”

Trời đã đến cuối giờ Mùi, chúng ta cảm ơn Chúa (tại Nhà nguyện), cảm tạ quý Đan sĩ (nơi đài Đức Mẹ), tri ơn Thánh Biển Đức (ở gian hàng quà lưu niệm), để đến với Bạn Đạo Nhà Phật tại Thiền viện Viên Chiếu. Xe lăn bánh mà lòng vui khôn xiết vì lời hứa của Cha Tổng Phụ trách: “Chúng con xin hứa rằng: từ nay – hằng ngày, chúng con sẽ cùng nhau dâng lời cầu nguyện cho Ban Mục Vụ ĐTLT và các hoạt động ĐTLT”.

Xin hỏi có ai không hiểu những ân sủng vô song và hiệu nghiệm mà chúng tôi vừa nhận được không? Ai hiểu thì xin một tràng vỗ tay khích lệ chúng tôi. Vâng xin đa tạ!

Chuyến đi này quả có nhiều cái ngộ, nhưng tôi chỉ xin thưa một điều thôi: hai ngày hành trình, đến bốn nơi chốn, mà mỗi lần xe chạy đều phải ngang qua “ngã ba Nhân Trạch”... Cái tên này nghe cũng ngồ ngộ... (xem ra tôi được thu hút bởi dòng thiền đốn ngộ hơi nhiều)!

Thiền Viện Viên Chiếu

Đến Thiền Viện Viên Chiếu (TVVC) rồi, ở đây chỉ dành cho ni giới, còn Thiền viện Thường Chiếu thì dành cho tăng chúng. Hai nữ tu Mai Thành và Anna Phượng như trở lại nhà bạn thân, vì sư cô Thích Nữ Viên Thể, phụ trách Tri Khách, tiếp đón và nhiệt tình mời nước cùng bánh trái… Điều bất ngờ đối với chúng tôi là: sư cô bộc bạch quan điểm và thắc mắc cá nhân về một tài liệu vừa đọc, trong đó tác giả “coi Mẹ Têrêsa Calcutta như một vị Bồ Tát”. Vấn đề thứ hai là: Thiên Đàng và Niết Bàn không giống nhau. Cha San ngồi gần đó, nên đưa ra lời giải thích và trao đổi ngắn gọn với sư cô bằng những thuật ngữ Nhà Phật.

Kế đến, sư cô dẫn đoàn đi tham quan nội vi thiền viện. Thiền đường thu hút sự quan tâm đặc biệt của chúng tôi. Nơi này quả là hấp dẫn với sàn gỗ sạch bóng, bầu khí trang nghiêm, yên tĩnh và thanh thoát. Được sư cô tri khách hướng dẫn cách tọa thiền kiểu kiết già, bán kiết … ai cũng thử an tọa lấy một lần. Khó và tê lúc đầu lắm đấy.

Nhìn tổng quát thiền viện, với kiến trúc, mái đình thanh nhã và màu sắc nâu hài hòa với thiên nhiên, việc bài trí cây hoa lá và bàn tủ rất vén khéo đẹp mắt. Chúng tôi nghe giới thiệu và thầm phục những tấm lòng quảng đại công đức của Phật tử gần xa.

Chúng tôi vui khi được biết rằng từ năm 1994, các tu sĩ Học viện Liên dòng nữ đã từng giao lưu với ni giới của thiền viện, từ đó tương giao và hợp tác vẫn được tiếp nối. Có lẽ cái duyên ấy dẫn đến sự chan hòa và chân tình trong cuộc hội ngộ hôm nay. Xin cảm ơn quý chư Ni đã mở tâm ân cần tiếp đón. Tam biệt và hẹn ngày trùng phùng!

Am “Minh Chiếu”

Thực ra tên này mới được gọi lần đầu tiên khi các thành viên của Ban vừa “xông đất” gia trang của người tu sĩ Đa Minh. Cha San được cử đến đây với 3 tu sĩ cùng dòng, để chăm sóc vườn tược ngoài giờ lên lớp tại Học Viện Đa Minh. Mảnh đất này nằm cạnh khuôn viên nhà thờ Hiền Đức. Ngõ vào hơi hẹp nhưng càng vào thì càng nở ra với bao la, rộng lắm! Ngài kiên nhẫn đợi chờ và mời anh chị em nhập “am”, nơi thiền tịnh của ngài: trên cao có Chúa, đây đó có “câu kệ”, chỗ khác thì bông sen, tượng Phật … đâu đâu cũng có thể hướng thượng. Kể ra am của thiền nhân Công giáo này hay thiệt, vào trong am chắc là thân tâm an lạc lắm lắm! Chúng con vui mừng vì được đến thăm cha, càng vui mừng hơn vì Cha đang cùng những người bạn khao khát phục vụ tha nhân, muốn đi sâu hơn vào huyền nhiệm Tĩnh Lặng, trong đó có chúng con. Xin cảm ơn Chúa, cảm ơn cha và nguyện chúc cha mã đáo thành nhân.

Xuống núi

Trên đường về, lòng cảm thấy vui vui, cả đoàn cười hát, khôi hài dí dỏm thật dễ thương … niềm vui ấy, chúng tôi biết từ đâu đến.

Mọi người phấn khởi và hăng say "thỏng tay vào chợ" sau hai ngày sa mạc … nguồn lực này, chúng tôi biết từ đâu đến.

Hôm nay, gia đình Mục vụ ĐTLT tiếp nhận thêm thành viên mới, cùng những mối dây liên kết thêm chặt-bền-rộng-sâu … sự tăng triển ấy, chúng tôi biết từ đâu đến.

Một năm hoạt động mục vụ mới đang đến như thế nào? Chưa ai biết, nhưng bao nhiệm lạ: bình an, hoan lạc, sức sống dồi dào, cùng với tình liên đới hiệp thông đa phương, đa diện…, sẽ đưa dẫn những bước chân người sứ giả ra khơi theo luồng gió canh tân của Chúa Thánh Linh. Chúng tôi xác tín như thế. Cảm tạ Cha! Magnificat! Alleluia!

Nguồn:  Ban MVĐTLT

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top