Chuyên đề: Cả nhà cùng thai giáo

Chuyên đề: Cả nhà cùng thai giáo

WGPSG -- Vào lúc 14g00, ngày thứ bảy 20-03-2010, tại giảng đường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chương trình Chuyên đề chiều thứ 7 hằng tuần đón tiếp gần 150 tham dự viên. Hai thuyết trình viên là Phạm Thị Thuý (Thuý Phạm) và Nguyễn Thị Thuý (Thuý Nguyễn) đã trình bày chủ đề: “Cả nhà cùng thai giáo”. Ngoài ra, còn là dịp để những ai yêu mến nhạc sĩ Ý Vũ được gặp gỡ, giao lưu và chia tay với anh trước khi anh lên đường sang Mỹ.

Nhạc sĩ Ý Vũ là một thành viên của nhóm Lửa Hồng từ cuối năm 1999, cũng là cộng tác viên tích cực của chương trình Chuyên đề chiều thứ 7. Để chia tay một người anh, người thầy, người bạn của chương trình, xơ Maria Hồng Quế và gia đình Chuyên đề đã dành thời gian xen kẽ buổi thuyết trình để mọi người cùng thưởng thức những bản nhạc bất hủ đã đi vào lòng người của nhạc sĩ Ý Vũ như: “Lên đường”, “Nhịp cầu”, “Tôi chọn Giêsu”, “Con đường Giêsu”, “Gieo mầm tin yêu”,…

Trở lại với phần trình thuyết trình chiều nay, chị Thuý Phạm đã trình bày ngắn gọn đề tài thai giáo với 3 điểm sau:

- Thực tế hiện nay: Đó là sự xuống cấp của giới trẻ về kiến thức, nhân cách và đạo đức. Trích lời trong bài viết mới đây của nhà thơ Mặc Trầm Cung: “Chiếc nôi ươm hạt giống tài năng” hay còn gọi là “Phương án 0 tuổi”. Thạc sĩ cũng đồng quan điểm rằng, giới trẻ ngày nay đang phải đối diện với nhiều thách thức mới khi mà những giá trị cũ của các thế hệ trước dường như không còn phù hợp với xu hướng hiện tại. Đồng thời, những thay đổi chóng mặt của nền kinh tế quá phức tạp khiến các bạn trẻ không kịp thích ứng.

- Lợi ích của việc thai giáo: Thai giáo đúng phương pháp không chỉ mang lại cho những đứa con một khả năng vượt trội về mặt tri thức, tình cảm mà còn mang đến cho gia đình một cuộc sống hạnh phúc. Bởi lẽ, không thể có thai giáo tốt nếu không có đời sống gia đình tốt. Ngoài ra, những lợi ích lớn hơn mà các bé sẽ mang lại sau này là tương lai của đất nước, của xã hội và phần nào đó cả Giáo hội nữa.

- Ý nghĩa của thai giáo: Thai giáo không chỉ là cách nuôi dạy con trong bụng mẹ về thể chất và tinh thần, nhưng thai giáo còn là những biểu hiện tình cảm của các thế hệ (là bản năng tự nhiên, là khát khao làm mẹ của người nữ). Do đó, cần phải giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc thai giáo theo từng mức độ và từng thời kỳ.

Một vài mẫu gương về thai giáo thành công mà chị Thuý giới thiệu với mọi người như ở Trung Quốc có Chu Văn Vương hay Lưu Diệc Đình, ở Việt Nam có 2 cha con giáo sư Trần Văn Khê và giáo sư tiến sĩ Trần Quang Khải. Có lẽ nhân chứng gần nhất là bản thân gia đình của 2 thuyết trình viên hôm nay với 2 cháu bé khoẻ mạnh và nhanh nhẹn.

Ngoài ra, chị Thuý Phạm cũng cung cấp cho khán giả 5 bài tập về việc thai giáo để thực hành trên 5 giác quan:

- Bài tập 1: Thính giác: Thính giác là giác quan quan trọng nhất của bé trong giai đoạn này. Trẻ có thể học hỏi được rất nhiều qua các bản nhạc du dương; qua các tiếng nhạc từ thiên nhiên như tiếng nước chảy, tiếng chim hót; qua các lời êm dịu, ngọt ngào từ những người thân trong gia đình hay qua các lời hát ru, những lời cầu nguyện chân tình.

- Bài tập 2: Thị giác: Khi chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, những tác phẩm nghệ thuật hay những hình ảnh mà người mẹ yêu mến, hâm mộ cũng là một cách thích hợp giúp trẻ phát triển thị giác sau này. Và nếu có thể, chị em phụ nữ nên trang điểm nhẹ và tự chiêm ngắm nét đẹp dịu dàng của chính mình trong giai đoạn này.

- Bài tập 3: Khứu giác: Thưởng thức những món ăn, những thức uống ưa thích cũng là một biện pháp tốt giúp trẻ phát triển; ngoài ra cũng có thể ngửi những mùi hương mà chính mình yêu thích.

- Bài tập 4: Vị giác: Chị em cần ăn, uống theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Bài tập 5: Xúc giác: Mátxa, vuốt ve, đấm bóp, đi bộ hoặc đung đưa theo các điệu nhạc yêu thích là những phương pháp hiệu quả nhất.

Sau phần trình bày của chị Thuý Phạm là phần trình bày của chị Thuý Nguyễn với chủ đề “Cả nhà cùng thai giáo”.

Trong phần này, chị Thuý Nguyễn lưu ý các bà mẹ và gia đình về 2 điểm là cần phải chuẩn bị tâm lý và kiến thức trước khi người mẹ mang thai.

- Về tâm lý: Người mẹ cần phải có sự lạc quan, sẵn sàng đón nhận thai nhi như món quà quí giá, phải luôn giữ hoà khí trong gia đình. Về phần bố, cần phải “mang thai” với vợ, nghĩa là phải đồng cảm, chia sẻ trách nhiệm với người mẹ trong việc thai giáo cho con.

- Về kiến thức: Phải có những hiểu biết cần thiết về mặt dinh dưỡng cũng như sức khỏe. Vì thời gian có hạn nên không thể trình bày hết. Và lời khuyên là nên gặp các bác sĩ để được tư vấn.

Điều quan trọng nhất trong phần này mà chị Thuý Nguyễn lưu ý là việc vợ chồng cùng “chung sống” với nhau. Vì lợi ích của bé cũng như hạnh phúc của gia đình. Những giờ phút bên nhau, chia sẻ cảm thông, vui buồn, hạnh phúc là những giờ phút linh thiêng nhất.

Sau phần trình bày của chị Thuý Nguyễn là giờ giải lao. Chỉ với 10 phút ngắn ngủi, mọi người đã có nhiều chia sẻ, cảm nghiệm khác nhau. Và điều đó được thể hiện rõ qua các câu hỏi khi trở lại lớp.

Trước khi bước vào phần trả lời thắc mắc, mọi người cùng thư giãn qua 2 giọng ca “cây nhà lá vườn’ của anh Thanh Hải và chị Phạm Thị Khanh với 2 ca khúc của nhạc sĩ Ý Vũ: ‘”Cơn cám dỗ” và “Tình yêu cứu thoát”.

Tiếp đó là phần trả lời thắc mắc. Có rất nhiều câu hỏi hay của nhiều giới quan tâm, của các ông bố bà mẹ về việc thai giáo; nhất là, của các chị đang mang thai. Dù thời gian có hạn nhưng mọi người cũng nhận được những câu trả lời thoả đáng và ân cần của 2 thuyết trình viên.

Tất cả những gì 2 chị Thuý Phạm và Thuý Nguyễn mang đến cho khán giả, không chỉ là những kiến thức thực tế để các bậc phụ huynh, các bạn trẻ hiểu biết về tầm quan trọng của vấn đề thai giáo, nhưng còn là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các thế hệ mai sau: Cần phải có những phương pháp, những hiểu biết cần thiết trong vấn đề trồng người.

Bài hát “Lên đường’ của nhạc sĩ Ý Vũ được mọi người cất lên như để nói lên một khởi đầu mới đầy hy vọng vào một tương lai đất Việt sáng ngời những anh tài.

Top