Chúa nhật 5 mùa Chay năm A (Ga 11,1-45)
Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Bài đọc 1: Ed 37,12-14
Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.
Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.
12 Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau : “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. 13 Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. 14 Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa.”
Đáp ca; Tv 129,1-2.3-4.5-6a.6b-8 (Đ. x. c.7bc)
Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
1Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,2muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
3Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng ?4Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
để chúng con biết kính sợ Ngài.
Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
5Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người.6aHồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
6bHơn lính canh mong đợi hừng đông,7trông cậy Chúa đi, Ít-ra-en hỡi,
bởi Chúa luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.8Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en
cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.
Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
Bài đọc 2: Rm 8,8-11
Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, ngự trong anh em.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
8 Thưa anh em, những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. 9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô. 10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. 11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.
Tin mừng: Ga 11,1-45
1 Khi ấy, có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a.
2 Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô.
3 Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.”
4 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo : “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa : qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”
5 Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.
6 Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở.
7 Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ : “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !”
8 Các môn đệ nói : “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ?”
9 Đức Giê-su trả lời : “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời.
10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !”
11 Nói những lời này xong, Người bảo họ : “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc ; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.”
12 Các môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại.”
13 Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường.
14 Bấy giờ Người mới nói rõ : “La-da-rô đã chết.
15 Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.”
16 Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn : “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy !”
17 Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi.
18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số.
19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời.
20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà.
21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.
22 Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.”
23 Đức Giê-su nói : “Em chị sẽ sống lại !”
24 Cô Mác-ta thưa : “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.”
25 Đức Giê-su liền phán : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.
26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?”
27 Cô Mác-ta đáp : “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”
28 Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ : “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !”
29 Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su.
30 Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người.
31 Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.
32 Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.”
33 Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến.
34 Người hỏi : “Các người để xác anh ấy ở đâu ?” Họ trả lời : “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem.”
35 Đức Giê-su liền khóc.
36 Người Do-thái mới nói : “Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !”
37 Có vài người trong nhóm họ nói : “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư ?”
38 Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại.
39 Đức Giê-su nói : “Đem phiến đá này đi.” Cô Mác-ta là chị người chết liền nói : “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.”
40 Đức Giê-su bảo : “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?”
41 Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói : “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con.
42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.”
43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng : “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !”
44 Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo : “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.”
45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.
Bài giảng của ĐTGM Giuse Nguyễn Năng
trong Thánh lễ CN 5 mùa Chay năm A
ngày 29.03.2020
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðức Giêsu đến Bêtania để cho Lazarô chết bốn ngày sống lại. Ngài tuyên bố với Mácta rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dầu có chết cũng sẽ được sống. “Ðức Giêsu là sự sống. Trong Ngài chúng ta mới được hạnh phúc, được trường sinh vĩnh cửu.
Muốn được sống đời đời với Ðức Giêsu, ngay từ đời này ta phải sống bằng sự sống của Ngài: Tức là sống trong ơn thánh, lãnh nhận các bí tích, thực thi bác ái, hy sinh và chuyên cần cầu nguyện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là sự sống và là sự phục sinh của chúng con. Xin Chúa dạy chúng con biết tìm kiếm cho mình sự sống vĩnh cửu ngay từ đời này. Theo gương Chúa, chúng con dám từ bỏ con người ích kỷ và tận tâm tìm kiếm Chúa bằng đời sống cầu nguyện, hy sinh, và bác ái. Amen.
Ghi nhớ: “Ta là sự sống lại và là sự sống”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Sợi chỉ đỏ:
- Bài đọc Cựu Ước: Thiên Chúa cho dân Ngài sống lại.
- Bài Phúc Âm: Chúa Giêsu làm cho Ladarô sống lại.
- Bài đọc Tân Ước: Thánh Thần ban sự sống cho mọi xác phàm.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Chúng ta đang ngày càng đi sâu vào Mùa Chay. Trong thời gian này, nhiều tín hữu đã sám hối trở lại cùng Chúa, nhiều dự tòng đang chuẩn bị đón nhận cuộc sống mới. Chúng ta có thực sự tin rằng Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại vì chúng ta không ?
Hy vọng rằng qua Thánh lễ này Ngài sẽ ban thêm đức tin cho chúng ta, một đức tin đủ mạnh để chúng ta can đảm đối diện với những khó khăn trong cuộc sống này và dẫn chúng ta đến cõi sống muôn đời.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta là những người tội lỗi vì đã nhiều lần hoài nghi tình thương của Chúa khi chúng ta gặp những khó khăn trong cuộc sống.
- Chúng ta là những người tội lỗi vì đã coi trọng sự sống phần xác hơn sự sống linh hồn.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc Cựu Ước: Êd 37,12-14
- Dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon, tâm trạng chán chường tuyệt vọng. Họ nói “Xương chúng tôi đã khô. Hy vọng tiêu ma". Nói “xương" nhưng phải hiểu là toàn thể con người. Cho nên câu này có 2 nghĩa: a/ Họ bị chết về tinh thần: hoàn toàn tuyệt vọng rồi. b/ Thân xác của họ cũng như chết luôn, vì sống nô lệ thì cũng như chết mà thôi.
- Thiên Chúa bảo ngôn sứ Êdêkien an ủi họ: “Ta sẽ đem các người lên khỏi mồ, hỡi dân Ta. Ta sẽ dẫn các ngươi về lại thửa đất của Israel... Ta sẽ ban Thần khí của Ta xuống trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống". Câu này là một lời tiên tri hứa ban sự phục sinh và cũng mang 2 nghĩa: a/ Phục sinh tinh thần: họ sẽ được hồi hương; b/ Phục sinh thể xác.
- Lịch sử sau này cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện ý nghĩa thứ nhất: họ đã được hồi hương vào năm 539. Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy Chúa Giêsu sẽ thực hiện luôn ý nghĩa thứ hai.
2. Đáp ca: Tv 129
Trong cơn gian nan, tác giả Thánh vịnh tưởng như mình bị rơi xuống một vực thẳm tối tăm. Tác giả còn tưởng mình như đã chết. Nhưng tác giả tin tưởng Thiên Chúa sẽ kéo mình lên và ban lại cho mình sự sống.
3. Bài Phúc Âm: Ga 11,1-45
- Chúa Giêsu thực hiện lời hứa phục sinh theo nghĩa thứ hai: phục sinh thể xác.
- Việc cứu sống Ladarô là sự phục sinh thể xác cho chính Ladarô, và còn báo trước sự phục sinh thể xác của Chúa Giêsu và của mọi người.
- Hai bài đọc Cựu Ước và Tân Ước cho thấy: Thiên Chúa “là sự sống lại và là sự sống" (câu 25a); và “ai tin vào Ngài thì dù đã chết cũng sẽ được sống" (câu 25b).
4. Bài Thánh Thư: Rm 8,8-11
Thánh Phaolô triển khai giáo lý về sự sống:
- “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần khí chi phối" (c 9): con người có hai sự sống: sự sống theo xác thịt và sự sống theo Thần khí. Sự sống theo Thần khí quan trọng hơn.
- “Nếu Đức Kitô ở trong anh em thì dù thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần khí cũng ban cho anh em được sống" (c 10)
- “Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần khí của Ngài đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới" (c 11): sự sống thần khí có thể chết vì tội, nhưng có thể sống lại nhờ Thiên Chúa.
Suy niệm (Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)
HÃY RA NGOÀI
Sự sống đời này là điều đáng quý.
Đầu năm 2020, thế giới đã đổi khác từ khi cơn dịch hoành hành.
Con vi-rút Covid-19 đe dọa sinh mạng của mọi người chẳng trừ ai.
Nó chu du như chỗ không người qua mọi quốc gia, mọi biên giới.
Vì quý mạng sống, nên người ta phải hy sinh nhiều điều.
Những thành phố trở nên vắng vẻ, mọi sinh hoạt vui chơi ngừng lại.
Nhà thờ không thánh lễ, trường học đóng cửa, người già ở nhà.
Phong tỏa và cách ly, sát trùng và đeo khẩu trang.
Để bảo vệ sự sống, dù đó chỉ là sự sống tạm bợ ở đời này của thân xác,
người ta đã phải chấp nhận hạn chế tự do cá nhân,
ngưng làm những điều mà trước đây tưởng không thể bỏ.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói về sự sống và cái chết.
Cái chết của một anh thanh niên được Đức Giêsu thương mến.
Anh bị đau nặng, không rõ bệnh gì.
Hai bà chị của anh vội vã nhờ người đến báo cho Đức Giêsu,
hy vọng Ngài mau đến nhà chữa anh khỏi bệnh.
Nhưng hai hôm sau Ngài mới thu xếp để lên đường đi Bêtania.
Khi Ngài đến nơi thì anh đã được chôn bốn ngày rồi.
“Nếu Thầy ở đây thì em con đã không chết” (Ga 11,21.32),
Cả hai chị em Mácta và Maria đều nói câu đó với Đức Giêsu.
Câu nói bắt đầu bằng chữ “nếu” đầy nuối tiếc buồn thương.
Người ta vẫn hay nói như thế trước những chuyện đã lỡ.
Tại sao Thầy lại không có mặt ở đây để cứu Ladarô, bạn của Thầy?
Chắc chắn Thầy đủ khả năng chữa cho em con khỏi cơn bệnh nặng.
Bây giờ thì muộn rồi, chẳng còn làm được gì nữa.
Em con đã chết, nghìn trùng xa cách, bình vàng đã vỡ tan.
Khi Đức Giêsu nói: “Em chị sẽ sống lại!” (Ga 11,23),
Mácta chỉ nghĩ em mình sẽ sống lại vào ngày tận thế.
Dù chị tin rằng Thiên Chúa luôn nghe lời Thầy nài xin (Ga 11,22),
và tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa (Ga 11,27)
nhưng chị chẳng tin Thầy sẽ làm được gì trước ngôi mộ.
Ngôi mộ là nơi sự chết thống trị, chưa ai thắng được nó.
Chính vì thế khi Đức Giêsu bảo “Đem phiến đá này đi”
Chị đã vội vã ngăn lại.
Chị không tin Thầy có thể làm gì được với một thi thể đã bốc mùi.
Một xác người chết đã bốn ngày thì đâu còn gì để hy vọng.
Nhưng tại ngôi mộ này, vinh quang Thiên Chúa sẽ được bày tỏ.
Đức Giêsu sắp làm dấu lạ lớn nhất tại đây,
Để cho thấy Ngài thật là sự sống lại và là sự sống (Ga 11,25).
Ngài lớn tiếng gọi tên người chết và bảo anh đi ra khỏi mồ.
Ladarô đã vâng lệnh đi ra, dù chân tay còn bị quấn băng vải,
mặt còn phủ khăn (Ga 11,44).
Anh ấy được giúp để khỏi vướng víu và tự do đi được.
Ladarô đã được hoàn sinh và ra khỏi thế giới của âm hồn.
Đức Giêsu đã đánh thức Ladarô, và cho hai chị được gặp lại em.
Chúng ta có quyền tin Đức Giêsu đã nở một nụ cười
trên khuôn mặt chưa khô nước mắt,
đã đón lấy Ladarô trong vòng tay, người mà Ngài thương mến.
Ladarô rồi cũng có ngày sẽ chết, vì sự sống đời này chỉ là phù du.
Qua dấu lạ này, Đức Giêsu đưa chúng ta đi xa hơn.
Ngài hứa ban sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài,
nơi đó cái chết không còn quyền lực (Ga 11,25-26).
Vì làm cho Ladarô được sống lại mà Ngài bị kết án tử (Ga 11,45-54).
Nhưng cái chết của Ngài đem lại cho chúng ta cuộc sống vĩnh hằng,
nơi không còn buồn phiền, tang tóc, chia ly.
Chỉ mong chúng ta hôm nay tin mạnh hơn chị Mácta
khi cái chết rình rập và quật ngã bao người trên thế giới,
khi niềm hy vọng tưởng như vỡ tan, vì nấm mồ đã chôn vùi mọi sự.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng con,
Chỉ mình Chúa biết và thấy mọi nỗi xao xuyến của con.
Chỉ mình Chúa biết rằng
mọi khắc khoải của con đều do con sợ mất Chúa,
sợ xúc phạm đến Chúa,
sợ không yêu Chúa nhiều
như con phải yêu và khao khát yêu.
Lạy Chúa là Đấng thấu biết mọi sự,
Đấng duy nhất có thể thấy tương lai,
Nếu Chúa biết chính vì vinh danh Chúa hơn,
và vì phần rỗi của con
mà con phải ở lại trong tình trạng cùng khốn này,
thì xin Chúa cứ để yên như vậy.
Con không muốn né tránh đâu.
Xin cho con sức mạnh để chiến đấu
và chiếm được phần thưởng Chúa ban
dành cho những tâm hồn mạnh mẽ.
Cha Thánh Padre Piô
------------------------------------------------------------------------------
SUY NIỆM BÀI THƯƠNG KHÓ CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A. Mt 27,11-54.
ÔNG NÀY LÀ CON THIÊN CHÚA
Chúng ta tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa.
Có những năm thế giới đã trải qua cuộc thương khó của mình.
Một loại vi rút mới bất ngờ xuất hiện làm đảo lộn cuộc sống.
Đến nay gần bảy trăm triệu người nhiễm, gần bảy triệu người chết.
Có lúc không đủ bệnh viện, không đủ giường, không đủ khẩu trang,
Không đủ máy thở, không đủ nhà xác, không đủ lò thiêu,
Và cũng không đủ nhân viên y tế được trang bị kỹ càng.
Cái chết đến khi người ta khó thở, ngộp thở và tắt thở.
Người chết thường phải chết một mình, vắng bóng người thân.
Chẳng có tang lễ cầu kỳ, có khi chẳng có người thân đưa ra mộ.
Thế giới hôm nay vẫn u ám và đau thương.
Con người không ngừng giết nhau bằng những vũ khí tinh vi nhất.
Thập giá của Đức Giêsu cách đây gần hai ngàn năm
Có đem lại cho chúng ta niềm an ủi nào không?
Đức Giêsu bị treo giữa trời và đất.
Tay chân Ngài bị đóng đinh, máu chảy ra từ những vết thương,
Trận roi đòn làm rách da thịt khiến Ngài kiệt sức.
Khuôn mặt của Ngài vẫn còn nguyên những vết khạc nhổ.
Ngài bị khạc nhổ ở nhà thượng tế Caipha và ở dinh Philatô.
Ngài luôn phải nghe những lời tố cáo của các nhà lãnh đạo.
Nhưng Ngài vẫn chẳng đáp lại một lời (Mt 26,63; 27,12-24).
Như con chiên trước lò sát, Ngài hiền lành đón nhận mọi sự.
Đức Giêsu trên thập giá là Đức Giêsu bị cám dỗ.
Cám dỗ này tương tự như cám dỗ trong hoang địa.
“Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi.
Chỉ cần xuống là chúng ta tin liền” (Mt 27,42).
Đức Giêsu đã không xuống, và cũng không xin Cha đưa mình xuống.
Ngài biết rõ Cha muốn Ngài ở đây, chịu cơn thử thách này.
Ngài biết Cha muốn Ngài uống chén đắng,
nên Ngài đã để cho mình bị bắt mà không kháng cự.
Cha sẽ giải thoát Ngài theo cách Cha muốn và vào lúc Cha muốn.
Đức Giêsu là Con, ở lại trên thập giá và để cho Cha định liệu.
Đức Giêsu trên thập giá là Đức Giêsu giang tay.
Và đây là hai bàn tay trắng.
Ngài không mang theo điều gì khi về với Cha, trừ tình yêu.
Ngài chấp nhận mất tất cả: mạng sống, danh dự, môn đệ…
Giuđa đã phản bội, Phêrô đã chối, môn đệ khác đã bỏ chạy.
Ngài bị coi là xấu xa hơn Barabba, bị đóng đinh giữa hai tên cướp.
Cả đến y phục Ngài mặc cũng đã bị tước đoạt.
Bây giờ cái chết đang từ từ nuốt chửng Ngài.
Hơi thở của Ngài trở nên khó khăn và ngắt quãng.
Nhưng điều kinh khủng hơn cả mà giờ đây Ngài bị mất,
đó là niềm an ủi đỡ nâng mà Ngài vẫn có từ Cha.
“Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46).
Vào lúc Ngài cần Cha hơn cả thì Ngài lại cảm thấy như bị Cha bỏ rơi,
Nhưng Đức Giêsu vẫn gọi Cha, trò chuyện với Cha, và hỏi Cha.
Đúng là Ngài thấy Cha xa cách mình, để mình bơ vơ,
nhưng chưa bao giờ Ngài để cho mối dây với Cha bị cắt đứt.
Đức Giêsu đã trút hơi thở cuối cùng như mọi người chúng ta.
Trước khi chết Ngài đã kêu lớn tiếng, đã gọi tên Thiên Chúa.
Ngài ra đi một mình như nhiều người trong chúng ta.
Cái chết của Ngài không có vẻ nhẹ nhàng êm ả,
nhưng khốc liệt như một cuộc chiến đấu đã mang về phần thắng.
Ngài đúng là một người công chính (Mt 27,19),
đúng là Con Thiên Chúa như lời viên sĩ quan dân ngoại (Mt 27,54).
Hôm nay cũng có bao bệnh nhân đang hấp hối trong Vườn Dầu.
Có những người đang bị đóng đinh vào giường bệnh,
Có những người sắp về với Chúa mà vẫn hỏi: Tại sao Chúa bỏ con?
Chúng ta cầu xin cho những ai chết giống Chúa trên thập giá,
chết cho Chúa và chết trong Chúa,
cũng hy vọng được sống lại như Chúa Giêsu phục sinh.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa,
Con người hôm nay chênh vênh giữa trời cao và vực thẳm,
Chúa đã cho chúng con tự do để chọn
giữa thiện và ác,
giữa đồng cảm và vô cảm,
giữa chân lý và dối trá.
giữa tha thứ và hận thù,
giữa hiệp nhất và chia rẽ.
Chúa đã được giương cao khỏi mặt đất,
Và Chúa hứa sẽ kéo mọi người lên.
Vậy mà chúng con hôm nay vẫn còn chênh vênh!
Cuộc đời này có bao điều hút chúng con xuống,
Khiến chúng con cứ bị giằng co nghiêng ngả.
Xin giúp chúng con buông bỏ những đam mê trần tục,
Để dám chọn điều Chúa đã chọn trên Thánh Giá:
chọn khó nghèo, nhục nhã, chọn tự hạ, khổ đau.
Nhờ sức mạnh cứu độ của Thánh Giá Chúa,
Xin đưa chúng con ra khỏi thế đứng chênh vênh
Để trọn vẹn thuộc về Chúa.
(Sr. Augusta)
------------------------------------------------------------------------------------
SUY NIỆM CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A Ga 20,1-9
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN
Bài Tin Mừng này được đọc vào buổi sáng Chúa nhật Phục sinh,
khi tử thần vẫn tác oai tác quái trên thế giới.
Mỗi ngày có hơn một trăm năm mươi ngàn người chết vì mọi lý do.
Bao người phiền muộn vì mất mát người thân.
Bao người âu lo vì thấy mạng sống mình bị đe dọa.
Bà Maria Mácđala cũng đã trải qua những thời khắc kinh hoàng.
Bà đã đứng gần thập giá của Đức Giêsu chịu đóng đinh,
chứng kiến Ngài gục đầu và trao sinh khí (Ga 19,30).
Hẳn bà cũng đã tham dự lễ mai táng của Thầy Giêsu.
Ngôi mộ mới của Thầy nằm trong khu vườn mà bà biết rõ.
Maria không thể nào quên được buổi chiều thứ sáu ấy.
Cái chết bi thương của Thầy trên thập giá vẫn in hằn trong trí nhớ.
Bà hiểu mình đã mất Thầy thật rồi,
người Thầy đã giải phóng bà khỏi tay bảy quỷ (Lc 8,2).
Điều làm bà an ủi, đó là bà còn giữ được xác của Thầy.
Đối với bà, xác của Thầy cũng quý như chính con người Thầy.
Bà đã trải qua ngày thứ bảy bồn chồn, khó lòng chợp mắt,
chỉ mong ngày sa-bát mau kết thúc để bà có thể ra viếng mộ.
Tất cả tập trung của bà dồn vào ngôi mộ,
vì trong đó có thân xác của người Thầy mà bà mến thương.
Buổi sáng tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần, bà đã vội vã ra mộ.
Điều bà không dám ngờ đã xảy ra: tảng đá che mộ bị dời đi,
và xác Thầy cũng không còn ở đó nữa.
Hốt hoảng, sợ hãi, hoang mang,
bà chạy về báo cho Simôn và người môn đệ kia chuyện chẳng lành.
“Họ đã đem Chúa đi khỏi mộ,
và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2).
Theo bà, chắc chắn phải có người lấy, tuy không biết là ai thôi.
Trong bài Tin Mừng này, không có thiên thần nào hiện ra giải thích,
nên Maria thấy vô cùng khó hiểu trước biến cố mất xác Thầy.
Bước chân chạy của Maria đã kéo theo bước chân chạy của hai môn đệ.
Vì tình hình quá căng thẳng, hai ông như đua nhau chạy cho mau.
Mỗi người đến, nhìn vào mộ đều thấy một điều gì đó.
Bà Maria chỉ thấy xác Thầy mình không còn đó (Ga 20,2).
Người môn đệ Chúa thương, đứng ngoài, thấy những băng vải (Ga 20,5).
Còn Simôn Phêrô thì vào trong mộ, thấy những băng vải,
cùng khăn che đầu được cuộn lại và xếp riêng ra một nơi (Ga 20,6-7).
Cuối cùng, người môn đệ kia cũng vào mộ.
Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).
Người tín hữu hôm nay cũng có lúc giống bà Maria,
Hốt hoảng vì thấy mất Chúa, mất đi điều quý giá nhất của mình.
Ai đã lấy Ngài đi, để lại ngôi mộ trống trơn lạnh lẽo?
Phải tập nhìn vào ngôi mộ, tập để ý đến những chi tiết nhỏ.
Tập đọc ra những dấu chỉ lờ mờ của hy vọng ngay giữa những đổ vỡ.
Tập nhìn thấy những điểm sáng trong ngôi mộ tối tăm,
và nhận ra bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động cách kín đáo.
Thật tiếc thương khi xác Thầy không còn,
nhưng những băng vải quấn xác Thầy vẫn còn nằm ở đó,
còn khăn che đầu thì được cuộn lại, xếp riêng (Ga 20,7-8).
Điều đó cho thấy không phải có người ăn cắp xác và đem đi,
Vì kẻ cắp không có thì giờ để làm việc đó.
Từ từ ngôi mộ bừng sáng lên, và mang nhiều ý nghĩa.
Nơi của chết chóc và mất mát lại trở nên vườn ươm sự sống.
Maria đi ra mộ viếng xác và đớn đau vì xác Thầy không còn trong mộ.
Bà đâu biết rằng đó là khởi đầu cho một Tin Mừng trọng đại.
Nếu xác Thầy cứ nằm trong mộ thì làm gì có phục sinh.
Bà đi tìm xác một người chết, nhưng rồi bà sẽ gặp Đấng đang sống.
Đức Giêsu đã phục sinh, thế giới cũng phải được phục sinh.
Chúng ta phải chung tay xây dựng một thế giới đầy tràn sự sống.
Bảo vệ rừng, ngừng xây đập, không phí tiền chạy đua vũ trang,
làm sạch lại bầu khí, làm xanh lại bầu trời, làm trong lại dòng sông.
Cơn dịch này nhắc chúng ta về những giá trị bị lãng quên,
đòi ta điều chỉnh lại tương quan giữa người với người,
giữa con người với thiên nhiên, và giữa con người với Đấng Tạo Hóa.
Chúa phục sinh đã tặng cho ta ơn phục sinh,
nhưng để hưởng ơn ấy, không phải là chuyện tự nhiên hay đương nhiên.
Chúng ta sẽ chẳng nếm được niềm vui sống lại,
nếu cứ loay hoay ở trong ngôi mộ của ích kỷ và khép kín.
CẦU NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,
chẳng có chuyện gì xảy ra mà Chúa không cho phép.
Cả những chuyện xấu xa mà con người làm cho nhau.
Cả sự dữ đang hoành hành do Xatan gây ra trên mặt đất.
Nhiều khi chúng con không hiểu được
tại sao Chúa lại cho phép xảy ra những chuyện như thế.
Nhưng chúng con tin rằng, đối với ai yêu mến Chúa,
mọi sự đều đem lại điều tốt cho họ (Rm 8,28; GLCG 395,760).
Chúng con tin rằng những gì Chúa cho phép xảy ra
đều vì yêu thương chúng con
và vì ích lợi cho cuộc sống vĩnh hằng của chúng con.
Đôi khi Chúa phải dùng roi mà sửa dạy,
như người cha nghiêm khắc vì mong con nên người.
Xin cho chúng con nhận ra điều Chúa muốn nhắc nhở,
để cải hóa bản thân và điều chỉnh đời mình cho hợp với ý Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái,
trên đường về quê trời,
Chúa muốn chúng con trải qua những thử thách cam go,
như bệnh tật, khổ đau và cái chết,
để chúng con nên cứng cáp và trưởng thành.
Xin cho chúng con đừng nổi loạn trước thử thách,
nhưng biết nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá,
để nhẫn nại và giữ vững niềm hy vọng,
kể cả khi thấy Thiên Chúa vắng bóng, thinh lặng hay khoanh tay.
Ước gì thử thách làm chúng con ý thức sự bất lực của mình,
để tha thiết cầu xin và tín thác vào tình yêu Chúa.
Ước gì khi Chúa cho cơn thử thách chấm dứt,
chúng con lại thấy sự sống của Chúa chiến thắng vinh quang. Amen.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn, SCJ.)
Câu chuyện
Năm 1969 người ta khám phá ra hai ngôi mộ cổ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu của đôi vợ chồng quý phái thời trước Công nguyên. Đó là ngôi mộ của Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 trước Công nguyên và chồng của bà chết sau 9 năm. Khám phá đó làm cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời cổ đại trước Công nguyên được biểu lộ qua 2.800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.
Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư hại. Vì thế, chúng là bảo chứng cho sự trường sinh bất tử, nên bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch và chồng bà cũng được an táng trong một quan tài tương tự...
Luôn hy vọng trường sinh bất tử qua các lễ vật chôn theo, nhưng hai ngàn năm đã trôi qua vị công chúa và phò mã vẫn ở trong sự chết… được bao bọc bởi vàng bạc, ngọc thạch nhưng vẫn không thể có sự sống… Dù ở địa vị cao sang, vẫn là bị tù đày bởi nấm mồ và thần chết…
Suy niệm
Ladarô - người bạn của Chúa Giêsu đã chết, được gia đình an táng trong mộ. Ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào không còn hy vọng thoát ra: Ladarô cũng nằm trong quy luật đó.
Chúa Kitô đến thăm, Martha sầu khổ chia sẻ nỗi buồn của gia đình mình với Thầy và tuyên xưng niềm tin, niềm cậy trông vào Ngài là Đức Kitô hằng sống, dù niềm tin và hy vọng này leo lét như ánh lửa yếu ớt của một chút đèn dầu đã gần cạn, nhưng chị vẫn tin Thầy Giêsu là chủ sự sống.
Đức Giêsu ra lệnh: “Hỡi Ladarô, hãy đi ra”, Ngài mở cửa mộ của người chết và dõng dạc truyền cho Ladarô trỗi dậy bước ra. Mở cửa mộ cho Ladarô bước ra, Đức Giêsu cũng mở ra những chân trời mới cho đời sống con người…
Cửa mộ đã rộng mở, Đức Giêsu mở cánh cửa hy vọng: Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, mà được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi mà để sống, sống mãi, vì Chúa là “Sự sống” (x. Ga 11,25), “Ai tin sẽ sống đời đời” (x. Ga 11,26). Cho nên, con người không sinh ra để tàn lụi, để chôn vùi trong nấm mồ đau khổ mà để triển nở. Con người dù gặp và đối diện với đau khổ, nhưng không bị nó khuất phục mà dám đương đầu và xuyên qua nó với lời mời gọi và sức mạnh của Đức Kitô: Đấng là nguồn của sự sống. Như xuyên qua cái chết đến sự sống của Ladarô, như xuyên qua đau khổ để đến phục sinh tâm linh và đi vào cuộc đời với sức sống mới.
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta bị giam hãm trong nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi với bóng tối của sự chết, giam hãm trong gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đang đè nặng đời ta, để ta được sống.
Cuộc sống với những nấm mồ của bệnh tật, đau khổ, thất vọng, chán chường, người tín hữu có đức cậy trông vẫn giữ vững niềm tin hy vọng vào Chúa, chính Ngài mở và giải phóng chúng ta khỏi nấm mồ của thất vọng bệnh tật và nhất là nấm mồ của tội lỗi và thân phận nô lệ của bóng tối.
Như Ladarô trỗi dậy, tâm hồn tôi và bạn trong Mùa Chay thánh cũng được gọi trỗi dậy. Thật thế, như Ladarô, tâm hồn tôi và bạn đang bị cột chặt do tội lỗi, bởi những yếu đuối bất toàn, bởi sự thất vọng làm cho tôi như một thân xác vô hồn trong mộ kiên cố. Biết rằng sức mình có hạn, mà tự mình không thể giải cứu, nhưng Chúa đang đến kìa, hãy hướng về Ngài. Trong bí tích hòa giải, Ngài gọi tên tôi như gọi tên Ladarô: Hãy bước ra, để tôi trỗi dậy rời khỏi ngôi mộ tù túng và bước ra bắt đầu một cuộc sống mới bằng hồng ân thương xót và chữa lành của tình yêu Thiên Chúa.
Ý lực sống
“Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời” (Ga 11,25a.26).
bài liên quan mới nhất
- Ngày 03/01 - Hy sinh vì tha nhân (Ga 1,29-34)
-
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô (Ga 1,19-28) -
Ngày 1 tháng 1: Cuối tuần Bát nhật Giáng sinh - Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa (Lc 2,16-21) -
Ngày 31 tháng 12: Ngày thứ 7 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Ánh sáng chiếu soi giữa bóng tối (Ga 1,1-18) -
30 tháng 12: Ngày thứ 6 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Mẫu người thánh thiện (Lc 2,36-40) -
Chúa nhật trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Lễ Thánh Gia năm C (Lc 2,41-52) -
Ngày 28 tháng 12: Ngày thứ 4 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Kính Các thánh Anh hài (Mt 2,13-18) -
Ngày 26 tháng 12: Ngày thứ 2 trong tuần Bát nhật Giáng sinh: Thánh Stêphanô (Mt 10,17-22) -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) -
Ngày 23 tháng 12: Bàn Tay Thiên Chúa phù hộ (Lc 1,57-66)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)