Chúa nhật 7 Phục sinh năm C - Chúa Thăng Thiên (Lc 24,46-53)
Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.
Bài đọc 1: Cv 1, 1-11
Đức Giê-su được cất lên ngay trước mắt các ông.
Khởi đầu sách Công vụ Tông Đồ.
1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2 cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?” 7 Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”
9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11 và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”
Đáp ca: Tv 46, 2-3.6-7.8-9 (Đ. c.6)
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
2Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo !3Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
6Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.7Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,
đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta !
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
8Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.9Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.
Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.
Bài đọc 2: Hr 9, 24-28; 10, 19-23
Đức Ki-tô đã vào chính cõi trời.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
9 24 Thưa anh em, Đức Ki-tô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta. 25 Người vào đó, không phải để dâng chính mình làm của lễ nhiều lần, như vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài khác mà vào cung thánh. 26 Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình. 27 Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. 28 Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.
10 19 Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. 20 Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. 21 Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa. 22 Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền. 23 Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.
Tin mừng: Lc 24, 46-53
46 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
49 “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”
50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông.
51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.
52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Trước khi Ðức Giêsu Thăng Thiên, Ngài đã trao cho các môn đệ và mỗi người Kitô hữu chúng ta sứ mệnh truyền giáo. Ngài hứa sẽ luôn ở với chúng ta mãi mãi. Lời hứa của Chúa được thực hiện qua bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa và Thánh Thần của Ngài. Ðó là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng đời sống đức tin và sứ vụ của chúng ta. Sống kết hợp với Ðức Giêsu và thực thi lời Ngài, là chúng ta đang rao giảng Ngài cho anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi về trời, Chúa đã không có bỏ chúng con, nhưng Chúa hằng yêu thương nuôi dưỡng và ở lại với chúng con qua bí tích Thánh Thể. Chúa cũng luôn hướng dẫn dìu dắt chúng con qua Lời Chúa. Xin cho chúng con biết siêng năng đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể để nhờ đó, cuộc sống của chúng con luôn có Chúa đồng hành. Ðể cùng với Chúa, chúng con ra đi với anh em chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
LỄ THĂNG THIÊN C: CÁC CON LÀ CHỨNG NHÂN
A. DẪN NHẬP
Hôm nay lễ Chúa Giêsu lên trời kết thúc cuộc đời ở trần gian theo như những gì Kinh thánh đã tiên báo. Theo cái nhìn của thánh Luca, thì “Thời kỳ Israel” đã nhường chỗ cho “Thời kỳ Đức Kitô”. Giờ đây, “Thời kỳ của Đức Kitô” lại nhường chỗ cho “Thời kỳ của Giáo hội”.
Bài đọc Tin mừng trích trong tác phẩm cuối của Tin mừng Luca, chứa đựng trình thuật đầu tiên của Luca về biến cố lên trời. Ở đây Thăng thiên được trình bày như được xảy ra vào Chúa nhật phục sinh. Đức Chúa phục sinh cho các Tông đồ thấy Kinh thánh đã tiên báo về Đức Kitô phải chịu đau khổ và sống lại như thế nào (Lc 24, 48).
Khi hiện ra với các Tông đồ, Đức Giêsu đã trao cho các ông sứ vụ rao giảng Tin mừng bắt đầu từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất (Lc 24, 47) và phải làm chứng cho Ngài nơi muôn dân nước (Lc 24, 48). Đồng thời Ngài cũng hứa sẽ ban Chúa Thánh Thần đến cùng họ (Lc 24, 49). Sau khi đã căn dặn các môn đệ nhiều điều, Đức Giêsu lên trời trước mặt các ông. Họ vui mừng trở về Giêrusalem để chờ đợi Chúa Thánh Thần.
Lễ Thăng thiên được xem như đỉnh điểm của đời sống Đức Giêsu và là khởi điểm sứ vụ của Giáo hội. Do đó, mọi thành viên trong Giáo hội phải tích cực thi hành sứ vụ này bằng đời sống chứng nhân trước mặt mọi người.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Cv 1, 1-11
Khởi đầu sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết: sau khi sống lại Đức Giêsu tiếp tục hiện ra với các môn đệ trong 40 ngày và trước khi về trời, Ngài còn ban cho các ông những lời dạy cuối cùng.
- Đức Giêsu dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các môn đệ biết rằng sau khi đã chịu nạn chịu chết, Ngài vẫn còn sống.
- Ngài khuyên các ông hãy chờ đợi Chúa Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã hứa ban cho.
- Ngài còn trao cho các ông sứ mạng rao giảng Tin mừng để làm chứng cho Ngài trên khắp cùng thế giới.
+ Bài đọc 2: Ep 1, 17-23
Trong thư gửi cho tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô chúc cho các tín hữu được ơn khôn ngoan để lòng trí mở ra mà hiểu rõ đâu là niềm hy vọng mà họ đã nhận được.
Ngài còn cho biết: Chính Chúa Cha đã cho Đức Giêsu sống lại; chính Chúa Cha đã tôn vinh Đức Giêsu; cũng vẫn Chúa Cha đã đặt Đức Giêsu làm Chúa tể muôn loài, làm đầu Hội thánh. Chúng ta có thể đặt trọn niềm tin cậy ở Ngài.
+ Bài Tin mừng: Lc 24, 46-53
Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Phaolô đã nói và trong Tin mừng hôm nay còn nói lại:
- Những lời căn dặn cuối cùng: theo Sách thánh, Đức Kitô phải qua chịu nạn rồi mới tới phục sinh. Các môn đệ phải rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà Ngài sẽ ban cho.
- Đức Giêsu về trời: Luca đã dùng cách viết của loài người để tạm diễn tả việc Đức Giêsu thăng thiên. Ngài về trời có nghĩa là Ngài rời bỏ tình trạng hèn hạ của loài người mà trở về tình trạng vinh quang của một vị Thiên Chúa, nghĩa là Ngài chỉ thay đổi cách hiện diện.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Chứng nhân của Đức Kitô
I. ĐỨC GIÊSU VỀ CÕI TRỜI
Theo sách Tin mừng và Công vụ Tông đồ
Thánh Luca là tác giả sách Tin mừng và Công vụ Tông đồ. Theo sách Công vụ Tông đồ, chúng ta đọc thấy biến cố lên trời xảy ra vào ngày thứ 40 sau phục sinh. Trái lại, trong sách Tin mừng, Luca lại đặt biến cố này vào ngay chiều ngày phục sinh. Thực ra, sách Tin mừng có ý viết về sứ mạng của Đức Giêsu bắt đầu từ Galilê đến Giêrusalem, và sách Công vụ Tông đồ viết về sứ mạng của Giáo hội bắt đầu từ Giêrusalem đến toàn thế giới. Việc Đức Giêsu lên trời là cái bản lề giữa hai sứ mạng đó; hay nói cách khác, lúc Đức Giêsu lên trời là lúc Đức Giêsu bàn giao sứ mạng lại cho Giáo hội để tiếp tục công trình của Ngài.
Ý nghĩa việc lên trời
Việc lên trời của Đức Giêsu có hai ý nghĩa, đó là giai đoạn rao giảng của Đức Giêsu đã qua, đã chấm dứt và mở ra một kỷ nguyên mới cho Giáo hội.
Một giai đoạn đã qua
Ý nghĩa trọng đại của việc Đức Giêsu lên trời là sự cứu chuộc mà Ngài đã thực hiện cho loài người qua cái chết đền tội và sống lại của Ngài đã hoàn thành và viên mãn cho đến đời đời.
Đức Giêsu đã làm xong công việc cứu chuộc, đã hoàn thành sứ mạng Cha Ngài đã trao phó là cứu chuộc nhân loại tội lỗi, bằng chính cái chết đền tội trên thập giá và đã sống lại để cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài được sự sống đời đời. Sự cứu chuộc ấy đã hoàn toàn đầy đủ cho đến muôn đời. Và như vậy, đã chấm dứt thời kỳ mà niềm tin của các môn đệ đặt vào một Thầy bằng xương bằng thịt, vào sự hiện diện của thân thể Thầy. Từ nay, các môn đệ sẽ liên kết với một Đấng Thầy đời đời vượt thời gian và không gian.
Khởi đầu một kỷ nguyên mới
Kế hoạch của Thiên Chúa được ghi trong Sách thánh không chấm hết cùng với cái chết, phục sinh và lên trời vinh hiển của Đức Giêsu, mà còn tiếp tục trong Hội thánh. Sứ điệp Tin mừng được hoạch định “cho muôn dân”, được rao giảng bắt đầu từ Giêrusalem.
Một giai đoạn lịch sử cứu độ được hoàn tất. Mới kỷ nguyên mới được chuẩn bị, kỷ nguyên đi gieo rắc Tin mừng bắt đầu từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất.
Thật là nghịch lý! Đức Giêsu rời khỏi họ, thế mà họ không buồn phiền. Các môn đệ ra về trong sự vui mừng chứ không phải tấm lòng sầu muộn, vì họ biết rằng từ nay không có gì có thể ngăn cách mình với người Thầy của mình. Thánh Phaolô đã phát biểu: “Ai có thể phân cách chúng ta với tình yêu thương của Chúa Cứu thế?” Và Ngài khẳng định: “Tôi biết chắc chắn rằng bất kỳ sự sống, sự chết… chẳng có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi sự yêu thương mà Thiên Chúa đã thể hiện nơi Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35-38).
II. TRAO SỨ MẠNG RAO GIẢNG TIN MỪNG
Sứ vụ rao giảng Tin mừng
Đức Giêsu về trời vẫn giao sứ mạng cho các môn đệ và Giáo hội phải rao giảng Tin mừng: “Có lời Kinh thánh chép rằng: Đức Messia phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sẽ từ cõi chết trỗi dậy. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24, 46-47).
Khi Chúa về trời thì cũng là lúc các Tông đồ phải ra đi. Các ngài đi tuyên xưng niềm tin, tin vào Đấng đã chết nhưng nay đã phục sinh, đã chiến thắng tử thần và nay đang được tôn vinh. Người từ Cha mà đến và lại trở về với Cha.
Khi Chúa về trời thì cũng là lúc các Tông đồ phải xuống núi. Đi xây dựng một thế giới đầy tình yêu thương, huynh đệ, công bằng, văn minh; xứng với trời mới đất mới mà Chúa Con đã cứu chuộc để hiến dâng lên Cha.
Thật là vinh dự cho chúng ta được tiếp nối các Tông đồ đi rao giảng Lời Chúa, và làm chứng nhân cho Ngài. Nhưng đó cũng là một thách đố nặng nề, vì còn 80% cư dân trên hành tinh này chưa đón nhận Tin mừng.
Truyện: Hoàn thành tác phẩm
Nhạc sư sáng tác người Ý, Giacomo Puccini, để lại cho đời một số những tác phẩm ca nhạc kịch – Opera – rất nổi tiếng, chẳng hạn như La Bohême và Madame Butterfly. Năm 1922, lúc 64 tuổi, ông bị ung thư ác tính. Mặc dù cơn bệnh hành hạ thân thể, Puccini vẫn nhất định phải hoàn tất vở ca kịch Turandot mà bây giờ nhiều người đánh giá là vở ca kịch hay nhất của ông.
Ông làm việc ngày đêm. Nhiều người khuyên can ông phải nghỉ ngơi vì nghĩ rằng ông không thể nào hoàn tất vở ca kịch này được. Khi con bệnh trở nên trầm trọng, Puccini đã viết cho học trò của mình: “Nếu thầy không hoàn tất vở ca kịch Turandot được, thầy muốn các con tiếp tục công việc ấy cho thầy”.
Năm 1924, ngày số phận đã tới, khi Puccini sang Bỉ giải phẫu, ông qua đời hai ngày sau đó. Trở về Ý, các học trò của ông quy tụ nhau lại, mỗi người một tài năng khác nhau tiếp tục sáng tác vở ca kịch Turandot của thầy để lại. Sau khi nghiên cứu và làm việc với tất cả tâm hồn, họ đã hoàn tất vở ca kịch này.
Năm 1926, lần đầu tiên trên thế giới, vở ca kịch đã được trình diễn tại nhà hát ca kịch La Scala ở Milan. Vở này đã được điều khiển bởi người nhạc trưởng môn sinh rất được Puccini ưa thích, Arturo Toscanini. Tất cả mọi sự diễn tiến tốt đẹp cho đến khi dàn hoà tấu trình diễn tới khúc nhạc mà Puccini đã sáng tác dang dở. Những giọt nước mắt đã rơi xuống trên khuôn mặt của người điều khiển. Ông ngưng dàn nhạc lại, buông cây đũa điều khiển xuống, quay ra khán giả và nói lớn: “Nhạc sư đã viết đến đây, rồi ông qua đời”. Cả nhà hát im lặng một hồi lâu. Không ai nhúc nhích! Không một tiếng động! Hoàn toàn thinh lặng!
Sau vài phút, người nhạc trưởng cầm cây đũa điều khiển lên, quay ra khán giả, mỉm cười qua những giọt lệ rơi và nói lớn: “Nhưng các môn sinh của ông đã hoàn tất tác phẩm này”. Khi vở ca kịch Turandot kết thúc, cả nhà hát bùng lên tràng pháo tay như sấm nổ vang trời. Trong rạp hát không còn một con mắt nào khô ráo. Ai cũng rơi lệ và không ai có thể quên được giây phút ấy (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 190).
Rao giảng Tin mừng là sứ vụ Đức Giêsu đã trăn trối lại cho các môn đệ Ngài, cho Giáo hội nói chung và cho mỗi người chúng ta nói riêng. Trước khi xa cách con cái, Ngài đã để lại cho mỗi người chúng ta lời di chúc qua các Tông đồ: “Vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”.
Qua các thời đại, Giáo hội đã, đang và luôn mãi hăng hái, trung kiên thi hành sứ mạng đó. Mặc dầu Giáo hội luôn phải trải qua những giai đoạn khó khăn, bách hại, cấm cách, nhưng dân Chúa vẫn hiên ngang rao giảng và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tin mừng. Lòng can đảm, chí trung kiên đó đã cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải đơn phương chiến đấu, nhưng Chúa luôn đồng hành với mọi người như lời Ngài đã phán: “Thầy ở cùng các con mọi ngày đến tận thế”.
Rao giảng bằng cuộc sống
Có nhiều cách rao giảng Tin mừng, có người phải từ bỏ gia đình đi đến những miền xa, phải trèo non lặn suối, có khi phải liều mạng để rao giảng Tin mừng. Đây là những người có ơn kêu gọi đặc biệt, còn phần đông chúng ta chỉ có thể rao giảng trong môi trường cụ thể của mình, đó là rao giảng bằng đời sống. Đó chính là sống Lời Chúa Giêsu truyền dạy trong chính cuộc sống riêng của mỗi người. Để rao giảng Đức Giêsu cho thế gian, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tự rao giảng Ngài cho chính chúng ta trước. Có câu ngạn ngữ Trung Hoa như sau:“Tiên chánh kỳ tâm hậu tu kỳ thân,
Tiên tu kỳ thân hậu tề kỳ gia,
Tiên tề kỳ gia hậu trị kỳ quốc
Tiên trị kỳ quốc hậu bình thiên hạ”.
Tâm hồn có chân chính thì bản thân mới tốt đẹp,
Bản thân có tốt đẹp thì gia đình mới thuận hoà,
Gia đình có thuận hoà thì quốc gia mới thịnh trị,
Quốc gia có thịnh trị thì thế giới mới hoà bình.
Cũng thế, muốn rao giảng Đức Giêsu cho thế gian, chúng ta phải đưa Ngài vào chính cuộc sống chúng ta trước, sau đó lời rao giảng về Ngài mới toả lan khắp cùng thế giới. Nếu có đủ số người Kitô hữu biết đưa Đức Giêsu vào cuộc đời mình thì gợn sóng ấy sẽ biến thành cơn sóng thuỷ triều, rồi cơn thuỷ triều sẽ thay đổi bộ mặt trái đất thành tuyệt vời đến mức chúng ta chưa bao giờ dám mơ ước.
III. SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO CHÚA
Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Các con làm chứng về những điều ấy” (Lc 24, 48) tức là làm chứng cho chính Thầy.
Vậy làm chứng là gì? Làm chứng là nhận thức một sự kiện mà chính mình đã kinh nghiệm. Nói rõ hơn, làm chứng là chứng nhận bằng lời nói hay bằng hành động một sự việc đã xảy ra, một sự kiện có thật mà mình đã thấy, đã trải qua.
Còn chứng nhân hay người làm chứng, là kẻ nghe gì thì nói lại y như vậy, thấy sao thì thuật lại như vậy, rất đúng, rất trung thực. Ngược lại thì người ta gọi là phản chứng. Ở toà án, chứng nhân hay nhân chứng là người nói sự thật những điều tai nghe mắt thấy. Trong đời sống hằng ngày, chứng nhân là người sinh sống và hành động như mình biết, tin tưởng và xác tín.
Triết học dạy rằng: “Nhất chứng phi chứng, nhị chứng chứng quả”.
Tất cả những điều kể trên đã có quá hai người làm chứng, cách riêng là mười một môn đệ, cách chung là toàn dân đồng thời với Chúa, sau đó là chúng ta qua các môn đệ Ngài.
Hiểu như vậy, các Tông đồ là những chứng nhân đầu tiên về cuộc đời của Đức Giêsu, bởi vì các ngài đã đi theo Chúa, sống với Chúa gần ba năm trời, nhất là các ngài là những nhân chứng thấy tận mắt và sờ tận tay cái chết đau thương và sự phục sinh tỏ tường của Chúa.
Vì thế, Chúa muốn các ngài làm chứng cho Chúa. Bởi vì tất cả mọi mầu nhiệm, mọi tín lý, mọi chứng cứ về Đức Giêsu đếu bắt đầu và kết thúc ở mầu nhiệm phục sinh: phục sinh của Chúa Kitô và phục sinh của nhân loại. Hai việc phục sinh ấy liên kết chặt chẽ với nhau. Bởi vì có phục sinh tức là có sự tồn tại của con người và sự sống vĩnh cửu. Tất cả những điều đó chỉ có thực khi việc phục sinh của Chúa có thực. Do đó, làm chứng về sự sống lại của Chúa có nghĩa là làm chứng cho sự chiến thắng và vinh quang của Chúa. Cũng thế, làm chứng về sự sống lại của loài người có nghĩa là làm chứng về ơn cứu độ, sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc trường sinh của loài người.
Đến lượt chúng ta hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải là một chứng nhân. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Mỗi người giáo dân, trong bản chất, là một chứng nhân”. Bởi vì khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội, nhất là phép Thêm sức, là chúng ta đã được Chúa Kitô trao sứ mệnh làm chứng cho Ngài. Và tất cả chúng ta đã biết: cách thức làm chứng tốt nhất là đời sống tốt đẹp của chúng ta.
Truyện: Những gì tôi biết về Chúa Kitô
Sau đây là một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người tân tòng Công giáo và một người vô thần:
- Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?
- Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Đức Kitô.
- Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông ta, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta sinh ra trong quốc gia nào?
- Rất tiếc là tôi đã có học những chi tiết này trong một khoá giáo lý, nhưng tôi lại quên mất.
- Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi?
- Tôi không nhớ rõ lắm nên cũng không dám nói.
- Vậy anh có biết ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta?
- Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thực sự đi theo ông Kitô.
- Anh nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi trở về nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngong ngóng chờ đợi tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Đức Kitô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài… (Theo Parole de vie).
Trong tông huấn Evangelii nuntiandi, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói lên vai trò của chứng nhân trong cuộc sống như sau: “Do đó, chính với phẩm cách và đời sống mình, mà Giáo hội sẽ phúc âm hoá thế giới; nói cách khác, bằng sự “chứng tá” sống động về lòng trung thành của mình với Chúa Giêsu – chứng tá về sự khó nghèo và siêu thoát, về sự tự do khi đối đầu với các quyền lực trần gian – nói tóm lại, là chứng tá của sự thánh thiện” (Evangelii nuntiandi, đoạn 41),
IV. HÃY THEO CHÚA VỀ TRỜI
1. Quê hương chúng ta ở trên trời
Trước khi ra đi vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã khích lệ các Tông đồ: “Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với các con rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho các con. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến, và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó” (Ga 14, 1-3).
Tin tưởng như thế, thánh Phaolô cũng nói rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3, 20).
Nếu chúng ta biết Đức Giêsu của chúng ta đang ở trên trời thì lòng chúng ta phải hướng về đó. Không có nơi nào đáng yêu bằng nơi đó. Đó là nơi mà các bậc thánh đã yêu mến một quê hương tốt hơn – quê hương ở trần gian – mà các ngài gọi là quê hương trên trời.
Nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta phải nhìn nhận rằng: chúng ta đã quá bén rễ sâu vào cuộc sống trần gian, đã quá quyến luyến những thực tại chóng qua. Chúng ta đã chọn trái đất này làm quê hương vĩnh cửu và sẵn sàng bán rẻ linh hồn mình lấy một nắm tro bụi. Dân Do thái ngày xưa đã thờ lạy con bò vàng thế nào thì hôm nay con người cũng đang đi vào con đường ấy.
2. Điều kiện để về trời
Đức Giêsu phán: “Không phải những ai cứ kêu Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà được vào Nước trời, mà chỉ những ai làm theo thánh ý của Cha Ta” (Mt 7, 21-23; Lc 6, 46; 13, 26-27).
Nước trời hay thiên đàng là phần thưởng cho những ai đã cố gắng thi hành theo thánh ý Chúa. Như thế, Chúa không cho phép chúng ta tự rút mình ra khỏi các công tác, các hoạt động thuộc về đời này, chẳng làm gì ngoài việc chiêm ngắm cõi đời mà thôi!
Thánh Phaolô đã vạch ra một loạt các nguyên tắc để giúp người Kitô hữu tiếp tục công việc ở đời này và duy trì một mối liên hệ bình thường với thế gian này. Nhưng phải có chỗ khác biệt là từ nay trở đi, Kitô hữu phải nhìn nhận mọi sự trong ánh sáng, trong bối cảnh là cõi đời đời. Nghĩa là người ấy sẽ không sống dường như đời này là tất cả những gì mình quan tâm, nhg phải đặt thế gian này trong bối cảnh của cõi sống đời đời.
Vậy những ai xác tín rằng quê hương đích thực của đời mình là ở trên trời cao thì trước hết và trên hết hãy quy hướng tất cả mọi sự trong cuộc sống, vận dụng mọi hoàn cảnh về nơi đó, để cố gắng chiếm đoạt cho bằng được dù phải trả bất cứ giá nào. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là phải chạy trốn khỏi cuộc sống khốn khổ này, trái lại phải vui tươi, can đảm chu toàn mọi trách nhiệm, bổn phận mà Chúa đã giao phó cho mỗi người với điều kiện đừng để cho bản thân, gia đình, của cải, danh lợi làm chủ, điều khiển đến độ quên hết đời sau.
Chúng ta hãy bắt chước các Tông đồ khi chia ly với Thầy mình thay vì buồn sầu, chán nản, các ngài hớn hở vào đời làm nhiệm vụ được giao phó vì các ngài thâm tín rằng phải sống ở trần gian một ít lâu, nhưng hy vọng chắc chắn đợi ngày tái ngộ với Thầy mình trên quê trời.
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
ĐƯỢC ĐEM LÊN TRỜI
Lễ Chúa Thăng Thiên là một lễ trọng cho loài người.
Thân xác của Chúa Giêsu đã chết, nhưng được phục sinh.
và bắt đầu được hưởng vinh quang thiên quốc.
Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ nhiều lần
để củng cố đức tin và dạy dỗ họ (Cv 1, 3).
Rồi có một ngày, Ngài nói lời chia tay.
Từ nay Ngài sẽ không hiện ra với họ nữa.
Ngài về với thế giới của Thiên Chúa Cha.
Giờ đây Ngài mới được hưởng vinh quang trọn vẹn
khi ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.
Lễ Chúa Thăng Thiên là một lễ trọng cho loài người,
vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người,
đã vào Nước Trời với thân xác phục sinh của mình,
với toàn bộ nhân tính đã được biến đổi của mình.
Giờ đây trong thế giới của Thiên Chúa,
có sự hiện diện của một người anh em với chúng ta,
đó là Chúa Giêsu phục sinh với những dấu đinh.
Ngài là con người đầu tiên được vào Nước Trời.
Ngài là Đầu, mở cửa cho cả nhân loại đi vào Nước Cha.
Mừng kính lễ Chúa Thăng Thiên
là mừng sự thành tựu của một con người mang tên Giêsu.
Giêsu ấy có thân xác như ta, sống phận người long đong,
nhọc nhằn loan báo Tin Mừng cho người nghèo,
và cuối cùng chết thảm thiết trên thập giá.
Giêsu ấy đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh,
và trở nên niềm hy vọng cho những ai đang vất vả ở đời.
Chúng ta tin đời mình sẽ có một kết cục tươi tắn,
sẽ có một chỗ bên cạnh Giêsu, Đấng mình đã tin và theo.
Chúa Giêsu về trời cả hồn lẫn xác,
nên lễ Chúa Thăng Thiên là lễ tôn vinh thân xác con người.
Thế giới tiến bộ mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật
nhưng thân xác lại bị coi khinh dưới muôn ngàn cách thức.
Chính khi đòi tự do cho thân xác,
người ta lại làm thân xác thành nô lệ.
Những cuộc chiến, những xung đột, những ích kỷ,
đã cướp đi biết bao mạng sống con người.
Cả những thai nhi cũng bị từ chối quyền sống.
Thân xác không còn là Đền Thờ của Thánh Thần (1 Cr 6, 19).
Thân xác ô uế, không còn là chi thể của Đức Kitô (1 Cr 6, 15).
Chúa Giêsu về trời sau khi đã hoàn thành sứ mạng Cha trao.
Ngài khép lại một Giai đoạn của lịch sử cứu độ,
và Ngài mở ra một Giai đoạn mới cho Giáo Hội.
Các môn đệ phải trở nên những chứng nhân của Ngài.
Nhân danh Ngài, họ phải đi rao giảng cho mọi dân tộc,
mời gọi người ta hối cải để được ơn tha thứ (Lc 24, 47).
Như thế, các môn đệ sẽ tiếp nối công việc của Thầy.
Thầy đã làm cuộc xuất hành lên Giêrusalem,
họ cũng phải làm cuộc xuất hành từ Giêrusalem
đến mọi miền trên thế giới.
Như Thầy Giêsu, họ sẽ không tránh khỏi từ bỏ mình,
chịu nhục nhã, khổ đau, và cái chết (Lc 9, 23).
Điều khiến họ vững tâm là Thánh Thần:
“Thầy sẽ gửi lời hứa của Cha Thầy trên anh em” (Lc 24, 49).
Như thế Thánh Thần là quà của Cha, do Chúa Giêsu gửi đến.
Chúa Giêsu khuyên các ông cứ ở lại Giêrusalem,
để chờ đợi biến cố lớn lao này,
biến cố khiến họ được mặc lấy sức mạnh từ trên cao.
Mừng lễ Chúa về trời trong vinh quang,
chúng ta hiểu trần gian chỉ là trạm dừng chân.
Ta sống trên đời như khách hành hương về quê thật.
Thanh thoát với mọi hấp dẫn mê hoặc của trần thế,
bình tâm sử dụng mọi sự như phương tiện đưa ta về…
Chúng ta quý trần gian vì qua đó mới vào được Nước Trời.
và muốn trần gian này thành hình bóng của thiên quốc.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa,
Con người hôm nay chênh vênh giữa trời cao và vực thẳm,
Chúa đã cho chúng con tự do để chọn
giữa thiện và ác,
giữa đồng cảm và vô cảm,
giữa chân lý và dối trá.
giữa tha thứ và hận thù,
giữa hiệp nhất và chia rẽ.
Chúa đã được giương cao khỏi mặt đất,
và Chúa hứa sẽ kéo mọi người lên.
Vậy mà chúng con hôm nay vẫn còn chênh vênh!
Cuộc đời này có bao điều hút chúng con xuống,
khiến chúng con cứ bị giằng co nghiêng ngả.
Xin giúp chúng con buông bỏ những đam mê trần tục,
để dám chọn điều Chúa đã chọn trên Thánh Giá:
chọn khó nghèo, nhục nhã, chọn tự hạ, khổ đau.
Nhờ sức mạnh cứu độ của Thánh Giá Chúa,
xin đưa chúng con ra khỏi thế đứng chênh vênh
để trọn vẹn thuộc về Chúa.
Sr. Augusta
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy