Chúa nhật 7 Phục sinh năm B (Mc 16,15-20) - Chúa Thăng Thiên - Niềm hy vọng Nước Trời

Chúa nhật 7 Phục sinh năm B (Mc 16,15-20) - Chúa Thăng Thiên - Niềm hy vọng Nước Trời

Chúa nhật 7 Phục sinh năm B (Mc 16,15-20) - Chúa Thăng Thiên - Niềm hy vọng Nước Trời

“Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông
và được đem lên trời”. (Lc 24,51)

Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11

“Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.

Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng ?” Người bảo họ rằng: “Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời ? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.

Đó là Lời Chúa.

 

Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23

“Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”.

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

Đó là Lời Chúa.

 

Tin mừng: Mc 16,15-20

15Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.

17Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao.18 Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.\

 

Giáo lý cho bài giảng Lễ Chúa Thăng Thiên năm B 

WHĐ (10.05.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của Lễ Chúa Thăng Thiên năm B theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 659-672, 697, 792, 965, 2795: Cuộc Thăng Thiên của Chúa Giêsu

Số 659. “Sau khi nói với họ, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Thân thể Đức Kitô đã được vinh hiển ngay khi Người sống lại; điều này được chứng tỏ qua các đặc tính mới và siêu phàm mà thân thể của Người được hưởng từ đó và mãi mãi về sau[1]. Nhưng trong bốn mươi ngày, khi Người ăn uống thân mật với các môn đệ của Người[2], và dạy dỗ họ về Nước Trời[3], thì vinh quang của Người vẫn còn được che giấu dưới những nét của một nhân tính thông thường[4]. Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu được kết thúc bằng việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang thần linh một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây[5] và trời[6], nơi từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa[7]. Một cách ngoại lệ và duy nhất, Người sẽ tỏ mình ra cho thánh Phaolô “như cho một đứa trẻ sinh non” (1 Cr 15,8) và trong lần cuối cùng này, Người đặt ông làm Tông Đồ[8].

Số 660. Tính chất còn che giấu của vinh quang của Đấng Phục Sinh trong thời gian này được soi sáng qua những lời bí nhiệm Người nói với bà Maria Magđalêna: “Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’” (Ga 20,17). Điều này nói lên sự khác biệt của việc biểu lộ giữa vinh quang của Đức Kitô phục sinh và vinh quang của Đức Kitô được tôn vinh bên hữu Chúa Cha. Biến cố Lên Trời, vừa có tính lịch sử đồng thời vừa có tính siêu việt, đánh dấu sự chuyển đổi từ vinh quang này đến vinh quang kia.

Số 661. Bước cuối cùng này vẫn liên kết chặt chẽ với bước đầu tiên, nghĩa là với việc từ trời xuống thế, được thực hiện trong việc Nhập Thể. Chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”: đó là Đức Kitô[9]. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13)[10]. Nhân loại, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được “Nhà Cha”[11], không thể đạt tới sự sống và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”[12].

Số 662. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Việc bị giương cao trên thập giá có ý chỉ và loan báo việc được đưa lên trời của mầu nhiệm Thăng Thiên. Thập giá là khởi đầu của Thăng Thiên. Chúa Giêsu Kitô, vị Thượng Tế duy nhất của Giao Ước mới và vĩnh cửu, “đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra… nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Trên trời, Đức Kitô thực thi chức tư tế của Người một cách thường hằng, “Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” “nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa” (Dt 7,25). Với tư cách là “Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (Dt 9,11), Người là trung tâm và là chủ sự của phụng vụ tôn vinh Chúa Cha trên trời[13].

Số 663. Đức Kitô, từ nay, ngự bên hữu Chúa Cha: “Khi nói rằng Người ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta muốn nói đến danh dự và vinh quang của thần tính, trong đó Con Thiên Chúa, với tư cách là Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha, đã hiện hữu từ trước muôn đời, nay sau khi trở thành xác phàm, Người ngự một cách có thể nói được là thể lý, với thân thể Người đã đảm nhận, trong chính vinh quang đó”[14].

Số 664. Việc Đức Kitô ngự bên hữu Chúa Cha có nghĩa là sự khai mạc Nước của Đấng Messia, sự hoàn thành thị kiến của tiên tri Đaniel về Con Người: “Người được trao cho quyền thống trị, vinh quang và Nước; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Nước Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7,14). Kể từ lúc ấy, các Tông Đồ trở thành chứng nhân của “Nước sẽ không bao giờ cùng”[15].

Số 665. Cuộc Thăng Thiên của Đức Kitô đánh dấu việc nhân tính của Chúa Giêsu vĩnh viễn tiến vào quyền năng thiên giới của Thiên Chúa, từ đó Người sẽ lại đến[16], nhưng trong khoảng thời gian đó, việc Thăng Thiên đã che giấu Người khỏi mắt người ta[17].

Số 666. Chúa Giêsu Kitô, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người.

Số 667. Chúa Giêsu Kitô, đã tiến vào cung thánh trên trời một lần cho mãi mãi, không ngừng chuyển cầu cho chúng ta với tư cách là Đấng trung gian, Đấng luôn luôn tuôn ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta.

Đức Kitô đã hiển trị nhờ Hội Thánh…

Số 668. “Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,9). Việc Đức Kitô lên trời cho thấy nhân tính của Người cũng được tham dự vào quyền năng và uy quyền của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Chúa: Người nắm mọi quyền bính trên trời dưới đất. Người “vượt trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được” vì Chúa Cha “đã đặt tất cả dưới chân Người” (Ep 1,20-22). Đức Kitô là Chúa của tất cả vũ trụ[18] và của lịch sử. Nơi Người, lịch sử của con người, kể cả toàn bộ công trình tạo dựng, tìm gặp được “nơi quy tụ” của mình[19], tột đỉnh siêu việt của mình.

Số 669. Là Chúa, Đức Kitô cũng là Đầu Hội Thánh, Thân Thể của Người[20]. Được đưa lên trời và được tôn vinh sau khi chu toàn sứ vụ, Đức Kitô vẫn hiện diện nơi trần thế trong Hội Thánh của Người. Công trình cứu chuộc là nguồn mạch của quyền bính mà Đức Kitô thực thi trong Hội Thánh bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần[21]. “Nước của Đức Kitô đã hiện diện một cách mầu nhiệm”[22] trong Hội Thánh, là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Trời nơi trần thế”[23].

Số 670. Khởi từ cuộc Thăng Thiên, kế hoạch của Thiên Chúa bước vào giai đoạn hoàn thành. Chúng ta đang sống trong “giờ cuối cùng” (1 Ga 2,18)[24]. “Quả vậy, những thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta và sự canh tân trần gian đã được thiết lập một cách không thể đảo ngược, và trong thời đại này sự canh tân đó đã được tiền dự một cách hiện thực nào đó: thật vậy, Hội Thánh nơi trần gian được ghi dấu bằng sự thánh thiện thật, tuy còn bất toàn”[25]. Nước Đức Kitô đã biểu lộ sự hiện diện của mình nhờ những dấu chỉ kỳ diệu[26] đi kèm theo việc loan báo Nước đó nhờ Hội Thánh[27].

... cho tới khi mọi sự quy phục Người

Số 671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[28] do việc Vua ngự đến trần gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[29], mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới khi mọi sự quy phục Người[30], “cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên Chúa”[31]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[32], để Đức Kitô mau lại đến[33], bằng cách thưa với Người: “Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[34].

Số 672. Đức Kitô, trước cuộc Thăng Thiên của Người, đã khẳng định rằng chưa đến giờ Người thiết lập Nước của Đấng Messia một cách vinh hiển mà Israel mong đợi[35], Nước đó phải mang lại cho mọi người, theo lời các tiên tri[36], một trật tự vĩnh viễn của công lý, của tình yêu, và của hoà bình. Thời gian hiện tại, theo Chúa, là thời gian của Thần Khí và của việc làm chứng[37], nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng nỗi khó khăn hiện tại[38] và bằng sự thử thách của sự dữ[39], thời gian này không buông tha Hội Thánh[40], và khởi đầu cuộc chiến của những ngày sau cùng[41]. Đây là thời gian của sự mong đợi và tỉnh thức[42].

Số 697. Áng mây và ánh sáng. Hai biểu tượng này là không thể tách biệt trong các cuộc tỏ hiện của Chúa Thánh Thần. Trong các cuộc thần hiện thời Cựu Ước, áng mây khi mờ tối, khi chói sáng, vừa mạc khải Thiên Chúa hằng sống và cứu độ, vừa che khuất sự siêu việt của vinh quang Ngài; với ông Môisen trên núi Sinai[43], trong Lều Hội Ngộ[44] và suốt cuộc hành trình trong hoang địa[45]; với vua Salômôn dịp cung hiến Đền Thờ[46]. Rồi những hình ảnh này được Đức Kitô hoàn thành trong Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần ngự đến trên Đức Trinh Nữ Maria và “phủ bóng” trên Bà, để Bà thụ thai và hạ sinh Chúa Giêsu[47]. Trên núi Hiển Dung, chính Chúa Thánh Thần đến trong đám mây bao phủ Chúa Giêsu, ông Môisen và ông Êlia, cùng với các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, và “từ đám mây có tiếng phán rằng: ‘Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người’” (Lc 9,35). Cuối cùng, cũng chính đám mây này “quyện lấy Chúa Giêsu khuất mắt” các môn đệ trong ngày Thăng Thiên[48] và sẽ mạc khải Con Người trong vinh quang của Người vào ngày Người ngự đến[49].

Số 792. Đức Kitô là “Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18). Người là Nguyên Lý của cả công trình tạo dựng và công trình cứu chuộc. Khi được siêu thăng vào trong vinh quang của Chúa Cha, “Người đứng hàng đầu trong mọi sự” (Cl 1,18), nhất là trong Hội Thánh, và qua Hội Thánh, Người mở rộng Nước của Người trên mọi sự.

Số 965. Đức Maria, sau cuộc Thăng thiên của Con mình, “đã trợ giúp Hội Thánh sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình”[50]. Cùng với các Tông Đồ và một số người phụ nữ khác, “chúng ta thấy … Đức Maria cũng dùng lời cầu nguyện của mình mà khẩn cầu hồng ân là Thần Khí, Đấng đã phủ bóng trên ngài trong ngày Truyền tin”[51].

Số 2795. Thuật ngữ “ở trên trời” hướng chúng ta đến mầu nhiệm Giao ước mà chúng ta đang sống, khi chúng ta cầu nguyện với Cha chúng ta. Ngài “ở trên trời”, đó là nơi Ngài ngự, là nhà của Cha, nên cũng là “quê hương” của ta. Tội lỗi đã khiến chúng ta bị lưu đày xa miền đất Giao ước[52], còn hối cải tâm hồn sẽ dẫn đưa chúng ta trở về cùng Cha “ở trên trời”[53]. Quả vậy, trời đất được giao hòa trong Đức Kitô[54], bởi vì chỉ có Chúa Con đã “từ trời xuống”, và chính Người đã dẫn đưa chúng ta lên trời với Người, nhờ thập giá, sự Phục sinh và Thăng thiên của Người[55].

 

Bài giảng Đức Thánh Cha - Lễ Chúa Thăng Thiên năm B

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (16.05.2021) - Chúa thăng thiên là niềm vui của chúng ta

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (13.05.2018) - Khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (20.05.2012) - Đất được nối liền với Trời

 

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Ðức Giêsu đã trao cho các môn đệ nhiệm vụ trọng đại: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”

Trước khi xa nhau, người ta thường trao tặng nhau những lời nói, nhưng kỷ niệm thân thương và quý trọng nhất. Sứ vụ rao giảng Tin Mừng được lãnh nhận từ Cha, giờ đây trước khi về cùng Cha. Ðức Giêsu lại trao gởi nơi những môn đệ thân tín để tiếp nối sứ vụ của Ngài: đem tình yêu đem sự sống đến cho mọi loài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, là những Kitô hữu, là những môn đệ của Ngài nhưng có bao giờ chúng con ý thức được nhiệm vụ Chúa trao cho chúng con là cần kíp đâu ? Cuộc sống của chúng con cứ xoay quanh: cơm - áo - bạc- tiền. Còn việc rao giảng Tin Mừng, con tưởng là nhiệm vụ của hàng Giám Mục và các Tu Sĩ. Xin cho chúng con ý thức lại cuộc sống và việc làm của chúng con, là những phương cách hữu hiệu nhất đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Ước gì mỗi ngày cuộc sống của chúng con là chứng từ sống động nhất đem tình yêu của Chúa đến với tha nhân. Amen.

Ghi nhớ: “Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”.

 

2. Suy niệm (ĐGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất. Nhưng không phải thế. Hôm nay, Chúa Giêsu lên trời là một bằng chứng cho niềm hy vọng của ta.

Việc Chúa Giêsu lên trời bảo cho ta biết rằng ngoài trái đất còn có trời. Ngoài cõi nhân sinh nhỏ hẹp còn có cõi thần linh bao la. Ngoài cuộc sống trần gian mau qua còn có cuộc sống thiên đàng vĩnh cửu.

Chúa Giêsu về trời là niềm hy vọng cho ta. Mai sau ta cũng sẽ được về trời với Người. Vì chính Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy.”

Chúa Giêsu đã liên kết ta thành một thân thể với Người. Người là đầu. Chúng ta là chi thể. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng sẽ tiến đến đấy.

Chúa Giêsu dạy ta biết rằng ta là con của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Con sẽ được ở trong nhà cha mẹ. Chúng ta sẽ được ở nhà Cha trên trời là tự nhiên.

Tuy nhiên Chúa Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đức Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian. Nhiệm vụ đó là loan báo cho mọi người biết Chúa là Cha yêu thương mọi người. Nhiệm vụ đó là làm chứng về tình yêu thương của Cha đối với mọi người.

Hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ đó lại cho ta. Ta phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người. Đem niềm hy vọng đến cho kiếp người.

Với niềm hy vọng đó, người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi. Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Niềm hy vọng đó đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

KHỞI ĐIỂM CHO MỘT KỶ NGUYÊN MỚI
+++

A. DẪN NHẬP

Hôm nay Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm vinh quang Chúa lên trời. Thực sự, Chúa đã lên trời vinh quang ngự bên hữu Cha Ngài ngay khi sống lại mà ta không cảm nghiệm được. Ngày lễ hôm nay kết thúc cuộc sống trần gian của Đức Giêsu trước sự chứng kiến của các môn đệ. Đức Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài rời bỏ chúng ta, trái lại, Ngài còn hiện diện hơn lúc nào hết giữa chúng ta ngay từ hôm nay: “Thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúa về trời nhưng Ngài muốn Giáo hội - là cánh tay nối dài của Ngài - tiếp nối công cuộc cứu chuộc của Ngài cho đến ngày tận thế. Nếu Chúa nói với các môn đệ ngay vào lúc từ giã họ: “Các con hãy là những chứng nhân của Thầy cho toàn thế giới” (Cv 1, 8) thì ngày nay Giáo hội cũng phải là chứng nhân trung thành của Ngài trong việc rao giảng Tin mừng, đem Chúa đến cho mọi người mọi nơi trên thế giới.

Ngoài ra, Thánh lễ hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta hướng lòng về trời là quê hương của chúng ta, nơi mà Đức Giêsu đã dọn sẵn và đang đón chờ chúng ta. Nhưng muốn về trời ta phải cố gắng sống đời chứng nhân cho tốt và chu toàn nhiệm vụ của mình theo thánh ý Chúa.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 1.1-11

Thánh Luca mở đầu sách Công vụ Tông đồ bằng cách tường thuật lại cho ông Thêôphilê việc Đức Giêsu trước khi giã biệt các Tông đồ đã trao ban cho họ những huấn lệnh cuối cùng và trọng trách tiếp nối công cuộc cứu độ của Ngài cho thế giới. Ngài còn hứa sẽ hiện diện với các ông cho đến ngày tận thế.

Ngày Đức Giêsu về trời không phải là kết thúc công việc của Ngài, nhưng việc Ngài về trời là một khúc quặt trong lịch sử cứu độ. Ngày Chúa về trời là một trang sử mới bắt đầu: Lịch sử của hoạt động Đức Giêsu hiện diện trong thế giới và Giáo hội cùng với sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần.

Vâng theo lời căn dặn của Đức Giêsu phục sinh, các Tông đồ họp lại trong nhà Tiệc ly để đón nhận lời Ngài đã hứa: Chúa Thánh Thần hiện xuống. Vì chưa nhận lãnh Chúa Thánh Thần nên các Tông đồ chưa hiểu rõ những lời giảng dạy của Chúa, nhưng các ông sẽ hiểu rằng các ông được Chúa Kitô tuyển chọn, để trở thành những chứng nhân của Ngài cho đến tận cùng thế giới.

+ Bài đọc 2: Ep 1, 17-23

Thần khí khôn ngoan mà thánh Phaolô cầu xin cho các tín hữu Êphêsô phải soi lòng mở trí họ “hiểu biết” kế hoạch của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Không ai có thể tuyên xưng lời tối thượng của Đức Kitô mà không thán phục quyền năng lạ lùng của Thiên Chúa được biểu dương nơi Đấng chịu đóng đinh. Chính quyền năng ấy từ nay sẽ được thi thố nơi loài người để tạo nên một thân thể có Đức Kitô là Đầu và đạt đến sự viên mãn mà nhân loại hằng tìm kiếm. Tin vào ưu thế tuyệt đối của Đức Kitô, chính là ngay từ bây giờ góp phần vào sứ mạng của Hội thánh, là biết nhìn nhận một ý nghĩa và một nội dung cho niềm hy vọng. Trong viễn tượng này, mầu nhiệm Thăng Thiên làm cho ta hiểu rằng cùng với Đức Kitô, một kỷ nguyên mới đang được mở ra cho nhân loại. (Jean Frisque, Hướng dẫn gặp gỡ Lời Chúa mỗi ngày, tr 124)

+ Bài Tin mừng: Mc 16, 15-20

Trước khi về trời, Đức Giêsu còn hiện ra với mười một Tông đồ để dạy dỗ các ông những điều sau cùng. Thánh Luca thuật lại những nét chính yếu về các huấn lệnh và chỉ thị của Đức Giêsu cho các ông. Theo đó, Đức Giêsu nhắc nhở cho các ông hai điều:

a) Ngài sai các ông loan báo Tin mừng: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loại thọ tạo”.

b) Tin cậy giao phó cho các ông sứ mạng này, Đức Giêsu bảo đảm với các ông rằng Ngài sẽ mãi mãi trợ giúp họ, tăng cường lời giảng dạy của họ bằng những đặc sủng: làm phép lạ như trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm rắn trong tay, chữa bệnh...

Các Tông đồ vâng lời Thầy, đi khắp nơi loan báo Tin mừng, và những lời hứa đã thành sự thật: “Có Chúa cùng hành động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo” (Mc 16, 20).

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Sứ mạng loan báo Tin mừng

I. CHÚA GIÊSU VỀ TRỜI

1. Sự kiện

Sau khi sống lại, Đức Giêsu còn ở lại trần gian 40 ngày, hiện ra với các môn đệ, dạy dỗ các ông nhiều điều mà trước đó Ngài chưa có thời giờ dạy hết. Hôm nay thánh sử Marcô cho chúng ta biết: “Sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16, 19).

Bài Tin mừng Thánh lễ hôm nay của thánh Marcô thuật lại việc trước khi chấm dứt sứ mạng ở trần gian để về trời, Đức Giêsu đã trao cho các tông đồ sứ mạng tiếp tục công việc của Ngài là rao giảng Tin mừng cho muôn dân.

2. Ý nghĩa việc lên trời

Việc Đức Giêsu lên trời có hai ý nghĩa hay có hai cách hiểu:

- Khi sống lại Đức Giêsu đã được tôn vinh. Cuộc tôn vinh đó đã được diễn ra chính vào lúc Chúa sống lại, Chúa lên trời ngay, giác quan không thể cảm nghiệm được, chúng ta chỉ có thể nhận thức bằng con mắt đức tin. Và sau đó, Chúa đã hiện ra với các Tông đồ nhiều lần để củng cố niềm tin của họ trong một thời gian mà sách Công vụ Tông đồ xác định là 40 ngày.

- Nhưng có một dữ kiện thứ hai có tính cách lịch sử, cảm nghiệm được dựa trên chứng cứ của những người tai nghe mắt thấy, như thánh Luca cho biết: “Vài tuần sau lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đã “được đưa lên trời” trước mặt các môn đệ”.

Mầu nhiệm lên trời kêu gọi chúng ta nhìn nhận hai khía cạnh liên hệ nhưng riêng biệt nhau: Một bên là Đức Kitô được vinh quang ngay lúc Ngài sống lại; một bên là Đức Kitô ra đi sau một thời gian hiện ra nhiều lần. Đó là cuộc ra đi trở về với Chúa Cha mà các Tông đồ được chứng kiến trên núi Cây Dầu. Vì thế, thánh Augustinô đã nói: “Đức Kitô trở về nơi tối cao, nhưng vẫn ở lại với chúng ta. Và cũng như chúng ta, chúng ta ở dưới đất nhưng chúng ta đã ở bên Ngài”.

3. Trao phó sứ mạng loan báo Tin mừng

Trước khi “lên trời” không còn hiện diện hữu hình với các môn đệ, Đức Giêsu trao sứ mạng cho họ. Đức Giêsu, Đấng chỉ mới loan báo Tin mừng trong giới hạn là nước Israel, nay Ngài ủy thác cho các môn đệ nối tiếp sứ mạng loan báo của Ngài là loan báo Tin mừng khắp cùng trái đất. Vì thực hiện theo mệnh lệnh của Đức Giêsu nay đã ở trong vinh quang của Chúa Cha, các môn đệ sẽ có thể làm những gì mà xưa kia chính Đức Giêsu chưa làm được: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14, 12). Việc hơn ấy là nay họ sẽ ra đi loan báo Tin mừng khắp thế giới.

Vì thế, việc rao giảng của các Tông đồ phải mang lại cùng hiệu quả giống như việc rao giảng của Đức Giêsu. Ngài ban cho các ông nhiều quyền năng làm phép lạ. Nhưng chúng ta không nên hiểu từng chữ về câu nói rằng: “Các Tông đồ có thể cầm được rắn trong tay và uống thuốc độc mà vẫn không sao”. Theo tâm lý của người Trung Đông, lối nói cường điệu được người ta chấp nhận như một cách thức nhấn mạnh đến một điểm – thông qua quyền năng của Đức Giêsu, các môn đệ sẽ chiến thắng được tất cả mọi sự dữ.

 

II. TA Ở LẠI DƯỚI ĐẤT

1. Chúa muốn ta tiếp tục công cuộc cứu rỗi

Đức Giêsu muốn dùng Hội thánh cũng như chúng ta như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Ngài, nghĩa là Hội thánh như một nối dài của Đức Giêsu. Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã đi lại, đã nói, đã làm nhiều điều tốt đẹp cho người ta. Ngày nay, Ngài cũng muốn cho các hành động của Ngài được tiếp tục qua Giáo hội.

Sứ mệnh của Đức Giêsu là một sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó cần được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi trao phó sứ mạng đó cho Giáo hội, Đức Giêsu muốn nó được thực thi trong một khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo hội mà Đức Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống và dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.

2. Chúng ta chia sẻ công cuộc cứu rỗi ấy

Đức Giêsu không bảo các môn đệ là hãy cứ ngồi chờ đó, mọi thọ tạo sẽ đến với các con! Không. Ngài bảo: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loại thọ tạo”.

Đức Giêsu nhấn mạnh cho các môn đệ một tư tưởng là: hãy loan báo tin mừng cho “mọi loài thọ tạo”.

- Thọ tạo nghĩa là được Thiên Chúa dựng nên. Mọi loài thọ tạo là tất cả những gì được Thiên Chúa tạo dựng nên. Không phải chỉ là loài người, mà còn là loài động vật, đất đai, sông núi, bầu trời, tinh tú... Tóm lại là tất cả.

- Trong tất cả mọi loài đó, chỉ có loài người là vừa nghe vừa hiểu vừa cảm được. Cho nên loan báo Tin mừng cho loài người là có thể. Còn loan báo Tin mừng cho những loài khác, thì làm sao mà làm được? Tôi nghĩ ra rằng tuy những loài ấy không thể đón nhận Tin mừng theo cách của loài người đón nhận, nhưng chúng cũng có thể hưởng nhờ lợi ích của những giá trị Tin mừng. Chính vì thế mà có những lời hô hào làm đẹp thiên nhiên, bảo vệ sinh vật, giữ sạch bầu khí quyển, bảo vệ môi trường v.v.

- Rốt cuộc, loan báo Tin mừng mang một chiều kích rất bao la. Loan báo Tin mừng là sống vui bằng niềm tin của mình giữa mọi người khác, giữa thiên nhiên và giữa vũ trụ; đồng thời làm cho tất cả chung quanh mình đều tốt đẹp, vui tươi (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 271).

 

3. Phương cách loan báo Tin mừng

a) Loan báo trực tiếp hay gián tiếp

Có những người trực tiếp đi rao giảng Tin mừng cho người ta, ví dụ các nhà truyền giáo chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, các linh mục, họ có thể loan báo một cách trực tiếp. Còn hầu hết mọi người chúng ta không có khả năng loan báo trực tiếp, mà chỉ bằng cách gián tiếp nhưng rất hữu hiệu như cầu nguyện, tham gia các hội đoàn, nâng đỡ các nhà truyền giáo, đóng góp vào quỹ truyền giáo, nhất là bằng gương sáng.

b) Loan báo bằng cách sống đời thường

Chỉ có một cách loan báo Tin mừng thích hợp với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, đó là loan báo bằng cách sống đời thường với châm ngôn: “Các con là ánh sáng thế gian. Các con là muối đất. Các con là men trong bột”. Các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã loan báo bằng cách này và đã được một tác giả cổ xưa mô tả và gửi cho ông Thêôphilê như sau:

Các Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Họ không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ thường, cũng không sống một đời sống khác biệt. Giáo lý của họ không phải do một sự suy tư nào đó, hay do mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như một số người kia.

“Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tuỳ theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như người khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhưng quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình và sinh con cái như mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ”(Trích Các Bài đọc Kinh sách, tập 2, tr 354).

Truyện: Đọc Thánh kinh hằng ngày

Có một người Kitô hữu tầm thường, thấy bên cạnh mình có một người tự xưng mình là vô thần. Lòng nhiệt thành đã thúc đẩy họ tìm cách giới thiệu Chúa cho họ. Người này đi mua một cuốn Thánh kinh biếu cho người láng giềng ấy, hy vọng họ đọc và sẽ nhận ra Thiên Chúa. Người láng giềng vui vẻ đón nhận và hứa sẽ đọc…

Sau một thời gian, người Kitô hữu sang chơi nhà láng giềng, tình cờ thấy cuốn Thánh kinh nằm trong sọt rác. Người Kitô hữu ngạc nhiên hỏi người láng giềng:

- Sao ông không đọc Kinh thánh? Nếu đọc, ông sẽ nhận ra Thiên Chúa.

Người láng giềng lạnh nhạt trả lời:

- À suốt trong 10 năm qua, mỗi ngày tôi đều đọc cuộc sống của anh !!!

Câu chuyện kết thúc ở đây. Chúng ta hãy suy nghĩ về câu trả lời của người láng giềng vô thần ấy. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, người vô thần ấy muốn nói gì?

Có một bài viết ngắn về điều này:

Tôi là cuốn sách Kinh thánh đối với người hàng xóm của tôi; người đó đọc tôi mỗi khi gặp tôi.

Hôm nay, anh ta đọc tôi trong ngôi nhà của tôi, ngày mai, anh ta đọc tôi trên đường phố.

Anh ta có thể là một người họ hàng, một người bạn, hoặc chỉ là một người quen biết sơ giao mà thôi.

Thậm chí anh ta có thể không biết tên tôi, tuy nhiên, anh ta vẫn đang đọc Kinh thánh qua cuộc đời của tôi” (Flor McCarthy).

c) Thành công hay thất bại

Trong việc loan báo Tin mừng, thành công hay kết quả đều do ân sủng của Chúa như Chúa đã nói: “Không có Thầy các con không làm được gì”. Đúng là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, nhưng Chúa không từ chối thiện chí của con người, Chúa muốn con người cộng tác làm việc, còn Chúa sẽ ban ơn cho. Cho nên, nhiều khi chúng ta thất bại trong việc loan báo Tin mừng, vì cách làm chứng của chúng ta còn nghèo nàn quá, không có sức hấp dẫn người ta; có khi thay vì chúng ta là chứng nhân lại trở thành người phản chứng, có khi chúng ta là Kitô hữu lại trở thành phản Kitô. Tốt nhất phải làm gương sáng, vì trăm nghe không bằng một thấy:

Lời nói như gió lung lay,
Gương bày như tay lôi kéo.

III. NHƯNG LÒNG HƯỚNG VỀ TRỜI

Chúa về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha sau khi đã thi hành trọn vẹn sứ mạng đã được trao phó. Chúng ta còn ở lại dưới đất để tiếp nối chương trình cứu chuộc của Đức Kitô, và sau khi hoàn tất sứ mạng được trao phó chúng ta cũng sẽ được về trời với Ngài vì: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó” (Ga 12, 26). Công việc ở trần gian của chúng ta là mắt nhìn trời, chân đạp đất.

1. Mắt nhìn trời

Sách Công vụ Tông đồ kể rằng: sau khi Đức Giêsu từ từ lên trời thì các môn đệ đưa mắt trông theo và cứ ngây ngất đứng nhìn về trời như thế, mãi cho đến khi có hai thiên thần từ đám mây hiện ra nhắc nhở cho các ông thì các ông mới hoàn hồn trở lại. Sao các môn đệ ngây ngất như vậy? Chắc chắn là vì cảnh thiên đàng hấp dẫn lắm!

Chắc hẳn như vậy! Trời hay thiên đàng là quê hương của ta, nơi ta đang trông ngóng như lời thánh Phaolô đã nói với tín hữu Philípphê: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3, 20). Quê hương chúng ta ở trên trời, ở đó chúng ta sẽ được thấy Thiên Chúa nhãn tiền và được hạnh phúc vô cùng. Những người đã được nếm thử cảnh hạnh phúc Thiên đàng nói lại cho chúng ta điều họ thử nghiệm như sau:

- Các Tông đồ ngây ngất nhìn về trời khi Chúa được cất lên khỏi mặt đất, đến nỗi phải có hai thiên thần đến thức tỉnh các ông dậy (Cv 1, 9-10).

- Ba Tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được thoáng thấy một chút vinh quang thiên đàng khi Đức Giêsu biến hình trên núi. Ba ông đó cũng say sưa ngây ngất đến nỗi xin Chúa cho mình cất lều ở lại mãi mãi trên ngọn núi đó (Mt 17, 1tt).

- Thánh Phaolô khi được ngất trí đã thốt lên: “Người ấy đã được nhấc lên đến tận tầng trời thứ ba. Và tôi biết rằng người ấy – hoặc trong thân xác hoặc ở ngoài thân xác, tôi không biết – đã được nhắc vào Thiên đàng và được nghe những lời khôn tả, người phàm không được phép nói lại”(2Cr 12, 2-4).

- Ở Lộ Đức, năm 1858 Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nữ Bernadette, và ở Fatima, năm 1917, Đức Mẹ lại hiện ra với ba em Lucia, Phanxicô và Giaxinta. Các nhân chứng chỉ biết khen rằng Đức Mẹ đẹp lắm và luôn ao ước tới ngày được lên trời.

Đó là vài tia sáng yếu ớt giúp chúng ta thoáng thấy một phần nào cảnh tượng thiên đàng. Các nhân chứng chỉ thấy một chút hào quang mà đã say sưa ngây ngất, chỉ muốn sớm chết đi để được vào thiên đàng. Nếu thực sự được hưởng thiên đàng trọn vẹn thì hạnh phúc ngây ngất đến chừng nào.

2. Chân đạp đất

Khi Đức Giêsu về trời, Ngài hứa sẽ đem chúng ta về với Ngài ở quê hương vĩnh cửu để hưởng phúc vô biên, nhưng không phải vì quê hương vĩnh viễn với hạnh phúc vô biên mà ta chỉ biết ngóng trông quê trời và sao lãng nhiệm vụ trần thế. Chúng ta còn phải xây dựng trần thế theo tinh thần Chúa Kitô.

Thiên đàng là quê hương vĩnh viễn của chúng ta, nhưng trần thế chính là con đường dẫn tới quê hương hạnh phúc đó. Chỉ đứng đó mà ngóng nhìn thiên đàng, thì có lẽ không bao giờ ta tới thiên đàng được. Muốn tiến tới thiên đàng, thì trước hết phải đi hết con đường dương thế bằng cách chu toàn nhiệm vụ của mình ở đời này.

Để chuẩn bị về quê trời chúng ta hãy làm hai việc:

a) Loan báo Tin mừng cho muôn dân

Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa dạy: “Các con đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8). Trong ngày lễ Thăng Thiên hôm nay, chúng ta hãy nhắc lại sứ mạng loan báo Tin mừng của chúng ta. Chúa muốn Giáo hội và từng người chúng ta tiếp nối công việc cứu chuộc của Ngài. Chúng ta phải là cánh tay nối dài của Chúa, làm sao cho Tin mừng của Chúa phải được loan truyền cho đến tận cùng trái đất.

Hỡi những người Galilê, sao cứ đứng đó mãi nhìn trời?” Khi các thiên thần nhắc cho các môn đệ trở về với nhiệm vụ hằng ngày, thì cũng là nhắc các ông thi hành nghĩa vụ rao giảng Tin mừng mà Đức Giêsu cũng đã căn dặn một lần nữa cho các môn đệ trước khi Ngài về trời: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng cho nhân loại”.

b) Chu toàn nghĩa vụ hằng ngày

Đời là một cuộc hành trình về đời sau, mà cuộc hành trình nào cũng gặp nhiều khó khăn, gian khổ, đòi hy sinh cố gắng không ngừng. Mỗi khi ta phải chiến đấu, phải vất vả hy sinh, hãy nghĩ tới thân phận con người, nghĩ tới cuộc đời chóng qua, nghĩ tới lời Chúa phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, Lạy Chúa, là được vào Nước trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

Muốn thi hành ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta càng phải nỗ lực vượt qua sự ươn lười, yếu đuối của ta vì như Chúa nói: “Nước Trời đòi sự cố gắng, ai cố gắng thì mới chiếm được” (Mt 11, 12).

Truyện: Chiếc kim may

Trong một tu viện nọ có một tu huynh sắp qua đời. Khi thấy anh em trong nhà quây quần bên mình, thì ngỏ ý:

- Xin anh em đưa cho tôi chìa khoá để vào Thiên đàng.

Nghe vậy, một anh em chạy đi lấy cuốn Kinh thánh trao cho tu huynh, nhưng ông ta lắc đầu.

Một anh em khác trao cho tu huynh cây thánh giá, một anh em nọ lại đem đến tràng hạt Mân côi. Nhưng tu huynh vẫn lắc đầu.

Thế rồi, một anh em kia chợt nhớ ra rằng suốt đời tu huynh ấy đã cặm cụi lo may vá áo dòng cho anh em, bèn chạy đi tìm cây kim may và đem đến cho người anh em sắp ly trần. Vừa trông thấy cây kim may đơn sơ nhỏ bé, vị tu huynh ngồi nhổm dậy, vươn tay ra đón nhận, mân mê cây kim may nhỏ bé, rồi nhẹ nhàng nằm xuống, nhắm mắt lìa trần, nụ cười vẫn lưu lại trên môi.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

ĐƯỢC RƯỚC LÊN TRỜI

Khi kiến thức khoa học về vũ trụ còn phôi thai,

người Do-thái coi “trái đất” như một cái đĩa khổng lồ,

vây quanh bởi biển đảo, chống đỡ nhờ cột, đặt trên nền vững.

Bầu trời úp trên mặt đất như một cái lồng bàn.

Nó được điểm tô bằng mặt trời, mặt trăng và những vì tinh tú.

Bầu trời có nhiều tầng; tầng dưới cùng có nhiều kho:

kho tuyết, mưa đá, mây mù, gió bão, và cả kho sấm sét nữa.

Thiên Chúa được cho là Đấng ở trên trời, ở tầng cao nhất.

Trời là trời của Chúa, còn đất thì Ngài ban cho con cái loài người.

Khi chết, vong linh phải vào âm phủ, nằm dưới lòng đất,

xa với trời, xa với đất, xa với Thiên Chúa, xa với con người.

 

Đức Giêsu đã chịu chết và được Thiên Chúa phục sinh.

Được phục sinh là điều kỳ diệu, chưa từng thấy.

Đấng từ thế giới Thiên Chúa bước xuống thế giới con người.

Sau khi hoàn tất công trình cứu độ, Ngài trở về với Thiên Chúa.

Lễ Thăng Thiên là lễ mừng Con Thiên Chúa thành công.

Chính Thiên Chúa Cha rước Con về, đưa Con lên,

tôn vinh Con trong thế giới thần linh vĩnh cửu.

Người Con này không những có thần tính, mà còn có nhân tính.

Ngài là Con Người đầu tiên đi vào thế giới của Thiên Chúa,

với thân xác phục sinh được hoàn toàn biến đổi.

Chúa Giêsu được rước về trời, ngự bên hữu Thiên Chúa.

Ngài là Đầu, mở cửa trời cho cả nhân loại bước vào,

từ người đầu tiên là Ađam cho đến người cuối lúc tận thế.

Lễ Thăng Thiên là lễ mừng cho phẩm giá con người.

Nhân loại biết mình đi đâu sau cuộc sống ngắn ngủi tại thế.

Thân xác con người biết mình sẽ không trở về bụi tro.

Thiên Chúa và con người không gì chia lìa được.

 

Khi được Cha đưa lên cùng Cha, đặt ngồi bên hữu Cha,

ngồi ngang hàng với Cha trong tư cách là Chúa vũ trụ,

Chúa Giêsu không còn hiện ra với các môn đệ như trước nữa.

Các ông mất đi một sự hiện diện thấy được, sờ chạm được.

Đây đúng là một mất mát lớn, gây đau buồn.

Nhưng không vì thế mà Ngài trở nên vắng mặt, xa cách.

Trái lại, Ngài hiện diện với họ cách gần gũi hơn xưa,

thiết thân hơn xưa, và mạnh mẽ hơn xưa.

Từ trời cao, Chúa Giêsu nghe được tiếng kêu của từng người,

đến gặp từng người và ở với từng người trong mọi lúc.

“Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Chúa phục sinh ở với các tông đồ, xưa cũng như nay.

Ngài không chỉ ở với, mà còn cùng làm việc với họ (Mc 16, 20).

Chẳng bao giờ các kitô hữu phải lao nhọc một mình.

Trong Thánh Thần, Đấng phục sinh cho các cành nho thêm trái.

 

Trước khi chết, Đức Giêsu nói:“Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19, 30).

Ngài đã hoàn tất việc Cha giao, đã vâng lời cho đến chết.

Nhưng chúng ta chưa nói được như Đức Giêsu,

vì sứ mạng Ngài giao, chúng ta chưa hoàn tất:

“Hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài,

và làm Phép Rửa cho những ai có lòng tin” (Mt 16, 15-16).

Như Nhóm Mười Một, chúng ta từng không tin và cứng lòng,

nhưng Chúa vẫn muốn sai chúng ta đi giúp cho người chưa tin,

không chỉ bằng lời rao giảng suông,

mà còn bằng những dấu lạ mạnh mẽ đi kèm với lời rao giảng.

Với lòng tin, và với quyền năng của Danh Chúa Giêsu,

chúng ta sẽ thấy mình có khả năng trừ quỷ, chữa bệnh,

và được bảo vệ khỏi mọi hiểm nghèo của kẻ thù.

 

Lễ Chúa về trời nhắc chúng ta về sức hút của đất.

Hấp dẫn của đất làm ta quên rằng trời mới là chỗ dừng chân.

Những lo âu về cơm áo gạo tiền làm ta khép lại, so đo và ích kỷ.

Những đau thương của phận người làm ta mất niềm hy vọng.

Đất thì gần, còn trời lại xa xôi.

Làm sao ta sống để người khác nhận ra trời ở ngay trong đất?

 

LỜI NGUYỆN

 

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

 

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

 

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

 

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

 

Ước gì qua cuộc sống hàng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top