Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C - Đến với mọi người (Lc 1,39-45)
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43)
Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a
“Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel”.
Bài trích sách Tiên tri Mikha.
Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).
Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.
Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài đã củng cố cho mình.
Xướng: Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Người.
Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10
“Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”.
Bài trích thơ gởi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'”.
Sách ấy bắt đầu như thế này: “Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.
Ðó là lời Chúa.
Tin mừng: Lc 1, 39-45
39 Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. 40 Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.
41 Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.
43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.
45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C
WHĐ (19/12/2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
NỘI DUNG CHÍNH Số 148, 495, 717, 2676: Cuộc viếng thăm Số 462, 606-607, 2568, 2824: Chúa Con nhập thể để làm theo ý Chúa Cha Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a (Dt 1,4a) Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10 Phúc Âm: Lc 1, 38-45 |
Số 148, 495, 717, 2676: Cuộc viếng thăm
Số 148. Đức Trinh Nữ Maria thể hiện cách trọn hảo sự vâng phục của đức tin. Trong đức tin, Đức Maria đón nhận lời sứ thần Gabriel loan báo và đoan hứa, vì ngài tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37)[1], và ngài bày tỏ lòng quy phục: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Bà Êlisabét chào Đức Maria bằng những lời này: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1,45). Chính vì đức tin này mà Đức Maria sẽ được mọi đời khen là diễm phúc[2].
Số 495. Trong các sách Tin Mừng, Đức Maria được gọi là “Thân mẫu Chúa Giêsu” (Ga 2,l; l9,25)[3]. Cả trước khi Con Mẹ chào đời, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã được gọi là “Thân mẫu Chúa tôi” (Lc 1,43). Quả thật, Đấng mà Mẹ đã cưu mang làm người bởi phép Chúa Thánh Thần, Đấng thật sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos)[4].
Số 717. “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan” (Ga 1,6). Ông Gioan được “đầy Thánh Thần, ngay khi còn trong lòng mẹ” (Lc 1,15)[5], do chính Đức Kitô mà Đức Trinh Nữ Maria vừa thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Như vậy, việc Đức Maria “viếng thăm” bà Êlisabeth đã trở thành việc Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài[6].
Số 2676. Hai động thái nói trên của kinh nguyện dâng lên Đức Maria được diễn tả cách độc đáo trong kinh Kính Mừng:
“Kính mừng Maria” (Ave, Maria – Laetare, Maria): lời chào của thiên sứ Gabriel mở đầu kinh Kính mừng. Chính Thiên Chúa, qua vị thiên sứ của Ngài, chào Đức Maria. Lời kinh của chúng ta dám lặp lại lời chào Đức Maria với tâm tình của Thiên Chúa khi Ngài đoái thương nhìn đến người nữ tỳ hèn mọn của Ngài[7] và hân hoan vì niềm vui mà Thiên Chúa gặp được nơi Đức Maria[8].
“Bà đầy ân phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”: hai phần lời chào của vị thiên sứ soi sáng cho nhau. Đức Maria đầy ân sủng vì Chúa ở cùng Mẹ. Ân sủng, mà Mẹ được ban tràn đầy, chính là sự hiện diện của Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng. “Reo vui lên… hỡi thiếu nữ Giêrusalem… Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi” (Sp 3,14.17a). Đức Maria, vì được chính Chúa đến và ngự nơi Mẹ, nên Mẹ chính là thiếu nữ Sion, là Hòm bia Giao Ước, nơi vinh quang Chúa ngự trị: chính Mẹ là “nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại” (Kh 21,3). Được “đầy ơn phúc”, Mẹ đã tận hiến cho Đấng đến ngự nơi Mẹ và là Đấng Mẹ sắp trao ban cho thế gian.
“Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Sau lời chào của thiên sứ, chúng ta lấy lời chào của bà Êlisabeth làm lời chào của chúng ta. “Được tràn đầy Thánh Thần” (Lc 1,41), bà Êlisabeth là người đầu tiên trong chuỗi dài những thế hệ tung hô Đức Maria là người có phúc[9]: “Em thật có phúc vì đã tin…” (Lc 1,45). Đức Maria “có phúc lạ hơn mọi người nữ” vì Mẹ đã tin rằng lời Chúa sẽ được hoàn thành. Nhờ đức tin, ông Abraham đã trở thành phúc lành cho “mọi gia tộc trên mặt đất” (St 12,3). Nhờ đức tin, Đức Maria đã trở thành Mẹ của các kẻ tin; nhờ Mẹ, mọi dân tộc trên mặt đất được đón nhận Đấng là chính phúc lành của Thiên Chúa: “Giêsu, con lòng bà gồm phúc lạ”.
Số 462, 606-607, 2568, 2824: Chúa Con nhập thể để làm theo ý Chúa Cha
Số 462. Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nói về mầu nhiệm ấy như sau:
“Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7, trích Tv 40,7-9, bản LXX).
Số 606. Con Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống, không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người”[10], “khi vào trần gian, Người nói: ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’… theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, một lần cho mãi mãi” (Dt 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên Người nhập thể, Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu chuộc của mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Hy lễ của Chúa Giêsu “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2) là sự diễn tả tình yêu hiệp thông của Người với Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17). Thế gian phải “biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31).
Số 607. Sự khao khát gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha truyền cảm hứng cho cả cuộc đời Chúa Giêsu[11], bởi vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người là lý do việc Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Và trên thập giá, trước khi mọi sự “đã hoàn tất” (Ga 19,30), Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19,28).
Số 2568. Mạc khải về cầu nguyện trong Cựu Ước diễn ra giữa việc con người sa ngã và được nâng dậy, giữa tiếng đau thương của Thiên Chúa gọi những đứa con đầu tiên của Ngài: “Ngươi ở đâu?… Ngươi đã làm gì?” (St 3,9.13), và lời đáp lại của Người Con độc nhất lúc Người bước vào trần gian: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7)[12]. Như vậy, việc cầu nguyện gắn liền với lịch sử loài người; cầu nguyện là tương quan với Thiên Chúa trong những biến cố của lịch sử.
Số 2824. Ý Cha được thực hiện một cách tuyệt hảo và một lần cho mãi mãi, trong Đức Kitô, và qua ý chí nhân loại của Người. Khi vào trần gian, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7)[13]. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể nói: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Ngài” (Ga 8,29). Khi cầu nguyện trong cơn hấp hối, Người hoàn toàn vâng phục ý Cha: “Xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42)[14]. Vì vậy, Chúa Giêsu “đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa” (Gl 1,4). “Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế” (Dt 10,10).
Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”
“Tín” là một trong năm đức tính căn bản của người quân tử theo đạo làm người. Người ta không thể sống với nhau nếu ta không tin nhau. Người ta không thể đi sâu vào trong tương quan liên vị nếu còn ngờ vực nhau.
Ðối với Thiên Chúa, niềm tin càng đòi phải tuyệt đối vì Thiên Chúa là Ðấng trung tín. Tin vào Thiên Chúa là dấu chỉ một tâm hồn khiêm hạ và cậy trông hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Nghi nan là một xúc phạm vô cùng đến tình Cha yêu thương. Kết quả của niềm tin hay không tin: Maria được chúc phúc vì đã tin vào Lời Chúa, còn Dacaria phải bất hạnh vì đã không tin.
Nghiệm lại cuộc đời mình: ta thấy thế nào khi chúng ta tin hay không tin nơi Thiên Chúa ?
Cầu nguyện: Lạy Cha xin ban thêm đức tin cho chúng con. Từ khi chúng con lãnh bí tích rửa tội. Chúng con đã tuyên xưng tin vào Thiên Chúa là Cha chúng con. Mỗi khi chúng con ghi dấu thánh giá là một cách chúng con biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Thế nhưng niềm tin của chúng con còn yếu kém lắm. Chúng con mới chỉ tin vào Cha trên môi miệng. Chúng con chỉ mới tin vào Cha khi cuộc đời êm trôi. Chúng con mới chỉ tin vào Cha khi thấy có lợi cho chúng con.
Lạy Cha, niềm tin của chúng con còn tính toán, vị kỷ. Xin cho chúng con biết tuyệt đối tin vào Thiên Chúa dù cuộc đời chúng con đến với chúng con dưới bất cứ hình thức nào. Amen.
Ghi nhớ: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Con người ưa thích những gì hoành tráng, uy quyền, và lộng lẫy. Nếu được chọn nơi để sinh ra, con người sẽ chọn sinh ra trong hoàng cung, nơi có đầy đủ mọi phương tiện để con người được sung sướng và hạnh phúc. Trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa hành động khác hẳn con người. Ngài chọn cho Con mình một cha mẹ nghèo hèn, khiêm nhường; và chọn cho con mình sinh ra nơi một thành bé nhỏ ít người biết đến. Đây không phải là lần đầu, nhưng trong lịch sử của Cựu Ước cũng như Tân Ước, nhiều lần Thiên Chúa chứng tỏ điều này, như Ngài chọn Giacóp thay vì Êsau, Giuse thay vì các anh của ông, Đavít trẻ nhất trong số các con của Giêsê...
Sắp tới kỷ niệm biến cố trọng đại đã xảy ra trong lịch sử: Con Thiên Chúa giáng sinh làm người; nhưng làm sao để chúng ta nhận ra và đón nhận Đấng Thiên Sai vào trong cuộc đời? Các Bài Đọc hôm nay nêu bật ý định của Thiên Chúa: Nếu con người muốn đón nhận Đấng Thiên Sai, họ phải trở nên khiêm nhường, tin tưởng, và vâng lời. Đừng tìm Ngài trong những huy hoàng tráng lệ; nhưng trong những nơi đơn sơ, bé nhỏ, nghèo hèn. Trong Bài Đọc I, tiên tri Mikha báo trước gần 700 năm trước khi Đấng Thiên Sai ra đời: Ngài sẽ sinh ra trong một thành nhỏ bé nhất của Giuđa, trong một thị tộc nhỏ bé nhất Ephratha; nhưng nguồn gốc của Ngài có từ muôn đời và Ngài dùng uy quyền cai trị của Thiên Chúa để mang ơn cứu rỗi cho mọi người và cứu thoát tất cả các chi tộc của Israel. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do Thái quả quyết Thiên Chúa hài lòng những người tuân phục và làm theo ý muốn của Ngài hơn trăm ngàn của lễ hy sinh chiên cừu. Trong bài Phúc Âm, Thiên Chúa chọn trinh nữ Maria, một thôn nữ quê mùa, mộc mạc, đơn sơ, để làm Mẹ Đấng Thiên Sai chứ không phải các phụ nữ khác đẹp đẽ, uy quyền, và sang trọng của cả nước Israel. Lý do: Mẹ khiêm nhường, đơn sơ, kín đáo, thương người và nhất là luôn tìm để làm theo ý Chúa.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
CUỘC VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC MARIA
+++
A. DẪN NHẬP
Chúng ta bắt đầu bước vào tuần lễ thứ 4 của Mùa Vọng, được coi là thời gian chót của Mùa Vọng. Trong các Chúa nhật trước, tiên tri Isaia đã loan báo cho dân chúng về Đấng Thiên sai, tiếp đến thánh Gioan Tẩy giả thúc giục mọi người hãy sám hối để được ơn tha tội trong khi đón chờ, đồng thời mách bảo cho mọi người cách thức dọn đường cho Chúa đến.
Chúa nhật thứ 4 Mùa Vọng này có thể được gọi là Chúa nhật của Đức Mẹ, vì bài Tin mừng của ba năm đều nói đến Đức Mẹ. Như vậy, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta nhớ đến vai trò của Đức Mẹ trong việc Chúa Cứu thế giáng sinh. Đặc biệt bài Tin mừng hôm nay nói đến việc Đức Maria đi thăm viếng bà chị họ Elisabeth, để vị Tiền hô và Đấng Cứu Thế gặp nhau ngay khi còn trong bụng mẹ.
Trong tâm tình dọn lòng mừng lễ Giáng sinh, chúng ta hãy để ra thời gian vắn để suy niệm về cuộc thăm viếng của Ngài. Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Maria để lại cho chúng ta nhiều bài học để thực hành: Đức Maria là mẫu gương của niềm tin, của bác ái và khiêm nhường. Noi gương sáng ngời của Đức Mẹ, chúng ta hãy tập sống bác ái theo phương châm của thánh Phaolô Tông đồ đã đề ra: “Nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,19).
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Mica 5,2-5
Tiên tri Mica là người đồng thời với tiên tri Isaia và cũng là thừa kế tinh thần của Isaia. Ông loan báo cho biết Đấng Emmanuel (Is 7,14) sẽ sinh ra tại Belem (cũng gọi là Epratha), một thôn làng bé nhỏ và nghèo nàn nhưng đã trở nên quan trọng, vì Thiên Chúa đã chọn thôn làng này làm quê hương của Đấng Thiên Sai (Mt 2,6). Ông còn cho biết Đấng Emmanuel này rất cao trọng, Ngài sẽ thống lĩnh Israel và đem lại cho Israel sự thống nhất và bình an trong khi dân Israel bị chia rẽ và cơ cực.
+ Bài đọc 2: Dt 10,4-10
Tác giả bức thư gửi cho Do thái mô tả Đấng Messia như một vị Thượng tế, và chức Thượng tế của Ngài trổi vượt chức thượng tế Cựu ước. Ngài đã vâng phục Đức Chúa Cha đến nỗi hy sinh mình trên thập giá. Lễ tế Ngài sẽ dâng lên không phải là lễ toàn thiêu hay là lễ xá tội của Cựu ước, mà là chính thân thể Ngài và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Thánh vịnh 39/40 đã thể hiện sự hy sinh và vâng phục của Đức Giêsu đối với thánh ý của Thiên Chúa.
Lễ tế của Đức Giêsu trong thân phận làm người được dâng trên bàn thờ thập giá không cần phải dâng lên nhiều lần, mà một lần duy nhất có giá trị vĩnh viễn.
+ Bài Tin mừng: Lc 1,39-45
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca cho biết hai bà mẹ đang mang thai thăm viếng và chúc tụng nhau. Maria sau khi được thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, đã vội vã lên đường viếng thăm người chị họ Elizabeth để cho vị Tiền hô cũng nhận được Thần khí và được xức dầu làm tiên tri.
Luca có ý viết câu chuyện này giống với chuyện Đavít mang hòm bia về Giêrusalem (2Sm 6), để nói rằng Đức Maria chính là Hòm Bia Tân ước. Như Đavít ngày xưa nhảy múa trước Hòm Bia, nay Gioan nhảy mừng trước Maria, Hòm bia Giao ước mới đang mang nặng trong mình Đấng Cứu độ. Chính bà Elisabeth, khi gặp Maria, cô em họ đang mang nặng Đức Giêsu đã gọi cô là “Thân mẫu Chúa tôi”, vì Maria đã hoàn toàn tin vào lời Chúa hứa.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Tâm tình cuộc viếng thăm
I. CUỘC VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC MARIA
1. Hai chị em gặp nhau
Theo ý định ngàn đời của Thiên Chúa, Trinh nữ Maria đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Và đặc biệt là Trinh nữ thụ thai, sinh con mà vẫn còn đồng trinh, vì đây là việc làm đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng; và cũng là một dấu hiệu để bà Maria tin: bà chị họ Elisabeth của cô đã thụ thai trong lúc tuổi già và đã mang thai được sáu tháng. Vừa nghe tin mừng này cô Maria liền vội vã lên đường đến thăm và chia vui với người chị.
Bà Elizabeth ở miền núi, chắc chắn cuộc hành trình của cô Maria lên miền núi không tránh được mệt nhọc vất vả. Theo lời truyền tụng từ thế kỷ thứ 5, gia đình Giacaria ở triền núi, trong một thành thuộc xứ Giuđa, tên gọi Ain Karim cách Giêrusalem 7 cây số về phía tây. Đường đi từ Nazareth đến Ain Karim phải mất 3,4 ngày đường.
Hai chị em gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp, trong khi đó hai thai nhi gặp nhau trong bụng mẹ. Sự hiện diện của thai nhi Giêsu làm cho thai nhi Gioan có phản ứng lạ lùng: thai nhi trong dạ Elisabeth nhảy mừng lên. Việc nhảy mừng của Gioan trong bụng mẹ là dấu chỉ cho bà Elisabeth nhận ra sự cao cả của thai nhi Giêsu và của Đức Maria. Chính bà Elisabeth đã nhận ra và chúc tụng Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu thế: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Sau đó, Đức Maria ở lại nhà ông Giacaria độ ba tháng để phục vụ, đoạn trở về nhà mình.
2. Lý do thúc đẩy cuộc viếng thăm
Thiên sứ đã củng cố niềm tin cho Đức Maria để Ngài tin vào quyền năng của Thiên Chúa bằng cách cho biết: bà chị họ Elisabeth đã có thai trong tuổi già được 6 tháng, bởi vì không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được. Chắc chắn Đức Maria không hề hồ nghi về quyền năng của Thiên Chúa trong việc sinh con của mình, và tin người chị họ mang thai trong tuổi già là tín hiệu của tình yêu Thiên Chúa đối với người chị họ.
Đây là một tin vui, vì thế Đức Maria vội vã lên đường thăm viếng và chia vui với chị. Do đó lý do cuộc thăm viếng của Đức Maria không phải là tò mò hay kiểm tra xem việc thực hư, mà là do tình thương yêu thúc đẩy. Ngài không đến thăm thì bà Elisabeth chẳng trách ngài được, lý do là bà ấy đâu biết rằng Ngài biết bà mang thai. Vả lại, chính Ngài cũng đang mang thai, mà đường xá lại xa xôi. Chính tình thương đã thúc đẩy Ngài đi, vì Ngài rất giàu tình thương. Và cũng vì chính giàu tình thương mà Ngài xứng đáng làm Mẹ của Đức Giêsu, là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.
Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín trong lòng. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động, không phải là tình yêu đích thực. Tương tự như lời thánh Giacôbê: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Cũng vậy, tình yêu không việc làm, không được biểu lộ là tình yêu chết. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho người thân, làm cho người thân trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Câu tục ngữ: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua” có nghĩa như thế.
Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui buồn. Đức Phật Thích Ca nói: “Yêu nhau mà không được ở gần nhau, mà phải xa cách nhau thì sẽ đau khổ”, ngài gọi cái khổ ấy là “Ai biệt ly khổ”. Tục ngữ có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (một ngày không gặp nhau thì dài như ba năm). Do đó, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau.
3. Ảnh hưởng hỗ tương của việc thăm viếng
Khi chúng ta thăm viếng một người nào, chúng ta tự nhận thấy là mình đang làm một việc tốt đẹp cho người đó. Đó là sự thật. Nhưng chúng ta cũng được lợi nữa. Chúng ta cũng trở nên phong phú, mặc dù chỉ là để xem cách thế người khác đương đầu với những khó khăn, hoặc những tình huống hầu như không thể giải quyết được. Thậm chí khi ở giữa người đau yếu, bạn vẫn có thể tìm thấy một tâm hồn tỏa sáng. Có thể bạn đến thăm người đó, để đem lại cho họ điều gì đó, nhưng rồi bạn lại nhận ra rằng chính mình đang nhận được. Bạn ra về với tâm hồn phấn chấn. Trong mỗi cuộc viếng thăm, có điều gì đó xảy ra theo mức độ nào đó. Người này được vui mừng khi tiếp nhận, người kia được vui mừng khi cho đi (Flor McCarthy).
Khi thăm viếng, Đức Maria đem đến cho ông bà Giacaria và Elisabeth niềm vui và sự phục vụ, đồng thời chính Ngài lại đón nhận được sự nâng đỡ về tinh thần: Ngài thêm xác tin về lời sứ thần khi thấy bà chị họ hiếm muộn mà giờ đã có thai. Ngài ngỡ ngàng khi thấy mầu nhiệm được làm Mẹ Đấng Thiên Sai, nay đã được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ biết. Niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của bà Elisabeth đã động viên Ngài cất lên lời Ngợi khen cảm tạ hồng ân Thiên Chúa trong Kinh ngợi khen Magnificat.
Bác sĩ Tom Dooley, một người đã hy sinh cả cuộc đời giữa chốn rừng thiêng nước độc bên Lào vào đầu thế kỷ 20 này đã nói như sau: “Không có ai nghèo đến độ không có cái gì đó để tặng cho người khác” Một người ăn xin ư? Anh ta vẫn có thể cho chúng ta cơ hội, để ta thể hiện sự chia sẻ quảng đại đối với anh. Một người tàn tật ốm đau cũng có thể mời gọi chúng ta cơ hội thuận tiện để kiên nhẫn chịu đựng sự sỉ nhục và sẵn sàng tha thứ. Phải, bất cứ ai cũng có thể đem lại cho chúng ta một cái gì đó. Vấn đề là chúng ta có biết mở rộng lòng để đón nhận quà tặng đó hay không?
II. DƯ ÂM CUỘC VIẾNG THĂM
1. Đức Maria, mẫu gương của niềm tin
Tin Thiên Chúa là ký thác đời mình vào tay Thiên Chúa, là ưng thuận điều Thiên Chúa muốn. Trước khi thưa “Xin Vâng”, Đức Maria đã có chương trình của Ngài là sẽ sống đời đôi bạn với thánh Giuse (Lc 1,27). Và qua lời “Xin Vâng”, Ngài đã chấp nhận hoàn toàn để cho Thiên Chúa thay đổi hướng đi cuộc đời mình, để cho Thiên Chúa đảo lộn chương trình sống, và cùng Chúa bước vào cuộc mạo hiểm với trọn niềm tin yêu phó thác.
Đức Maria đã đi từ bước phiêu lưu này đến bước phiêu lưu khác. Hình ảnh Đức Maria trong Tân ước xuất hiện vài lần ở những mốc chính trong cuộc đời Đức Giêsu: bình tĩnh đón nhận thụ thai, hạ sinh con trong một hang đá lạnh lẽo, dâng con trong đền thánh, đem con lánh sang Ai cập, dẫn con tới tiệc cưới Cana và có mặt trong chặng đường khổ giá cuối đời của người con tội nhân. Ở đâu, Đức Maria cũng chứng tỏ một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Chính bà Elisabeth đã chúc tụng Đức Maria: “Em thật diễm phúc, vì đã tin rằng Chúa đã thực hiện những gì Người đã nói cho em biết”. Không những Đức Maria đã có niềm tin vào Lời Chúa mà còn thể hiện lòng tin đó vào việc vội vã đi viếng thăm bà Elisabeth. Đúng như lời thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Truyện: Không thể ngờ được
Một doanh nhân giàu có ở Mỹ có sáng kiến ngộ nghĩnh để thử lòng người: ông cho in rất nhiều bích chương và dán khắp nơi trong thành phố nơi ông đang ở. Đại khái nội dung của bích chương loan báo: bất cứ ai mắc nợ, nếu đến văn phòng của ông ngày đó, tháng đó từ 9 giờ đến 12 giờ, đều được ông giúp đỡ để trả nợ. Dĩ nhiên, mọi người đều bàn tán lời mời gọi này, nhưng đa số đã xem đây là một trò đùa.
Đúng ngày hẹn, doanh nhân ngồi trong văn phòng của mình. Hai giờ trôi qua mà không thấy người nào đến. Mãi tới 11g mới có một người đàn ông rụt rè đến… Doanh nhân ký cho ông một ngân phiếu để trả hết nợ. Gần 12 giờ một vài người nữa cũng đến… Và dĩ nhiên họ cũng được giúp đỡ tận tình. Còn tất cả những người khác khi hiểu được lời mời gọi của doanh nhân thì đã muộn (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, C, tr 20).
Lời hứa của doanh nhân trong chuyện trên đây quá lớn, nên đa số đã không tin. Chính vì không tin nên họ đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng. Đức Maria, trái lại, Mẹ đã dám tin vào Lời Chúa hứa nên đã được tràn đầy ơn phúc. Bà Elisabeth đã nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
2. Đức Maria, mẫu gương của bác ái
“Maria đã vội vã ra đi lên miền núi”: điều đó nói lên sự nhiệt tình của Đức Maria trong việc đi thăm viếng, chia vui sẻ buồn, giúp đỡ gia đình bà chị đang bối rối vì mang nặng đẻ đau. Dầu Đức Maria có nhiều lý do để không ra đi: nào là từ nay phải giữ gìn sức khỏe nhằm lợi ích cho thai nhi. Nào là đường đi xa xôi, nguy hiểm, phải ít nhất ba bốn ngày mới tới nơi. Lộ trình này có nhiều rủi ro nguy hiểm, nhất là cho thân gái. Trước những trở ngại này và thêm vào đó không có một chỉ thị nào về phía Chúa bảo phải đi, để Maria có lý để từ chối.
Những lý do trở ngại ấy không cản bước được Đức Maria. Người ta dễ dàng né tránh lời mời gọi của đức ái, nại đến những lý do ít nhiều chính đáng. Nhưng lòng quảng đại của Maria phá tan mọi chần chừ, lưỡng lự để vội vã lên đường. Đúng là tình yêu mạnh hơn sự chết.
Đó là gương mẫu về lòng mau mắn giúp đỡ, nghĩ tới người khác hơn là nghĩ tới mình. Yêu thương luôn luôn đòi hỏi từ bỏ, đòi hỏi phải hao mòn chính bản thân mình. Khi xảy ra một việc cần giúp đỡ, có biết bao lý do nại ra để từ chối! Nếu có được lòng yêu thương như Đức Maria, chúng ta sẽ sung sướng quên mình để nghĩ đến hạnh phúc của người khác.
3. Đức Maria, mẫu gương khiêm nhường
Khác hẳn với những thiếu nữ Do thái, bà Maria không bao giờ dám mơ tưởng mình là Mẹ Đấng Cứu Thế, vì Ngài thấy rõ thân phận mình chỉ là một nữ tỳ hèn mọn, đã đính hôn với một bác thợ mộc lao động cực khổ ở một làng quê vô danh. Thế mà: “Phận nữ tỳ hèn mọn đã được Thiên Chúa đoái thương đến”. Sau khi biết đó là ý Thiên Chúa, Đức Maria đã tin và dám xin: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin vâng như lời thiên thần nói”. Lời xin vâng thật khiêm tốn, luôn luôn chỉ coi mình là nữ tỳ, là tôi tớ, không dám nhận làm Mẹ Đấng Cao Cả.
Cũng thế, khi Đức Maria vừa được thiên sứ báo tin được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Ngài tự nguyện đi làm tôi tớ cho bà Elisabeth. Qua lời thiên sứ, Ngài biết Thiên Chúa đã ban cho Ngài địa vị cao cả hơn người chị họ nhiều, ý thức mình được chọn trong tất cả phụ nữ Israel, một địa vị mà không một phụ nữ nào có thể sánh ví. Với ý thức đó, Ngài đã tự nguyện trong vòng ba tháng đi làm công tác của một người hầu hạ cho một người đàn bà trong lúc sinh nở, nàng đảm đang luôn công việc của một gia nhân.
Đức Maria không thuộc loại người, bắt người khác phải nhận ra địa vị cao sang của mình, và đòi phải cúi đầu kính cẩn. Đức Maria muốn bắt chước việc làm của Con mình sau này: Đức Giêsu yêu thương các môn đệ, tuy là Chúa và là Thầy mà Ngài còn “Đứng dậy, ra khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn cuốn ngang lưng, đổ nước vào chậu, lần lượt rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13,1-3). Bà không muốn tỏ ra là một nhân vật quan trọng, dầu ngài quan trọng nhất trong tạo vật. Không một ai có thể nhận ra trong những ngày phục vụ tại nhà Elisabeth một thiếu nữ ấy đã được Thiên Chúa ban cho một địa vị cao cả nhất. Người ta chỉ nhận thấy nơi nhà ông bà già này một gia nhân ân cần tự trọng, làm hết mọi công việc tầm thường nhất, và làm cách tự nhiên như đó là phận sự của nàng.
Truyện: Khiêm nhường hay danh dự?
Thầy Đô-đi-kê nổi tiếng thánh thiện nhất trong dòng và hay làm phép lạ. Tin đồn rằng bất cứ điều gì thầy xin đều được Chúa nhận lời.
Một hôm dân làng kéo đến xin thầy cầu nguyện cho trời mưa, nhưng thay vì trời mưa thì lại nắng hạn lâu hơn nữa. Một người mẹ đến xin thầy cầu nguyện cho đứa con đang đau được mau lành, nhưng đứa con đã chết sau đó vài ngày. Vài người khác đến xin thầy làm phép lạ cho đá thành bánh. Nhưng đá vẫn trơ ra đấy.
Sau những lần thử thách mà không được gì cả, dân làng nổi giận đuổi thầy ra khỏi phạm vi của làng, cấm không cho thầy trở lại tu viện nữa. Thầy đành phải đi tìm một hang đá trong sườn núi để ẩn mình, rồi than thở với Chúa:
- Lạy Chúa, con không hiểu tại sao lại xảy ra như vậy. Con cầu xin Chúa cho mưa xuống, thì Chúa lại làm cho nắng hạn lâu hơn. Con xin cho đứa trẻ mau lành bệnh, thì Chúa lại cho nó chết. Con xin Chúa cho dân làng bánh ăn, Chúa cứ để những viên đá trơ trơ ra đó. Vì thế Chúa xem đây: con bị mọi người xua đuổi, coi con như một kẻ tội lỗi nhất.
Nói xong, thầy nghe có tiếng từ trời phán:
- Hỡi con, bởi vì Ta đã cho con điều con cầu xin lúc trước đó rồi.
Thầy Đi-đô-kê không còn nhớ thầy đã xin gì trước đó nữa nên mới hỏi lại:
- Nhưng lạy Chúa, con đã xin Chúa điều gì?
Tiếng lạ đáp:
- Trước đây con đã chẳng cầu xin Ta cho con được dịp sống khiêm nhường đó sao? (D. Wahrheit, Món quà Giáng sinh, tr 108-109).
III. BÀI HỌC TỪ CUỘC THĂM VIẾNG
1. “Nên mọi sự cho mọi người”
Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô tông đồ đã viết: “Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,19). Thánh Tông đồ chỉ có một ước vọng là đi rao giảng Tin mừng cho mọi người, không đòi hỏi đời sống vật chất mặc dầu Ngài có quyền đòi hỏi vì thợ thì đáng hưởng lương.
Ngài là con người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng đã thành nô lệ cho mọi người hầu chinh phục được nhiều người. Ngài sẵn sàng trở nên người Do thái để chinh phục người Do thái. Đối với những người sống theo Lề luật, Ngài cũng sống theo Lề luật mặc dù không còn phải sống theo Lề luật; còn đối với những người sống ngoài Lề luật, Ngài cũng sống ngoài Lề luật dù Ngài không sống ngoài luật Thiên Chúa, để chinh phục những người sống ngoài Lề luật.
Thánh Tông đồ đã quên mình hòa nhập với mọi người, để chinh phục mọi người về cho Chúa. Cuộc đời như thế chỉ là phản ảnh, rập khuôn, bắt chước cuộc đời của Đức Giêsu và Đức Maria. Vì con đường mà Chúa xuống thế làm người, để truyền dạy cho nhân loại noi theo không khác gì ngoài con đường hiến thân phục vụ Thiên Chúa qua anh em, hy sinh làm tôi tớ cho mọi người vì yêu Chúa.
Vậy để có thể nên giống Chúa và bắt chước gương sống của Đức Mẹ, mỗi người chúng ta phải làm gì? Hãy thực hiện phương châm: “Omnia omnibus factus sum” (x. 1Cr 9,19): nên mọi sự cho mọi người.
Trước hết “Nên mọi sự” là một nguyên tắc xả thân cao độ, khi ta biết biến đời mình và những gì thuộc về mình thành hữu ích cho nhân quần xã hội, vì lòng yêu mến Chúa và thương người. Do đó, một khi đã chọn con đường đi theo Đức Kitô, thì người môn đệ đúng nghĩa sẽ tự nguyện hiến toàn thân bao gồm sức khỏe, thời giờ, tài năng, của cải cho mưu cầu ích chung, thành như đồ vật cho mọi người sử dụng. Muốn được như thế, tất nhiên chúng ta phải luôn có Chúa trong mình và hoàn toàn lệ thuộc vào thánh ý của Ngài.
Thứ đến là “Cho mọi người”: vì khi đã nên mọi sự mà chỉ giữ lại cho riêng mình hoặc chỉ ban phát kiểu nhỏ giọt thì không thể nên giống Chúa được, mà phải trở nên như một đồ vật cho người ta xài, theo kiểu nói của cha Antôn Chevrier, trở thành một “Homme mangé”: làm người bị người ta ăn đi, nghĩa là phải hao mòn vì người ta.
Cũng thế, một người Kitô hữu thực sự theo đúng gương Thầy mình thì phải đem cuộc sống của mình cho mọi người sử dụng. Đây là một cuộc đầu tư làm ăn sáng suốt nhất và khôn ngoan nhất, vì họ chỉ bỏ ra một cuộc sống tạm bợ ở đời này để đổi lấy một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Hơn nữa vì yêu mến anh em mà sẵn lòng cho đi tất cả, sẽ được Chúa thương yêu và thưởng công gấp bội.
Truyện: Bác sĩ Longet
Bác sĩ Longet là một người Pháp, đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley, người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc các bệnh nhân bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày lẫn đêm.
Được hỏi tại sao ông quý mến bệnh nhân như thế?
Bác sĩ Longet đáp:
- Vì tôi thấy Chúa Giêsu trong mỗi bệnh nhân.
Chính vì thế, mỗi sáng khi đi dự thánh lễ, bệnh nhân lương hay giáo, ai muốn đi ông đều chở trên xe; mỗi chiều Chúa nhật, ông lại chở các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này nơi nọ. Và mỗi tối ông lần hạt chung với người Công giáo. Ít lâu sau, ông Longet trở về nước Pháp, vào chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức xong, ông lâm trọng bệnh và qua đời trước khi tới nơi hằng mong ước (Quê Ngọc, Nên mọi sự cho mọi người, C, tr 12).
2. Thăm viếng để chia sẻ
Chúng ta nhận thấy trong Mùa Vọng này có ba nhân vật quan trọng được nhắc tới:
- Tiên tri Isaia loan báo Đấng Thiên Sai sẽ đến (Chúa nhật I).
- Gioan Tẩy giả rao giảng sám hối để dọn đường cho Chúa đến (Chúa nhật II).
- Đức Maria là một nhân vật không thể thiếu được, vì qua Ngài, ơn cứu độ bắt đầu được thực hiện (Chúa nhật IV).
Vì thế, trong suốt Mùa Vọng, chúng ta được nghe đọc những lời loan báo của tiên tri Isaia, được nhận biết cuộc đời và sứ mạng của Gioan Tẩy giả; và hôm nay, bài Tin mừng trình bày cho chúng ta chân dung Đức Mẹ qua việc Đức Mẹ đi thăm viếng bà Elisabeth.
Bắt chước việc làm của Đức Mẹ, chúng ta phải biết chia sẻ với những người chung quanh. Có biết bao gia đình đòi hỏi chúng ta phải thăm viếng, giúp đỡ. Chúng ta đừng bao giờ giả điếc làm ngơ hay giả mù không thấy, để rồi khép kín lòng chúng ta lại trước những người cần chúng ta thăm viếng, an ủi, giúp đỡ. Thiên Chúa rất hài lòng khi thấy chúng ta sống tinh thần liên đới với nhau, biết chia sẻ những hồng ân Ngài ban cho chúng ta để luôn sống trong phương châm “Nên mọi sự cho mọi người”.
Truyện: Đức Giáo hoàng Gioan 23
Đức Giáo hoàng Gioan 23, lần đầu tiên, một vị Giáo hoàng rời khỏi Rôma, đến thăm giáo chủ Anathagoras của Giáo hội Đông phương, một Giáo hội đã ly khai khỏi Giáo hội Công giáo từ lâu đời. Cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng đã biểu lộ tình bạn chí thiết với Đức Giáo chủ và nhìn nhận Giáo hội Đông phương cùng một chi thể với Đức Kitô, hợp nhất trong Chúa Thánh Thần. Từ hai ngàn năm nay, noi gương cuộc viếng thăm của Đức Mẹ và Chúa Giáng sinh, bao nhiêu cuộc viếng thăm hồng phúc như thế đã loan truyền Tin mừng đi khắp năm châu bốn bể.
Lạy Mẹ Maria, chính cuộc sống khó khăn đã biến chúng con thành người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, đến gia đình mình, mà không nghĩ đến tha nhân; ai sống chết thế nào cũng mặc! Nhiều lúc con có thái độ dửng dưng và thờ ơ trước những nỗi thống khổ của tha nhân. Xin Mẹ dạy con biết noi gương Me: mở lòng đón nhận những kẻ bất hạnh, quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người đói khát, luôn nghĩ tốt và làm tốt cho người chung quanh, sẵn sàng tha thứ vô điều kiện cho những ai xúc phạm đến mình. Xin cho con học theo Mẹ: Mau mắn đem Chúa đến cho tha nhân, giúp mọi người nhận biết và yêu mến Chúa. Xin cho con biết sống thanh sạch và luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu con yêu của Mẹ, để con xứng đáng nhận được ơn cứu độ của Người trong mùa hồng phúc này.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
NGHE TIẾNG CHÀO
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ.”
Câu này cho thấy lời chào còn quý hơn mâm cao cỗ đầy.
Lời chào cho thấy sự niềm nở, lịch sự, hiếu khách,
nhất là lời chào của người dưới đối với người trên,
nhằm bày tỏ sự lễ phép, kính trọng.
Giống như miếng trầu, lời chào là đầu cho câu chuyện.
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng lời chào của Chị Maria.
Ngay sau khi được thiên sứ truyền tin,
Chị vội vã đến thăm nhà bà chị họ cao niên là Êlisabét,
Thật ra thiên sứ chẳng bảo Chị đi thăm,
nhưng khi biết tin bà chị mang thai lần đầu khi đã già,
Maria thấy mình được mời gọi đi phục vụ.
Con đường hơn 120 cây số thật là xa đối với một thiếu nữ.
Nhưng Maria không đi một mình.
Chị tin mình đang mang thai nhi Giêsu, Con Thiên Chúa.
Thánh Thần vẫn luôn ngự trên Chị (Lc 1,35)
và trên Chị, quyền năng của Đấng Tối Cao vẫn tỏa bóng.
Điều đầu tiên Chị làm khi vào nhà là chào bà Êlisabét.
Chính lời chào ấy đã làm khơi mào cho một chuỗi tác động.
Thai nhi Gioan đã nhảy lên trong lòng bà Êlisabét (Lc 1,41).
Lập tức Bà được đầy Thánh Thần (Lc 1,41),
như Gioan con bà cũng đầy Thánh Thần từ lòng mẹ (Lc 1,17).
Sau lời chào của Maria, bầu khí tràn ngập Thánh Thần.
Thánh Thần ở nơi hai bà mẹ và nơi hai người con.
Nhờ Thánh Thần soi sáng mà bà Êlisabét nhận ra Maria.
Cô em được ơn trổi vượt hơn bà, hơn mọi phụ nữ khác.
Đó là ơn mang thai Đấng Cứu thế, Đấng Mêsia.
Như thế thời đại thiên sai đã đến rồi.
Đây là tin mừng, là niềm vui lớn cho toàn dân (Lc 2,10).
Bầu khí của bài Tin Mừng là bầu khí của niềm vui.
Maria mệt mỏi vì đường xa nhưng lòng vui rộn rã.
Khi nhận ra Maria, bà Êlisabét đã kêu lên thật to vì vui.
Bà không ngờ được Mẹ Đấng Mêsia đến thăm.
Trong nhà bà, giờ đây có Đấng Mêsia và Mẹ Ngài.
Cuộc hạnh ngộ này, bà chẳng bao giờ nghĩ đến:
“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến với tôi thế này?”
Đứa con trong bụng cũng nhảy lên chung vui (Lc 1,43).
Hai phụ nữ đặc biệt với những kinh nghiệm độc đáo,
nay gặp nhau để chia sẻ cho nhau.
Gặp gỡ chân thành nào cũng làm cho nhau thêm giàu có.
Cả hai phụ nữ đều không khép lại với ơn Chúa ban cho mình,
nhưng nói ra và vui với ơn Chúa ban cho người kia.
Sau khi được truyền tin, Maria tin lời Chúa nói qua sứ thần,
nên đi thăm bà Êlisabét đang mang thai cách kỳ diệu.
Khi gặp được bà chị với thai nhi nay đã lớn,
Maria thấy niềm tin của mình kiên vững hơn.
Maria tưởng chỉ riêng mình biết biến cố truyền tin,
nào ngờ Êlisabét cũng biết Maria mang thai cách mầu nhiệm.
Bà ngây ngất vì những mối phúc Chúa ban cho Maria.
Phúc vì được chọn là Mẹ của Đấng Mêsia (Lc 1,42).
Phúc vì Maria dám tin lời Chúa phán sẽ được thực hiện,
dám bước vào cuộc phiêu lưu với lòng tín thác (Lc 1,45).
Mặt khác, Maria cũng đem đến cho bà Êlisabét nhiều quà.
Đó là Thánh Thần và niềm vui, là lời chào và sự phục vụ.
Món quà lớn là sự hiện diện của Đấng Mêsia.
Ngôi nhà của Êlisabét thành nơi trú ngụ cho Đấng Cứu thế.
Đời người là một chuỗi những cuộc gặp gỡ.
Gặp gỡ là cho và nhận.
Chính khi cho, tôi thấy mình đang nhận.
Chính khi nhận, tôi thấy mình đang cho.
Làm sao để Thánh Thần và Giêsu có mặt nơi các cuộc gặp gỡ?
Làm sao để cuộc gặp gỡ nào cũng trở nên thiêng thánh?
Ước gì Hội Thánh biết cách gặp gỡ, chia sẻ,
và tôn trọng đặc sủng của nhau,
nhờ đó thật sự có tinh thần hiệp hành trong Hội Thánh.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa,
xin dạy con biết lắng nghe
những người ở rất gần con, gia đình, bè bạn,
những người làm việc chung với con.
Xin giúp con nhận ra rằng
dù họ nói gì với con đi nữa
thì họ cũng có ý xin con chấp nhận trọn vẹn con người họ
và thực sự lắng nghe họ.
Lạy Chúa,
xin dạy con biết lắng nghe những người ở xa con,
tiếng thì thầm của người thất vọng,
tiếng van xin của người bị bỏ rơi,
tiếng kêu cứu của người sầu muộn.
Lạy Chúa,
xin dạy con biết lắng nghe chính con người của con.
Xin giúp con đừng sợ tin vào tiếng Chúa mời gọi
trong nơi sâu thẳm nhất của lòng con.
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin dạy con biết lắng nghe tiếng của Ngài
khi con phấn khởi hay chán nản,
khi con xác tín hay nghi ngờ,
khi con ồn ào hay lặng lẽ.
Vâng lạy Chúa, xin dạy con luôn biết lắng nghe. Amen.
Khuyết danh
bài liên quan mới nhất
- Thứ Năm tuần 2 Thường niên năm I (Mc 3,7-12)
-
Thứ Tư tuần 2 Thường niên năm I - Ngày Sa-bát (Mc 3,1-6) -
Thứ Ba tuần 2 Thường niên năm I - Lề luật (Mc 2,23-28) -
Thứ Hai tuần 2 Thường niên năm I - Ăn chay (Mc 2,18-22) -
Chúa nhật 2 Thường niên năm C (Ga 2,1-12) -
Thứ Bảy tuần 1 Thường niên năm I - Đồng cảm (Mc 2,13-17) -
Thứ Sáu tuần 1 Thường niên năm I - Phó thác (Mc 2,1-12) -
Thứ Năm tuần 1 Thường niên năm I - Đấng Messiah (Mc 1,40-45) -
Thứ Tư tuần 1 Thường niên năm I - Chữa lành (Mc 1,29-39) -
Thứ Ba tuần 1 Thường niên năm I - Thẩm quyền (Mc 1,21-28)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38)