Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (+video)

Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (+video)

Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (+video)

Ga 21,1-19

Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”
(Ga 21,19)

Khung cảnh Chúa Giêsu hiện ra lần này bên bờ Biển Hồ Tibêria mang một ý nghĩa đặc biệt. Đây là nơi Chúa Giêsu và các môn đệ có nhiều kỷ niệm. Chúa đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng tại Capharnaum và vùng chung quanh Biển Hồ này. Cũng tại đây, Người đã kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên và biến họ trở thành những kẻ đi lưới người (Lc 5,11). Đây cũng là nơi Giáo Hội Chúa Kitô được thành hình. Với tất cả những dữ kiện ấy, ta dễ dàng hiểu Giáo Hội như một chiếc lưới cá (Mt 13,47-50) và những người chài lưới là các môn đệ Chúa.

Giờ đây, Chúa Phục Sinh hiện ra với các ông trong khung cảnh đánh lưới cá quả thực là một nhắc nhở đầy ý nghĩa. Đối với các ông, đây là cơ hội để các ông nhớ lại lời kêu gọi của Chúa và chuẩn bị bắt tay vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng để làm cho Giáo Hội được phát triển. Hình ảnh mẻ lưới cá kỳ diệu nói lên bàn tay can thiệp của Chúa Giêsu và sức mạnh Thánh Thần làm cho Giáo Hội được lớn lên. Nếu chỉ là cố gắng riêng của các môn đệ thôi, thì cho dù có vất vả suốt đêm họ cũng không bắt được gì cả (Ga 21,3). Nhưng khi họ vâng lời Chúa mà thả lưới thì họ đã thành công. Tóm lại, thánh Gioan muốn ghi lại khung cảnh của việc Chúa hiện ra để ta thấy được hoạt động của Chúa Phục Sinh và Thánh Thần trong Giáo Hội.

Nếu sự hiện diện của Chúa Phục Sinh đã được bày tỏ qua mẻ lưới thành công kỳ diệu thì bữa ăn của thầy trò còn mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Trước hết, như bà mẹ chăm sóc cho các con, thì chính bàn tay của Chúa Giêsu đã sửa soạn bữa ăn cho các môn đệ. Ta thử tưởng tượng xem sau một đêm làm việc vất vả, mệt nhọc và đói khát mà không bắt được con cá nào, vậy mà khi vừa “bước lên bờ, các ông đã nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa” (Ga 21,9). Chúng ta thừa hiểu các môn đệ của Chúa phải cảm động như thế nào trước tình yêu thương của Chúa! Hơn nữa, không những Người đã chuẩn bị than hồng, cá và bánh, mà còn tự tay phục vụ, “cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy” (Ga 21,13). Than hồng bừng bừng khác nào ngọn lửa yêu mến đang rực lên trong trái tim Chúa.

Lập lại những cử chỉ quen thuộc ấy, Chúa Giêsu muốn ta hiểu rằng, tâm điểm của Giáo Hội là Bí tích Thánh Thể. Giữa lòng Giáo Hội, việc cử hành Bí tích Thánh Thể là nguồn lan toả tình yêu thương của Chúa Giêsu và lòng bác ái của anh chị em cùng một đức tin vào Chúa Phục Sinh.

Ta có cảm tưởng thánh Gioan đã ghi lại hai câu chuyện trên là để dẫn ta vào cốt lõi của biến cố Chúa hiện ra ở Biển Hồ Tibêria: Chúa trao cho ông Phêrô sứ mệnh mục tử. Ba lần ông Phêrô xác nhận lòng yêu mến đối với Chúa không chỉ là để “chuộc lại” ba lần ông chối Chúa trong cuộc Thương Khó, nhưng còn để biểu dương tình yêu tuyệt đối của ông với Thầy chí Thánh.

Tại sao phải có tình yêu thật lớn thì mới đảm trách được sứ mệnh mục vụ ? Trách nhiệm mục tử là trách nhiệm phục vụ, chứ không phải để được người ta phục vụ (Mc 10,42-45). Tình yêu có lớn thì mục tử mới dám “hy sinh mạng sống” (Ga 15,13;10,18) cho đoàn chiên. Dĩ nhiên ai cũng phải công nhận ông Phêrô không có bằng cấp hay văn hoá cao, nhưng lòng mến đối với Chúa thì có lẽ không ai sánh kịp. Vậy mà Chúa còn đòi ông phải xác nhận lại tình yêu ấy, đủ biết tầm mức quan trọng của tình yêu trong trách nhiệm mục tử lớn lao biết chừng nào.

Một ngày nọ, ông Raoul đến thăm một trại phong. Viên giám đốc đích thân dẫn ông đi thăm các trại viên. Đến trước một khu nhà, có mấy bà cụ bệnh nhân bước ra tiếp đón, sau khi được nghe giới thiệu, như một phản ứng tự nhiên, ông Raoul tiến lại gần choàng tay ôm bà cụ, và cũng bằng phản ứng tự nhiên, bà cụ cũng rụt người lại khỏi vòng tay của ông vì bà cụ ngại sẽ làm lây nhiễm vi trùng cho vị ân nhân, và hơn nữa bà cũng sợ nội qui của trại không cho phép.

Thấy vậy ông Raoul quay sang viên giám đốc, mỉm cười và nói: “Nếu trại phong không có nội qui cấm làm việc này thì chắc là tôi được phép chứ nhỉ ?”. Dứt lời, ông lại vòng tay ôm choàng lấy bà cụ đáng thương. Các bệnh nhân khác thấy vậy, liền túa đến và chờ đợi cử chỉ thân tình và nhân ái ấy nơi vị khách quí của họ.

Ông Raoul nói to cho mọi người cùng nghe: “Tôi không phải là một bác sĩ, vì thế tôi không thể chữa bệnh cho anh chị em. Nhưng điều tôi có thể làm được, đó là yêu thương anh chị em, bởi vì anh chị em cũng là con cái Thiên Chúa như tôi vậy”

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

 

Top