Chúa nhật 27 Thường niên năm A - Lòng tham (Mt 21, 33-43)

Chúa nhật 27 Thường niên năm A - Lòng tham (Mt 21, 33-43)

“Đứa thừa tự đây rồi!
Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!”
(Mt 21,38)

BÀI ĐỌC I: Is 5, 1-7

“Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Tôi sẽ ca tặng người yêu bài hát của cô bác tôi về vườn nho.

Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại.

Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm ? Sao ta trông mong nó sinh quả nho, mà nó lại sinh quả nho dại!

Giờ đây ta tỏ bày cho các ngươi biết ta sẽ làm gì đối với vườn nho ta: Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó. Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích. Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 79, 9 và 12. 13-14. 15-16. 19-20

Đáp: Vườn nho của Chúa là nhà Israel (c. Is 5, 7a).

Xướng:

1) Từ Ai-cập Chúa đã mang về một gốc nho. Chúa đã đuổi chư dân đi để ương trồng nó. Nó vươn ngành ra cho tới nơi biển cả, vươn chồi non cho tới chỗ đại giang. - Đáp.

2) Tại sao Ngài phá vỡ hàng rào, để bao khách qua đường đều lảy hái nó, để lợn rừng xông ra tàn phá, và muông thú ngoài đồng dùng nó làm cỏ nuôi thân ? - Đáp.

3) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. - Đáp.

4) Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. Lạy Chúa thiên binh, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Pl 4, 6-9

“Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 21,33-43

33 Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho ; chung quanh vườn, ông rào giậu ; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta.” 

38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” 39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. 40 Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?” 41 Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” 42 Đức Giê-su bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao ? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. 43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

(Bài giảng của Lm GB Phương Đình Toại, MI)

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 27 Thường niên năm A

WHĐ (06.10.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

Số 755: Hội Thánh như vườn nho của Chúa

Số 1830-1832: Các hồng ân và hoa trái của Chúa Thánh Thần

Số 443: Các tiên tri là các tôi tớ, Đức Kitô là Con

Bài Ðọc I: Is 5, 1-7

Bài Ðọc II: Pl 4, 6-9

Phúc Âm: Mt 21, 33-43

 

Số 755: Hội Thánh như vườn nho của Chúa

755. “Hội Thánh là thửa ruộnghay cánh đồng của Thiên Chúa[1]. Trong cánh đồng đó, mọc lên cây ôliu cổ thụ mà gốc rễ thánh là các Tổ phụ, và nơi cây này, sự giao hoà giữa những người Do thái và các dân ngoại đã được và sẽ được thực hiện[2]. Hội Thánh được Nhà Làm Vườn thiên quốc trồng như một cây nho được tuyển chọn[3]. Đức Kitô là cây nho thật, ban sức sống và sự sinh sôi nảy nở các ngành, tức là chúng ta, những kẻ được ở trong Người nhờ Hội Thánh, và không có Người, chúng ta không thể làm gì được[4][5].

 

Số 1830-1832: Các hồng ân và hoa trái của Chúa Thánh Thần

1830. Đời sống luân lý của các Kitô hữu được nâng đỡ bởi các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Đó là những xu hướng thường xuyên giúp cho con người dễ dàng tuân theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

1831Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần là: ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn can đảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức và ơn kính sợ Thiên Chúa. Các ơn này đạt tới sự sung mãn của chúng nơi Đức Kitô, Con Vua Đavid[6]. Các ơn này hoàn thành các nhân đức của những người lãnh nhận chúng, và đưa các nhân đức đó tới mức trọn hảo. Các ơn này giúp các tín hữu dễ dàng vâng phục cách mau mắn những linh hứng của Thiên Chúa.

“Xin Thần Khí tốt lành của Chúa,

dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu” (Tv 143,10).

“Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa…. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8,14.17).

1832Các hoa trái của Thần Khí là những điều trọn hảo mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Hội Thánh kể ra mười hai hoa trái: “Bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, khiết tịnh” (Gl 5,22-23 vulg.).

 

Số 443: Các tiên tri là các tôi tớ, Đức Kitô là Con

443. Nếu thánh Phêrô có thể nhận ra tính chất siêu việt trong tư cách Con Thiên Chúa của Chúa Giêsu, Đấng Messia, thì đó là bởi vì chính Người đã nói lên điều đó cách rõ ràng. Trước Thượng Hội Đồng, khi những kẻ tố cáo hỏi Người: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?”, Chúa Giêsu trả lời: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây” (Lc 22,70)[7]. Trước đó đã lâu, Chúa Giêsu đã tự xưng mình là “Con”, là người biết rõ Chúa Cha[8], là người phân biệt mình với các “tôi tớ” mà Thiên Chúa đã sai đến trước với dân Ngài[9], là người trổi vượt trên cả các Thiên thần[10]. Chúa Giêsu phân biệt tư cách làm “Con” của Người với tư cách làm con của các môn đệ Người vì không bao giờ Người nói “Cha chúng ta”[11], trừ lúc truyền dạy họ: “Anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con’” (Mt 6,9); và Người nhấn mạnh sự khác biệt giữa “Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17).

 

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 27 Thường niên năm A:

Đức Phanxicô:

04.10.2020 – Quyền bính thật sự là phục vụ

08.10.2017 – Thiên Chúa không báo thù nhưng xót thương

05.10.2014 – Vườn nho của Thiên Chúa là “giấc mơ” của Ngài

Đức Bênêđictô XVI:

02.10.2011 – Trách nhiệm lớn của những ai làm việc trong vườn nho của Chúa

05.10.2008 – Con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Qua dụ ngôn những người tá điền sát nhân trong vườn nho, ta thấy hình ảnh của dân tộc Israel đã ra tay giết hại các ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến và sau cùng là giết chính người Con của Thiên Chúa. Qua đó, Thiên Chúa cho ta thấy sự nhẫn nại của Người trước những ác tâm của loài người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hai ngàn năm đã qua, nhưng bài học của dân Israel thuở xưa vẫn còn in đậm trong cuộc sống của chúng con.

Xin cho chúng con luôn xác tín rằng Ngài không còn hiện diện nhãn tiền nữa, nhưng Ngài có đó trong Giáo Hội và những người dạy dỗ chúng con, để chúng con biết khiêm nhường mở lòng đón nhận Lời Chúa, và cuộc sống chúng con luôn là hoa trái tốt tươi từ cây tình yêu bao la của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Ông sẽ cho người khác thuê vườn nho”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Chúng ta hãy chú ý tới tấm lòng của ông chủ vườn nho và tấm lòng của những tá điền: 

a/ Tấm lòng của ông chủ:

- ông rất quý vườn nho của mình nên đã chăm sóc nó rất chu đáo: rào dậu chung quanh, đặt bồn ép ở giữa, xây tháp phía trên.

- thế mà ông lại trao cho các tá điền vườn nho ấy. Đó là vì ông thương họ, muốn cho họ có công ăn việc làm.

- Ông lại còn tín nhiệm họ nên dám bỏ đi xa không cần coi chừng họ.

b/ Tấm lòng của các tá điền:

- Lẽ ra họ phải vừa thương mến vừa biết ơn ông chủ, vì nhờ ông mà họ có công ăn việc làm.

- Họ cũng phải đáp lại tình thương và lòng tín nhiệm của ông chủ bằng cách mỗi năm nộp phần hoa lợi.

- Nhưng sự vô cảm và vô ơn đã khiến họ càng ngày càng xấu hơn: ban đầu không chịu nộp hoa lợi (tham lam), kế đó đánh đập những kẻ mà chủ sai đến để nhắc hô về bổn phận tối thiểu ấy (độc ác), sau cùng giết luôn đứa con trai duy nhất của chủ để chiếm đoạt luôn quyền sở hữu vườn nho (chiếm đoạt).

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Đối với chúng ta, vườn nho là tất cả những gì mà chúng ta đang “có”. Nói “có” chỉ là một cách nói vậy thôi, chứ thực ra mọi sự từ mạng sống đến sức khoẻ, các tài năng, phương tiện và thời giờ đều là của Chúa và Chúa đã trao cho chúng ta vì quá thương chúng ta. Chúng ta có quyền sử dụng những thứ ấy để lo cho bản thân mình, nhưng tối thiểu chúng ta phải nộp lại cho Chúa một phần hoa lợi: dùng một phần công sức để làm việc Chúa, dùng một phần khả năng, tiền bạc… để lo cho việc Chúa và việc Giáo Hội. Nhưng chúng ta lại coi những thứ đó là “của” chúng ta, nên chúng ta tiếc rẻ khi Chúa hoặc Giáo Hội mời gọi chúng ta góp phần.

2. Hoa lợi mà tá điền phải nộp cho chủ thường chỉ là 1/10 hay có nhiều hơn nữa thì 2/10, 3/10, 4/10… nghĩa là phần của chủ luôn ít hơn mặc dù ông là kẻ sở hữu, còn phần tá điền thì luôn nhiều hơn dù họ chỉ là kẻ được chủ chia phần. Vì thế, chiếm đoạt luôn phần hoa lợi nhỏ của chủ là một việc làm rất bất công. Trong dụ ngôn này, ông chủ đã lấy lại vườn nho mà trao cho người khác “biết phải quấy” hơn là điều chính đáng.

Trong cụ thể, tôi có “nộp” cho Chúa phần hoa lợi về thời giờ, tiền bạc, khả năng v.v. không ? 1/10 thôi, tôi có nộp đủ không ?

3. Những người Chúa sai đến để nhắc tôi phải nộp phần hoa lợi ấy là ai ? Tôi có đối xử tệ với họ như các tá điền trong dụ ngôn này không ?

4. Khi giảng về việc giữ ngày Chúa nhật, một linh mục Trung hoa đã minh họa bằng câu chuyện sau: “Một người ra chợ mang theo chiếc túi có 7 quan tiền. Thấy người ăn mày tội nghiệp, ông đã quảng đại cho y 6 quan, chỉ giữ lại 1 quan. Người ăn mày thay vì cám ơn, lại đi theo rình mò và ăn cắp nốt quan tiền cuối cùng. Đúng là quân mạt rệp đáng khinh! Nhưng thử hỏi, Chúa cho ta 6 ngày làm việc, thế mà còn một ngày thứ bảy để ta nhớ đến Chúa mà nhiều khi ta cũng tiếc xót, thế thì ta là gì ?” (Góp nhặt)

5. Khi linh mục đang thống kê tình hình của xứ đạo, ngài hỏi một gia đình câu hỏi thường lệ:

- Các con có thường cầu nguyện chung cả gia đình không ?

Gia trưởng trả lời:

- Thưa cha, chúng con không có thời giờ.

- Giả như con biết một đứa con sẽ bị bệnh nếu chúng con không cầu nguyện, gia đình con có cầu nguyện không ?

- Ồ, con đoán chúng con sẽ cầu nguyện.

- Giả sử con biết ngày nào đó khi gia đình lơ là việc cầu nguyện, một đứa con sẽ gặp tai nạn. Các con có cùng cầu nguyện không ?

- Tất nhiên chúng con sẽ cầu nguyện.

- Giả sử mỗi ngày con quên cầu nguyện, giáo luật phạt 5 đôla. Các con có sao lãng việc cầu nguyện không ?

- Chắc chúng con sẽ cầu nguyện. Nhưng ý của những câu hỏi này là gì ?

- Vấn đề của con là không có thời giờ. Con có thể tìm được thời giờ. Con không nghĩ cầu nguyện chung gia đình là quan trọng như nộp phạt hay giữ sức khỏe cho con. Ơn ban của Chúa qua lời cầu nguyện quan trọng hơn bất cứ những gì con có thể nghĩ tới (góp nhặt)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN.

 

          1. Tục lệ trồng nho ở Palestine.

          Palestine là một vùng đồi núi thích hợp cho việc trồng nho, nên trồng nho  là một nghề rất quen thuộc.  Chúa Giêsu muốn dùng vườn nho để làm dụ ngôn. Vườn nho thường có hàng rào làm bằng hàng rào gai dầy để ngăn chặn heo rừng vào phá và kẻ trộm có thể vào ăn trộm nho.  Mỗi vườn nho đếu có hầm ép rượu gồm hai cái chậu đục từ đá hay xây bằng gạch, cái này đặt cao hơn cái kia và nối với nhau bằng hai cái rãnh.  Nho được ép từ chậu cao  sẽ chảy xuống chậu thấp.  Cái tháp trong vườn được dùng cho hai mục đích. Nó dùng làm chòi canh kẻ trộm khi mùa nho chín và làm chỗ cho người làm việc trong vườn nho.

          Những người có nhiều đất thì thường đem đất đai cho mướn, giống như ở Việt nam xưa cho tá điền phát canh thu tô. Tiền cho mướn phải trả bằng ba cách : bằng tiền, bằng số trái cây nhất định hoặc bằng số bách phân của hoa mầu.

          Hành động của những người trồng nho mướn cũng không phải là việc bất thường. Trong thời Chúa Giêsu, xứ Palestine ở vào thời kinh tế bất ổn, người làm công bất mãn và làm loạn . Hành động của những tá điền tìm giết con chủ vườn không phải là chuyện không xẩy ra.

          2. Ý nghĩa dụ ngôn.

          Bài Tin mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn  những người làm vườn nho giết người, để trình bầy về sự tương phản giữa tình yêu của Thiên Chúa với sự độc ác của những kẻ bất trung vô ơn bội nghĩa với tình thương yêu ấy.
          Theo từng chi tiết, vườn nho ám chỉ Nước Thiên Chúa hay là Nước Trời được trao cho dân Do thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Những người thợ làm vườn  nho là giới lãnh đạo, là những người đứng đầu trong dân. Các đầy tớ là các tiên tri, những sứ giả được Thiên Chúa sai đến đều bị ngược đãi hoặc bị giết chết. Trước thái độ bất nhân bất nghĩa đó, Nước Thiên Chúa được chuyển sang cho một dân tộc khác là Hội thánh, một dân phổ quát và Công giáo,  sẽ lan tràn trên khắp thế giới.
          Ý nghĩa câu chuyện thật rõ ràng đối với thính giả Do thái thời Chúa Giêsu.  Thiên Chúa đã chọn người Do thái làm dân riêng của Ngài, đã ban cho họ mọi sự có thể, nhưng họ bác bỏ và giết chết các tiên tri của Thiên Chúa và đóng đinh chính Con của Ngài chết trên thập giá.
          Rồi Thiên Chúa kêu mời những người Do thái, là chúng ta đây, làm những tá điền mới trong vườn nho của Ngài, làm công dân mới trong Nước Thiên Chúa. Cũng vậy, chúng ta phải làm sinh hoa lợi, phải nộp một loại “tiền thuế”, một loại “dịch vụ”, một loại “nợ” về ân huệ gia nhập dân Chúa.

II. NHỮNG BÀI HỌC CHO CHÚNG TA.

          Đọc dụ ngôn này, chúng ta có thể rút ra được mấy bài học để thực hành trong đời sống hằng ngày :

                   - Lòng yêu thương và kiên nhẫn của Thiên Chúa.

                   - Sự tựï do của con người trong cuộc sống.

                   - Phải sinh hoa trái tốt trong đời sống.

          1. Lòng yêu thương và kiên nhẫn của Thiên Chúa.

          Suy nghĩ về thái độ của ông chủ vườn nho đối với các tá điền,  ta thấy chủ vườn nho đã cố gắng tới ba lần để giúp các tá điền thay đổi đường lối. Ông sai hết người đại diện này đến người đại diện khác đến với họ.  Ông không đến báo thù ngay khi người đại diện ban đầu bị ngược đãi, ông cho những người tá điền hết cơ hội này đến cơ hội khác để đáp ứng đòi hỏi của ông.  Khi ông thấy rằng có kiên nhẫn hơn nữa cũng vô ích, ông ta mới ra tay xét xử  đám này và bắt họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.   Cuối cùng, ông chủ lấy lại vườn nho và trao lại cho người khác.

          Thiên Chúa cũng cư xử với chúng ta y như thế.  Cha chúng ta trên trời vô cùng kiên nhẫn.  Nhưng rồi sẽ đến lúc sự kiên nhẫn của Chúa sẽ nhường bước cho sự xét xử.  Và chúng ta cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

          2.  Sự tự do của con người.

          Ông chủ vườn nho đã sắp xếp mọi thứ : có hàng rào, có hầm ép rượu và tháp canh để giúp cho công việc được dễ dàng. Ông chủ không những giao công việc để làm, mà còn giao phương tiện để làm nữa.  Ông chủ vườn để những người tá điền làm công việc theo sở thích của mình và chỉ đòi họ canh tác để đến mùa thu hoa lợi, chứ không phải là người độc đoán, ông như một vị chỉ huy khôn ngoan trao công tác rồi để cho họ làm.

          Điều này nói lên ông chủ tín nhiệm các tá điền. Nhưng có những tá điền không làm đúng công việc của mình, họ đã lạm dụng tự do ông chủ ban cho để tìm lợi lộc riêng. Họ đã phụ lòng tin của ông chủ. Những người tá điền cố tình thực hiện kế hoạch chống lại và không vâng phục chủ mình.

          Mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho, là những ơn phúc và chúng ta có bổn phận đem hoa lợi về cho Chúa. Ngài để cho chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những việc chúng ta làm.

          3. Phải làm nảy sinh ra hoa trái tốt.

          a) Những ơn lành đã nhận.

          Tất cả mọi cái chúng ta có là do Chúa mà có, ngay cả con người chúng ta, mạng sống chúng ta. Chúng ta phải nói như thánh Phaolô :”Tất cả là hồng ân”.  Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đặt một câu hỏi khiến mọi người chúng ta phải suy nghĩ :”Bạn có gì mà bạn đã không lãnh nhận” (1Cr 4,7).

          Thật vậy, những ân phúc Chúa ban như những tài năng tinh thần, những của cải vật chất, chúng ta phải biết xử dụng để sinh lợi tối đa, tức là chúng ta phải làm việc và làm lợi cho Chúa. Mỗi người Chúa ban cho một vốn liếng khác nhau không ai giống ai : người mười nén, người năm nén, người một nén... nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ là phải cố gắng làm sinh lời tùy theo sức của mình. Chúa chỉ đòi chúng ta cố gắng chứ không đòi kết quả.

          Tóm lại, tất cả đều do Chúa ban. Ta đúng là một vườn nho được Chúa chăm sóc ân cần.

             Chúa chờ đợi gì nơi ta ?

         Chúa muốn ta nhận biết tất cả là bởi Chúa. Thế mà chúng ta vô tình coi những thứ đó là của riêng ta. Như thế, chúng ta cũng giống như những tá điền muốn chiếm đoạt vườn nho của chủ.  Nhiều khi chúng ta chỉ biết dùng những thứ ấy cho riêng mình mà không nghĩ tới tha nhân, Giáo hội và xã hội.

          Ngoài ra, trong việc làm sinh hoa kết quả trong đời sống, tâm lý thông thường con người ta là muốn làm việc lớn, được nhiều lợi nhuận, được nhiều người biết đến. Nhưng trước mặt Chúa, mọi việc dù lớn dù nhỏ không quan hệ, miễn là chúng ta làm việc cho Chúa, vì Chúa và làm hết khả năng của mình. Trong cuộc sống của chúng ta, chẳng mấy khi có việc lớn mà chỉ là những việc nhỏ, nhưng trung thành  chu toàn được những việc nhỏ lại là việc khó như ngạn ngữ La tinh có câu :”Communia, non communiter” : làm công việc tầm thường nhưng bằng một cách phi thường.  Thánh Têrêsa Hài đồng đã làm gương cho chúng ta về vấn đề này.

          Không ai có thể làm việc lớn cho Chúa nếu trước hết không làm những việc nhỏ cho Ngài. Nếu không trung thành trong những việc nhỏ thì không ai tin tưởng mà trao cho chúng ta việc lớn hơn.  Kinh thánh nói :”Ai trung thành trong việc nhỏ mọn cũng sẽ trung thành trong việc lớn”.

                                       Truyện : Vị thiên thần dễ tính.

          Ngày kia, có hai người xin vị thiên thần cho họ được tham dự vào quyền năng của Thiên Chúa.  Vị thiên thần đồng ý.  Người thứ nhất xin cho có khả năng làm được những công việc vĩ đại. Vị thiên thần gật đầu ưng thuận, nhưng lại ra điều kiện :”Ngươi sẽ được quyền lực để hoàn thành những kỳ công. Nhưng ngươi lại không có sức làm những việc thông thường”.  Chàng ta đọc được ý nghĩ của kẻ khác, và không ngừng chế tạo ra những phát minh vĩ đại. Ít lâu sau chàng đã trở thành tỉ phú nhờ kinh doanh những phát minh của chàng.  Chàng ta rất hài lòng với những thành công đã đạt được.  Nhưng chẳng bao lâu, từng người một, các bạn bè lần lượt xa lánh chàng mà chàng lại không làm gì được để giữ họ lại. Sau đó cả người vợ cũng thầm giũ áo ra đi. Chàng cũng không làm gì được để nối lại mối tình xưa. Rồi sau cùng sức khỏe cũng giã biệt chàng, thân thể trở nên bạc nhược, đến nỗi chàng không còn đi đứng được nữa, chàng bất lực, chẳng làm gì được để phục hồi sức khỏe ngoài việc ngồi trên xe lăn để đếm từng ngày cô đơn.

          Ngược lại, người thứ hai chỉ xin được có khả năng làm tốt những việc bình thường. Vị thiên thần cũng đồng ý và nhắn thêm :”Thiên Chúa sẽ không cho ngươi quyền lực nào đặc biệt để hoàn thành  những việc phi thường đâu”. Chàng bình thản tiếp tục sống cuộc đời mình, hằng ngày chàng vui vẻ chu toàn nghĩa vụ của một công dân lương thiện, một người chồng chung thủy, một người cha hiền tận tụy với con cái, một người bạn, một người láng giềng quảng đại, hào hiệp, vị tha. Chàng cảm thấy đời mình thật ý nghĩa, thật vui tươi và hạnh phúc. Chàng không còn ước muốn gì hơn là được tiếp tục sống trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân trong những gì bình thường nhất với một niềm tri ân sâu thẳm.

          Biết nhìn ra những giá trị của những điều bình thường trong cuộc sống, con người mới có khả năng khám phá được sự cao cả phi thường mà Thiên Chúa cất giấu trong đời họ. Từ đó con người cũng sẽ kín múc được sức mạnh dồi dào để phát huy những giá trị của bản thân, của cuộc sống để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

                   (Phạm văn Phượng, Chia sẻ Tin mừng CN, năm A, tr 212-213)

          b)  Lãnh nhận và cho đi.

          Ta nhắc lại một lần nữa lời thánh Phaolô :”Bạn có gì mà bạn đã không lãnh nhận”(1Cr 4,7). Phải, tất cả những gì ta đang có là do ta lãnh nhận từ tay Chúa, một cách trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng không chỉ nhận, ta còn phải biết cho, bởi vì, trên căn bản, ta nhận không phải chỉ cho riêng mình mà còn cho người khác nữa.

          Con sông chỉ nhận nước vào mà không cho nước thoát ra thì không thể nhận thêm nước được, nó sẽ trở thành cái ao tù.  Nó phải phân phối nước đi thì nó mới trở nên trong sạch được bằng cách nhận thêm nước khác. Nước Biển Chết là một thứ nước mặn chát, hôi thối vì chỉ nhận nước tư øcác sông chảy vào mà không có lối thoát ra.

          Có một mối tương quan biện chứng giữa nhận và cho : đã nhận thì phải cho đi, cho đi thì mới nhận vào được,  nếu chỉ nhận mà không cho đi thì bị tắc nghẽn.  Con người cũng thế, nếu chỉ biết nhận lãnh cho mình mà không biết chia sẻ cho nguời khác thì người đó chỉ biết co cụm lại, thay vì làm giầu thì chỉ làm cho mình nghèo đi. Những người chỉ biết co cụm lại không thông ra cho người khác thì không bao giờ có niềm vui vì người ta chỉ có thể có niềm vui khi mở lòng ra với người khác.

                                      Truyện : không biết chia sẻ.

          Một người nghèo nọ được thần tài gõ cửa, nên không mấy chốc căn nhà của anh bỗng rộn lên tiếng cười của vợ con, họ hàng và láng giềng. Một cuộc sống xứng với nhân phẩm hơn đó là điều mà con người may mắm này đã cảm nhận được.

          Tuy nhiên, may mắn nào cũng kéo theo những đòi hỏi, đòi hỏi thách thức nhất của người nghèo  bỗng nhiên trở thành giầu có là : hãy chia sẻ với người khác. Không mấy chốc, bà con họ hàng từ các nơi đổ xô về căn nhà nghèo nàn của anh để xin giúp đỡ, trước là nhận họ sau là nhận hàng, đó là thói thường của người đời.

          Kẻ trúng số hiểu được các tâm lý thông thường ấy, lúc đầu được thúc đẩy bởi lòng quảng đại, ông không ngần ngại chia sớt cho mọi người. Nhưng dần dà con số người đến xin giúp đỡ ngày càng gia tăng, cho đến một lúc cuộc sống riêng tư và êm ấm của gia đình hầu như bị xáo trộn triền miên. Người đàn ông không còn đủ kiên nhẫn nữa.

          Một hôm, ông đề nghị với vợ :

          - Hay là ta dọn đi một nơi khác.

          Người vợ lắc đầu bảo :

          - Mình có đi đâu thì thiên hạ cũng tìm tới.

          Nhưng người chồng giải thích :

          - Mình sẽ đi đến một chỗ không ai biết, mình sẽ đổi tên đổi họ, cũng không cho ai biết mình sẽ đi đâu, và sẽ cố gắng sống một cách đơn giản để không ai để ý đến mình nữa, ngay cả mấy đứa nhỏ cũng không cho biết mình đã trúng số.

          Người vợ thắc mắc :

          - Còn tiền bạc thì mình để ở đâu?

          Chồng trả lời dứt khoát :

          - Mình sẽ đem chôn giấu, mình sẽ sống như thể không hề trúng số, chỉ đem ra dùng  khi nào cần thiết mà thôi.

          Thế là cả gia đình đã dọn đến một nơi khác như dự kiến : họ lén lút ra đi nên không ai biết, tiền bạc đem chôn cất, con cái còn quá nhỏ nên không biết việc gì đã xẩy ra, họ sống nghèo nàn trong một khu ổ chuột.  Ngày qua ngày, chính họ cũng quên rằng mình đã có lần trúng số, và khi họ chết thì tất cả mọi tài sản đều mất hết. Họ quên cả việc viết chúc thư cho con cái để trao lại tài sản cho chúng.

          Câu chuyện ngụ ngôn trên đây nhắc cho chúng ta lời khuyên của Chúa Giêsu  :”Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không”.  Tất cả những gì Chúa ban cho ta, không phải chỉ dành cho riêng mình nhưng còn phải cho kẻ khác nữa.  Chúng ta chỉ có được niềm vui khi chúng ta biết mở lòng ra với người khác. Còn niềm vui nào lớn hơn khi niềm tin được sinh lợi bằng những hoa trái của yêu thương, của phục vụ. Còn niềm vui nào lớn hơn khi chúng ta cảm nhận được Chúa đang đến qua từng cố gắng sống niềm yêu thương chia sẻ của chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Suy niệm:
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã sai nhóm Mười Hai
đi rao giảng về Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh tật (ch. 9).
Họ là những tông đồ thân tín, sống gần gũi bên Thầy Giêsu.
Nhưng vì thấy lúa chín đầy đồng, và thợ gặt thì ít,
Đức Giêsu lại sai thêm bảy mươi hai môn đệ lên đường.
Đây là một số người khá đông mà Đức Giêsu quy tụ được.
Chắc họ không luôn luôn ở với Ngài và gần gũi như nhóm Mười Hai,
vì họ còn phải vất vả lo chuyện gia đình, làm ăn,
nhưng họ vẫn được Ngài chỉ định và trao phó nhiệm vụ đi tiền trạm.

Ngày trở về của nhóm Bảy Mươi Hai là một ngày rất vui.
Họ thi nhau khoe với Thầy về chuyện họ trừ được quỷ dữ,
Họ đã có kinh nghiệm về Tên của Thầy mình.
“Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải lụy phục chúng con” (c. 17).
Những môn đệ bình thường bắt đầu vui sướng nhận thấy
họ có thể dũng cảm đối đầu với những mãnh lực đáng sợ
chỉ nhờ đặt nơi Thầy một lòng tin phó thác đơn sơ.
Đúng là Xatan đã đến ngày tàn khi Đức Giêsu xuất hiện (c. 18).
Nó bị sa xuống từ trời, và nước của nó bị đổ nhào bởi Nước Thiên Chúa.

Trước niềm vui chiến thắng của nhóm Bảy Mươi Hai,
Thầy Giêsu muốn nhắc họ về một niềm vui khác, lớn hơn nhiều.
Đó là vui vì tên họ đã được ghi trên trời (c. 20).
Khi Xatan bị tống khỏi trời, thì các môn đệ có chỗ vững vàng ở đó.
Phúc cho họ vì được ơn có tên trong sách sự sống (Pl 4,3).
Đây mới là hạnh phúc và niềm vui đích thật.

Bài Tin Mừng hôm nay đầy ắp niềm vui.
Niềm vui từ số đông môn đệ tỏa lan sang Thầy Giêsu.
Vào ngay giờ ấy, Thầy cũng bất ngờ cảm nếm niềm vui do Thánh Thần,
và môi Thầy bật lên lời cầu nguyện tự phát.
Vừa thân thiết, vừa cung kính, Thầy dâng Cha lời tạ ơn:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha.”
Thầy Giêsu ngây ngất trước những việc Cha làm cho các môn đệ.
Tuy chỉ là những kẻ bé mọn, bình dân,
chẳng phải là những nhà khôn ngoan thông thái,
nhưng họ lại được Cha mặc khải những điều mầu nhiệm.
Cha đã vén mở cho họ tin vàoThầy Giêsu là Con của Cha.
Họ có niềm tin mà những người kiêu căng tự mãn không có được.
Thầy Giêsu khâm phục sự sắp đặt kỳ diệu của Cha:
“Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (c. 21).

Chúng ta có quyền tin rằng,
vào giây phút cầu nguyện linh thiêng này,
không phải chỉ các môn đệ và Thầy Giêsu mới đầy ắp niềm vui.
Cả Chúa Cha trên trời cũng vui, cùng với Chúa Thánh Thần.
Qua lời cầu nguyện, Thầy Giêsu cho thấy Cha đang mặc khải cho môn đệ.
Và chính Thầy cũng đang mặc khải về Cha cho họ.
Đây là giây phút Cha-Con mặc khải về nhau.

Giáo Hội hôm nay cần Mười Hai tông đồ,
Nhưng cũng rất cần Bảy Mươi Hai môn đệ đi tiền trạm cho Chúa Giêsu.
Giáo Hội cần những giáo dân được sai đi để xây dựng Nước Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm
nay đã trở thành cây cao
cho chim trời rủ nhau trú ngụ.
Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên,
để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới.

Sau hai mươi thế kỷ,
các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.
Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba,
người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới.
Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian,
cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.

Xin cho chúng con đừng mặc cảm
vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam,
nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa
trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ.

Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa,
gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,
trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống.
Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công
vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen.

5. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có người chủ vườn nho “ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a). Anh rất quý vườn nho đến nỗi anh có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm ?” (Is 5,4). Với sự chăm sóc ân cần cho vườn nho, anh mong những cây nho thân yêu của mình sinh ra những trái ngon ngọt. Đó là hình ảnh vườn nho được chăm sóc, mà ngôn sứ Isaia đã phác họa để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn”, Israel rất ân cần chu đáo.

Tuy nhiên, dân Israel được chăm sóc ân cần vẫn bạc tình bạc nghĩa, như một vườn nho chỉ sinh trái dại… Ngôn sứ Isaia đã chỉ rõ ràng: “Vườn nho đó chính là nhà Israel; Cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, chính là người xứ Giuđa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 5,7), Thiên Chúa thất vọng về vườn nho của mình…

Suy niệm

Với dụ ngôn “Những tá điền bất lương và vườn nho”, Đức Giêsu chỉ đích danh các thượng tế và kỳ lão. Họ là những người được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăm sóc vườn nho. Nhưng thay vì mang hoa lợi về cho chủ là Thiên Chúa, họ lại muốn chiếm đoạt hoa lợi ấy cho mình. Vì thế, những sứ giả được Thiên Chúa sai đến là các ngôn sứ đều bị họ giết chết. Ngay người con duy nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu cũng bị họ đóng đinh và treo Người trên cây thập giá.

Vườn nho mà Thiên Chúa trao cho dân Israel, được trao lại cho mọi dân tộc, và từ nay Thiên Chúa chăm sóc cho tất cả mọi dân nước: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho nước ấy sinh hoa lợi”. Trong Tân ước, mọi người, mọi dân tộc đều được mời gọi đi làm và ở trong vườn nho (x. Mt 20,1-16a). Dân nước này sẽ được làm thành bởi mọi kẻ sẽ sinh hoa trái của nước Trời, nghĩa là những kẻ, khi tiếp nhận Người Con, sẽ tụ họp quanh Người để làm nên dân mới của Thiên Chúa (x. Rm 9,25; 1Pr 2,10).

Dụ ngôn “những tá điền bất lương và vườn nho” có tính cách lịch sử: Nghĩa là nó diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ, thái độ của họ với chính Chúa. Dụ ngôn cũng mang tính cách tiên tri: Nơi con người thời đại đang và sẽ đến đối xử với Thiên Chúa, và những tá điền vườn nho là hình ảnh của các giới lãnh đạo Do Thái nhưng cũng chỉ trực diện mỗi chúng ta ngày hôm nay, những người trong giao ước mới, được mời gọi đi làm vườn nho. Chúng ta là những tá điền được Chúa trao phó trách nhiệm trông coi vườn nho và làm phát sinh hoa lợi. Những gì ta đang có chính là hoa lợi từ vườn nho.

Tự tước lấy hoa trái của Thiên Chúa, muốn mình định đoạt tất cả, loại Thiên Chúa trong cuộc đời mình, chính là hình ảnh những tá điền bất lương của ngày hôm nay, con người vẫn đang đi vào vết xe đổ của lịch sử: Khi chúng ta chọn lựa cho mình một cách sống tự mình là chủ định đoạt “vườn nho” mà không cần biết Đấng làm chủ vườn nho, chúng ta muốn tước đoạt của “thừa tự” của Đấng làm Con Thiên Chúa. Chúng ta đang phác họa lại hình ảnh nguyên tổ trong vườn địa đàng xưa: Muốn lấy cái “biết” của Thiên Chúa qua hành động hái và ăn trái “hiểu biết” theo ý đồ của Satan, để có vinh quang bằng Đấng Tạo hóa. Nhưng, sự “biết” không thấy, lại bị tước đoạt vườn Địa đàng được trao phó. Những tá điền vườn nho cũng vậy, khi giết con thừa tự, vườn nho không những không được hưởng, mà còn bị chủ vườn nho lấy lại giao cho các tá điền khác.

Hôm nay, tôi và bạn là người tá điền làm vườn nho được Thiên Chúa ký thác. Ước chi chúng ta luôn ý thức trách nhiệm mình là tá điền chuyên chăm trong vườn nho của Chúa. Tá điền biết cộng tác xây dựng công trình vườn nho cho vinh quang Thiên Chúa...

Ý lực sống

“Hãy đi vào vườn nho của tôi...
Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”
(Mt 25,21-23).

Top