Chúa nhật 26 Thường niên năm A (Mt 21,28-32)

Chúa nhật 26 Thường niên năm A (Mt 21,28-32)

Chúa nhật 26 Thường niên năm A (Mt 21,28-32)

Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy.
Nó đáp: Thưa ngài, con đây! nhưng rồi lại không đi. (Mt 21,30)

BÀI ĐỌC I: Ed 18, 25-28

“Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Đây Chúa phán: “Các ngươi đã nói rằng: ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư ?Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực ?Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5. 6-7. 8-9

Đáp: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Chúa (c. 6a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa. - Đáp.

2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin đừng nhớ lỗi lầm khi con còn trẻ và tội ác, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Đáp.

3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho con nhận biết đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Pl 2, 1-5 hoặc 1-11

“Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Đức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô.

Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 21, 28-32

28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho. 29 Nó đáp: Con không muốn đâu ! Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: Thưa ngài, con đây! nhưng rồi lại không đi.

31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ? Họ trả lời: Người thứ nhất. Đức Giê-su nói với họ: Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.


Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

Bài giảng của lin mục GB Phương Đình Toại, MI

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 26 Thường niên năm A

WHĐ (29.09.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 1807: Người công chính được nhận biết qua việc cư xử ngay thẳng thường xuyên đối với người khác

Số 2842: Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban cho chúng ta những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có

Số 1928-1930, 2425-2426: Bổn phận công bằng xã hội

Số 446-461: Quyền chủ tể của Đức Kitô

Số 2822-2827: "Ý Cha thể hiện"

Bài Ðọc I: Ed 18, 25-28

Bài Ðọc II: Pl 2, 1-5 {hoặc 1-11}

Phúc Âm: Mt 21, 28-32

 

Số 1807: Người công chính được nhận biết qua việc cư xử ngay thẳng thường xuyên đối với người khác

1807Công bằng là nhân đức luân lý cốt tại một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là “nhân đức thờ phượng”. Đối với người ta, công bằng là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và thiết lập sự hài hòa trong các tương quan nhân loại, sự hài hòa này đưa tới việc không thiên vị đối với các nhân vị và đối với công ích. Người công bằng, thường được nhắc đến trong Thánh Kinh, có nét đặc biệt là sự ngay thẳng thường xuyên trong các ý nghĩ của mình và ngay thẳng trong cách hành động đối với người lân cận. “Ngươi không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào” (Lv 19,15). “Người làm chủ hãy đối xử công bằng và đồng đều với các nô lệ, vì biết rằng cả anh em nữa cũng có một Chủ ở trên trời” (Cl 4,1).

 

Số 2842: Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban cho chúng ta những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có

2842. Từ “như” ở đây không phải là trường hợp duy nhất trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36); “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chúng ta không thể tuân giữ điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước mẫu gương của Chúa theo dáng vẻ bên ngoài. Vấn đề ở đây là phải tham dự một cách sống động và “tận đáy lòng” vào sự thánh thiện, vào lòng thương xót, vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta. Chỉ có Thần Khí, “nhờ Ngài mà chúng ta sống” (Gl 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có[1]. Lúc đó hai việc tha thứ có thể trở nên một, nghĩa là, “biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32).

 

Số 1928-1930, 2425-2426: Bổn phận công bằng xã hội

1928. Xã hội bảo đảm công bằng xã hội, khi tạo điều kiện để các đoàn thể và mỗi cá nhân có được những gì họ có quyền hưởng theo bản tính và ơn gọi của họ. Công bằng xã hội được liên kết với công ích và với việc thực thi quyền bính.

TÔN TRỌNG NHÂN VỊ

1929. Không thể có công bằng xã hội, nếu không có sự tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Nhân vị là mục đích tối hậu của xã hội, vì xã hội được quy hướng về nhân vị:

“Việc bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của nhân vị được Đấng Tạo Hóa uỷ thác cho chúng ta, và bất cứ ở thời đại nào trong lịch sử, các người nam và người nữ đều mắc nợ về điều đó, vì nhiệm vụ đã lãnh nhận”[2].

1930. Sự tôn trọng nhân vị bao hàm việc tôn trọng các quyền phát xuất từ phẩm giá của nhân vị, xét như một thụ tạo. Các quyền đó có trước xã hội và được ấn định cho xã hội. Các quyền đó đặt nền cho tính hợp pháp về mặt luân lý của mọi quyền bính: khi khinh miệt hay phủ nhận các quyền đó trong luật thiết định của mình, là xã hội phá huỷ tính hợp pháp về mặt luân lý của chính mình[3]. Không có sự tôn trọng như vậy, quyền bính chỉ có thể dựa trên sức mạnh hay bạo lực, để bắt buộc những người dưới quyền mình phải tuân phục. Hội Thánh có bổn phận nhắc nhở những người thiện chí về những quyền này và phân biệt chúng với những yêu sách thái quá hoặc sai lầm.

2425. Hội Thánh chấp nhận các ý thức hệ chuyên chế và vô thần, trong thời đại ngày nay, được nối kết với mọi hình thái chuyên chế độc tài. Đàng khác, Hội Thánh cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân trong việc thực hành của “Chủ nghĩa tư bản” và việc cho luật thị trường là tối thượng trên lao động của con người[4]. Việc điều hành kinh tế chỉ dựa trên kế hoạch tập trung làm băng hoại tận nền tảng các mối dây liên kết xã hội; việc điều hành kinh tế chỉ theo luật thị trường xúc phạm đến sự công bằng xã hội, “bởi vì có những đòi hỏi của con người không thể thoả mãn được nhờ thị trường”[5]. Phải ủng hộ sự điều hành hợp lý đối với thị trường và các sáng kiến kinh tế, theo một bậc thang giá trị đúng đắn và nhằm vào công ích.

HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

2426. Việc phát triển các hoạt động kinh tế và sự gia tăng sản xuất nhằm phục vụ các nhu cầu của con người. Đời sống kinh tế không chỉ nhằm để làm ra nhiều sản phẩm, gia tăng lợi nhuận hoặc quyền lực; nhưng trước tiên nó nhắm tới việc phục vụ các nhân vị, con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế phải được hướng dẫn theo những phương pháp và luật lệ riêng, phải được thực thi trong các giới hạn của trật tự luân lý, theo sự công bằng xã hội, để phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa về con người[6].

 

Số 446-461: Quyền chủ tể của Đức Kitô

446. Trong bản dịch các sách Cựu ước ra tiếng Hy lạp, YHWH, danh không thể xưng mà Thiên Chúa dùng để tự mạc khải cho ông Môisen[7], được dịch là Kyrios (“Chúa”). Từ đó, tước hiệu “Chúa” trở thành danh xưng thông dụng nhất để nói lên chính thần tính của Thiên Chúa Israel. Tân Ước dùng tước hiệu “Chúa”, theo nghĩa mạnh như trên, cho Chúa Cha, và đồng thời, và đây là điều mới mẻ, cũng dùng cho Chúa Giêsu, qua đó nhìn nhận Người chính là Thiên Chúa[8].

447. Chính Chúa Giêsu nhận tước hiệu ấy cho mình một cách mặc nhiên khi tranh luận với các người Pharisêu về ý nghĩa thánh vịnh 110[9], nhưng khi nói chuyện với các Tông Đồ thì Người nhận một cách minh nhiên[10]. Trong suốt cuộc đời công khai của Người, những cử chỉ thống trị của Chúa Giêsu trên thiên nhiên, trên bệnh tật, trên ma quỷ, trên sự chết và tội lỗi, chứng tỏ Người có quyền tối thượng của Thiên Chúa.

448. Trong các sách Tin Mừng, khi thưa chuyện với Chúa Giêsu, người ta rất thường gọi Người là “Chúa”. Tước hiệu này cho thấy lòng tôn kính và tin tưởng của những người đến với Chúa Giêsu và mong đợi Người cứu giúp và chữa lành[11]. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, khi thưa như vậy, người ta nhìn nhận mầu nhiệm thần linh của Chúa Giêsu[12]. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh, việc gọi tước hiệu ấy trở thành việc thờ lạy: “Lạy Chúa của con! lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Lúc đó, việc gọi Người như vậy còn mang ý nghĩa kính yêu và thân ái, là điểm riêng của truyền thống Kitô giáo: “Chúa đó!” (Ga 21,7).

449. Khi dành cho Chúa Giêsu tước hiệu thần linh là “Chúa”, những lời tuyên xưng đức tin tiên khởi của Hội Thánh xác quyết ngay từ đầu[13] rằng quyền năng, danh dự và vinh quang thuộc về Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu[14], bởi vì Người “vốn dĩ là Thiên Chúa” (Pl 2,6), và bởi vì Chúa Cha đã làm tỏ hiện quyền chủ tể này của Chúa Giêsu khi cho Người sống lại từ cõi chết và tôn dương Người trong vinh quang của Ngài[15].

450. Ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo, việc xác quyết quyền chủ tể của Chúa Giêsu trên trần gian và trên lịch sử[16] cũng có nghĩa là nhìn nhận rằng, con người không được để cho tự do cá nhân của mình suy phục một cách tuyệt đối bất cứ quyền bính trần thế nào, nhưng chỉ suy phục một mình Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô: Hoàng đế Cêsar không phải là “Chúa”[17]. Hội Thánh “tin rằng mình gặp được chìa khóa, trung tâm và cứu cánh của toàn thể lịch sử nhân loại nơi Chúa và Thầy của mình”[18].

451. Kinh nguyện Kitô giáo được ghi dấu bằng tước hiệu “Chúa”, dù là lời mời gọi cầu nguyện “Chúa ở cùng anh chị em”, dù là câu kết thúc lời nguyện: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”, hay cả trong tiếng kêu đầy tin tưởng và hy vọng “Maran atha” (“Chúa đến!”) hoặc “Marana tha” (“Lạy Chúa, xin ngự đến!”) (l Cr l6,22). “Amen. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).

452. Thánh Danh Giêsu có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Hài nhi sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria được gọi là “Giêsu”: “Vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

453. Danh hiệu “Kitô” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, “Đấng Messia”. Chúa Giêsu là Đấng Kitô bởi vì “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38). Người là “Đấng phải đến” (Lc 7,19), là đối tượng của niềm hy vọng của Israel[19].

454. Danh hiệu “Con Thiên Chúa” nói lên mối tương quan duy nhất và vĩnh cửu của Chúa Giêsu Kitô với Thiên Chúa, Cha của Người. Người là Con Một của Chúa Cha[20] và là chính Thiên Chúa[21]. Ai muốn trở thành Kitô hữu, người ấy nhất thiết phải tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa[22].

455. Danh hiệu “Chúa” nói lên quyền tối thượng của Thiên Chúa. Tuyên xưng hay kêu cầu Chúa Giêsu là Chúa, là tin vào thần tính của Người. “Không ai có thể nói rằng‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3).

TẠI SAO NGÔI LỜI LÀM NGƯỜI?

456. Cùng với Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli, chúng ta tuyên xưng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”[23].

457. Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: Thiên Chúa “đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). “Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1 Ga 4,14). “Chúa Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi” (1 Ga 3,5):

“Bản tính chúng ta vì bệnh tật nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng dậy, vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng ta đã đánh mất việc thông phần vào sự thiện, nên cần được dẫn trở về sự thiện. Chúng ta bị vây hãm trong bóng tối, nên cần đến ánh sáng. Chúng ta bị tù đầy nên mong người cứu chuộc; bị thua trận, nen cần người trợ giúp, bị áp bức dưới ách nô lệ nên chờ người giải phóng. Đó lại là những lý do nhỏ bé và không xứng đáng để làm cho Thiên Chúa động lòng hay sao? Những lý do ấy không đủ để Thiên Chúa xuống viếng thăm bản tính nhân loại, trong lúc nhân loại đang ở trong tình trạng khốn cùng và bất hạnh hay sao?”[24]

458. Ngôi Lời đã làm người để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống” (l Ga 4,9). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

459. Ngôi Lời đã làm người để trở thành gương mẫu thánh thiện cho chúng ta. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi…” (Mt 11,29). “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga l4,6). Và trên núi Hiển Dung, Chúa Cha đã truyền: “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7)[25]. Người đúng là gương mẫu của các mối phúc thật và là chuẩn mực của Luật mới: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Tình yêu này đòi hỏi người ta thật sự hiến thân để đi theo Người[26].

460. Ngôi Lời đã làm người để làm cho chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr l,4). “Chính vì điều này mà Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, Đấng là Con Thiên Chúa trở nên Con Người, đó là để cho loài người, khi kết hợp với Ngôi Lời của Thiên Chúa và nhận quyền làm nghĩa tử, thì được trở nên con cái Thiên Chúa”[27]. “Chính Người đã làm người, để chúng ta được trở thành những vị thần”[28]. “Con Một Thiên Chúa, bởi muốn cho chúng ta được tham dự vào thần tính của Người, nên đã mang lấy bản tính của chúng ta, để Đấng đã làm người, làm cho người ta trở thành những vị thần”[29].

 

Số 2822-2827: "Ý Cha thể hiện"

2822. Ý muốn của Cha chúng ta là “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,3-4). Ngài “kiên nhẫn… vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong” (2 Pr 3,9)[30]. Mệnh lệnh của Ngài, gồm tóm mọi mệnh lệnh khác, và diễn tả tất cả ý muốn của Ngài, là chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta[31].

2823. Thiên Chúa “cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Ngài đã định từ trước … là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Ngài, đã tiền định cho chúng ta đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Ngài” (Ep 1,9-11). Vì thế chúng ta tha thiết cầu xin để kế hoạch lân tuất này được thực hiện trọn vẹn dưới đất, như đã được thực hiện trên trời.

2824. Ý Cha được thực hiện một cách tuyệt hảo và một lần cho mãi mãi, trong Đức Kitô, và qua ý chí nhân loại của Người. Khi vào trần gian, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7)[32]. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể nói: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Ngài” (Ga 8,29). Khi cầu nguyện trong cơn hấp hối, Người hoàn toàn vâng phục ý Cha: “Xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42)[33]. Vì vậy, Chúa Giêsu “đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa” (Gl 1,4). “Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế” (Dt 10,10).

2825. Chúa Giêsu, “dầu là Con Thiên Chúa, đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8), phương chi chúng ta, là những thụ tạo và là tội nhân, đã được nhận làm nghĩa tử trong Người. Chúng ta cầu xin Chúa Cha cho ý muốn của chúng ta được kết hợp với ý muốn của Con Ngài, để chu toàn thánh ý của Cha, là kế hoạch cứu độ hầu cho trần gian được sống. Trong công việc này, chúng ta hoàn toàn bất lực, nhưng nhờ kết hợp với Chúa Giêsu và nhờ quyền năng Thánh Thần của Ngài, chúng ta có thể phó dâng cho Chúa Cha ý muốn của chúng ta và quyết định chọn điều Con Ngài luôn luôn chọn: đó là làm điều đẹp lòng Cha[34].

“Khi gắn bó với Đức Kitô, chúng ta có thể nên một lòng trí với Người, và nhờ đó thực thi ý muốn của Người để, ý Chúa đã nên trọn trên trời thế nào, thì cũng được thể hiện dưới đất như vậy”[35].

“Hãy xem Chúa Giêsu Kitô dạy chúng ta sống khiêm tốn như thế nào, khi Người cho chúng ta thấy rằng nhân đức của chúng ta không chỉ tùy thuộc công sức của mình nhưng còn nhờ ân sủng từ trên cao. Ngoài ra, Người ra lệnh cho mỗi người chúng ta khi cầu nguyện, phải quan tâm đến toàn thế giới. Vì Người không dạy: ‘Xin cho ý Cha thể hiện’ nơi tôi hay nơi anh em, nhưng nói chung là ở mọi nơi ‘dưới đất’, để sai lầm bị loại bỏ và chân lý được gieo trồng, để thói xấu bị hủy diệt, nhân đức được nảy nở, và như vậy ‘dưới đất’ không còn gì khác với ‘trên trời’ nữa”[36].

2826. Nhờ cầu nguyện, chúng ta có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa[37], và kiên nhẫn để thi hành ý Ngài[38]. Chúa Giêsu dạy chúng ta vào Nước Trời, không phải bằng lời lẽ, nhưng bằng việc thi hành “ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời” (Mt 7,21).

2827. “Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì Ngài nhậm lời kẻ ấy” (Ga 9,31)[39]. Lời cầu nguyện của Hội Thánh đạt được quyền năng như thế là vì được thực hiện trong Danh Thánh của Chúa Giêsu, nhất là trong Thánh Lễ, và nhờ lời chuyển cầu hiệp thông với Mẹ Thiên Chúa[40], và với toàn thể các Thánh, là những vị “làm đẹp lòng” Chúa, bởi vì các vị đó đã không muốn điều gì khác ngoài thánh ý Ngài:

“‘Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’, chúng ta có thể diễn tả mà không sợ sai như sau: Ý Cha thể hiện trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con thế nào, thì trong Hội Thánh cũng như vậy; như trong Phu Quân đã chu toàn thánh ý của Cha thế nào, thì trong Hiền Thê đã kết ước với Người cũng như vậy”[41].

 

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 26 Thường niên năm A:

Đức Phanxicô:

27.09.2020 – Vâng lời không phải bằng lời nói mà bằng hành động

Đức Bênêđictô XVI:

25.09.2011 – Đừng giữ đạo theo thói quen

28.09.2008 – Cần biết khiêm tốn đón nhận hồng ân cứu chuộc 

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Ðức Giêsu cho chúng ta thấy hai hình ảnh tương phản nơi hai người con trong dụ ngôn, cũng như giữa người thu thuế, gái điếm và người biệt phái tự coi là công chính, đạo đức. Ðức Giêsu không có cái nhìn như con người chúng ta. Ngài yêu thương những người tội lỗi biết sám hối trở về. Chính vì vậy, Ðức Giêsu thường nói: “Ta không đến để kêu gọi những người công chính mà là người tội lỗi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khốn cho chúng con, nếu chúng con cứ cho rằng mình là những người đạo đức và khinh chê những anh em tội lỗi, như thường bị xã hội lên án. Khốn cho chúng con, nếu hằng ngày chúng con vẫn xưng danh là Kitô hữu mà không biết góp phần xây dựng Nước Trời; khốn cho chúng con, nếu chúng con mau mắn thưa: Lạy Cha! mà chúng con không mang tình thương và bình an cho những anh em chung quanh. Xin giúp chúng con sống xứng đáng là những người Kitô hữu, là con cái Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông”.

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

HÃY BẮT TAY VÀO VIỆC
+++

A. DẪN NHẬP                                          

Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường nói nhiều mà làm ít, giữa lý thuyết và thực hành còn một khoảng cách lớn, vì thế mới có câu nói: “Năng thuyết bất năng hành”, đúng là làm láo, báo cáo hay. Lý thuyết có hay mấy mà không được thực hiện thì cũng không có giá trị.

Trong đời sống đạo cũng thế, chúng ta cần biết Chúa, cần thông hiểu giáo lý vì “vô tri bất mộ” mà. Như thế cũng chưa đủ, còn phải đem cái biết ra thực hành trong đời sống hằng ngày nữa. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy” mà “giữ lời Thầy”, thì có nghĩa là hãy thực hành những điều Thầy dạy, là làm theo ý Thầy. Bài dụ ngôn về “Hai người con” trong Tin mừng hôm nay đã chứng tỏ điều đó.

Người ta thường nói: “Trăm voi không được bát nước xáo” (tục ngữ). Câu này mang tính chất mỉa mai, ngụ ý chê những người ba hoa khoác lác, hứa hẹn suông, nói thì to tát, mà rốt cuộc chẳng có gì, họ là người biết nói mà không biết làm. Có những người xưng mình là Kitô hữu, nhưng họ chỉ có cái tên, cái mã bề ngoài, còn cuộc sống của họ chẳng có gì cả, có khi còn ngược lại. Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy sống cho xứng đáng là một Kitô hữu chính danh, để cuộc sống của mình lúc nào cũng phải “ngôn hành đồng nhất”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Ez. 18,25-28

Cái nhìn của con người chỉ có một chiều: hoặc tốt hoặc xấu. Đã tốt thì cứ tốt, đã xấu thì cho xấu luôn. Do đó, con người có hai mặc cảm: Tự tôn và tự ti.

- Tự tôn hay tự mãn: có những người cho là mình “công chính” rồi, nên tự mãn không chịu cố gắng sống tốt hơn.

- Tự ti: có những người cảm thấy mình tội lỗi nên thất vọng, cứ ở lỳ trong tội lỗi, không muốn cố gắng nữa.

Cái nhìn của Thiên Chúa có hai chiều hoán đổi: người tốt có thể trở nên xấu và người xấu có thể trở nên tốt. Tiên tri Ezéchiel cảnh cáo những người tự mãn, họ sẽ bị chết nếu bỏ đường công chính và phạm tội ác. Trái lại, những người đang ở trong tình trạng tội lỗi mà biết bỏ đường gian ác, quay về đường lành thì sẽ được cứu sống.

Như vậy, Thiên Chúa mở rộng cho con người con đường tương lai, để người tội lỗi bỏ con đường xấu mà trở nên tốt lành và người công chính sẽ trở nên tốt lành hơn.

+ Bài đọc 2: Pl 2,1-11

Thánh Phaolô vạch ra cho các tín hữu Philipphê một phương hướng để duy trì tình đoàn kết huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta có thể chia phương hướng này thành hai phần:

a) Để tránh sự chia rẽ mà duy trì sự đoàn kết huynh đệ, thì đừng ai lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn để mà tự mãn. Cũng đừng lấy người khác làm đối tượng để phân bì.

b) Thánh Phaolô đã sử dụng một Thánh thi phụng vụ đã được sử dụng trong cộng đoàn Kitô hữu, để ca tụng sự khiêm nhường thẳm sâu và sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu, khi Ngài chấp nhận từ bỏ mọi vinh quang trên trời, để mặc lấy thân xác hèn mọn của con người. Ngài đã hạ mình xuống phục vụ cho ơn cứu rỗi loài người, nhưng nhờ đó Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài lên đến tột bậc.

+ Bài Tin mừng: Mt 21,28-32

Đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của loài người. Nếu trong bài đọc 1, tiên tri Ezéchiel cho biết Thiên Chúa không nhìn đến quá khứ, mà chỉ nhìn đến tương lai, Ngài mở đường cho những người tội lỗi có thể quay về với đường lành, thì bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta cái nhìn của Thiên Chúa về cuộc sống con người. Thiên Chúa không quan tâm đến lời nói, mà chỉ chú ý đến việc làm.

Để triển khai tư tưởng này, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn “Hai người con”: đứa thứ nhất đã từ chối lời người cha để đi làm vườn, nhưng sau hối hận lại đi làm. Đứa con thứ hai: mau miệng thưa vâng để đi làm ngay, nhưng rồi nó chẳng chịu đi làm.

Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu cho biết:

- Đứa con thứ nhất tượng trưng cho dân ngoại, tuy ban đầu họ đã từ chối, nhưng sau hối hận lại đi “làm” theo ý Thiên Chúa.

- Đứa con thứ hai đại diện cho dân Do thái, họ mau mắn thưa “vâng”, nhận lời ngay, nhưng trong thực tế thì “không làm” theo ý Thiên Chúa.

Dụ ngôn này áp dụng vào lời Chúa Giêsu đã nói: “Có những kẻ đứng trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết lại trở nên trước nhất”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Kitô hữu thật hay giả ?

I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN

1. Dụ ngôn về hai người con

Các thượng tế, kỳ lão, luật sĩ và biệt phái Do thái thường tự hào mình là con cái Abraham, đã từng giữ luật Maisen một cách cặn kẽ, thế nào cũng được phần thưởng là Nước trời. Theo họ nghĩ, Nước trời được dành riêng cho người Do thái, còn các dân tộc khác, những người ngoại giáo sẽ bị loại ra ngoài, nhất là những người tội lỗi như bọn thu thuế và gái điếm.

Để sửa đổi quan niệm sai lạc đó, Chúa Giêsu đã đưa ra cho người Do thái dụ ngôn về hai đứa con. Người cha có hai đứa con, ông bảo đứa thứ nhất đi làm vườn nho cho ông, lúc đầu nó từ chối, nhưng sau nghĩ lại, hối hận, lại đi làm. Ông cũng bảo đứa con thứ hai như vậy, nó vui vẻ nhận lời, nhưng nó lại không đi làm. Chúa Giêsu hỏi người Do thái, trong hai đứa con, đứa nào đã làm theo ý cha mình ? Họ đều cho là đứa con thứ nhất.

2. Ý nghĩa dụ ngôn

Chúa Giêsu đã kết luận dụ ngôn này: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm, sẽ vào Nước trời trước các ông”. Chưa bao giờ ta thấy Chúa Giêsu đã nói thẳng với người biệt phái như lần này. Chính họ có lẽ cũng không ngờ.

Câu nói đó có nghĩa là: các ông tưởng mình thánh thiện trong sạch, giữ luật không trách được điểm nào, còn người thu thuế các ông coi như cặn bã xã hội, những người mà các ông cấm không cho đi chung đường với họ, coi như là những đàn bà dơ dáy đến nỗi con cái Israel đi vô ý quệt phải áo họ thì phải về tắm rửa đã. Các ngươi lầm. Những người thu thuế và đĩ điếm mà các người miệt thị đến mức đó, sẽ vào Nước trời trước các ông. Nói rõ là họ tốt hơn các ông!

Sự thực đã xảy ra: Lêvi (Mt 9,9) và người đàn bà tội lỗi (Lc 7,37) đã theo sống bên Chúa, và biết bao người thu thuế đã tin lời Gioan (Mt 9,10; 11,19; Lc 3,12) trong khi đó thì Hội đồng Cộng toạ chống đối Chúa và tìm giết Chúa (Lm. Trần Văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm A, tr 236).

3. Con người thật và con người giả

a) Thế gian có hai hạng người: thật và giả

Người ta chia con người thành hai loại: tốt và xấu, thật và giả. Nhưng làm sao có thể phân biệt một cách chính xác về hai loại người đó ? Ai là người tốt hay xấu ? Ai là người thật hay giả ? Bởi vì có những người bề ngoài tốt lành thánh thiện mà trong lòng thì xấu xa, như người ta thường mỉa mai:

Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao (Truyện Kiều).

Người đời xưa cũng như đời nay hay công kích những bậc tu hành, những vị này sống khắc khổ, chay tịnh, tuân theo kỷ luật của giới mình, là những người đáng kính nể, nhưng trong nơi riêng rẽ kín đáo thì lại phạm luật trai giới, việc làm bị bại lộ, người đời không kiêng nể đã giáng trên đầu những vị phá giới đó những câu không thương tiếc …

Có những người chỉ chú trọng đến cái dáng bên ngoài theo phương châm “tốt đẹp khoe ra, xấu xa che lại”, nhưng chính cái họ khoe ra không phải là cái tốt thật bên trong, mà chỉ là lớp hào nhoáng bên ngoài, làm loè mắt mọi người, nhưng không bịt được ai:

Khác nào quạ mượn lông công
Ngoài hình xinh đẹp trong lòng xấu xa (Ca dao).

Thế giới ngày nay, quá ít người sống chân thật. Quá nhiều người sống mã nước sơn bên ngoài. Họ không còn biết giá trị “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Lợi dụng nhược điểm này, nghệ thuật tuyên truyền quảng cáo tràn ngập thị trường. Hàng giả, hàng dỏm, đẹp mã, bán chạy như tôm tươi. Hàng thật, hàng tốt thì lại ế ẩm không ai mua. Người tài đức bị liệng bỏ. Kẻ vô tài thất đức, lẻo mồm tâng bốc nịnh hót thì lên như diều, để rồi “làm láo, báo cáo hay”.

Trông anh như thể sao mai,
Biết rằng trong có như ngoài hay không (Ca dao).

b) Kitô hữu thật hay giả ?

Theo bài đọc 1 hôm nay, thì tiên tri Ezéchiel cho biết, tiên tri thật thì ít, tiên tri giả thì quá nhiều. Họ làm nhiều người công chính, bỏ đàng công chính của Thiên Chúa đi theo tà thần đế quốc Babylon để kiếm danh lợi. Tiên tri Ezéchiel đã phải quyết liệt cảnh cáo họ: “Khi người công chính bỏ đàng công chính mà làm điều gian phi... thì nó phải chết”. Đồng thời ông cũng kêu gọi: “Kẻ bất lương bỏ đàng bất lương, mà thi hành đường công chính thì nó sẽ được sống”.

Ngày xưa có nhiều tiên tri giả, ngày nay không còn tiên tri nữa thì lại có Kitô hữu giả. Họ mang danh là Kitô hữu, nhưng cuộc sống thực tế của họ không còn là Kitô hữu nữa. Có nhiều người cố gắng làm ra vẻ bề ngoài là Kitô hữu, nhưng cuộc sống riêng tư của họ không còn là Kitô hữu chính danh nữa, vì họ không còn sống theo luật Chúa nữa. Có thể họ sẽ nói rất hay về đạo đức, nhưng trong thực tế họ không sống đạo chút nào. Họ chỉ có cái vỏ bề ngoài là đạo nghĩa.

Muốn trở thành người Kitô hữu chính danh thì cần có sự “Hối cải”, vì như triết gia Soren Kierkegaard thì “Không hề có tình trạng đã thành 1 Kitô hữu mà chỉ có trong tình trạng đang trở thành 1 Kitô hữu”.

Theo Mark Link thì sự hối cải chỉ là một tiến trình, là một cuộc du hành đang tiếp diễn và chỉ chấm dứt khi nào chúng ta chết. Tiến trình này gồm ba bước:

- Bước thứ nhất trong tiến trình này là sự bất mãn tận căn với nếp sống hiện tại của chúng ta.

- Bước thứ hai là bước tia lửa làm thành ngọn lửa thúc giục chúng ta làm điều gì đó cho cuộc sống mình.

- Bước cuối cùng là thực hiện việc làm đầu tiên cực kỳ quan trọng là hướng về một cuộc sống mới, nhờ sự cầu nguyện kiên trì.

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta khám phá ra cuộc sống của mình. Chúng ta có cảm thấy bất mãn về mối tương giao hiện tại giữa mình và Chúa Giêsu không ? Chúng ta có ao ước thân tình sâu sắc với Chúa không ? Chúng ta có muốn yêu thương gia đình láng giềng của chúng ta nhiều hơn giống như Chúa Giêsu yêu thương họ không ?

Nếu có thì các bài đọc hôm nay có thể ví như tia lửa bật ra để biến thành ngọn lửa mà chúng ta cần thiết phải có, để làm nên một điều gì cụ thể cho các mối tương giao trên (x. Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 289).

II. TRỞ THÀNH KITÔ HỮU THỰC THỤ

1. Tránh tính phô trương

Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án thói phô trương của đám luật sĩ và biệt phái. Ngài không ngại gọi họ là rắn độc, mồ quét vôi trắng. Chúa khuyên họ hãy lo làm đẹp cái bên trong, chứ đừng chỉ lo cái bên ngoài: “Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác” (Mt 23,27).

Cái tính phô trương này xuất hiện trong khi người ta không để ý đến, bởi vì nó được ngụy trang bằng nhiều cách. Nhưng giấu đầu hở đuôi, sự phô trương cũng bị lộ ra một cách bất ngờ.

Truyện: Ông Diogène và ông Platon

Platon hồi ấy là người yêu nghệ thuật. Nhà ở của ông được trang trí bằng nhiều bức thảm quí đẹp. Một hôm, Diogène - người chủ trương sống màn trời chiếu đất, đầu đường xó chợ - tới thăm Platon. Tới nơi, mặt đỏ gay, con mắt trợn trừng, ông ta vừa đạp thình thịch lên tấm thảm quí của Platon, vừa nghiến răng nói:

- Ta chà đạp dưới chân tính phô trương của nhà ngươi.

Ông Platon bình tĩnh trả lời:

- Phải, và với một sự phô trương kiêu hãnh sâu rộng hơn nhiều.

Thì ra đời sống bên ngoài đầy quảng cáo của Diogène không đi đôi với đời sống bên trong. Nhà quân tử cũng mắc phải chứng bệnh phô trương như ai (Lm. Vũ Minh Nghiễm, Dừng, 1962, tr 207).

2. Sống trung thực với lòng mình

Chúa Giêsu đã nói: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt là do lòng xấu mà ra”. Biết thế, nhưng con người vẫn phô trương, mà phô trương là phô ra ngoài những cái mình không có, ví dụ các luật sĩ và biệt phái, họ chỉ có cái vỏ bề ngoài, còn bên trong thì trống rỗng.

Phải sống trung thực với lòng mình, phải làm sao cho “ngôn hành đồng nhất”, lời nói và việc làm không được mâu thuẫn nhau. Nhiều người nói thì rất hăng nhưng khi làm thì chẳng thấy đâu, họ giống như đứa con thứ trong dụ ngôn hôm nay. Lời nói không có giá trị, khi không có việc làm kèm theo: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Nói mà không làm thì sẽ bị người ta chê cười:

Nói thì đâm năm chém mười,
Đến khi tối trời chẳng dám ra sân
(Tục ngữ).

Người ta đánh giá trị một người không phải ở lời nói nhưng là việc làm. Có một khoảng cách xa giữa lời nói và việc làm, cũng như giữa lý thuyết và thực hành: một lý thuyết dù hay mấy, mà không đem ra thực hành thì cũng vô ích. Vì vậy mà người ta nói: “Năng thuyết bất năng hành”, chỉ nói mà không làm.

Truyện: Anh chàng Aristogiton

Aristogiton hồi ấy lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh hùng kiêu sa của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với tất cả các cường quốc trên thế giới. Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.

Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông Photion trợn mắt nói: “Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.

III. BÀI HỌC THỰC HÀNH

Theo các bài đọc hôm nay, chúng ta có thể rút ra được hai bài học:

1. Giá trị của một đời người không nằm ở quá khứ đạo đức hay tội lỗi của người đó, mà hệ ở hiện tại người đó có quyết tâm sống công chính hay không. Theo bài đọc 1: “Khi người công chính bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình... nó không phải chết”.

2. Giá trị thực của con người không do những lời nói tốt đẹp người đó nói ra, mà do hành động của người đó: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ? Họ trả lời: ‘Người thứ nhất’”. Vì Thiên Chúa theo đường lối như thế, cho nên Ngài đã ưu ái những người một thời nổi tiếng tội lỗi như Giakêu, Mađalena, tên trộm lành...

Phần chúng ta đã biết đường lối của Thiên Chúa là như thế, chúng ta phải làm sao ?

- Đừng nghĩ rằng mình đang thuộc hàng “công chính”, để rồi ngủ mê trong ảo tưởng đạo đức về mình.

- Cũng đừng cho rằng mình thuộc hàng “thu thuế và đĩ điếm”, để rồi buông xuôi cho dòng đời lôi cuốn.

Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy sám hối và chỉnh sửa lại cuộc sống, sao cho mình xứng đáng là con Chúa, là Kitô hữu để cuộc sống tốt lành của mình toả ra mùi thơm tho nhân đức, vì “hữu xạ tự nhiên hương”. Lúc đó không cần phải phô trương, tự cuộc sống của mình đã minh chứng điều đó:

Trúc xinh trúc mọc bờ ao,

Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.

Trúc xinh trúc mọc đầu đình,

Em xinh em đứng một mình cũng xinh (Ca dao).

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta có một tâm hồn và thể xác xinh đẹp, như lời cầu của nhà hiền triết Aristote:

Lạy các thần thánh

Xin cho tôi được xinh đẹp bên trong.

Xin cho mọi sự tôi có ở bên ngoài

đều thuận lợi cho vẻ đẹp của hồn tôi”.

 

Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Mt 21,28-32
HỐI HẬN
Hối hận là thái độ tiếc nuối vì một việc xấu mình đã làm
hay vì một việc tốt mình lẽ ra phải làm mà đã không làm.
Khi thật sự hối hận, người ta muốn làm điều gì đó để sửa sai.
Giuđa hối hận vì đã nộp Thầy, khiến Thầy bị bắt (Mt 27,3).
Anh ấy đã đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế
và nói: “Tôi đã phạm tội nộp máu người vô tội” (Mt 27,4).
Tiếc thay Giuđa đã tìm đến cái chết cho mình.
Khác với Phêrô, người đã chối Thầy ba lần,
Giuđa đã để cho hối hận trở thành ân hận và tuyệt vọng.
Dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay cũng nói đến hối hận.
Người con thứ nhất đã hối hận sau khi anh từ chối vâng lệnh cha.
Cha bảo anh đi làm vườn nho cho cha ngay hôm nay.
Anh đã nói thẳng với cha: “Con không muốn!”
Anh dám đặt ý muốn của mình trên ý muốn của cha,
dù chống lại uy quyền của cha là điều không thể chấp nhận được.
May thay “sau đó” anh đã hối hận, nên lại đi (Mt 21,29).
Chúng ta không rõ “sau đó” là bao lâu,
Và đâu là lý do khiến anh đổi ý.
Chắc anh đã nghĩ lại về thái độ của mình đối với cha.
Người con thứ hai cũng được cha anh mời đi làm vườn nho.
Anh này mau mắn đáp lại: “Thưa ngài, con đây!” (Mt 21,30).
Rõ ràng anh sẵn sàng tuân lệnh cha với sự kính trọng.
Anh đồng ý đi làm cho cha không một chút đắn đo.
Tiếc thay, sau đó anh lại không đi.
Chúng ta không rõ tại sao anh không đi sau khi đã nhận lời.
Rốt cuộc, người con chối từ thì lại chấp nhận đi.
Còn người con chấp nhận đi thì lại chối từ.
Điều quan trọng đâu phải là nói tiếng xin vâng hay kêu “Lạy Chúa.”
Điều đáng kể là “thi hành ý muốn của người cha” (Mt 21,31).
Người con nói: “Con không muốn!”
lại là người sau này đã làm ý muốn của cha (x. Mt 7,21; 12,50).
Đức Giêsu đã kể dụ ngôn này cho các nhà lãnh đạo Do-thái giáo.
Họ đã dễ dàng trả lời câu hỏi của Ngài về người con nào ngoan,
nhưng họ không ngờ Ngài kể dụ ngôn này nhắm vào họ.
Chính họ là người con thứ hai, kẻ đã không đi làm vườn nho cho cha.
Các nhà lãnh đạo ở đây là các thượng tế và kỳ mục trong dân.
Họ là những người thông thạo về Luật, dạy dân chúng về Luật,
và được coi là những người giữ Luật nghiêm túc chi li.
Đúng họ là người con đã nói “xin vâng” để đi làm vườn nho cho cha.
Nhưng họ đã không tin ông Gioan là ngôn sứ Thiên Chúa sai đến,
không chấp nhận phép rửa của ông là phép rửa từ trời (Mt 21,25).
Gioan làm chứng về Đức Giêsu, nên họ sợ lời chứng của Gioan.
Chính vì thế họ cũng không chịu hoán cải như Gioan mời gọi (Mt 3,2).
Khép lại trong sự tự mãn cứng cỏi của mình,
họ lạc xa đường công chính mà chẳng biết đến hối hận.
Ngược lại, những người thu thuế và gái điếm có đời sống tội lỗi,
những kẻ đã nói như người con thứ nhất: “Con không muốn!”
nhưng sau đó lại là những người đi làm vườn nho.
Họ đã tin vào Gioan và lời mời gọi của ông,
hối hận và muốn hoán cải để đón lấy Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã nói một câu không ngờ với giới lãnh đạo:
“Các người thu thuế và gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”
Quá khứ tội lỗi có thể bị xóa sạch bởi thái độ hối hận.
Hối hận hay hoán cải làm người ta đổi quyết định trước đó.
Ngày nào còn sống trên đời, ai cũng có thể quay đi với quá khứ
và quay lại với chính lộ, để tìm ra cửa vào Nước Trời.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận câu từ chối: “Con không muốn!” của tôi,
và nhiều câu từ chối khác trải dài suốt đời.
Chỉ mong câu cuối cùng ở cuối đời tôi là: “Con muốn, Chúa ạ!”
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát
vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế, Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất lòng mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vợ thầy Tăng Tử đi chợ. Con khóc, đòi đi theo. Bà bảo:

- Con ở nhà rồi mẹ về làm thịt lợn cho con ăn!

Lúc vợ về, thầy Tăng Tử thấy bà không thực hiện điều đã hứa với con nên đi bắt lợn làm thịt. Vợ ông nói:

- Thiếp nói đùa nó đấy mà!

Thầy Tăng Tử bảo:

- Nói đùa thế nào? Đừng khinh trẻ thơ không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy nó nói dối ư? Tăng Tử nói xong làm thịt lợn cho con ăn (Trích Cổ học tinh hoa).

Suy niệm

Chúa Giêsu trình bày dụ ngôn hai người con trai: Người con thứ nhất được cha nhờ đi làm vườn nho, anh nói không, nhưng rồi hối hận và đã đi làm theo ý cha hiền. Người con thứ hai hứa đi nhưng rồi không giữ lời hứa, người con này tượng trưng cho những người biệt phái, kinh sư nói riêng. Và cả những người Do Thái nói chung, họ ưng thuận thi hành Lề Luật, đón nhận những lời tiên báo của các ngôn sứ. Thế nhưng, đến cuối họ không đón nhận Đấng Mêssia được Lề Luật và các ngôn sứ loan báo, khiến họ thụt lùi sau những người tội lỗi, thu thuế được tượng trưng bằng hình ảnh người con thứ nhất. Người con có thái độ nói “không” với ý của cha, đó là thái độ bất phục tùng cha, sự nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Nhưng rồi ý thức sự bất tùng phục với cha, về thân phận nổi loạn của mình là tự cắt khỏi nguồn yêu thương của cha, anh đã hối hận và đi làm vườn nho. Thái độ đi làm vườn nho hay không đi làm cũng đồng nghĩa với tin hay không tin vào Ðức Giêsu, Đấng đã được Thiên Chúa sai đến để rao giảng và thi hành ý Ngài. Đi làm vườn nho là tin vào Ngài, niềm tin đó có khả năng biến đổi cuộc sống: Như Matthêu thu thuế trở nên môn đệ, như Giakêu “giám đốc sở thuế” đón tiếp Chúa và trở thành hối nhân quảng đại, như người phụ nữ tội lỗi được tha thứ trở nên người phụ nữ đại diện cho tình yêu, Chúa Giêsu nói về họ, những con người từng bất tuân lúc ban đầu nhưng đã hối hận trở về với tình yêu như người con thứ nhất: “Vào nước Thiên Chúa trước…” .

Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta sống niềm tin, nhưng đồng thời, cũng chuyển tải cho chúng ta về bài học nhân bản, bài học giữ lời hứa.

Nhìn vào người con thứ hai, anh ta nói hay nhưng không làm, qua đó chúng ta cũng nghiêm túc nhìn lại mình: Chúng ta đã thực hiện được bao nhiêu lời hứa của mình với mọi người. Có những lời hứa nhỏ nhoi đơn giản nhưng tôi và bạn lại không chu toàn làm cho người khác luôn trong tâm trạng thấp thỏm, mong chờ để rồi thất vọng hoàn toàn. Có thể chỉ là lời hứa nhỏ nhoi không đáng kể, nhưng đối với những người được hứa lại là một niềm tin…

 

Xin đừng để lời hứa, lời nói bị gió cuốn đi mất mà chẳng bao giờ bắt lại được, nhưng hãy giữ lấy lời, thổi hồn vào lời để lời làm thành hành động…Tục ngữ Pháp nói: “Lời hứa là một món nợ”, món nợ tương thân tương ái trao cho nhau.

Con dấn thân vào vườn nho trong đức tin, con nói và làm...

Ý lực sống

“Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14,23).

 

 Suy niệm (song ngữ) 

26th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Ezekiel 18:25-28 II: Philipians 2:1-11
Chúa Nhật 26 Thường Niên
Bài Đọc I: Êdêkien 18:25-28 II: Philiphê 2:1-11

-----------o0o-----------

Gospel

Matthew 21:28-32

28 What do you think ? A man had two sons; and he went to the first and said, 'Son, go and work in the vineyard today.'
29 And he answered, 'I will not'; but afterward he repented and went.
30 And he went to the second and said the same; and he answered, 'I go, sir,' but did not go.
31 Which of the two did the will of his father
?” They said, The first. Jesus said to them, Truly, I say to you, the tax collectors and the harlots go into the kingdom of God before you.
32 For John came to you in the way of righteousness, and you did not believe him, but the tax collectors and the harlots believed him; and even when you saw it, you did not afterward repent and believe him.

Phúc Âm

Matthêu 21:28-32

28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.
29 Nó đáp:
Con không muốn đâu! Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.
30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp:
Thưa ngài, con đây! nhưng rồi lại không đi.
31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha
?” Họ trả lời: Người thứ nhất. Đức Giêsu nói với họ: Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.
32 Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy
.

Interesting Details
• Context: The chief priests and the elders challenged the authority of Jesus, starting a lengthy and harsh confrontation, which firmed up their decision to arrest and kill Jesus.
• According to Pilch, a Christian missionary told this story in the Middle East but changed the question to
Which was the better son ?” and most people said that the son who said yes but not doing it was better. It is more important to reply respectfully than to perform the act itself. Thus Jesus' teaching, that the action counts even when there was an initial disrespect, was surprising to these people, though probably not so to most Westerners.
• (v.31) Tax collectors are bad because they often cheat people, and they took money from the Jews to give it to the alien oppressors, the Romans.
• Prostitutes are bad not only because of their sexual sins but also because they often sold their services to the Roman soldiers.
• Who are the ones who said no but repented
? There are various interpretations. They can be sinners, as the terms tax collectors and harlots indicate. They can also be pagans (Jerusalem Bible). Nowadays, they can be those who do not belong to the mainstream such as the moral majority.
• The story only said that the son he repented and went, but did not say how well he did it. Thus repentance and good intention is more important than the outcome of the task.
• Conversely, who are the ones who said yes but did not obey
? They can be the chief priests and elders of the people whom Jesus told the parable to. They can be Jews who did not accept Jesus. Nowadays, they can be the church people who say all the right things and be in all the right places but do not love others as Jesus commands.

Chi Tiết Hay
• Khung cảnh: Các thượng tế và kỳ lão trong dân chống đối Chúa, đụng độ nảy lửa, làm họ nhất tâm bắt giết Chúa.

• Một nhà truyền giáo kể lại dụ ngôn này cho dân miền Tiểu Á, nhưng đổi câu hỏi thành Đứa con nào ngoan hơn ?” thì đa số mọi người trả lời là đứa nói vâng mà không làm vẫn ngoan hơn. Đân đó, cũng như người Việt, trọng cử chỉ lễ giáo, nên thà nói năng lễ độ mà không làm còn hơn là có làm nhưng nói hỗn hào. Vì vậy Chúa hỏi ai thi hành, chứ không hỏi ai ngoan hơn.

• (c.31) Người thu thuế xấu xa vì hay gian dối, hơn nữa lại lấy tiền của người Do Thái đem nộp cho kẻ ngoại bang dô hộ là dân La Mã.
• Giới đĩ điếm xấu không phải chỉ vì tội tính dục mà còn vì hầu hạ kẻ thù La Mã.

• Đứa con nói ngang nhưng rồi hối hận và làm, là hình ảnh của ai ? Là kẻ có tội, như giới thu thuế và đĩ điếm; hay là dân ngoại; ngày nay có thể là những nhóm không được đa số xã hội chấp nhận.

• Câu chuyện chỉ nói đứa con đó hối hận và ra đi, chứ không nói làm hay làm dở thế nào. Vậy điểm chính là ăn năn và có ý muốn làm, chứ không tùy thuộc vào kế quả công việc.

• Còn đứa nó vâng mà không làm là ai ? Là giới tu sĩ và lãnh đạo mà đang chất vấn Chúa; là dân Do Thái, dân Chúa nhưng không nhận biết Chúa; ngày nay có thể là các nhà lãnh đạo tôn giáo hay chính trị nói hay nhưng không theo luật tình yêu của Chúa.

One Main Point
The response to Jesus is a critical. Those who truly do the will of God will enter the kingdom.

Một Điểm Chính
Điều quan trọng nhất trên đời là ta đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Kitô như thế nào. Ai làm theo thánh ý Chúa thì sẽ được hưởng Nước Trời.

Reflections
1. Listen to Jesus saying to me, Son, go and work in the vineyard today. What is the vineyard, and what work does Jesus invite me to do ?
2. Examine my good deeds. Are they more external like the son saying yes (which is good and important), or are they following what God wants me to do ?

Suy Niệm
1. Ta lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho. Chúa gọi tôi làm gì ?
2. Tôi theo Chúa bằng môi mép và bên ngoài, nhưng tôi có thật sự yêu mến anh chị em quanh tôi không ?

Top