Chúa nhật 24 Thường niên năm A (Mt 18,21-35)

Chúa nhật 24 Thường niên năm A (Mt 18,21-35)

Chúa nhật 24 Thường niên năm A (Mt 18,21-35)

“Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng:
“Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ?” (Mt 18,21)

BÀI ĐỌC I: Hc 27, 33 - 28, 9 (Hl 27, 30 - 28, 7)

“Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”.

Trích sách Huấn Ca.

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao ?Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao ? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao ?Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó ?

Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (c. 8).

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Đáp.

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Đáp.

3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. - Đáp.

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 14, 7-9

“Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Đức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 18, 21-35

21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?” 22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” 23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !” 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”


Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 24 Thường niên năm A

(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (16.09.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập WHĐ xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 218-221: Thiên Chúa là tình yêu

Số 294: Thiên Chúa biểu lộ vinh quang bằng cách chia sẻ sự tốt lành của Ngài

Số 2838-2845: “Xin tha nợ chúng con”

Bài Ðọc I: Hc 27, 33 - 28, 9

Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9

Phúc Âm: Mt 18, 21-35

 

Số 218-221: Thiên Chúa là tình yêu

218. Theo dòng lịch sử của mình, Israel đã có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa chỉ có một động lực duy nhất khiến Ngài tự mạc khải cho họ và chọn họ giữa mọi dân để họ là dân của Ngài: đó là tình yêu nhưng không của Ngài[1]. Nhờ các Tiên tri, Israel hiểu rằng, cũng vì tình yêu mà Thiên Chúa đã không ngừng giải cứu họ[2] và tha thứ cho sự bất trung và tội lỗi của họ[3].

219. Tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel được so sánh với tình yêu của một người cha đối với con mình[4]. Tình yêu đó còn mạnh hơn tình yêu của một người mẹ dành cho con cái mình[5]. Thiên Chúa yêu dân Ngài hơn người chồng yêu người vợ yêu dấu của mình[6]. Tình yêu đó cũng sẽ chiến thắng những bất trung thậm chí tồi tệ nhất[7], và sẽ đi đến chỗ ban tặng hồng ân quý giá nhất: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài” (Ga 3,16).

220. Tình yêu của Thiên Chúa “tồn tại muôn đời” (Is 54,8): “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,10). “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3).

221. Thánh Gioan còn đi xa hơn nữa khi làm chứng rằng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16): Chính Hữu Thể của Thiên Chúa là tình yêu. Khi sai Con Một của Ngài và Thánh Thần Tình Yêu lúc thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa mạc khải điều bí ẩn thâm sâu nhất của Ngài[8]: chính Ngài là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Ngài đã tiền định cho chúng ta được dự phần vào sự trao đổi tình yêu đó.

 

Số 294: Thiên Chúa biểu lộ vinh quang bằng cách chia sẻ sự tốt lành của Ngài

294. Vinh quang của Thiên Chúa cốt tại việc biểu lộ và truyền thông sự tốt lành của Ngài, vì đó mà trần gian đã được tạo dựng. “Theo ý muốn nhân hậu của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta” (Ep 1,5-6). “Thật vậy, vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Nếu sự mạc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng đã đem đến sự sống cho mọi loài trên trái đất, thì việc Ngôi Lời biểu lộ Chúa Cha lại càng đem lại sự sống gấp bội cho những ai thấy Thiên Chúa”[9]. Mục đích tối hậu của công trình tạo dựng là Thiên Chúa, “Đấng dựng nên mọi loài, cuối cùng sẽ ‘có toàn quyền trên muôn loài’ (1 Cr 15,28), đem lại vinh quang cho Ngài và đồng thời đem lại vinh phúc cho chúng ta”[10].

 

Số 2838-2845: “Xin tha nợ chúng con”

2838. Lời cầu xin này thật lạ lùng. Nếu chỉ có phần đầu - “xin tha nợ chúng con” -, lời xin này có thể đã tiềm ẩn trong ba lời nguyện đầu của Lời Kinh Chúa dạy, bởi vì hy lễ của Đức Kitô là “để tha thứ tội lỗi”. Tuy nhiên, theo phần hai của câu, lời cầu xin của chúng ta sẽ không được nhậm lời nếu trước đó chúng ta không đáp ứng một đòi buộc của nó. Lời cầu xin của chúng ta hướng đến tương lai; lời đáp ứng của chúng ta phải đi trước; nối kết hai phần của lời cầu xin là từ “như”.

“và tha nợ chúng con…”

2839. Với lòng phó thác bạo dạn, chúng ta đã bắt đầu cầu nguyện với Cha chúng ta. Khi nguyện xin Ngài cho Danh Ngài cả sáng, chúng ta đã xin Ngài luôn thánh hoá chúng ta hơn nữa. Nhưng, dù đã mặc chiếc áo Rửa Tội, chúng ta vẫn không ngừng phạm tội, và quay lưng lại với Thiên Chúa. Giờ đây, trong lời cầu xin mới này, chúng ta trở lại với Ngài, như đứa con hoang đàng[11], và thú nhận mình là tội nhân trước mặt Ngài, như người thu thuế[12]. Lời cầu xin của chúng ta bắt đầu bằng “việc xưng thú”, qua đó chúng ta vừa thú nhận sự khốn cùng của chúng ta, và đồng thời, vừa tuyên xưng lòng thương xót của Ngài. Niềm hy vọng của chúng ta thật vững chắc, bởi vì, trong Con của Ngài, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,14)[13]. Chúng ta gặp được dấu chỉ hữu hiệu và chắc chắn về ơn tha thứ của Ngài trong các bí tích của Hội Thánh Ngài[14].

2840. Tuy nhiên, có điều thật đáng sợ, là nguồn ơn thương xót này của Thiên Chúa không thể thấm nhập vào trái tim chúng ta, một khi chúng ta không tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Tình yêu, cũng như Thân Thể Đức Kitô, không thể phân chia được: chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không thấy, nếu chúng ta không yêu mến anh em, chị em mà chúng ta đang thấy[15]. Khi từ chối tha thứ cho anh chị em mình, lòng chúng ta đóng lại và sự chai đá của cõi lòng khiến tình yêu tha thứ của Cha không thể thấm nhập vào được; trong việc xưng thú tội lỗi của mình, lòng chúng ta mới mở ra cho ân sủng của Ngài.

2841. Lời cầu xin này hết sức quan trọng, đến nỗi đây là lời cầu xin duy nhất mà Chúa phải nhắc lại và triển khai thêm trong Bài giảng trên núi[16]. Con người bất lực trước đòi hỏi quan trọng này của mầu nhiệm giao ước. “Nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26).

“… như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”

2842. Từ “như” ở đây không phải là trường hợp duy nhất trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36); “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chúng ta không thể tuân giữ điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước mẫu gương của Chúa theo dáng vẻ bên ngoài. Vấn đề ở đây là phải tham dự một cách sống động và “tận đáy lòng” vào sự thánh thiện, vào lòng thương xót, vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta. Chỉ có Thần Khí, “nhờ Ngài mà chúng ta sống” (Gl 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có[17]. Lúc đó hai việc tha thứ có thể trở nên một, nghĩa là, “biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32).

2843. Như thế, những lời Chúa dạy về tha thứ, nghĩa là về thứ tình yêu “yêu đến tận cùng của tình yêu”[18] là một thực tại sống động. Dụ ngôn về người đầy tớ không biết thương xót, kết thúc giáo huấn của Chúa về cộng đoàn giáo hội[19], được kết thúc bằng lời này: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Thật vậy, ở đó, ở “tận đáy lòng”, mà mọi sự bị cầm buộc hay được tháo cởi. Việc không cảm thấy hay quên đi sự xúc phạm không tuỳ thuộc khả năng chúng ta; nhưng một khi trái tim biết tự hiến cho Chúa Thánh Thần sẽ biết biến đổi thương đau thành lòng thương xót, và thanh luyện ký ức bằng cách biến đổi sự xúc phạm thành lời chuyển cầu.

2844. Kinh nguyện Kitô giáo đi đến chỗ tha thứ cho kẻ thù[20]. Lời cầu nguyện biến đổi người môn đệ bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Tha thứ là một tột đỉnh của kinh nguyện Kitô giáo; chỉ trái tim nào hoà điệu với lòng trắc ẩn của Chúa mới có thể đón nhận hồng ân cầu nguyện. Tha thứ còn minh chứng rằng, trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Chúa Giêsu về điều này. Tha thứ là điều kiện căn bản cho sự hòa giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ[21] và giữa con người với nhau[22].

2845. Việc tha thứ tự bản chất mang tính thần linh này không có giới hạn cũng như mức độ[23]. Nếu đề cập đến “những xúc phạm” (là “tội” theo Lc 11,4 hoặc “nợ” theo Mt 6,12), thì thật sự mọi người chúng ta luôn luôn là những kẻ mắc nợ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và quy luật chân lý của bất cứ tương quan nào[24]. Chúng ta phải sống sự hiệp thông đó trong cầu nguyện, đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể[25]:

“Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[26].

 

Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 24 Thường niên năm A

WHĐ (16.09.2023) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 24 Thường niên năm A.

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 24 Thường niên năm A:

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta. Ngài giống như ông chủ đầy lòng bao dung. Còn chúng ta là anh em bạn hữu với nhau. Lỗi của anh em đối với ta không là gì so sánh tội lỗi của chúng ta đối với Thiên Chúa. Thế mà nhiều khi chúng ta đối xử với anh em như tên đầy tớ bất lương kia. Chúng ta thật vô phúc và đáng nguyền rủa biết bao.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một niềm tin vững mạnh vào lòng khoan dung của Thiên Chúa, để chúng con dám đến với Chúa mỗi khi yếu đuối lỗi lầm. Xin cho chúng con một trái tim yêu thương quảng đại, để chúng con sẵn sàng tha thứ cho anh chị em chúng con như chính Chúa yêu thương tha thứ cho chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Cuộc sống cộng đoàn cũng thường có nhiều va chạm, nên Chúa Giêsu dạy thêm bài học tha thứ:

- Phải tha luôn, tha mãi “không phải đến 7 lần nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

- qua dụ ngôn hai con nợ, Chúa Giêsu nói: ta có tha cho anh em thì Chúa mới tha cho ta. Ta tha cho anh em ít, Chúa tha cho ta nhiều (nếu con nợ thứ nhất chịu tha cho con nợ thứ hai 100 đồng bạc, thì hắn đã được ông vua tha cho hắn mười ngán nén bạc).

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Trẻ con thường giận nhau nhưng cũng mau làm hòa với nhau. Càng lớn thì tự ái người ta càng to và người ta càng khó tha thứ cho nhau hơn. Thêm một lý do nữa khiến Chúa Giêsu nói muốn vào Nước Trời thì phải trở lại như trẻ thơ.

2. Muốn thuyết phục chúng ta tha thứ cho nhau, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hai con nợ để vạch cho ta thấy rõ rằng ta tha thứ cho người khác thì sẽ có lợi rất nhiều vì ta sẽ được Chúa tha cho ta nhiều hơn. Tính ra những lỗi lầm người khác xúc phạm đến ta đâu có là bao so với những tội lỗi ta xúc phạm tới Chúa.

3. ”Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn”: giận là một cảm xúc không ai có thể tránh được trong cuộc sống chung nhiều va chạm. Chúa không chấp nhất ta vì ta có cảm xúc đó. Nhưng Chúa sẽ kết tội ta nếu ta nuôi mãi lòng giận ghét không chịu bỏ qua.

4. Hận thù là một hình thức của hoả ngục và là một hình thức của tội sát nhân. Thánh Gioan viết “Ai oán ghét anh em mình, kẻ đó là người sát nhân”. Một nhà tâm lý người mỹ nói “Khi ta trút giận lên người khác, dù chỉ bằng một lời nói, ta cũng muốn nói lên một ý nghĩ tiềm ẩn là muốn giết hại người đó” (…) Ta cũng nên nhớ rằng tha thứ không phải chỉ là một hành động ý chí mà còn là một ân ban. Do đó không thể có sự tha thứ nếu không đi kèm theo sự cầu nguyện. (“Mỗi ngày một tin vui”)

5. Một nhà tâm lý người Mỹ nhận định như sau: Trên bình diện nhân bản, tha thứ là giải pháp tốt nhất cho cả người tha lẫn kẻ được tha, vì sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh và vui tươi hơn. (“Mỗi ngày một tin vui”)

6. Một hiệp sĩ dũng cảm tên là Hildebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hildebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng ông chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi. Ông thức dậy nửa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết là Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện nhỏ mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi cờ đợi, ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh trong nhà nguyện. Bức thứ nhất vẽ Đấng Cứu Thế mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi bằng tiếng latinh câu này: “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại lăng nhục”. Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi bị đánh đòn, với hàng chữ “Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe dọa”. Và cuối cùng bức thứ ba trình bày Chúa Giêsu trên Thập giá, hàng chữ là “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Nhìn liên tiếp 3 bức tranh như thế, tâm hồn Hildebrand bị xúc động mạnh. Ông quỳ gối xống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ gặp để tha thứ tận tình và để làm hòa với nhau. (Góp nhặt)

7. “Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ?” (Mt 18,21)

Một hôm, gà con cứ bám riết lấy gà mẹ, khóc lóc kể lể:

- Mẹ ơi, tụi thỏ chế diễu tai con không bằng một góc tai chúng…

- Tha cho chúng đi con ! Gà mẹ trả lời.

- Nhưng bọn cò lại nói con hèn hơn bàn chân của chúng.

- Tha cho chúng đi con !

- Mẹ ! Gà con khóc to lên. Lúc nào mẹ cũng nói tha cho chúng, trong khi con bị chế diễu, bị nhạo báng…

- Tại vì họ nói đúng !

- Nhưng tại sao ?

- Tại vì con là một con gà !

Như gà con nọ, tôi cảm thấy bị xúc phạm và khó tha thứ cho anh em, chỉ vì không chịu chấp nhận chính mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết chấp nhận giới hạn bản thân, để nhận ra lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa, để không chỉ tha thứ đến 7 lần, mà bảy mươi lần 7. (Hosanna)

8. Mỗi lần chúng ta tha thứ thật lòng là chúng ta bắt một chiếc cầu dẫn chúng ta đi từ đất đến trời. Đúng vậy, mọi người chúng ta đều là kẻ tội lỗi, và cách duy nhất để kẻ tội lỗi có thể leo từ đất đến trời là phải qua chiếc cầu tha thứ. Nói cách khác, tiền mua bảo hiểm chắc ăn nhất để khỏi mất thiên đàng chính là tiền “tha thứ”. (Mark Link, Vision 2000)

9. ”Sai lầm là tự nhiên của con người ; tha thứ là tự nhiên của Thiên Chúa” (ĐGH Alexander).

 

Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

HÃY THA THỨ CHO NGƯỜI KHÁC

A. DẪN NHẬP                                               +++

  Không ai trong chúng ta là người hoàn toàn trong sạch trước mặt Chúa. Không ai dám tự hào nói mình không hề lỗi phạm đến Chúa. Trái lại, phải thành thực mà nói, ai cũng đã phạm đến Chúa rất nhiều, nhưng Chúa lại rộng lòng tha thứ cho sự yếu đuối của chúng ta.

  Nếu Chúa đã tha thứ cho chúng ta thì, như Chúa dạy, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa Giêsu đã nói: “Khi con đi dâng lễ vật trên bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang bất hoà với con, thì hãy để lễ vật lại, trở về làm hoà với người anh em ấy trước đã, rồi mới trở lại dâng lễ vật sau”. Đó là cách nói mạnh, nhằm khuyến khích chúng ta tha thứ cho người khác như Chúa đã tha cho chúng ta.

  Hơn nữa, nếu chúng ta có tha thứ cho người khác, thì Cha trên trời mới tha thứ cho chúng ta, đó là một điều kiện bắt buộc phải có khi chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Hc 27,30-28.7 - Ông Ben Sira, tác giả sách Huấn ca, khuyên người ta phải biết tha thứ. Ông đưa ra những lý do bênh vực cho sự tha thứ:

 - Ai báo thù phải chuốc lấy báo thù của Chúa.

 - Ai bỏ qua điều sai trái cho người khác, Chúa sẽ tha tội cho.

 - Nếu nuôi lòng oán thù thì làm sao dám xin Chúa tha thứ cho mình.

 - Hãy nghĩ đến điều sau hết, tức là cái chết, để chấm dứt hận thù.

 - Và sau cùng, hãy nghĩ đến giao ước của Chúa, tức là giao ước yêu thương, để bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

+ Bài đọc 2: Rm 14,7-9

  Thánh Phaolô nhận thấy tín hữu Rôma hay phê bình chỉ trích nhau, vì họ không có cùng một quan niệm về nhiều vấn đề, ví dụ như ăn của cúng hay là tin vào ngày tốt xấu... Ngài cho họ biết là mọi người chỉ có Đức Kitô là đối tượng duy nhất để tin theo. Chúng ta có sống hay chết cũng là sống chết cho Chúa. Cũng như chỗ khác Ngài khẳng định: Sống của tôi là Đức Kitô. Như vậy Ngài có ý khuyên: đừng để ý đến người khác, cũng đừng để ý đến mình, nhưng tất cả hãy qui chiếu vào Chúa Kitô.

+ Bài Tin mừng: Mt 18,21-35

  Ông Phêrô tỏ ra hào hiệp khi hỏi Chúa Giêsu: khi anh em xúc phạm đến mình, thì phải tha tới mấy lần ? Có đến 7 lần không ? Đối với ông, con số 7 là con số tròn đầy, con số quá lớn đối với ông, vì theo thói quen người ta chỉ “quá tam ba bận” thôi.

  Để trả lời, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn: Một ông quan nợ vua 10 ngàn nén vàng, nhưng không có gì trả, xin khất một kỳ hạn. Vua thương tha ngay, tha hết nợ cho.

  Khi ra đường, ông quan này gặp một người bạn nợ có 100 nén bạc (quá nhỏ đối với 10 ngàn nén vàng). Anh này xin khất nợ, nhưng quan không chịu, tống anh ta vào ngục cho đến khi trả hết nợ.

  Sự việc đến tai vua, nhà vua thịnh nộ ra lệnh bắt ông quan tống ngục cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng.

  Dụ ngôn trên có ý khuyên chúng ta hãy tha thứ cho anh em. vì nếu chúng ta có tha thứ cho anh em, thì Thiên Chúa mới tha cho chúng ta. Lỗi của chúng ta thì nặng nề vô cùng mà Chúa còn tha thứ cho ta, phương chi anh em chỉ lỗi đến ta có một chút, tại sao ta lại không biết tha thứ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Tha thứ thì được thứ tha

I. THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG THA THỨ

1. Trong Cựu ước

  Chính lúc đối diện với tội lỗi mà Thiên Chúa hay ghen (Xac 20,5) tỏ ra là Thiên Chúa đầy lòng tha thứ. Việc chối bỏ Thiên Chúa sau khi đã ký giao ước, đáng lý ra khiến Thiên Chúa huỷ diệt toàn dân (Xac 32,30tt), lại trở nên cơ hội để Thiên Chúa tự xưng là “Thiên Chúa dịu dàng và hay thương xót, chậm bất bình, giàu ân sủng và trung tín... dung thứ lẫm lẫn, sai phạm và tội lỗi, tuy nhiên Ngài sẽ không bỏ qua sự gì mà không sửa phạt...”

  Thế nên Maisen mới có thể yên tâm cầu nguyện với lòng tin tưởng: “Thật là một dân cứng đầu cứng cổ. Nhưng xin Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng con và cho chúng con trở thành gia nghiệp Ngài” (Xac 34,6-9).

  Xét theo khía cạnh nhân bản và pháp lý, sự tha thứ tự nó không thể biện minh được, Thiên Chúa thánh thiện đã không phải bày tỏ sự thánh thiện của Ngài bằng sự công bình của Ngài (Is 5,16) và gia phạt những ai khinh thường Ngài đó sao ? Làm sao vị hôn thê bất trung với giao ước lại có thể ỷ lại vào lòng tha thứ, khi nàng không biết xấu hổ vì mình đã gian dâm ? (Gr 3,1-5) Tuy nhiên lòng Thiên Chúa không như lòng loài người và đấng thánh không thích huỷ diệt, thay vì muốn cho tội nhân phải chết, Ngài muốn cho họ hoán cải (Ez 18,23), để có thể đổ tràn ơn tha thứ của Ngài, vì đường lối của Ngài vượt xa tư tưởng của chúng ta một trời một vực.

  Sau cùng, Thiên Chúa thực hiện ơn tha thứ một cách hoàn hảo nơi Đức Giêsu. Ngài đã tuyên bố Tin mừng cứu độ, Ngài kêu gọi hoán cải tất cả những ai cần trở lại (Lc 5,32t) và Ngài thúc đẩy họ trở lại bằng cách mạc khải cho biết Thiên Chúa là một người Cha chỉ vui khi tha thứ (Lc 15) và không muốn ai bị hư mất (Mt 18,12t).

2. Trong Tân ước

  Chúa Giêsu đến không phải phá huỷ lề luật nhưng để kiện toàn. Các lề luật trong Đạo cũ đều tốt nhưng chưa được hoàn hảo. Vì thế khi ai phạm đến ta thì người ấy trở nên kẻ thù của ta. Do đó, theo Đạo cũ, người ta không cần thương yêu kẻ thù, chỉ cần thương yêu thân nhân thôi, còn kẻ thù thì phải chịu luật công bình. Ta hãy nghe Chúa nói: “Các ngươi có nghe lời truyền rằng: hãy yêu thương thân nhân, mà ghét thù địch mình. Song Ta dạy các ngươi rằng: hãy yêu thương kẻ thù, cứ làm ơn cho kẻ ghét mình, lại cầu nguyện cho những người bắt bớ vu vạ cho ngươi nữa, để các ngươi nên con cái Cha các ngươi ở trên trời: vì Ngài cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ tốt cũng như người xấu, và làm mưa trên người chính trực cũng như kẻ bất lương”(Mt 5,43-45).

  Theo với luật yêu thương, ta thấy cần có luật tha thứ đi kèm, vì nếu không có luật tha thứ thì luật thương yêu sẽ bị giới hạn rất nhiều. Nên Chúa Giêsu đã phán: “Nếu khi nào ngươi dâng của lễ trên bàn thờ, mà ngươi sực nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, hãy để của lễ ngươi trên bàn thờ, hãy đi làm hoà cùng anh em đã, rồi ngươi mới đến dâng của lễ” (Mt 5,23-24). Hoặc chỗ khác Chúa cũng nói: “Nếu các ngươi tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ cho các ngươi” (Mt 6,14).

II. CON NGƯỜI PHẢI THA THỨ

1. Thực hiện lời Chúa dạy

  Người ta thường nói: “Quá tam ba bận”, nghĩa là chỉ tha có 3 lần thôi, quá 3 lần thì không tha nữa. Thánh Phêrô cũng theo chủ trương đó nhưng có phần rộng rãi hơn. Ông tin rằng tha thứ 7 lần đã là quá nhiều, vì số 7 là con số tối đa theo quan niệm của Kinh thánh, nói lên tính chất dư dật đúng mức.

  Vì thế, ông Phêrô mới hỏi Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, nếu anh em con lỗi phạm đến con, con phải tha cho họ mấy lần, đến 7 lần không ?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo đến 7 lần đâu, mà đế 70 lần 7” (Mt 18,21-22; Lc 17,4). Chúa bảo không tha chỉ tới 7 lần nhưng phải 70 lần 7, nghĩa là tha thứ đến 490 lần. Chúa trả lời như thế không có nghĩa chỉ tha 490 lần, rồi sang lần 491 thì không tha nữa, nhưng Chúa có ý nói rằng: phải tha luôn mãi không có giới hạn (x. Mt 18,22; Lc 17,4).

  Để quảng diễn tư tưởng ấy, Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn: một người nợ vua 10.000 nén vàng mà không có gì trả, vua đã quảng đại tha nợ cho; nhưng chính người được tha nợ lại không tha cho người bạn chỉ nợ có 100 quan tiền. Nghe được câu chuyện đó, nhà vua phải nổi cơn thịnh nộ mà phạt tên bất nhân đó.

  Để hiểu thêm số tiền nợ này cách nhau thế nào, theo các nhà chú giải Thánh kinh, thì một nén vàng tương đương 10.000 quan tiền. Vậy tên đầy tớ nợ ông chủ 60.000.000 quan tiền, một số tiền quá lớn. Trong khi người bạn chỉ mượn anh ta một số tiền là 100 quan, như thế tỷ lệ chênh lệch là 1/600.000.

  Dụ ngôn này nói lên cách đầy đủ một thực tại khác. Mặc dầu giữa những con người có những khác biệt, nhân loại vẫn có vẻ ngang hàng với nhau và những bất công gây ra cho con người không đến nỗi quá trầm trọng, nếu so với những bất công đối với Thiên Chúa. Đối với con người tất cả đều giới hạn. Dù con người có tỏ ra đòi hỏi nghiêm khắc, họ cũng chỉ cốt nhằm bảo vệ quyền lợi nên không muốn tha thứ.

  Vì thế, chúng ta nói rằng nhân danh con người, các bất công gây nên những tranh luận và kiện tụng. Nhưng nếu nhân danh Thiên Chúa và căn cứ theo ân sủng hơn là quyền lợi, con người sẽ tỏ lòng thương xót đối với anh em. Trước mặt Thiên Chúa, con người phải điều chỉnh tương quan của mình với tha nhân. Thái độ đối với Thiên Chúa sẽ xác định thái độ đối với anh em. Ngược lại, tương quan giữa con người với anh em sẽ xác định lối cư xử của họ đối với Thiên Chúa.

  Người tín hữu khi đã biết Thiên Chúa đối xử với họ tốt lành, mà còn tới gần anh em với tinh thần khắc nghiệt, họ cũng sẽ bị điều mà Đức Kitô nhấn mạnh khi tuyên bố “Cha Ta cũng đối xử như thế đối với các con, nếu các con không tha thứ cho nhau”. Lòng quảng đại của Thiên Chúa sẽ thắng vượt tính hèn kém của con người, và lòng từ ái của Ngài sẽ biến cải thái độ khắc nghiệt của họ (R. Gutwiller, Suy niệm Tin mừng Mátthêu, tập 2, tr 78).

2. Người đời và sự tha thứ

  Tha thứ không phải là một giáo thuyết xây trên không tưởng, hay chỉ dành cho những người theo giáo lý của Chúa Giêsu, mà dành cho mọi người. Có những người đã xuất hiện trước Chúa Giêsu mà họ cũng đã đề cập đến vấn đề này. Chúng ta thử rảo qua xem:

 * Nhận xét của nhân gian

  Người đời chia con người làm hai loại xung khắc nhau, đó là hiền nhân quân tử và kẻ tiểu nhân. Trong xã hội bị ảnh hưởng Nho giáo, con người hiền nhân quân tử được đề cao, coi là bậc thầy, coi như mẫu mực của con người; còn tiểu nhân là những người tầm thường, bề tôi và nếu hiểu theo tinh thần Kitô giáo, thì lại hiểu tiểu nhân là những kẻ tội lỗi. Vì thế, người đời mong ước được trở nên các hiền nhân: “Sĩ hy hiền, hiền hy thánh, thánh hy thiên”: người học mong ước trở nên hiền nhân, hiền nhân mong được trở nên thánh nhân, và thánh nhân được ví như trời.

  Những kẻ tiểu nhân, những kẻ vũ phu có những hành động vụt chạc, thiếu suy nghĩ, không cầm mình được, khi bị sỉ nhục là tuốt gươm xông đánh kẻ thù giống như trường hợp chàng Tân Ti Tụ; còn người quân tử hiếu dũng không thèm chấp nhặt những sỉ nhục ấy, họ bình thản đón nhận như không có sự gì xảy ra, lại còn đón nhận một cách vui vẻ như hiền triết Socrates. Vì thế, người đời coi tha thứ là đặc tính của bậc trượng phu, anh hùng:

Đấng trượng phu đừng thù mới đáng,

Đấng anh hùng đừng oán mới hay.

 * Chủ trương của hiền nhân quân tử

  Các hiền nhân quân tử luôn đề cao sự tha thứ, đặc biệt các vị sáng lập các tôn giáo, trong đó ta thấy có hai khuôn mặt dạy sự tha thứ nổi bật nhất là Phật Thích Ca và Đức Giêsu. Nhưng về phương diện thực hành thì Đức Kitô là một tấm gương sáng chói.

 . Nhà Nho dạy thế nào ? Trong vấn đề cư xử, học thuyết của Đức Khổng Phu Tử còn giống với luật báo oán của Cựu ước, ngài dạy học thuyết: “Dĩ trực báo oán”. Nhưng sau này, các đồ đệ của ngài muốn đi xa hơn, họ thêm vào học thuyết của ngài câu: “Dĩ đức báo oán”.

 . Ông Gandhi nói: “Luật vàng của xử thế là sự tha thứ lẫn nhau”. Chính ông đã dùng thuyết bất bạo động, để giải phóng dân tộc Ấn độ khỏi ách thống trị của người Anh.

 . Ông Tertullien nói: “Kẻ bị nhục, dùng sỉ nhục để báo thù, có khác gì người sỉ nhục họ không ? Chẳng qua là những kẻ cùng làm quấy như nhau, nhưng chỉ kẻ trước người sau mà thôi”.

 . Hiền triết Marc Aurèle nói: “Biết yêu kẻ đã xúc phạm mình, đó là hạnh phúc của quân tử. Muốn được vậy, phải biết nghĩ rằng: những kẻ ấy là họ hàng thân thích mình – Những kẻ ấy phạm lỗi, là vì không biết, chớ không phải cố ý – Những kẻ ấy rồi chẳng bao lâu cũng cùng với ta mà chết – mà thứ nhất, những kẻ ấy, không có làm thiệt hại cho mình chút nào cả, bởi họ không từng làm cho tâm tính mình hư đi được”.

 . Hiền triết Épictète có một lối suy nghĩ khác, vượt trên lối suy nghĩ của mọi người. Ông tìm cách qui lỗi vào mình và không oán giận kẻ khác nữa. Bằng cớ là nhà ông có một chiếc đèn khá quí, bị thằng ăn trộm lấy mất. Ông tự trách mình có chiếc đèn quí đã khêu gợi lòng tham của kẻ ăn trộm, chứ ông không trách lòng tham của đứa ăn trộm ấy. Ông cho rằng chính người gây ra căn cớ cho sự ăn trộm mới là đáng trách, và như vậy chính ông là thủ phạm.

Truyện: Hoàng đế Trung Hoa trả thù

  Một hoàng đế Trung Hoa nói: “Một khi chinh phục quốc gia ấy rồi, ta sẽ tiêu diệt tất cả các địch thù của ta”.

  Ông đã chinh phục nước ấy, và cả đình thần của ông chờ đợi một cuộc thảm sát địch quân. Họ mong cho những địch thủ đó sau khi bị hành hình thì đem chém đầu. Họ rất bỡ ngỡ khi thấy tất cả các địch thù ngồi ăn với vua và lại nói cười vui vẻ nữa.

  Họ tâu vua:

 - Muôn tâu hoàng thượng, hoàng thượng nói hoàng thượng sẽ tiêu diệt tất cả địch thù kia mà.

  Hoàng đế trả lời:

 - Ta đã tiêu diệt bọn họ rồi đó, tiêu diệt bằng cách tha thứ cho họ và biến họ thành những người bạn của ta (Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 166).

 * Cách trả thù hay nhất

  Có những người có tâm hồn cao thượng, họ không thèm đếm xỉa gì đến những xúc phạm người khác làm cho mình, vui vẻ đón nhận tất cả. Và cách trả thù cho người khác tức là tha thứ cho họ. Sở dĩ họ làm như thế vì họ muốn làm người trên, chứ không ngang hàng với người làm sỉ nhục họ. Khi tha thứ là mình đã đứng trên người được tha thứ.

  Ông Swift nói: “Bị người ta làm nhục mà hận, là đem cái lỗi của người mà hành hạ báo thù mình”.

  Hiền triết Marc Aurèle nói: “Không có cách nào báo thù những kẻ làm ác với mình hay bằng cách này: đừng giống họ”.

  Người ta ở đời, đối với loài người mà gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Gai góc kia có đáng gì đâu mà giận ? Xử được như thế, thì tâm hồn không phiền não, mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan.

  Mạnh Tử nói: “Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không lỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ lỡ tạt nhằm ta, ta nghĩ cho cùng thì có gì đáng giận”.

Truyện: Trọng danh dự

  Một thi hào Ý danh lừng bốn bể, ông Le Tasse, tác giả cuốn “Thành Giêrusalem được giải cứu” có thời bị bao nhiêu quân thù ganh tị âm mưu ám hại. Người ta loan tin xấu về ông. Các lời lăng mạ, vu khống đổ về ông như mưa bấc có ý cho ông ở tù. Có người thân tín cho ông biết tên đầu sỏ của vụ vu oan cáo ông đã phạm một tội nhục nhã tầy trời và yêu cầu ông phổ biến điều ấy ra để trả đũa.

  Le Tasse nghiêm trang trả lời:

 - Tôi không muốn làm mất danh dự và sinh mệnh của người ta. Tôi chỉ muốn bài trừ ở họ ý muốn hành ác thôi: đó là sự phục thù độc nhất của tôi (Hoàng Xuân Việt, Thuật sống dũng, 1970, tr 200).

  Vì thế, nhà hùng biện trứ danh nước Pháp, cha Lacordaire, đã khuyên bảo ta: “Anh muốn vui sướng trong chốc lát: cứ trả thù. Anh muốn yên ủi mãi mãi: nên tha thứ”.

III. CHÚNG TA CŨNG PHẢI THA THỨ

  Với tất cả những tư tưởng được trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng tha thứ là một điều cao thượng và cần thiết. Không những người Kitô phải biết tha thứ theo lời Chúa dạy, mà cả những người ngoại giáo cũng đã thực hiện.

  Trong bài giảng tên núi, Đức Giêsu đặc biệt lưu ý chúc phúc cho ai hiếu hoà, một cách gián tiếp Chúa bảo những kẻ hiếu hoà là kẻ biết tha thứ cho nhau, để tạo bầu không khí hòa thuận giữa mọi người (x. Mt 5,9). Còn nhiều phần thưởng được dành cho người biết tha thứ, như ta thấy có hai phần thưởng được Chúa ban trực tiếp khi ai biết tha thứ và cũng là điều kiện “sine qua non” của lời cầu nguyện:            

 . Được Chúa tha thứ tội lỗi cho (Mt 6,14-15; Mc 11,25; Lc 11,4).

 . Được Chúa nhận của lễ ta dâng (Mt 5,23-24); Mc 11,25).

  Ta còn phải tha thứ cả bề trong lẫn bề ngoài. Tha thứ cho người khác những xúc phạm đến mình, tha thứ thật trong lòng đã là một điều đáng khen ngợi, và đấy là điều kiện căn bản và khởi điểm để đi xa hơn nữa. Tha thứ bề trong mà thôi, chưa đủ, còn phải biểu lộ ra bên ngoài nữa. Tại sao lại chưa đủ ? Vì ta dựa vào lời Chúa khi Ngài nói: “Hãy để của lễ ngươi trước bàn thờ, hãy đi làm hòa cùng anh em đã, rồi ngươi mới đến dâng của lễ” (Mt 5,23-24). Chúa dạy phải đi làm hoà cùng anh em đã.

  Chữ “đi làm hoà” gợi lên trong đầu óc ta một hành động cụ thể. Chúa đòi ta phải thực hiện sự tha thứ bằng việc làm bên ngoài, nếu không thì Chúa chỉ bảo “hãy để của lễ trên bàn thờ, tha thứ cho anh em đã, rồi hãy dâng của lễ”. Như vậy ta có thể kết luận rằng: không những Chúa đòi ta tha thứ trong lòng, mà còn đòi ta phải thực hiện sự tha thứ ấy ra bên ngoài, bằng một hành động cụ thể.

  Tại sao sự tha thứ cần được biểu lộ ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể ? Sở dĩ cần có những hành động bên ngoài, vì chính những hành động ấy phá tan tình trạng lạnh lùng, khẩn trương, phá tan một cuộc chiến tranh lạnh bao trùm cuộc sống giữa hai người. Nhiều khi trong lòng đã thực sự tha thứ, nhưng vẻ lạnh lùng bên ngoài khiến người khác tưởng rằng mình không tha thứ hoặc coi như họ khinh mình.

  Văn hào Goethe đã nói: “Sự tha thứ chỉ có thể là một trạng thái trung gian. Nó phải đưa đến sự kính trọng. Tha thứ là làm nhục”.

  Và còn tệ hơn nữa, như P.J. Poulet nói: “Sự tha thứ có khi chỉ là một bộ mặt của sự trả thù”.

  Đã nhiều lần chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta có để ý đến câu này không: “Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Có lẽ chúng ta chỉ chú ý đến phần trên “và tha nợ chúng con”, mà lại bỏ quên phần sau “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Nếu trong chúng ta có sự xích mích với nhau, thì hãy tha thứ đi đã rồi hãy dâng lễ, nếu không Chúa sẽ không nhận lễ vật chúng ta dâng.

Truyện: Hoàng đế Othon tha thứ

  Dưới thời hoàng đế Othon I, các vương hầu nổi lên làm loạn nhiều lần. Đặc biệt chính bá tước Henri, em ruột của hoàng đế lại là kẻ cầm đầu quân phản loạn. Nhiều lần bị hoàng đế đánh bại, ba lần bị lên án tử hình, nhưng được ân xá nhờ lời cầu khẩn của hoàng thái hậu Mathilde. Lần thứ tư Henri lại nổi loạn, bị bắt, lại bị xử tử hình. Hoàng đế nổi giận không muốn nghe sự thỉnh cầu của bất cứ ai. Mặc dầu biết mất hết mọi hy vọng, nhưng Henri cố gắng lần cuối.

  Đó là hôm áp lễ Noel năm 945, hoàng đế và các vương hầu khanh tướng đến dự lễ tại nhà thờ chính tòa Quellimbourg. Đến phần phụng vụ Lời Chúa, bá tước Henri mặc áo nhặm xuất hiện trong nhà thờ, tiến đến và sấp mình dưới chân hoàng đế xin tha mạng, nhưng Othon nhìn bá tước nghiêm khắc và nói: “Ba lần ta đã tha chết cho ngươi, mà ngươi vẫn cố tình, đừng xin xỏ nài nỉ gì nữa, ba ngày tới đầu ngươi sẽ rơi. Đúng lúc đó vị chủ tế mở sách Phúc âm và đọc đoạn thánh Phêrô hỏi Chúa: “Lạy Thầy, con phải tha cho anh em bao nhiêu lần ? Có phải 7 lần chăng ?” Chúa đáp: “Ta không nói với con là 7 lần mà là 70 lần 7”.

  Nghe lời đó, hoàng đế rúng động tâm can đến phát khóc và không những nhà vua tha mạng cho đứa em phản loạn, mà còn ôm vào lòng rồi ban cho em lãnh thổ Bavière nữa (Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 113-114).

 

Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Mt 18,21-35

MẮC NỢ VÀ TRẢ NỢ

Các tôn giáo đều dạy người ta tha thứ cho người làm hại mình.

Trong cuốn Đạo Đức Kinh, Lão Tử dạy: “Dĩ đức báo oán.”

Phật giáo cũng đề cao lòng khoan dung để được thanh thản.

Qua dụ ngôn trên đây, Đức Kitô dạy ta phải tha thứ.

Hơn nữa, Ngài còn cho biết tại sao ta phải tha thứ cho anh em.

Không phải chỉ để oán tiêu tan hay buông bỏ phiền não,

nhưng đơn giản là vì có một tương quan bộ ba gắn bó chặt chẽ

giữa Thiên Chúa, tôi, và người anh em của tôi.

Đức Giêsu kể chuyện anh đầy tớ nợ nhà vua món tiền cực lớn.

Mười ngàn yến vàng tương đương với sáu mươi triệu ngày công.

Người ấy phải làm một trăm sáu mươi bốn ngàn năm mới trả nổi!

Chúng ta không hiểu tại sao anh lại nợ vua món tiền lớn như vậy.

Dù bán anh, bán vợ con, và toàn bộ tài sản của anh cũng chẳng đủ.

Dám hứa trả cho hết số nợ đó là một lời nói dối trơ trẽn (Mt 18,26).

Chỉ một người có thể giải quyết được vấn đề, đó là nhà vua.

Cần một tấm lòng để có thể xóa sạch món nợ trong phút chốc.

Vì chạnh lòng thương, nên nhà vua đã tha nợ và thả anh ta.

Biết đâu sau này anh lại được nhà vua trọng dụng.

Nhưng anh đầy tớ này lại không có lòng thương xót như chủ anh.

Anh không thể tha cho một đầy tớ khác của chủ,

nợ anh một món tiền chỉ bằng hơn ba tháng lương,

dù người đó đã làm y như anh: đã sấp mình, năn nỉ xin tha nợ.

Món nợ này quá nhỏ so với món nợ anh vừa được tha,

nhưng anh vẫn quyết đòi cho bằng được.

Vì không chấp nhận trì hoãn nên anh tống người bạn đó vào ngục.

Câu chuyện đến tai ông chủ, và điều bất ngờ đã xảy ra.

Ông kêu anh lại và gọi anh là “tên đầy tớ độc ác.”

Ông nổi cơn thịnh nộ và rút lại quyết định tha nợ cho anh.

Như thế, món nợ vẫn còn nguyên, và anh sẽ chẳng bao giờ trả hết.

Ông chủ cho biết lý do khiến ông nổi giận và đổi ý:

“Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta,

há ngươi lại chẳng phải thương xót bạn ngươi,

như chính Ta đã thương xót ngươi sao ?” (Mt 18,32-33).

Tội của anh đầy tớ này là tội không có lòng thương xót như chủ.

Dụ ngôn trên đây của Đức Giêsu đòi chúng ta đối xử với nhau

như chính Thiên Chúa đã đối xử với từng người chúng ta.

Tha thứ bắt nguồn từ lòng thương xót.

Tha thứ cho tha nhân được đặt nền

trên tình thương mà mỗi người cảm nhận được từ Thiên Chúa.

Càng cảm nhận mình được Chúa xót thương và tha thứ

ta càng dễ cư xử tương tự với tha nhân.

Càng biết mình đã được tha món nợ lớn

ta càng dễ tha những món nợ nhỏ của anh em.

Tất cả nền luân lý Kitô giáo mời ta bắt chước chính Thiên Chúa.

Hoàn thiện như Ngài, thương xót như Ngài (Mt 5,48; Lc 6,36),

nhân hậu với kẻ xấu và bất chính như Ngài (Mt 5,45; Lc 6,35),

kiên nhẫn với cỏ lùng như Ngài (Mt 13,29-30),

tha thứ cách quảng đại như Ngài (Mt 18,22.27).

Bài Tin Mừng hôm nay thật là một tin mừng,

vì dạy chúng ta cách để vào Nước Trời, đó là tha thứ.

Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ cho ta từ trước rồi,

vấn đề là làm sao giữ được ơn ấy cho đến ngày nhắm mắt.

Chúng ta chỉ giữ được nếu chấp nhận chuyển đi cho tha nhân.

Chuyển đi là cách duy nhất để giữ lại (Mt 6,14-15).

Đức Thánh Cha kêu gọi người ta đừng dùng tôn giáo

như phương tiện để kích động lòng thù ghét, cuồng tín cực đoan,

nhưng như con đường để diễn tả lòng bao dung tha thứ.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

đón nhận những người khác

là điều vượt quá sức con,

vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

mà yêu mến người khác

làm cho tim con đau nhói,

vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau

và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

trong những ngày khó khăn đó,

xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

tất cả chúng con đều là con cái Chúa,

và đừng để con quên lời Chúa dạy:

“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

Là làm cho chính Ta.”

(Tạp chí Prier)

Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

 Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia một trong hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Tên ấy liền bắt cô bé, lấy dao chặt hai ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy về vừa khóc, bàn tay máu chảy ròng ròng. Còn tên hung thủ vừa đi vừa la lớn: “Trả được thù rồi”.

 Ngày qua tháng lại, thấm thoắt mười mấy năm, cô gái đã có chồng con. Một hôm, có một tên ăn mày tới xin ăn. Người đàn bà nhận ra đó là kẻ chặt ngón tay mình, vội vàng trở vào nhà bảo đầy tớ đem sữa bánh ra cho ăn. Khi kẻ kia ăn no rồi, người đàn bà đưa bàn tay cụt hai ngón ra cho hắn xem và nói: “Tôi cũng đã trả được thù rồi”. Tên ăn mày xúc động khóc ngất. Riêng bà kia vì đã trở lại đạo nên hiểu rằng: “Nếu kẻ thù mình đói, hãy cho nó ăn, khát hãy cho nó uống...” (Rm 12,20) .

Hai cách trả thù: Cách của người ngoại giáo và cách của người công giáo (Trích “Phúc”).

Suy niệm

Trong nỗ lực đưa nhân loại đến với đức ái trọn hảo, Chúa Giêsu đã dạy con người phải biết tha thứ không ngừng cho nhau qua con số tha thứ bảy mươi lần bảy tức là luôn tha thứ. Chính Ngài là tấm gương sống động khi cất lời xin Cha tha thứ cho những kẻ thi hành án tử với Ngài (x. Lc 23,34).  Tấm gương tha thứ ngay lúc họ gây cho Ngài đau khổ nhất, phản chiếu khuôn mặt nhân từ như Ngài kêu gọi: “Phải có lòng nhân từ” (Lc 6,36).

Hơn nữa, tha thứ là điều kiện để chính mình được thứ tha như Ngài dạy trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con nhưng chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Sách Huấn Ca nhấn mạnh kẻ thù hận là người không có lòng yêu thương và không đáng được tha tội: “Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?”  (Hc 28,4-5). Cho nên, sách Huấn Ca đã dạy trước: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2).

Chính vì lẽ đó Chúa Giêsu kêu mời mọi người: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ... Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,36-37).

Tha thứ, khuyến khích người được thứ tha trở về với con đường chính lộ và nảy sinh tình yêu khi sống trong vòng tay nhân ái, đó là động lực để họ dấn thân trong yêu thương: Ai được tha nhiều sẽ mến nhiều, ai được tha ít sẽ mến ít (x. Lc 7,47b). Sống tha thứ là giải thoát chính chúng ta khỏi những xiềng xích của cảm xúc giận hờn đè nặng, làm cho cuộc sống được thư thái tự do, sức khỏe thăng tiến. Tha thứ làm thêm cho cuộc sống tâm linh: tiến tới đức ái trọn hảo theo gương Chúa Kitô, cũng làm cho cuộc sống thêm nhân văn: Sức khỏe được bảo vệ.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến thứ tha cũng đầy gian nan dù chỉ nói một lời tha thứ. Mỗi chúng ta có cảm nghiệm: Để đến và hòa giải được quả thật không đơn giản, nhất là những ai gây tổn thất nặng về tinh thần và thể xác. Tha thứ luôn đòi hỏi vừa có sự nỗ lực cố gắng nơi con người, vừa cần trợ giúp ân sủng đến từ Thiên Chúa, Đấng tỏa sáng gương mặt bao dung, yêu thương, chậm giận và giàu lòng xót thương.

Con sẽ cố gắng tha thứ, xin cho con được ân sủng thứ tha của Thiên Chúa ở trong con, để con có thể can đảm tha thứ cho anh em.

Ý lực sống

“Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).

Top