Câu chuyện cảm động về người cha nghèo
WGPSG -- Trên tờ báo Tuổi Trẻ và Đời Sống, số 113, ngày 30.08.2012, có đăng một câu chuyện với tựa đề: “Cái Bẫy Của Người Lớn”. Tác giả bài báo đề cập đến một người cha nghèo tên là Bạch Văn Út (34 tuổi), thường trú ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Anh đã chịu đựng nỗi đau tột cùng bởi sự ra đi của người vợ sau 8 năm chung sống. Hơn thế nữa, anh còn phải hứng chịu một tai nạn ập xuống đời mình khi hai người con trai của anh là em Bạch Hữu Phước (12 tuổi) và Bạch Hữu Lộc (8 tuổi) đã vĩnh viễn ra đi do chết chìm trong một cái hồ khi đi bắt ốc. Tác giả đã trích lại những lời nghẹn ngào của anh Út như sau: “Mỗi lần nhìn thấy đồ chơi của con, nước mắt anh lại ứa ra. Anh vẫn không tin nổi sự mất mát to lớn và quá bất ngờ này.” Quả thật, cuộc đời luôn có những éo le và đau đớn bất ngờ trớ trêu xảy đến với con người.
Bạn thân mến, câu chuyện trên đây chắc hẳn khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng xót xa. Bàng hoàng bởi cái chết quá bất ngờ của hai người con trai anh Út. Xót xa vì bây giờ anh Út không còn vợ và cũng chẳng còn con. Điều làm tôi thật sự cảm kích và xúc động khi đọc bài báo này đó chính là hình ảnh và cuộc đời của anh Út: Một người cha nghèo hết mực yêu thương con cái. Một người cha nghèo thầm lặng hy sinh chấp nhận mọi đau thương của cuộc đời. Từ những cảm nghĩ như thế, tôi chợt nhớ tới những hy sinh vất vả mà những người cha trong đời sống thường ngày đã dành cho những người con thân yêu của mình. Hơn thế nữa, những cảm thức về tình yêu thương vô bờ bến của cha khiến tôi liên hệ đến Thiên Chúa là người Cha nhân hậu và giàu lòng thương xót đối với con cái của Ngài. Vậy, những gì vừa nêu được thể hiện cụ thể như thế nào trong cuộc sống đời thường và đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu chúng ta?
Một người cha nghèo hết mực yêu thương con cái
Trước hết, tôi cảm nhận anh Út là một người cha nghèo hết mực yêu thương con cái. Tác giả bài báo nêu trên đã có những lời bình luận như sau: “Khi nhắc đến hoàn cảnh của anh Út, mọi người không khỏi xót thương. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Vì vậy, anh cũng chỉ được học đến khi biết đọc, biết viết rồi nghỉ ngang đi làm thuê kiếm sống phụ giúp gia đình… Vì hoàn cảnh khó khăn nên ba mẹ anh cắt cho miếng đất nhỏ vừa đủ cho hai vợ chồng xây căn nhà cấp bốn hơn 30 mét vuông… Nhà nghèo, lo ăn từng bữa cũng đã khó khăn khi vợ anh Út sinh bé trai đầu lòng thì cuộc sống càng trở nên chật vật hơn. Hai vợ chồng anh Út sớm hôm vất vả đi làm thuê kiếm tiền nhưng ở vùng quê nghèo, đi làm thuê cũng chỉ bữa đực, bữa cái. Vì vậy, suốt nhiều năm kinh tế gia đình anh luôn thiếu hụt.” Những lời bình luận này cho thấy rằng: Tuy nghèo khổ nhưng anh Út vẫn chu toàn trách nhiệm yêu thương và chăm sóc hai người con trai. Ngoài ra, tác giả bài báo trên đây còn viết tiếp: “Hằng ngày, anh Út phải bồng con gửi cho bà nội rồi đi làm mướn khắp nơi để kiếm tiền mua sữa cho con… Hễ cứ ai thuê cái gì gì là anh làm cái đó, không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng. Thời gian dần trôi đi, hai đứa con anh lớn lên trong vòng tay yêu thương của người cha. Dù vất vả nhưng anh Út luôn cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào về các con vì cả hai đều ngoan ngoãn, học giỏi. Thế nhưng, mọi sự đã đặt dấu chấm hết cho niềm hạnh phúc còn lại nơi cuộc đời của anh Út”.
Câu chuyện cảm động về hoàn cảnh đau thương của anh Út phải chăng làm bạn và tôi nhớ đến người cha của chúng ta và những người cha vĩ đại trong cuộc đời này? Bởi vậy, ca dao Việt Nam có câu: “Còn cha gót đỏ như son. Đến khi cha chết, gót con đen sì.” Còn Jack Baxter thì cảm nghiệm thế này: “Trên đời này có bao nhiêu chiếc lá thì bấy nhiêu lần người cha yêu con.” Quả thật, cha ít nói nhưng làm nhiều. Cha âm thầm nhưng hiệu quả trong tình yêu dành cho con cái. Tôi có một người anh có đứa con trai thật dễ thương. Bữa đó con trai anh bị cánh cửa đập vào tay. Anh nhảy lên la hét và lo lắng không biết con trai anh có bị gì không. Cái đau của con trai anh cũng là cái đau xâu xé trái tim anh. Thế nên, nhà tư tưởng Cicero đã có câu nói thật hữu lý: “Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình.”
Một người cha nghèo thầm lặng hy sinh chấp nhận và vượt qua mọi đau thương của cuộc đời
Tiếp đến, tôi cảm nhận anh Út còn là một người cha âm thầm chấp nhận mọi đau khổ. Bài báo nêu trên có đoạn viết: “Đến đầu năm 2004, người vợ lại sinh thêm một đứa con trai nữa. Chán nản với cảnh vất vả mà vẫn không đủ miếng cơm, manh áo nên người vợ trẻ quyết định khăn gói bỏ đi, vào Sài Gòn rồi lấy chồng khác khi đứa bé thứ hai mới được có 6 tháng tuổi. Dù vô cùng đau khổ nhưng anh chẳng biết làm sao để giữ vợ ở lại với gia đình. Thế là từ đó, anh Út phải sống trong cảnh “gà trống nuôi con”. Bây giờ anh Út chẳng còn ai thân yêu. Vợ bỏ. Hai con trai vĩnh viễn ra đi. Chỉ còn lại ngậm ngùi và đau xót, trống trải và cô đơn, tuyệt vọng và đau khổ. Anh Út nói trong nước mắt: “Cuộc sống của tôi là hai đứa con trai, giờ chúng mất rồi, tôi còn gì nữa đây.” Vì thế, ca dao Việt Nam có câu: "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha. "
Bạn thân mến, cuộc đời thật đau khổ biết bao đối với những ai mất cha! Cha là trụ cột gia đình. Cha vất vả hy sinh và chấp nhận mọi đau khổ vì hạnh phúc tương lai cho con cái. Thế nên, J.F.BaLde đã cảm thấu: “Khi người cha cho con, cha con cùng cười. Khi người con cho cha, cha con cùng khóc.” Vì vậy, thật hạnh phúc cho những ai được cha chăm sóc yêu thương và che chở. Điều này đã được một người con hiếu thảo cảm nghiệm thấm thía như sau: “Ba ơi, ngày trước, con đã là sức mạnh giúp ba đứng dậy… Giờ đây, ba là sức mạnh của đời con. Mỗi khi gặp phải điều chi bất hạnh và mọi thứ trong con như cũng sụp đổ, con đã luôn nói với mình rằng: Con không thể sụp đổ vì con là sức mạnh của ba! Ba đã không có được một tương lai và một cuộc đời như ba hằng mong muốn, thì con phải là tương lai và là cuộc đời của ba, có phải không ba quý yêu của con?” Đến đây, tôi chợt nhớ lại những câu ca dao Việt Nam diễn tả sâu sắc tình thương che chở của người cha: “Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn. Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con." Vậy, bạn và tôi đã có lần nào cảm thấu như thế bao giờ chưa?
Thiên Chúa là người Cha nhân hậu và giàu lòng thương xót
Cuối cùng, Chúa Giêsu dạy mỗi Kitô hữu chúng ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha. Điều này cho thấy Thiên Chúa là vị Cha chung của tất cả mọi người. Hai tiếng gọi “Lạy Cha” diễn tả Thiên Chúa thật gần gũi với cuộc đời chúng ta. Dòng chảy lịch sử cứu độ thời Cựu ước đã chứng minh Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Ngài tuyển chọn. Thiên Chúa huấn luyện dạy dỗ dân Israel. Thiên Chúa sửa trị nhưng luôn yêu thương tha thứ cho dân Israel biết sám hối quay về với Ngài. Điều này cho thấy Thiên Chúa là người Cha giàu lòng xót thương đối với con cái của Ngài. Bên cạnh đó, Tin Mừng Luca cho thấy Thiên Chúa là một người Cha nhân hậu. Ngài sẵn sàng chờ đợi, tha thứ cho đứa con hoang đàng biết sám hối ăn năn làm lại cuộc đời. Hơn thế nữa, ngay giây phút này Thiên Chúa vẫn luôn dõi mắt nhìn theo từng bước thăng trầm trong cuộc đời lữ hành của mỗi Kitô hữu chúng ta. Chúa là người Cha luôn nhân hậu với chúng ta. Chúa là người cha luôn thương xót chúng ta. Nhưng chúng ta đã sống bổn phận làm con cái Chúa như thế nào?
Ước mong sao mỗi Kitô hữu chúng ta luôn biết quay trở về với Thiên Chúa là người Cha nhân hậu và giàu lòng thương xót đối với những ai yêu mến và kính sợ Ngài. Đồng thời, chúng ta cũng biết sống tận tình hiếu thảo với Người bằng đời sống yêu thương và phục vụ vì Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
bài liên quan mới nhất
- “Hỡi Bà, này là con Bà!” - Đức Maria, Mẹ các tín hữu
-
Dạy con như thế nào? -
Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 12/2024: Vai trò của gia đình trong Giáo hội -
Bí quyết dạy con nhỏ lần chuỗi Mân Côi của Jesse và Kathleen -
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình? -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ