Các tác nhân chính trong giáo dục gia đình

Các tác nhân chính trong giáo dục gia đình

GIÁO DỤC GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO

Vào ngày 23/01/2010, tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận TP.HCM, Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh đã chia sẻ với các học viên về đề tài “Tác nhân chính trong giáo dục gia đình”.

Chương II: TÁC NHÂN CHÍNH TRONG GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ khi còn thơ ấu là một điều hết sức quan trọng, vì cách nuôi dưỡng và giáo dục mà trẻ được hấp thụ từ những giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời sẽ ảnh hưởng rất lớn cho sự phát triển của trẻ. Người cha và người mẹ - ai là người có ảnh hưởng nhiều đến trẻ? Ai là người mà trẻ có sự gắn bó nhiều hơn?  

A) Người Mẹ - Tình cảm gắn bó giữa mẹ và con:

Người mẹ có vai trò và vị trí rất đặc biệt đối với trẻ. Vì người mẹ có sự gắn bó và trải nghiệm những phản ứng, tín hiệu mà trẻ đã phát ra ngay từ những ngày đầu mang thai, giai đoạn ốm nghén, sinh con và cho con bú mớm. Những trải nghiệm đó đã tạo nên một tình cảm thiêng liêng giữa mẹ và con, tạo nên một sợi dây liên kết trực tiếp với con, nhạy cảm trước những phản ứng của con, gần gũi và gắn bó với con, đáp ứng được những nhu cầu mà trẻ đòi hỏi.

Nhu cầu được gắn bó của trẻ được xem như là một sự sinh tồn của chúng. Nhu cầu này rất quan trọng và thiết yếu cũng như nhu cầu giao tiếp và nhu cầu ăn uống vì trẻ cảm thấy được an toàn. 

Khi còn trong bào thai, trẻ cảm thấy an toàn. Khi sinh ra đời, tiếp xúc với môi trường mới lạ, trẻ hơi lo lắng và trẻ cảm thấy cần được bảo vệ. Trẻ giao tiếp với ai mà đáp ứng được các nhu cầu của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy mình được an toàn.

Nhu cầu gắn bó đó được phát xuất từ hai phía, giữa đứa trẻ và đối tượng mà trẻ giao tiếp. Thông thường, đối tượng ấy chính là người mẹ.

Tại sao lại là người mẹ? Người mẹ là người duy nhất mà trẻ đã quen từ khi còn mang thai. Vì thế, giao tiếp giữa mẹ và con là một điều hết sức tự nhiên.

Nếu tình mẹ con được xây dựng tốt từ khi còn mang thai thì đó sẽ là tiền đề tốt cho sự gắn bó tốt đẹp sau này giữa mẹ và con. Những người mẹ mang thai ngoài ý muốn, lo lắng, ít quan tâm đến con thì sự gắn bó giữa mẹ và con cũng lỏng lẻo. 

Nuôi con, đáp ứng những nhu cầu sinh học hằng ngày của con thì càng củng cố và gia tăng sự gắn bó tình cảm mẹ con. Người mẹ quan tâm đến, con đáp ứng những nhu cầu của trẻ thì trẻ sẽ phát đi những tín hiệu đòi hỏi nhu cầu đúng, nhu cầu ăn uống hay nhu cầu vệ sinh và người mẹ sẽ nhận ra những tín hiệu đó là gì và trẻ đang đòi hỏi gì.

Đối với những đứa trẻ thiếu sự quan tâm, khi trẻ phát đi những tín hiệu mà không được đáp ứng, trẻ sẽ bị bối rối và trẻ khó tiếp nhận nhu cầu của người khác khi trẻ tiếp xúc.

Trong một cuộc nghiên cứu các nhà tâm lý, chia các trẻ thành 3 nhóm sau đây:
• Nhóm 1: Người mẹ nuôi con theo phương pháp khoa học.
• Nhóm 2: Người mẹ theo sát tín hiệu của con, đáp ứng nhu cầu của con.
• Nhóm 3: Người mẹ tâm lý không ổn định, bị tác động bên ngoài làm thay đổi tính khí. Lúc thế này, lúc thế kia, không theo sát tín hiệu của con.

Sau một năm, một chuyên gia tâm lý và người mẹ của trẻ xuất hiện bên trẻ cùng lúc, người ta nhận thấy hành vi của trẻ với người mẹ trong nhóm có sự khác nhau.

• Nhóm 1: Trẻ có khoảng cách với người lạ rõ rệt, dè chừng với người lạ. Đối với người mẹ thì trẻ cũng không gắn bó nhiều và trẻ khóc rất nhiều.
• Nhóm 2: Trẻ có sự gắn bó tốt với người mẹ, cởi mở hơn với người lạ, không khóc khi không có mẹ và khi mẹ trở vào thì trẻ nín khóc rất nhanh. Trẻ cảm thấy được an toàn khi có mẹ bên cạnh.
• Nhóm 3: Trẻ có vấn đề về tâm lý, khóc vì sợ hãi khi không có mẹ, mẹ trở lại trẻ vẫn khóc nhiều vì trẻ không hiểu được mẹ như thế nào, trẻ không đặt tin tưởng nơi người mẹ, trẻ cảm thấy không an toàn ngay khi có mẹ.

Từ những nhu cầu của trẻ từ lúc sinh ra, ta hiểu thêm nhiều nhu cầu khác của trẻ khi lớn lên như: nhu cầu giao tiếp, nhu cầu chia sẻ, nhu cầu định hướng ..v…v…

Người mẹ đối với trẻ là một tác nhân chính yếu mà trẻ rất cần, để trẻ cảm thấy được an toàn khi khám phá ra thế giới chung quanh, cần cảm nhận được sự bảo đảm cho mình nơi hình ảnh của người mẹ. Khi mà trẻ cảm nhận được rằng cho dù mẹ ở đâu, mẹ cũng sẽ cho mình sự giúp đỡ khi cần thiết thì trẻ mới mạnh dạn, mới dám dấn thân để khám phá những cái mới.

Quan hệ mẹ con là quan hệ đầu tiên cho trẻ giao tiếp với người khác. Khi trẻ phát tín hiệu cần được giúp đỡ - trẻ nhận được sự đáp ứng – trẻ cảm nhận được sự yêu thương, sự an toàn nơi người mẹ. Chính sự tin tưởng mình được an toàn làm cho trẻ mạnh dạn khám phá thế giới bên ngoài.

Chỉ khi giao tiếp giữa mẹ con có sự truyền thông tốt thì từ đó mới có sự hiệp thông tốt giữa mẹ con. Nhu cầu yêu thương và được yêu thương nơi người mẹ là một nhu cầu hết sức cần thiết đối với trẻ. Từ đó, trẻ sẽ học được cách diễn đạt yêu thương và đón nhận nhu cầu yêu thương của người khác như việc đón nhận yêu thương từ những tình cảm yêu thương mà trẻ đón nhận được từ mẹ.

B) Gắn Bó và Tách Rời:

Gắn bó với mẹ là một nhu cầu cần thiết nhưng trẻ cũng cần một không gian để lớn lên, để học được những cái mới. Người mẹ cứ luôn bế con trên tay, không dám đặt con xuống đất, thì trẻ cũng khó biết đi.

Tách rời nhưng vẫn cần sự gắn bó để trẻ cảm thấy được an toàn. Người mẹ cần có những giờ phút tách rời để trẻ có không gian được phát triển.

Gắn bó và tách rời như thế nào? Tùy vào mỗi đứa trẻ mà người mẹ biết được sự gắn bó hoặc tách rời đến mức độ nào. 

C) Người Cha – Nhân Vật Thứ Ba:

Ngày xưa, không có ý niệm phụ tử. Từ khi khám phá ra hôn ước, đặc biệt là hôn ước trong Kitô giáo, người ta mới khám phá ra vai trò của người cha trong gia đình, tác động của xã hội cũng ảnh hưởng người cha trong gia đình.

Thời phong kiến quan niệm trọng nam khinh nữ cũng tác động đến tình cảm và vai trò của người cha trong gia đình.

Ngày nay, quan niệm đã khác nhiều. Quan điểm gia đình là một hệ thống tương tác giữa cha – mẹ và con cái.

Người cha là tác nhân giúp cho người mẹ phát triển tốt. Người cha và người mẹ cần có sự đồng thuận, người cha tiếp xúc với con qua người mẹ. Qua hình ảnh người cha yêu thương mẹ, người con cảm nhận được tình thương của cha dành cho mẹ, cha mẹ bổ sung cho nhau. Từ đó, người con mới cảm nhận được tình cảm và sự yêu thương nơi người cha dành cho mình. Vì tình phụ tử không tự nhiên như tình mẫu tử.

Người mẹ nên biết dành chỗ và nâng đỡ cho người cha có không gian để thiết lập mối quan hệ mật thiết với người con, tiếp xúc với con để phát triển tốt tình phụ tử.

D) Vai Trò Của Con:

Đứa trẻ là nguồn gợi hứng phần lớn trong tương tác với cha mẹ, cha mẹ hành động theo phản ứng của trẻ. Tác động sự nhận thức của cha mẹ về con cái là trung gian giữa tính cách của trẻ và hành vi của cha mẹ. Cha mẹ cần phải hiểu được động cơ nào mà trẻ dẫn đến hành động, cần phải hiểu tính cách, đặc điểm, tình cảm ra sao của từng đứa con.

Tính khí của mỗi đứa trẻ cũng ảnh hưởng nhiều đến hành vi của cha mẹ. Tùy từng giới tính, độ tuổi và ngoại hình của trẻ mà cha mẹ chọn cách giáo dục phù hợp. Có thể ôm ấp, vỗ về hoặc kiểm soát hành vi của trẻ khắt khe hơn.

Vai trò của cả cha và mẹ đều bổ sung cho nhau và cần thiết cho trẻ. Cả cha lẫn mẹ đều tạo ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý của trẻ vì cha mẹ là những người gắn bó nhất với trẻ và là tác nhân xã hội hóa đầu tiên của trẻ.

Đối với trẻ, vai trò của cha và mẹ đều khác nhau và bổ sung cho nhau. Mẹ thì chăm sóc, lưu tâm đến những phản ứng của trẻ. Cha thì tham gia vào các trò chơi, các hoạt động xã hội với trẻ.

Mối tương tác giữa cha mẹ với nhau cũng giúp cho trẻ học được cách yêu thương người khác. Cha nâng đỡ cho mẹ có khả năng hơn, mẹ tạo điều kiện cho cha gần con, trẻ sẽ học được tương tác xã hội một cách khách quan hơn.

Sự tương quan 3 người cha - mẹ - con cái là cơ hội duy nhất để giúp trẻ học và thực hành kỹ năng tương tác xã hội.

THẢO LUẬN: Cả lớp chia thành 4 nhóm cùng thảo luận đề tài:

• Kinh thánh giới thiệu cho chúng ta hình ảnh, vai trò của người cha, người mẹ và con cái như thế nào?

Vai trò của người cha theo thư Thánh Phaolô:

• Người cha có vài trò giáo dục con cái thay mặt Thiên Chúa: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” (Ep 6, 4)

• Giáo dục bằng tình yêu và trách nhiệm, để con cái được phát triển và trưởng thành: “Đừng bào giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn, hay la lối thóa mạ và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.” (Ep 4, 31) – “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl 3, 21)

Vai trò của người mẹ theo thư Thánh Phaolô:

• Người nữ được mời gọi đặc biệt trong sứ mạng truyền sinh, giáo dục con cái và xây dựng gia đình yêu thương theo hình ảnh gia đình Thánh: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh. Chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.” (Ep 5, 22 – 24).

Vai trò của người con theo thư Thánh Phaolô:

• “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là đều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ! Đó là điều thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để người được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1 – 3)

Vai trò của người con theo Sách Huấn Ca:

• Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi.
Ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng.

• Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Trí khôn người có suy giảm, con cũng hãy nể vì, đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.

• Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng.
Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính.

• Ai bỏ rơi cha mình khác nào kẻ lộng ngôn.
Ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.
(Hc 3,3. 12-16)

Đức Giê su và trẻ nhỏ: 

• Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9, 36 – 37)

• Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ rầy la chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em thì sẽ chẳng được vào”. Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. (Mc 10, 13 – 16)

Buổi thảo luận đã đưa tâm hồn của từng học viên trực diện với chính lòng mình qua những trang Kinh Thánh. Lời Chúa đã chiếu soi và tiếp sức cho mỗi học viên thêm can đảm để sửa chữa những khuyết điểm còn vướng đọng, thiếu sót nơi cuộc sống của mỗi người.

Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh thuyết trình
A.P Mặc Trầm Cung cảm nhận, ghi lại.

Top